Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2024), ngày 7-10-2024, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành uỷ Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”.

Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội.

Dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Doan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phùng Hữu Phú, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương…; lãnh đạo một số bộ, ban ngành Trung ương, một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các ban Đảng của Thành uỷ, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học; một số tổ chức quốc tế gắn bó với sự nghiệp phát triển Thủ đô; các hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khái quát những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong 70 năm qua những dấu mốc quan trọng; đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô. Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lịch sử đó có ý nghĩa vô cùng quý báu trong công cuộc phát triển Thủ đô Hà Nội hướng tới tầm nhìn mới, khát vọng mới, hiện đại và hội nhập nhưng vẫn giữ gìn bản sắc riêng cùng với cả nước trong kỷ nguyên mới, vươn mình phát triển cùng dân tộc.

Trong quản lý và phát triển, Thủ đô Hà Nội đã khẳng định rõ vị thế trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế. Đến nay, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.300 USD, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Quy mô về kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD, đóng góp 16% GDP và 19% tổng thu ngân sách của cả nước. Các giá trị văn hóa được phát huy, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng vươn lên của người dân Thủ đô. Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Với những danh xưng cao quý: “Hà Nội văn hiến và anh hùng, niềm tin và hy vọng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hoà bình”, “Thành phố sáng tạo”, Thủ đô Hà Nội ngày càng xứng đáng với sự quan tâm sâu sắc và những phần thưởng, danh hiệu cao quí nhất mà Đảng và Nhà nước trao tặng. Những thành tựu to lớn trên là cơ sở, động lực để Hà Nội tiến tới mục tiêu thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; có sức cạnh tranh cao, phát triển ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới vào năm 2030.

Hướng tới xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ một số vấn đề: Cần trân trọng giữ gìn và phát huy di sản văn hiến vô giá của Thủ đô, cũng là của đất nước mà tổ tiên cùng các thế hệ cha ông đã để lại; xây dựng Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, đáng sống, an toàn, mến khách; chủ động, tích cực đẩy mạnh, nâng tầm hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Thủ đô; quyết liệt, kiên trì xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô thống nhất, gương mẫu, thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Hội thảo đã nhận được gần 100 bài viết của các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn Thành phố. Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn, biên tập công trình Kỷ yếu Hội thảo gồm 87 bài viết, được chia thành 3 phần: Phần thứ nhất: Các vấn đề tổng quan về Thủ đô Hà Nội: Khái quát vai trò, vị trí, sứ mệnh của Thủ đô Hà Nội đối với quốc gia (7 bài); Phần thứ hai: 70 năm giải phóng Thủ đô: Thành tựu và một số bài học kinh nghiệm (23 bài); Phần thứ ba: Tầm nhìn mới, cơ hội mới phát triển Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu (47 bài).

Tại Hội thảo các nội dung thảo luận được chia làm hai phiên: Phiên thứ nhất, về những vấn đề chung; Phiên thứ hai, về các nội dung chuyên ngành, trong đó tập trung thảo luận các nội dung quan tâm ưu tiên phát triển Thủ đô Hà Nội trên các vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội, phát triển đô thị, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là ba chuyển đổi: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi kinh tế tuần hoàn. Với 12 tham luận trình bày tại Hội thảo, dưới nhiều góc nhìn khác nhau trên các lĩnh vực, các chuyên gia, các nhà khoa học đã khẳng định, phân tích, luận giải, kiến nghị làm sáng tỏ các nội dung thuộc các nhóm vấn đề như: vai trò, vị trí, sứ mệnh của Thủ đô Hà Nội đối với quốc gia, khẳng định sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ban hành các nghị quyết, chính sách, luật, cơ chế đặc thù trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô; đánh giá, khẳng định những thành tựu, ý nghĩa, những bài học kinh nghiệm trong suốt 70 năm đấu tranh, xây dựng, đổi mới và phát triển của Thủ đô Hà Nội, khẳng định Thủ đô Hà Nội có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đi trước, đi đầu trong việc thực hiện và hoàn thành sớm các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước, đóng vai trò là trung tâm, kết nối, dẫn dắt, thúc đẩy, lan toả đổi mới sáng tạo đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đặc biệt, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đã phân tích, chỉ ra bên cạnh những thuận lợi, cơ hội là những nguy cơ, thách thức, đòi hỏi Thủ đô Hà Nội phải vượt qua những thách thức, tận dụng những cơ hội để vững bước phát triển, đóng vai trò thực sự là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của vùng và của cả nước.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo quản lý và các cơ quan nghiên cứu hàng đầu trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Các ý kiến, tham luận của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phân tích, luận giải, đánh giá, làm sáng tỏ các nội dung thuộc các nhóm vấn đề, đưa ra các luận cứ, cơ sở đánh giá những thành tựu, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm lịch sử trong 70 năm đấu tranh, xây dựng, đổi mới và phát triển của Thủ đô Hà Nội; đồng thời đưa ra những thông tin mới, nhận thức mới, góp phần đề xuất giải pháp định hướng phát triển, hiện thực hóa khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, thành phố sáng tạo, kết nối toàn cầu.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong thời gian tới, Thủ đô Hà Nội cần ưu tiên tập trung vào các vấn đề: 1- Dịch vụ và kinh tế đô thị, đây được coi là trụ cột của kinh tế Hà Nội; 2- Phát triển công nghiệp văn hoá gắn với dịch vụ và du lịch hình thành ngành kinh tế mũi nhọn; 3- Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học, hóa dược, mỹ phẩm; các sản phẩm công nghệ cao, vật liệu mới; 4- Phát triển nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các mô hình nông nghiệp đô thị; 5- Phát triển giáo dục, y tế hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; 6- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng số tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số… ; 7- Giải quyết căn bản các vấn đề ô nhiễm môi trường, như ô nhiễm không khí, sông, hồ, thu gom xử lý nước thải, rác thải đô thị ; 8- Phát triển hài hoà giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội nhấn mạnh Hội thảo là cơ hội để lãnh đạo Thành phố tiếp thu những ý kiến quý báu của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị.