Ngày 1-11-2024, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức hội thảo khoa học "Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Người cán bộ lãnh đạo kiên trung, tài năng của Đảng", nhân dịp kỉ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4-11-1909 – 4-11-2024) – Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Dự và chủ trì Hội thảo có GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng chủ trì có PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; TS Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Lãng, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Hoàng Văn Thụ, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: với 35 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của Đảng bộ và nhân dân Lạng Sơn. Sinh ra trong một gia đình nông dân, dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học, trên vùng đất giàu truyền thống văn hóa, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, tư chất thông minh, sự nhạy bén về chính trị, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã sớm nhận thấy sự đúng đắn và kiên định đi theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng và dẫn dắt. Là một trong những đảng viên của thời kỳ dựng Đảng, đồng chí đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, tham gia Chi bộ đặc biệt ở Long Châu, Trung Quốc và được Đảng tin tưởng, giao trọng trách Phụ trách Ban Cán sự Đảng của tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên Xứ ủy, rồi Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách công tác dân vận, mặt trận. Ngày 24-5-1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù.
Với gần 30 bài tham luận, từ nhiều góc độ khác nhau, các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc và làm sáng tỏ về thân thế, sự nghiệp, hoạt động, cống hiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, Hội thảo đã phân tích, làm rõ ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước, được cha mẹ cho học hành và rèn luyện, tu dưỡng; được hấp thụ giá trị tốt đẹp của quê hương đã hun đúc nên nhân cách cao đẹp của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đó chính là nền tảng, là cội nguồn sức mạnh, để khi Hoàng Văn Thụ gặp lý tưởng cách mạng đã quyết định dấn thân và trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc.
Thứ hai, Hội thảo làm sáng rõ những cống hiến quan trọng của đồng chí Hoàng Văn Thụ đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn đầu thành lập Đảng.
Trong giai đoạn đầu mới thành lập Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ có những đóng góp quan trọng với việc xây dựng cơ sở Đảng, từng bước xây dựng, phục hồi và phát triển phong trào cách mạng ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các địa phương ở Bắc Kỳ.
Đầu năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ về Hà Nội, công tác tại Xứ ủy Bắc Kỳ. Là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, sau đó là Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng xây dựng đường lối, xây dựng lực lượng, góp phần đưa cách mạng vào thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh giành chính quyền. Đồng chí tham dự Hội nghị quan trọng quyết định đường lối chiến lược, sách lược của Đảng: Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 11-1940); Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941); đồng thời triệu tập, chủ trì các Hội nghị của Xứ ủy phổ biến Nghị quyết mới của Trung ương, thống nhất tư tưởng và hành động, cụ thể hóa thành nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp với phong trào đấu tranh ở các địa phương Bắc Kỳ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào cách mạng của các địa phương ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ phát triển lên một bước mới, góp phần thúc đẩy nhanh chóng điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong toàn quốc.
Thứ ba, Hội thảo nêu rõ những phẩm chất đạo đức của đồng chí Hoàng Văn Thụ, qua đó khắc họa và làm nổi bật hình ảnh của Hoàng Văn Thụ - một cán bộ lãnh đạo kiên trung, mẫu mực, tài năng của Đảng.
Với ý chí, nghị lực và niềm tin sắt đá vào cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ không quản ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng gánh vác, đi đến những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất. Là một cán bộ lãnh đạo, đồng chí luôn gương mẫu đi đầu, nêu cao ý thức chấp hành kỉ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, vận dụng sáng tạo lí luận cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên các trọng trách được Đảng tin tưởng giao phó. Thời gian bị giam cầm trong nhà tù Hoả Lò, đồng chí tỏ rõ bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung trước quân thù. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường mãi mãi là bản anh hùng ca của người cộng sản mẫu mực của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ là việc làm có ý nghĩa thiết thực thể hiện sự thành kính, tưởng nhớ, tri ân, những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; góp phần bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.
LÊ HẰNG