Ngày 5-9-2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - 75 năm xây dựng và phát triển” (1949-2024). Chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí: PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện; GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Dự Hội thảo có các đồng chí Phó Giám, nguyên Phó Giám đốc Học viện; đại diện các địa phương, nơi Học viện đặt trụ sở trong những năm đầu thành thành lập; đại diện các đơn vị trực thuộc Học viện, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Học viện và trực tuyến tại các điểm cầu thuộc các Học viên trực thuộc.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: “Cách đây 75 năm, tháng 9-1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự Lễ Khai giảng Lớp lý luận dài hạn, khóa II. Người đã ghi vào cuốn Sổ vàng của Trường lời “Huấn thị”: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Ðoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường trở thành Ngày Truyền thống của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

GS,TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh Hội thảo này nhằm làm rõ quá trình ra đời, xây dựng và phát triển cũng như những thành tựu, đóng góp của Học viện đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tri ân những cống hiến của các thế hệ lãnh đạo và những cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức và người lao động qua các thời kỳ; đúc kết những truyền thống và kinh nghiệm quý; đồng thời, đề xuất định hướng xây dựng và phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 61 bài tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Các tham luận được trình bày tại Hội thảo và các tham luận gửi tới Hội thảo đã làm rõ những nội dung sau:

Một là, làm rõ lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó mỗi bước trưởng thành của Học viện gắn liền với tiến trình của cách mạng Việt Nam: Trong những năm 1949 -1962, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho công cuộc xây dựng đất nước và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc. Từ năm 1962 đến năm 1977, với tên gọi “Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương”; nhà trường tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc XHCN và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Từ năm 1977 đến năm 1986, với tên gọi “Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc”, nhà trường tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ yêu cầu xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước. Từ năm 1986 đến năm 1993, với tên gọi “Học viện Nguyễn Ái Quốc”, Học viện tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ thời kỳ đầu đổi mới. Trong những năm 1993-2007, với tên gọi Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (2007 - 2014), Học viện phát triển mang tính hệ thống, đảm nhiệm sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng nhu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước. Từ năm 2014 đến nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hệ thống gồm: Học viện trung tâm, 4 Học viện Chính trị khu vực (I, II, III, IV) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong thời kỳ này, Học viện có sự đổi mới toàn diện, đồng bộ, sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Hai là, làm rõ những kết quả nổi bật của Học viện trong 75 năm xây dựng và phát triển. Trên lĩnh vực đào tạo - bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý,  Học viện tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, dù trong hoàn cảnh nào, Học viện luôn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng và học viên quốc tế. Chỉ tính riêng trong những năm 2014 - 2019, Học viện đã mở hơn 52.000 lớp cao cấp lý luận chính trị, hơn 4.000 lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị, với tổng số là 56.995 học viên.

Cùng với nhiệm vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Học viện còn tập trung đào tạo hệ sau đại học, với hàng nghìn học viên cao học và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Học viện đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức 12 lớp bồi dưỡng dự nguồn chiến lược Đại hội XII, XIII; các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV; bồi dưỡng Ủy viên, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; bồi dưỡng các chức danh Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các chương trình trao đổi chuyên đề dành cho cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cấp cao và cập nhật kiến thức đối với Ủy viên Trung ương, dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII và lãnh đạo chủ chốt của 63 tỉnh, thành phố, cũng như lớp trao đổi chuyên đề cho cán bộ cao cấp của Lào là sự đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, khẳng định năng lực, vị thế, uy tín của Học viện.

Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Học viện đã khẳng định rõ vị thế là trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước. Kết quả của công tác nghiên cứu khoa học, góp phần khẳng định, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội. Chỉ tính trong 10 năm (2014-2024), Học viện đã hoàn thành 279 chương trình, đề tài cấp quốc gia; 203 đề án, chương trình, đề tài cấp bộ trọng điểm; 542 đề tài cấp bộ xét chọn; 51 dự án điều tra, khảo sát; 1.835 đề tài cơ sở phân cấp và không phân cấp. Các kết quả nghiên cứu đã trực tiếp góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Từ kết quả nghiên cứu khoa học, Học viện đã gửi hơn 100 báo cáo kiến nghị cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; đóng góp nhiều luận cứ khoa học xác đáng cho việc xây dựng văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương và dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Cùng với công tác giảng dạy - đào tạo và nghiên cứu khoa học, các nhiệm khác của Học viện cũng được đổi mới theo hướng đồng bộ, hệ thống, toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong đó, hệ thống trường Chính trị tại các tỉnh, thành phố được quản lý đồng bộ, hiệu quả. Đến nay đã có 9 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 theo quy định của Trung ương, đó là trường chính trị các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Yên Bái, An Giang,Thừa Thiên Huế và Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch Đảng ngày càng được tăng cường và đi vào nề nếp. Trong cả nước đã có đã có hàng nghìn công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của các địa phương đã được biên soạn, xuất bản bảo đảm chất lượng khoa học. Hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai sâu rộng, theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Công tác báo chí, xuất bản ngày càng đổi mới, phục vụ hiệu quả hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và trao đổi học thuật, đáp ứng yêu cầu của nền báo chí hiện đại.

Những đóng góp to lớn trên của của Học viện đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1989, năm 2014); Huân chương Sao vàng (năm 1996); Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2009) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ba là, làm rõ những kinh nghiệm qua thực tiễn 75 năm xây dựng và phát triển Học viện, đó là: 1) Quán triệt và kiên định đường lối, chủ trương của Đảng trong mọi hoạt động, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; 2) Bám sát chức năng, nhiệm vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó; 3) Tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời, tranh thủ sự cộng tác, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; 4) Chú trọng xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị.

Về những định hướng xây dựng, phát triển Học viện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo và các tham luận gửi Ban Tổ chức hội thảo đã cho rằng, trong bối cảnh mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học phục vụ hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như mọi mặt công tác, để nâng cao vị thế của trường Đảng, Học viện đã xây dựng: "Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", với mục tiêu tổng quát là: "Đến năm 2030, giữ vững và phát huy vị thế trung tâm quốc gia hàng đầu về nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát triển Học viện thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận của Đảng về hệ thống chính trị; trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hiện đại, hội nhập, có vị thế xứng đáng ở khu vực và trên thế giới. Đến năm 2045, là trung tâm quốc gia có uy tín cao trong khu vực và trên thế giới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng và hệ thống chính trị; về nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; tham mưu tư vấn chính sách chiến lược cho Đảng và Nhà nước".

 


Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm