Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (1889-2024), ngày 17-9-2024, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bùi Bằng Đoàn-Người trí thức yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tài năng của Nhà nước”.
Chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí: GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng và TS Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Dự hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Sử học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội,… cùng các nhà khoa học và đại diện thân nhân gia đình cụ Bùi Bằng Đoàn.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi nêu rõ Bùi Bằng Đoàn là nhà tri thức có đức, có tài. Sau khi Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Bùi Bằng Đoàn ra giúp nước, đảm nhiệm nhiều trọng trách: thành viên Ban Cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, Trưởng Ban Thanh tra Đặc biệt của Chính phủ, thành viên sáng lập Hội Liên hiệp quốc dân, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương tản cư và di cư. Trên tất cả các cương vị được giao, Bùi Bằng Đoàn luôn tỏa sáng tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đem hết tài năng và tâm huyết, đóng góp vào việc xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước mới được thành lập thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hội thảo đã nhận được hơn 25 báo cáo tham luận của các nhà khoa học. Các tham luận đã phân tích, luận giải và làm sáng tỏ các nội dung:
Một là, khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương Ứng Hòa và của gia đình là những nhân tố quan trọng tác động đến việc hình thành nhân cách và lòng yêu nước của Bùi Bằng Đoàn. Với lòng yêu nước chân chính, từ một vị đại quan trong triều đình phong kiến nhà Nguyễn, Bùi Bằng Đoàn đã đến với cách mạng, phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì độc lập tự do cho nhân dân.
Hai là, phân tích quá trình Cụ Bùi Bằng Đoàn đến với sự nghiệp cách mạng. Gần 35 năm đảm nhiệm các chức vụ từ Tri huyện, Thượng thư Bộ Hình, thành viên Cơ mật Viện, được xếp vào hàng nhất phẩm trong triều đình nhà Nguyễn, Bùi Bằng Đoàn luôn thể hiện là vị quan chính trực, là người có đức, có tài, lo cho dân, cho nước, được người dân kính trọng, nể phục. Đó là những giá trị nền tảng để khi Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 thành công, Bùi Bằng Đoàn sẵn sàng tiếp nhận ánh sáng của thời đại mới, dưới ngọn cờ đại nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục cống hiến cho nền độc lập, thống nhất của đất nước, tự do hạnh phúc của nhân dân.
Ba là, làm rõ những cống hiến của Bùi Bằng Đoàn trên cương vị là nhà lãnh đạo tài năng của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bùi Bằng Đoàn tham gia chính quyền cách mạng và đảm trách nhiều cương vị khác nhau: thành viên Ban Cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ, thành viên sáng lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư. Bùi Bằng Đoàn đã tỏa sáng tài năng và đức độ của mình, đóng góp trên nhiều lĩnh vực vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Bốn là, làm rõ những hoạt động và cống hiên của Bùi Bằng Đoàn trên cương vị nhà lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với tài năng và uy tín của mình, ngày 6-1-1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên, Bùi Bằng Đoàn được bầu là đại biểu Quốc hội; được Quốc hội bầu làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, sau đó làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Bùi Bằng Đoàn đã cùng Ban Thường trực Quốc hội nhanh chóng triển khai công cuộc xây dựng, củng cố bộ máy nhà nước, xây dựng xã hội mới. Trong điều kiện kháng chiến, Bùi Bằng Đoàn thay mặt Quốc hội tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ, sát cánh cùng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... Đây là nét đặc sắc của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong hoàn cảnh kháng chiến, đồng thời cho thấy vai trò quan trọng của Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn trong những quyết sách của Chính phủ.
Năm là, khẳng định Bùi Bằng Đoàn là tấm gương đạo đức trong sáng, người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ cùng Chính phủ cách mạng lên Chiến khu Việt Bắc thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Khi bị ốm nặng, Bùi Bằng Đoàn vẫn luôn quan tâm đến thình hình đất nước và có những góp ý quan trọng cho Quốc hội và Chính phủ. Đối với quê hương, gia đình, dòng họ, Bùi Bằng Đoàn là người con tình nghĩa, thủy chung. Đạo đức trong sáng của Bùi Bằng Đoàn mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau noi theo.
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng khẳng định Hội thảo đã góp phần làm rõ thêm những cống hiến to lớn của Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Hằng Phương