Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và hướng tới kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève (1954-2024), thực hiện hoạt động khoa học phân cấp năm 2024, ngày 11-6-2024, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “70 năm Hội nghị Giơnevơ (1954-2024) - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”.
Dự Hội thảo có Đại tá, PGS,TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự và toàn thể câc nhà khoa học, cán bộ, viên chức Viện Lịch sử Đảng. Hội thảo do TS Lương Viết Sang và PGS,TS Trần Trọng Thơ, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chủ trì.
Hội thảo đã nhận được gần 30 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài Viện Lịch sử Đảng.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung phân tích và làm rõ thêm nhiều khía cạnh cụ thể của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như tiến trình và kết quả của Hội nghị Genève về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.
Hội thảo đã nghe Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện lịch sử quân sự tham luận về một số nội dung cốt lõi của Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như quá trình đàm phán của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève. TS Lương Viết Sang và PGS,TS Trần Trọng Thơ đã tham luận, làm rõ thêm một số khía cạnh của Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như tiến trình Hội nghị Genève. Hội thảo cũng đã nghe trên 10 ý kiến phát biểu và trao đổi của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên Viện Lịch sử Đảng xung quanh chủ đề của hội thảo. Các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất về một số vấn đề cơ bản của những sự kiện quan trọng này.
Thứ nhất, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cách đây 70 năm là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc Việt Nam. Đối với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các đại biểu đã thảo luận và làm rõ khía cạnh Tại sao có Chiến dịch Điện Biên Phủ và sự thay đổi phương châm chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Điện Biên Phủ, mặc dù không xuất hiện ngay từ đầu trong Kế hoạch Navarre, nhưng sau khi phát hiện lực lượng bộ đội chủ lực của ta cơ động lên Tây Bắc với mục tiêu mở các chiến dịch lớn ở Tây Bắc và vùng Thượng Lào, đồng thời phát hiện Việt Minh mở một con đường vận tải chiến lược từ vùng Tây Bắc sang khu vực Thượng Lào và Trung Lào, Navarre đã quyết định cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ với mục tiêu ngăn chặn những ý định này của Việt Minh. Điện Biên Phủ dần dần được xây dựng trở thành một tập đoàn cứ điểm với mục tiêu thu hút và nghiền nát lực lượng chủ lực của Việt Minh. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa quân đội viễn chinh Pháp và Quân đội nhân dân Việt Nam và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã diễn ra như chúng ta đã thấy.
Về việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, hội thảo tiếp tục khẳng định đây là một sự thay đổi phương châm hoàn toàn đúng đắn và chính xác, bảo đảm cho thắng lợi của chiến dịch. Mặc dù đoàn cố vấn Trung Quốc cũng có những đóng góp nhất định vào việc thay đổi phương châm tác chiến của chiến dịch nhưng về cơ bản đây là quyết định của Ban Chỉ huy Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Sự thay đổi phương châm tác chiến tại chiến trường Điện Biên Phủ thực chất là sự trở lại tuân thủ một cách tuyệt đối quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị đã nêu ra từ đầu năm 1953 là “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” và mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chiến dịch này phải chiến thắng, đồng thời căn cứ vào việc nghiên cứu trận địa, phát hiện thực dân Pháp đã xây dựng và củng cố Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm rất mạnh.
Thứ hai, các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận và nhất trí chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Ngày 8-5-1954, chỉ một ngày sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hội nghị Genève bắt đầu bàn về vấn đề ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Sau hơn 2 tháng rưỡi đấu tranh ngoại giao khá căng thẳng, Hội nghị Genève về Đông Dương đã ký kết hiệp định ngày 20-7-1954, ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Việc ký kết Hiệp định Genève có ý nghĩa quan trọng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Genève với những điều khoản như chúng ta đã biết, cho thấy sự phù hợp về mặt thời điểm lịch sử cũng như bối cảnh lịch sử quốc tế và trong nước tại thời điểm đó. Miền Bắc được giải phóng, tạo điều kiện cho việc xây dựng thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng Việt Nam cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Hội nghị cũng đã thảo luận và phân tích một số ý kiến cho rằng Hiệp định Genève với những điều khoản đã ký kết không phản ánh đúng thực lực giá trị của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không phản ánh đúng thế thắng của ta trên chiến trường, thắng lợi của Hiệp định Genève có phần hạn chế và chúng ta phải mất thêm 20 năm kháng chiến để hoàn thành sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Hiệp định Genève là kết quả của nghệ thuật quân sự và ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh cách mạng Việt Nam phải “lấy yếu thắng mạnh, càng đánh càng mạnh, giành thắng lợi từng bước” trước những kẻ thù lớn mạnh hơn rất nhiều trong quá trình bảo vệ nền độc lập dân tộc cũng như thống nhất đất nước. Nó là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa quan trọng của ngoại giao Việt Nam thế kỷ XX.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS Trần Trọng Thơ khẳng định ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như ý nghĩa quan trọng của Hiệp định Genève đối với việc kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Hiệp định Genève, trên thực tế, đã góp phần tôn vinh, lan tỏa và phát huy giá trị của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên trường quốc tế.
Điều đặc biệt quan trọng là Hiệp định Genève đã để lại nhiều bài học cho ngoại giao Việt Nam, nhất là bài học về tinh thần độc lập, tự chủ trong đấu tranh ngoại giao, bài học về kết hợp vừa đánh vừa đàm trong kháng chiến, bài học về nắm vững tình hình để có những đối sách, chủ trương thích hợp, nhằm giành thắng lợi cao nhất, phát huy cao nhất ý nghĩa thắng lợi quân sự trong đấu tranh ngoại giao.
Hội thảo một lần nữa khẳng định ý nghĩa giá trị của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như ý nghĩa của Hiệp định Genève trong tiến trình lịch sử Việt Nam, cung cấp cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên Viện Lịch sử Đảng những kiến thức hệ thống và chuyên sâu về sự kiện đặc biệt quan trọng này.
Nguyễn Minh