Quang Cảnh hội thảo

Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng”, ngày 4-3-2024, Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo khoa học “Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử địa phương trong trường Chính trị tỉnh và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS,TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, ThS Nguyễn Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, ThS Lê Thị Điều, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh. Dự hội thảo có lãnh đạo và các nhà khoa học Viện Lịch sử Đảng; đồng chí Ngô Chí Tuệ, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo một số phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố; các nhà khoa học; cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúcđại diện lãnh đạo, giáo viên một số trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Hội thảo đã nhận được gần 50 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lí và giáo viên trực tiếp dạy môn Lịch sử Đảng và Lịch sử dân tộc.
Phát biểu tại hội thảo, PGS,TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã cho rằng: “Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử đấu tranh cách mạng địa phương là một bộ phận quan trọng của công tác Lịch sử Đảng, có vai trò quan trọng, ý nghĩa to lớn vừa trước mắt, vừa lâu dài, nhất là trong xây dựng và phát triển con người Việt Nam hiện nay”. Đồng chí nhấn mạnh: “Thông qua việc cung cấp tri thức lịch sử cách mạng, công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ địa phương không chỉ giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đầy đủ, chính xác để tự hào hơn về một chặng đường lịch sử vẻ vang của tổ chức Đảng, của nhân dân địa phương, mà còn giúp cho mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, nhận thức sâu sắc hơn giá trị của độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội; ý thức hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với quê hương, với Tổ quốc và nhân dân, với công cuộc xây dựng và bảo vệ Đảng trong sạch vững mạnh và với các thế hệ đi trước”.
Đồng chí Ngô Chí Tuệ, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho rằng, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến tính toàn diện của công tác Lịch sử Đảng, bao gồm: Công tác sưu tầm, lưu trữ tư liệu; công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản; công tác tuyên truyền, giáo dục. Những nội dung này gắn kết chặt chẽ và bổ sung cho nhau, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác Lịch sử Đảng. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống cách mạnh có nhiều đổi so với trước đây. Qua đó đã tăng cường bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Đó cũng là cách thức để hoàn thiện nhân cách của mỗi người dân Vĩnh Phúc, phù hợp với Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 12-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, để “hội nhập” mà không “hòa tan”, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống và khát vọng của con người Vĩnh Phúc trong bối cảnh mới.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc nhận định: hội thảo đã làm sáng rõ những nội dung của công tác Lịch sử Đảng và khẳng định một số nội dung chính sau:
Một là, làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương; về tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống địa phương; làm rõ thực trạng công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ở Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là từ khi có Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Hai là, m rõ quan điểm, chủ trương của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử địa phương trên địa bàn tỉnh, những đóng góp của Trường Chính trị tỉnh vào công tác này.
Ba là, hội thảo đã nêu được nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt và những giải pháp hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống địa phương trong hệ thống các trường phổ thông.
Cũng trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn công tác Viện Lịch sử Đảng và các đại biểu dự hội thảo đã thăm quan Thư viện, Phòng Truyền thống nhà trường. Lãnh đạo Viện Lịch sử Đảng và Tạp chí lịch sử Đảng đã tặng Thư viện nhà trường một số ấn phẩm phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng.