Lợi dụng những khó khăn tạm thời trong quá trình xây dựng CNXH, các thế lực thù địch muốn xoá bỏ CNXH ở nước ta lớn tiếng tuyên bố: chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân gây nên những khó khăn trong chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam; rằng thể chế một đảng cầm quyền, về nguyên tắc, là không dân chủ, không thể thực hiện được dân chủ trong đảng và trong xã hội. Họ cho rằng, một đảng cầm quyền chính là mảnh đất cho sự nẩy nở ý thức và hành vi độc đoán, chuyên quyền, từ đó dẫn đến sự lộng hành quyền lực của bản thân đảng cầm quyền, gây mất dân chủ, rối loạn chính trị, bế tắc kinh tế, xã hội.
1. Dựa vào lý thuyết chính trị phương Tây, các lực lượng thù địch cho rằng, điều kiện của dân chủ trong một chế độ chính trị là thể chế đa đảng đối lập (ít nhất là hai đảng), vì ở đó tồn tại hai lực lượng đối trọng, tạo nên sự đối lập, các thế lực chính trị tự do cạnh tranh, đó chính là cơ chế tạo nên động lực thúc đẩy xã hội phát triển, quyền làm chủ của nhân dân mới được thực hiện. Dân chủ cũng chỉ có được trong chế độ nhà nước có tam quyền phân lập như là cơ chế đối trọng, đấu tranh, cân bằng các quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, làm điều kiện cho các thành tố xã hội thực hiện các quyền độc lập của mình.
Vấn đề mấu chốt để xác định đúng sai trong nhận định nêu trên là quan niệm xuất phát điểm: thế nào là dân chủ. Các loại lý thuyết chính trị phương Tây nêu trên coi dân chủ chính là hình thức của thể chế chính trị và chế độ, tổ chức nhà nước. Chế độ dân chủ, theo họ, thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, thể chế chính trị có tồn tại chế độ đa đảng hay không;
Thứ hai, chế độ nhà nước có phân lập các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp hay không;
Thứ ba, trong tuyển cử và hoạt động chính trị có tự do cạnh tranh hay không?
Lịch sử chính trị thế giới cho thấy, không phải cứ có thể chế chính trị đa đảng đối lập, tam quyền phân lập và tự do cạnh tranh chính trị là dân chủ, là bảo đảm và thực hiện được dân chủ?! Thực tế, các thể chế chính trị đa đảng, tam quyền phân lập theo mô hình phương Tây đâu phải làm cho các nước đó có dân chủ và thực hành được dân chủ! Ở các thể chế chính trị đa đảng của các nước phát triển phương Tây, dân chủ cũng chỉ là của giới tư bản tài phiệt, những kẻ nắm quyền lực chính trị, người dân nghèo làm gì có quyền dân chủ và thực hành dân chủ! Sự cạnh tranh tự do để nắm quyền cũng như tự do dân chủ cũng chỉ là sự đọ sức giữa các thế lực tư bản tài chính lũng đoạn. Trong khi, ở thể chế một đảng cầm quyền của Trung Quốc (dù là nhiều đảng, thực chất mấy chục năm qua vẫn là Đảng Cộng sản cầm quyền) và của Việt Nam, chế độ dân chủ vẫn được bảo đảm, dân chủ ngày càng được thực hành rộng rãi hơn, thực chất hơn.
Vậy là, bản chất dân chủ không chỉ thể hiện ở thể chế chính trị được tổ chức và vận hành như thế nào, vấn đề là nó được thực hành trong đời sống hiện thực ra sao; mọi quyền lực (chính trị, nhà nước) có thuộc về nhân dân không; nhân dân có được quyền quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống của mình theo hiến pháp, pháp luật (do nhân dân lập nên) không? Để làm chủ xã hội, nhân dân tự xây dựng nên thể chế chính trị theo mục đích và đáp ứng các quyền và lợi ích của mình. Trong thực tế, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân chỉ được thực hiện trong một chế độ xã hội với thể chế tổ chức - vận hành hợp lý nhất với bản chất dân chủ.
Đứng từ góc độ xã hội, dân chủ là một chế độ xã hội được xây dựng trên cơ sở bảo đảm cho công dân trực tiếp hoặc gián tiếp tham chính: xây dựng chủ trương, đường lối, quyết sách quốc gia; bình đẳng, tự do thể hiện chính kiến của bản thân và căn cứ vào ý kiến của đa số để đưa ra quyết định liên quan đến việc lựa chọn chế độ chính trị cho quốc gia cũng như mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của nó. Mặc dù dân chủ tồn tại, vận hành dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng nguyên tắc chung của nó bao gồm: sự tự chủ của nhân dân; thảo luận và hiệp thương trên cơ sở tự do bình đẳng; dựa vào ý kiến đa số để quyết định và bảo lưu ý kiến của thiểu số. Ý nghĩa cơ bản của dân chủ là nhân dân làm chủ - chỉ cần nhân dân làm chủ thì dù vận dụng chế độ chính trị nào, thể chế quyền lực nào, cơ chế vận hành ra sao, v.v... đều có thể coi là chế độ dân chủ. Nhân dân được thực sự làm chủ, hoạt động của đảng thể hiện ý chí và lợi ích của nhân dân - đó là điều cốt tử và tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá chế độ chính trị dân chủ và trình độ phát triển của dân chủ.
Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc; có mục tiêu, lý tưởng phù hợp với khát vọng nhân dân, dân tộc là phấn đấu cho nền dân chủ cao đẹp nhất mà loài người khát khao vươn tới - nền dân chủ XHCN. Hơn 80 năm qua, với tư cách đảng cầm quyền, Đảng đã lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nhân dân lên làm chủ đất nước, xây dựng chế độ XHCN, không ngừng nâng cao vị thế làm chủ xã hội của nhân dân. Và ngày nay nhân dân Việt Nam đã làm chủ xã hội, làm chủ mục tiêu, lý tưởng và đường lối chính trị của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện được sứ mệnh trọng đại đó là vì mục tiêu, lý tưởng, đường lối của Đảng chính là mục tiêu, lý tưởng, đường lối của nhân dân. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, và từ nhân dân, Đảng đứng lên thực hiện sứ mệnh trọng đại đó của toàn dân tộc. Đảng như thế chính là Đảng của nhân dân và vì nhân dân. Sự cầm quyền, lãnh đạo của Đảng là chính đáng. Nhiệm vụ trọng đại hiện nay của Đảng là tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để giữ vững là Đảng đạo đức, trí tuệ, văn minh của dân tộc, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, khắc phục những nguy cơ của một đảng duy nhất cầm quyền, dựa vào những nguyên tắc dân chủ, xây dựng cho được cơ chế vận hành khoa học để tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng thực hành dân chủ trong Đảng và trong toàn xã hội.
2. Để thực hành dân chủ thực sự trong điều kiện một đảng cầm quyền, trước hết Đảng cần đề cao quan điểm: dân chủ không chỉ là sinh mệnh của Đảng, mà là sinh mệnh của xã hội; không có dân chủ sẽ không có CNXH, không có công nghiệp hoá và hiện đại hoá, không có phát triển bền vững. Dân chủ trong Đảng chưa phải là mục tiêu cuối cùng của chính trị. Mục tiêu cuối cùng của chính trị không chỉ là làm chủ trong Đảng mà là dân chủ của nhân dân. Trên quan điểm nền tảng đó, Đảng xác định các phương hướng sau nhằm bảo đảm thực hành dân chủ:
- Xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh nhằm không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu vì thắng lợi của CNXH; đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và hiệu quả hệ thống chính trị, trước hết là lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo yêu cầu của nền dân chủ XHCN.
- Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đúng với tư cách nền tảng pháp lý cho Đảng và nhân dân thực hành dân chủ, ở đó sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực nhà nước cần rõ ràng, rành mạch, không chồng chéo, mà tạo ra sự hỗ trợ, tương tác, đồng thời, sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau, tạo nên hiệu lực lớn và sự vận hành hiệu quả của các cơ quan quyền lực trên cơ sở phát huy cao nhất sức mạnh nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đó cũng là cơ sở pháp lý cho Đảng hoạt động, lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, v.v... một cách dân chủ và bản thân các lĩnh vực đó cũng được thực hành dân chủ.
- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm phát triển nền kinh tế bảo đảm dân chủ và bảo đảm các điều kiện dân chủ để phát huy tối đa sức mạnh tiềm tàng của tất cả các thành phần kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Bằng bản chất dân chủ của mình, Đảng lãnh đạo công tác xây dựng đường lối, chính sách đúng với xu thế phát triển xã hội và đem lại lợi ích cao nhất cho nhân dân; xây dựng cơ chế để Nhà nước pháp quyền XHCN quản lý một cách dân chủ các quá trình thực hiện chính sách.
- Hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó, trong tình hình hiện nay, đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ thực sự khoa học, rành mạch, hiệu lực và hiệu quả để nâng cao vai trò và năng lực làm chủ của nhân dân.
- Xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là tổ chức chính trị - xã hội, liên minh các lực lượng đoàn thể nhân dân, làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các cơ quan Đảng và Nhà nước; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, chống quan liêu, tham nhũng, làm trong sạch và nâng cao phẩm chất đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, đảng viên.
3. Để thực hiện được các phương hướng nêu trên, nhằm bảo đảm cho việc thực hành dân chủ thực sự trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
- Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện phương thức cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng - đây là tiền đề quyết định cho phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa. Để hệ thống chính trị vận hành tốt, quan hệ giữa các nhánh quyền lực phải đạt tới sự cân bằng động, tức là sắp xếp hợp lý quyền lực chính trị với tiến hành hợp lý hoạt động của hệ thống. Đảng cần phải hoá giải một số nguy cơ hiện nay: quyền lực vẫn có nguy cơ tập trung; có sự chồng chéo trong thực hiện các quyền giữa các cơ quan nhà nước.
- Xử lý tốt mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Biện pháp then chốt khắc phục tình trạng bao biện, lấn sân Nhà nước, trùng lắp và chồng chéo chức năng của Đảng và Nhà nước, phải xử lý tốt mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với Nhà nước. Xử lý quan hệ này theo nguyên tắc: Đảng cầm quyền một cách khoa học, lãnh đạo một cách dân chủ, dựa vào pháp luật để cầm quyền, xây dựng phương thức và thể chế hợp lý, làm cho thể chế hoá hoà nhập với chính quyền, bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện, điều chỉnh hài hoà các mặt, Nhà nước quản lý theo pháp luật, Nhân dân làm chủ thực sự các quá trình kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, v.v.
- Mở rộng dân chủ trong Đảng - điều kiện quan trọng để thực hành dân chủ XHCN. Nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc trong đời sống chính trị về chế độ tập trung dân chủ. Tập trung trên cơ sở dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung, phát huy đầy đủ dân chủ, kiện toàn đời sống dân chủ, tăng cường tính tổ chức và kỷ luật. Nguyên tắc này cần được thực hiện đúng trong các quan hệ: lãnh đạo - chịu sự lãnh đạo, tổ chức cấp trên - tổ chức cấp dưới, giữa đảng viên với tổ chức Đảng, giữa Trung ương với các tổ chức các cấp và quần chúng đảng viên. Cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số. Quá trình đi đến phục tùng phải được thảo luận công khai, tranh luận thẳng thắn, lấy lợi ích chung làm tiêu chí. Ý kiến thiểu số phải được bảo lưu, có cơ chế xem xét nghiêm túc. Có cơ chế bảo đảm các nghị quyết là lành mạnh, đúng đắn. Tránh áp đặt ý kiến cá nhân, ngăn ngừa dân chủ cực đoan, chuyên quyền độc đoán.
- Quá trình thực hành dân chủ trong Đảng cần được thể chế hoá, quy phạm hoá, trình tự hoá. Thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ trong Đảng: tôn trọng địa vị và bảo đảm quyền dân chủ của đảng viên; đảng viên thảo luận những vấn đề trọng đại trong phạm vi nhất định, các quyết định của Đảng phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số; cơ cấu lãnh đạo các cấp đều được đề xuất từ dưới lên thông qua bầu cử; cơ quan lãnh đạo các cấp khi đưa ra quyết định phải thông qua thảo luận tập thể, cấm cá nhân chuyên quyền; mọi đảng viên phải là người giám sát đồng thời bị giám sát, thông qua trình tự dân chủ để hình thành nghị quyết; mọi tổ chức và đảng viên phải chấp hành, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng.
- Không có tuyển cử dân chủ trong Đảng thì không có dân chủ trong Đảng. Bầu cử phải bảo đảm độ minh bạch, quyền biết rõ của đảng viên, quyền tham dự, quyền lựa chọn, quyền giám sát và phạm vi tuyển cử. Đổi mới và hoàn thiện chế độ tham dự dân chủ trong Đảng: xây dựng và hoàn thiện chế độ thông báo, chế độ phản ảnh tình trạng và chế độ trưng cầu dân ý đối với các vấn đề trọng đại của Đảng; xây dựng cơ chế bảo đảm quyền lợi của đảng viên trong sinh hoạt, tham gia trực tiếp vào việc quyết định những công việc quan trọng của Đảng. Xây dựng và hoàn thiện chế độ giám sát dân chủ: bảo đảm đảng viên thực hiện đầy đủ quyền giám sát; kiện toàn trình tự và chế độ giám sát, chế độ báo cáo công tác định kỳ và chế độ làm việc liêm khiết; kiện toàn chế độ về sự kiềm chế và giám sát để đảng viên giám sát dân chủ đối với tổ chức Đảng; giám sát của Ban Chấp hành đối với Thường vụ Ban Chấp hành, của Đại hội đại biểu Đảng đối với Ban Chấp hành Trung ương của Đảng; v.v.
- Năng lực lãnh đạo của Đảng là điều kiện quan trọng của việc phát huy thực hành dân chủ. Đảng cầm quyền phải giỏi xây dựng chiến lược, sách lược và bố trí xây dựng dân chủ: Đảng phải đứng ở tầm cao hơn, nghĩ sâu hơn, có tầm hoạch định toàn cục, quy hoạch hợp lý, bố trí cụ thể. Đối với mục tiêu phát triển trung và dài hạn, nhiệm vụ ngắn hạn, phương pháp thao tác và các bước đi cụ thể... đều phải có quy hoạch cụ thể và chính xác theo tính tiệm tiến; về phương thức lãnh đạo và phương thức chấp chính, về chế độ đại hội đại biểu nhân dân và chế độ lãnh đạo, về sự hợp tác và hiệp thương các thành viên hệ thống chính trị, về phát triển dân chủ với duy trì sự ổn định.
- Đổi mới thể chế hành chính, từng bước chuyển biến chức năng chính phủ, cải tiến phương thức quản lý, đẩy mạnh việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả hành chính, hình thành thể chế quản lý hành chính có quy phạm hành động, điều hoà năng động, công bằng, minh bạch, liêm khiết với hiệu quả cao.
- Hoàn thiện cơ chế sử dụng cán bộ theo nguyên tắc “có lên có xuống”, bảo đảm nguyên tắc “tạo sức sống mạnh mẽ và lâu bền” về đội ngũ cán bộ, tạo ra môi trường sử dụng cán bộ công khai, bình đẳng, cạnh tranh, lựa chọn người hiền tài thực sự đúng đắn và hiệu quả. Có cơ chế, chính sách hữu hiệu đối với công tác tuyển chọn người tài nhằm thu hút được nhiều người tài vào các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, làm cho Đảng, Nhà nước ngày một mạnh mẽ thêm.
- Xây dựng cơ chế vận hành quyền lực có kết cấu hợp lý, sắp xếp khoa học, trình tự chặt chẽ, kiềm chế có hiệu quả. Đây không chỉ là điều kiện để bộ máy của Đảng và Nhà nước vận hành và hoạt động hiệu lực và hiệu quả, mà cũng là những biện pháp căn bản để ngăn chặn nạn quan liêu tham nhũng, những tiêu cực, tệ nạn, sai phạm trong Đảng, trong Nhà nước, trong xã hội.
- Cơ quan quyết sách các cấp phải hoàn thiện quy tắc và trình tự quyết sách trọng đại, xây dựng chế độ phản hồi ý kiến nhân dân, chế độ giải trình và đối thoại về các vấn đề quan trọng của xã hội; hoàn thiện chế độ tư vấn, chuyên gia, thực hành chế độ tranh luận và chế độ trách nhiệm trong quyết sách, ngăn chặn tình trạng quyết sách tuỳ tiện, kém hiệu quả.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 6/2014