Tóm tắt: Nằm ở phía Nam Tây Nguyên, nơi đan xen cộng cư giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để xuyên tạc, phủ nhận thành quả của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo thực thi chính sách dân tộc. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn và vạch rõ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc của Đảng nói chung, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng là cần thiết.

Từ khóa: Đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; chính sách dân tộc; tỉnh Lâm Đồng.

1. Nhận diện những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng là vùng đất cư trú của 47 dân tộc. Đây vốn dĩ là địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên; quá trình di dân từ nơi khác đến đã tạo nên sự cộng cư giữa khối các DTTS tại chỗ và khối cư dân mới nhập cư (gồm người Kinh và các DTTS ở những vùng miền khác). Đồng bào DTTS có tỉ lệ khá đông, gồm 77.917 hộ với 338.318 người, chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh; trong đó, đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên có 223.616 người, chiếm 17,0% dân số toàn tỉnh1. Một số DTTS có dân số đông như: Cơ ho 175.531 người (13,54%); Mạ 38.523 người (2,97%); Chu ru 22.475 người (1,73%); Nùng 24.423 người (1,88%); Tày 20.248 người (1,56%); Hoa 13.788 người (1,06%); Mơ nông 10.517 người (0,81%)2; cư trú chủ yếu tại các huyện: Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương…

Trong một thời gian khá dài, nhất là sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng trở thành địa bàn hoạt động mạnh, sâu, rộng của Fulro- một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm, chủ trương đấu tranh đòi ly khai vùng Tây Nguyên khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trải qua một quá trình đấu tranh quyết liệt, bền bỉ với nhiều hy sinh mất mát của chính quyền và nhân dân, đến năm 1987, Lâm Đồng đã giải quyết về cơ bản vấn đề Fulro trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào sự suy yếu và tan rã của tổ chức Fulro vào tháng 12-1992. Tuy nhiên, hiện nay, tàn dư của Fulro ở nước ngoài như: “Hội những người miền núi” (MFI); “Nhân quyền người Thượng” (MHRO); “Người Thượng thống nhất” (UMP)... vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; thành lập nhà nước “Đề ga độc lập” do Ksor Kơk cầm đầu, tuyên truyền, lôi kéo đồng bào Tây Nguyên bằng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi, thâm độc, triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để liên lạc, lôi kéo, kích động đồng bào biểu tình, khiếu kiện, thậm chí bạo loạn vũ trang, tiêu biểu là sự kiện biểu tình năm 2001, 2004, 2008; vụ khủng bố tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk năm 2023.

Đối với địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đáng chú ý nhất là sự kiện kích động người dân, phần lớn là đồng bào DTTS Cơ ho biểu tình phản đối dự án hồ chứa nước Ta Hoét tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng vào đầu năm 2023. Sự móc nối, liên kết giữa các tổ chức tàn dư Fulro với các trang mạng phản động như RFA, Việt Tân, Người Thượng vì công lý, BBC News tiếng Việt… đã tạo nên một làn sóng dư luận độc hại, tuyên truyền, xuyên tạc một cách trắng trợn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác dân tộc; gây chia rẽ giữa đồng bào Kinh và đồng bào DTTS, giữa đồng bào có đạo và không có đạo… Mục đích của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước làm suy giảm vị thế, vai trò của Đảng, Nhà nước trong lòng nhân dân, tiến tới bạo loạn lật đổ. Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, dựa vào lịch sử vùng đất Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng) vốn dĩ ban đầu là địa bàn cư trú của người DTTS tại chỗ như Cơ ho, Mạ, Chu ru, Mơ nông, Raglai, Stiêng…, các thế lực thù địch đã đẩy mạnh tuyên truyền luận điệu sai trái chia rẽ đồng bào DTTS và dân tộc Kinh, như: “đất Tây Nguyên là của người Thượng”, kích động người DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên “đuổi người Kinh về đồng bằng” vì “người Kinh cướp đất của đồng bào trên chính quê hương của mình”…; xúi giục họ đòi quyền tự quyết, tự quản, đòi ly khai, tự trị với khẩu hiệu quen thuộc: “Chính quyền cộng sản Việt Nam hãy trả lại tự do cho 350 sắc tộc chúng tôi”. Luận điệu này đồng nghĩa với việc quy chụp Đảng và Nhà nước Việt Nam  đang thực hiện chính sách nô dịch đối với đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, kích động tư tưởng ly khai, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tuyên truyền, phủ nhận những thành tựu đã đạt được của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, sử dụng các trang tin phản động để đưa tin bài với nội dung xuyên tạc sự thật về đời sống của đồng bào, lấy dẫn chứng một bộ phận cư dân người DTTS gốc Tây Nguyên còn nghèo, khó khăn để quy chụp cho rằng các dân tộc này ở Lâm Đồng vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn, trong khi người Kinh và các dân tộc từ nơi khác đến có cuộc sống ổn định, sung túc hơn; từ đó phê phán Đảng, chính quyền phân biệt đối xử, thiếu quan tâm đến đời sống của đồng bào Thượng, thiếu khách quan, công bằng, ưu ái, hỗ trợ cho khối cư dân nhập cư để lấn át, thu hẹp địa bàn cư trú và đất đai canh tác của người tại chỗ, khiến họ lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Thứ ba, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc: “Chính quyền cướp đất của người dân”. Đây là luận điệu không mới nhưng được chúng thường xuyên sử dụng tại các điểm nóng liên quan đến vấn đề đất đai khi triển khai các dự án, thể hiện rõ nhất trong dự án hồ chứa nước Ta Hoét. Lợi dụng một số hạn chế, thiếu sót của các cấp chính quyền trong việc cung cấp chưa rõ ràng, cụ thể thông tin về dự án cho người dân, khiến họ vẫn còn băn khoăn, lo lắng về vấn đề bồi thường, tái định cư…; các thế lực thù địch đã dựa vào kẽ hở này để khoét sâu, nới rộng, thêu dệt, tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc như: “Người dân tộc ở thôn K’Rèn bị chính quyền địa phương cướp đất”; “Người Thượng sắc tộc Cơ ho ở Tây Nguyên bị cướp đất”… Chúng xuyên tạc, vu khống dự án này thực chất nhằm “cướp đất” của người DTTS, giao cho một số doanh nghiệp phục vụ lợi ích nhóm, khiến cho người DTTS không có đất canh tác và tái định cư, hoàn cảnh kinh tế rơi vào bế tắc.

Thứ tư, vu khống chính quyền địa phương đàn áp người dân, vi phạm nhân quyền. Lợi dụng bản tính thật thà, chất phác của đồng bào, các thế lực thù địch đã kích động họ biểu tình phản đối dự án hồ chứa nước Ta Hoét ngay trong ngày lễ khởi công (20-2-2023). Cảnh sát cơ động đến để giữ gìn an ninh trật tự; thế nhưng các thế lực thù địch đã lan truyền thông tin xuyên tạc, vu khống, cường điệu hóa sự việc, vu khống chính quyền đàn áp nhân dân. Những luận điệu trên là xuyên tạc, phiến diện, không đúng sự thật.

Với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc trên nhiều khía cạnh nhạy cảm như lịch sử, dân tộc, đất đai… tuyên truyền thường xuyên, liên tục, cài cắm các phần tử phản động trong địa bàn dân cư để phát hiện những nơi có khả năng tạo ra điểm nóng nhằm kích động người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS biểu tình chống phá Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.

2. Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ cấp thiết của hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Lâm Đồng, được thể hiện qua các nội dung cơ bản:

Thứ nhất, luận điệu “đất Tây Nguyên là của người Thượng” là một sự xuyên tạc trắng trợn. Việc di dân là một quá trình tự nhiên, một dòng chảy không ngừng của nhân loại. Trong lịch sử, tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận cư dân từ 3 đợt di cư lớn (đợt 1: đầu thế kỷ XX, đợt 2: sau tháng 7-1954, đợt 3: sau 30-4-1975). Sự góp mặt của người Kinh và các dân tộc đến từ những vùng miền khác đã mang lại cho tỉnh Lâm Đồng một nguồn lao động dồi dào, góp phần khai phá các vùng đất đai rộng lớn, trù phú nhưng hoang sơ; xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Lịch sử hình thành và phát triển của Lâm Đồng là một minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, giao lưu giữa các dân tộc. Đây là quê hương chung của nhiều dân tộc, dù là dân tộc tại chỗ hay dân tộc di cư, dân tộc thiểu số hay đa số, họ đã cùng nhau sinh sống, lao động, đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng nên một cộng đồng đa dân tộc cùng bức tranh văn hóa mang nét đặc trưng riêng biệt của tỉnh Lâm Đồng. Mặt khác, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS; đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết và tôn trọng giữa các dân tộc. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI (2020) Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã chỉ rõ: “Chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số;… chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”3. Những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ người Thượng và người Kinh không chỉ làm tổn hại đến tình đoàn kết giữa các dân tộc mà còn cản trở sự phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng. Chúng ta cần tỉnh táo trước những âm mưu này, chung tay bảo vệ sự đoàn kết dân tộc, xây dựng tỉnh Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thứ hai, những thành tựu to lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong việc xây dựng và phát triển vùng đồng bào DTTS là luận cứ thực tiễn cực kỳ vững chắc và thuyết phục để đấu tranh phản bác lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân tộc, những năm qua, trên cơ sở quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc (đặc biệt là chủ trương phát triển vùng DTTS), Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, kết luận về đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS, điển hình như: Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 20-11-2001 của Tỉnh ủy “Về đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ 2001 - 2005”; Nghị quyết số 19-NQ/TU về “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW (khóa IX) về công tác dân tộc” (Nghị quyết 24-NQ/TW); Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về tập trung nguồn lực, tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010”; Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 8-10-2018 của Tỉnh ủy “Về phát triển vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 3-6-2022 của Tỉnh ủy “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030”… Sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các DTTS đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác phát triển vùng DTTS, mang lại nhiều thành quả và lợi ích thiết thực cho đồng bào, cụ thể:

Các chương trình, chính sách đầu tư vùng đồng bào DTTS, nhất là nơi đặc biệt khó khăn đã góp phần phát triển toàn diện, thay đổi diện mạo vùng nông thôn DTTS. Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng từng vùng và tập quán canh tác của đồng bào; một bộ phận người DTTS ở các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng... được sự hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền đã mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: tái canh cà phê giống mới sản lượng cao, trồng bơ ghép, sầu riêng ghép, mắc ca, bắp lai, giống lúa cao sản; giống bò lai, bò sữa, dê, heo... để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Từ những mô hình kinh tế hiệu quả, đồng bào DTTS đã biết cách làm ăn, hạn chế tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, góp phần giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, giữa các khu vực…

Công tác giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội được chú trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm nhanh, đến cuối năm 2021 giảm còn 8,55% (6.739 hộ, theo tiêu chí mới); đến cuối năm 2023 giảm còn 3,24% (2.642 hộ); hộ cận nghèo là 5,51% (4.483 hộ). Thu nhập bình quân đạt 44,94 triệu đồng/hộ (tăng 20% so với năm 2022). 75/77 xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do được các địa phương triển khai thực hiện (triển khai 7 dự án, quy mô bố trí ổn định 1.411 hộ với tổng nguồn vốn 515 tỷ đồng), tạo thuận lợi cho các hộ dân được cấp hộ khẩu, đăng ký tạm trú để hưởng các chính sách an sinh xã hội; hạ tầng đường giao thông, kiên cố hóa trường lớp học, công trình y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống cấp nước sinh hoạt, điện chiếu sáng vùng DTTS được triển khai đầu tư; tiếp tục thực hiện chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng với trên 12.458 hộ đồng bào DTTS được hưởng lợi4.

Học Trường THCS Ninh Loan, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng được tiếp cận với công nghệ thông tin

Những thành quả đạt được của tỉnh Lâm Đồng trong việc phát triển toàn diện vùng DTTS đã nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như cả nước. Đây được xem là giải pháp trọng yếu để đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS vào sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc.

Thứ ba, dự án hồ chứa nước Ta Hoét là công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 7 thông qua; được Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương5. Công trình khi hoàn thành sẽ giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của địa phương: ngăn lũ từ thượng nguồn; tích nước phục vụ sinh hoạt cho trên 65.000 hộ dân và phục vụ tưới cho 2.580 ha đất canh tác trên một số địa bàn của huyện Đức Trọng; đồng thời kết hợp cải tạo cảnh quan, môi sinh, môi trường… Như vậy, dự án hồ chứa nước Ta Hoét là công trình phục vụ lợi ích của cộng đồng, được triển khai thực hiện đúng trình tự thủ tục pháp lý, không có việc xây dựng hồ để phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích của doanh nghiệp. Các vấn đề về bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định canh, đào tạo nghề, ổn định cuộc sống… của người dân thôn K’Rèn được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt chú trọng và chỉ đạo triển khai thực hiện một cách công khai, minh bạch, đặc biệt là trong vấn đề bồi thường đất đai, bảo đảm các quy định hiện hành, đồng thời tiếp thu kiến nghị của người dân thôn K’Rèn để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tái thiết cuộc sống của bà con sau khi thu hồi đất. Qua đó, người dân dần hiểu rõ được tầm quan trọng của hồ chứa nước Ta Hoét, những hộ dân chấp thuận nhận bồi thường đã được cấp sổ đỏ ở khu tái định canh mới, gồm: khu vực đất công ích 5% tại Lô 30, thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, có diện tích khoảng 11,419 ha và khu vực đất đồi Trung Hiệp, tiểu khu 277A, xã Hiệp An, có diện tích khoảng 17,4 ha. Hạ tầng khu tái định canh đang dần hoàn thiện, các hộ dân đã bắt đầu sản xuất trên vùng đất mới, cuộc sống dần ổn định. Thực tế nêu trên là cơ sở để đập tan luận điệu xuyên tạc: “Người dân tộc ở thôn K’Rèn bị chính quyền địa phương cướp đất” của các thế lực phản động, thù địch. Việc người dân thôn K’Rèn tập trung đông người gây rối, làm mất trật tự trị an trong Lễ khởi công Dự án hồ chứa nước Ta Hoét là trái với quy định của pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở tỉnh Lâm Đồng cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tăng cường vai trò chủ thể của đồng bào DTTS. Phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời nâng cao vai trò của đồng bào DTTS trong tham gia công tác quản lý nhà nước về dân tộc.

Hai là, đảm bảo bình đẳng về cơ hội. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS tiếp cận các dịch vụ công, giáo dục, y tế, văn hóa. Hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu; hỗ trợ sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật; phát triển các ngành du lịch sinh thái; thực hiện giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho đồng bào DTTS.

Ba là, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS; bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ nghệ nhân, làng nghề trong việc lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi dân tộc. Tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa đặc trưng, đa dạng, thống nhất.

Bố là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong vùng DTTS. Nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc. Giáo dục lịch sử, văn hóa, phê phán các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; đồng thời làm tốt công tác thông tin, đối ngoại, cung cấp thông tin chính xác, cụ thể, giới thiệu thành tựu đã đạt được của cư dân đồng bào DTTS; tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về công tác dân tộc; trên cơ sở đó dư luận thế giới sẽ có cái nhìn khách quan và đánh giá đúng về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác dân tộc, góp phần đập tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc ở Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng.

Năm là, có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tuyên truyền thông tin sai trái, xuyên tạc. Tăng cường an ninh mạng, phát hiện, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội có nội dung xấu độc. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành chức năng; phát huy mạnh mẽ vai trò của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, hợp tác với các tổ chức xã hội trong hoạt động vận động, tuyên truyền, giáo dục, thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện và điều chỉnh cho phù hợp, cụ thể hóa các giải pháp thành chương trình, dự án cụ thể và triển khai nhanh chóng, kịp thời, mang lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc.

Sự chuyển biến tích cực trong đời sống của đồng bào DTTS ở tỉnh Lâm Đồng là minh chứng điển hình cho sự vận dụng đúng đắn, phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được chăm lo, cải thiện và nâng cao là cơ sở để đồng bào ổn định cuộc sống, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Đó cũng chính là nền tảng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân liên kết thành một thế trận vững chắc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; có điểm tựa cả về lý luận và thực tiễn để đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, bảo vệ vững chắc CNXH và con đường đi lên CNXH.

 

Ngày nhận bài: 24-12-2024; ngày thẩm định: 21-2-2-2025; ngày duyệt đăng:18-3-2025

1. Ban Dân tộc: “Báo cáo Tổng kết công tác dân tộc năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024”, số 730/BC-BDT, ngày 24-11-2023

2. Ban Dân tộc: “Báo cáo tham luận, Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, số 54/BC-BDT, ngày 23-1-2024

3. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr. 47

4. Tỉnh uỷ Lâm Đồng: Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 3-6-2022 “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030”, tr. 1; Ban Dân tộc: “Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, số 54/BC-BDT, ngày 23-1-2024

5. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1145/QĐ-TTg, ngày 29-7-2020 về “Về việc điều chỉnh, giao bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương”, nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Quyet-dinh-1145-QD-TTg-2020-dieu-chinh-ke-hoach-dau-tu-trung-han-von-ngan-sach-trung-uong-Son-La-448823.aspx

6. Chính phủ: Nghị định số 38/2005/NĐ-CP, ngày 18-3-2005, “Quy định. Một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”, nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-38-2005-ND-CP-bien-phap-bao-dam-trat-tu-cong-cong-52936.aspx

7. Quốc hội: Luật Cảnh sát cơ động, số 04/2022/QH15, nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Canh-sat-co-dong-2022-477977.aspx.