Tóm tắt: Trong lịch sử cách mạng từ khi có Đảng, được ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, vững bước dưới ngọn cờ của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã vững vàng vượt qua thử thách, trui rèn trong gian khổ, có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trong đội ngũ trùng điệp đó, đặc biệt phải kể đến các thế hệ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, với những cống hiến không chỉ trên phương diện lý luận, chỉ đạo thực tiễn, mà đó là những tấm gương đạo đức sáng ngời, kiên trung, dâng hiến trọn đời cho lý tưởng cách mạng, không quản ngại gian khổ, hy sinh vì nền độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình thế giới, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả; được nhân dân mãi mãi khắc ghi, tưởng nhớ và tri ân. Qua đó, để lại bài học giá trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay.

Từ khóa: Cống hiến; lãnh đạo tiền bối; bài học; nêu gương

1. Cống hiến xuất sắc của các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, “đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng”

Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng, dẫn dắt Đảng, nhân dân ta làm nên những thắng lợi vẻ vang, người làm “rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta”. Hồ Chí Minh vĩ đại bởi tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của non sông, đất nước, của dân tộc Việt Nam và hơn thế nữa, sự vĩ đại còn bởi Người luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cho Đảng, đào luyện, bồi dưỡng, hình thành nên lớp lớp cán bộ, những học trò đức độ, tài năng xuất sắc, trong số đó phải kể đến lớp cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng1.

Chặng đường 90 vẻ vang kể từ ngày có Đảng (1930-2020), đặc biệt ở thời kỳ đấu tranh cách mạng giành độc lập, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của các lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu là các đồng chí đã giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng từ năm 1945 về trước, có công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tiếng thơm của các đồng chí muôn đời lưu truyền, sử sách ghi danh. Những lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đã để lại tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, tấm gương sáng ngời sẽ sống mãi với non sông Việt Nam. Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, luôn tự hào, nguyện xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc lãnh đạo tiền bối.

 Trong diễn văn đọc tại Đại hội II (2-1951) của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay.

Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”2.

Đồng chí Trần Phú (1904-1931)3 là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, là Tổng Bí thư đầu tiên của Ðảng. Trần Phú là một lãnh tụ có những cống hiến to lớn cho Ðảng, cho cách mạng Việt Nam, ngay trong buổi đầu đầy khó khăn, khi Ðảng còn đang trong thời kỳ trứng nước. Đồng chí là người soạn thảo Luận cương Chính trị của Đảng thông qua Hội nghị lần thứ nhất, tháng 10-1930; đóng góp những lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Câu nói trước khi mất của Tổng Bí thư Trần Phú, dặn lại các đồng chí của mình: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, đã trở thành một thứ vũ khí tinh thần, khích lệ các thế hệ Việt Nam yêu nước vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách, kể cả hy sinh trên con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

Đồng chí Lê Hồng Phong (1902-1942), là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, là Tổng Bí thư của Đảng, một chiến sĩ cộng sản quốc tế tiêu biểu mẫu mực, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội lần thứ I của Đảng diễn ra tại Ma Cao (Trung Quốc), tháng 3-1935. Tháng 7-1935, đồng chí đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII và được cử làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Trên cương vị đứng đầu Ban Chỉ huy ở ngoài, Ủy viên Ban Chấp hành quốc tế cộng sản, Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã có đóng góp đáng kể cho phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, góp phần quan trọng trong khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào quần chúng, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới, chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng (năm 1935) và sau đó là cao trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ, những năm 1936-1939. Cuộc đời hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng và nhân dân của đồng chí Lê Hồng Phong để lại cho chúng ta một tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng4. Trước khi trút hơi thở cuối cùng (ngày 6- 9-1942), đồng chí đã gắng nói to lên nhắn với đồng chí ở lại: “Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”5. Cuộc đời hoạt động của Lê Hồng Phong là biểu tượng cho lòng trung thành, ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản, chiến sĩ quốc tế mẫu mực.

Đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941), là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, là Tổng bí thư của Đảng, nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Tháng 7-1936, đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Hồng Phong. Một trong những cống hiến lớn nhất, quan trọng nhất của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là đã khôi phục tổ chức Đảng và phong trào quần chúng, góp phần tạo cơ sở, tiền đề đưa cách mạng giải phóng dân tộc tiếp tục tiến lên. Là Tổng Bí thư ở những năm Đảng gặp khó khăn nhất, là nhà lý luận, Hà Huy Tập không những phải đấu tranh trực diện với kẻ thù, mà còn đấu tranh với những sai trái nảy sinh trong nội bộ. Đồng chí Hà Huy Tập viết sách báo giải thích chính sách mới của Đảng, vạch mặt bọn Tơrôtxkít phản cách mạng. Đồng chí Hà Huy Tập nêu tấm gương trung thành, sống có nguyên tắc, có bản lĩnh, luôn tìm tòi sáng tạo, một lòng một dạ chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cao cả của Đảng, của cách mạng. Đồng chí Hà Huy Tập-người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Khi bị bắt, bị kẻ thù xử án, trước toà, đồng chí Hà Huy Tập đã trả lời: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động!”.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912-1941), là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, là Tổng Bí thư của Đảng,Tổng Bí thư có tuổi đời trẻ nhất, là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, chí công vô tư “tự chỉ trích” trên tinh thần cộng sản cao cả. Tháng 3-1938, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất dân chủ. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư  thay đồng chí Hà Huy Tập. Đồng chí chú trọng việc thành lập Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương, trực tiếp chỉ đạo báo chí công khai của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện rõ là nhà lý luận xuất sắc, nhà chính trị tài năng, một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập rèn luyện và trưởng thành qua đấu tranh cách mạng. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam6. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là người đi đầu trong việc đề cao tinh thần thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng thể hiện thông qua tác phẩm Tự chỉ trích, viết vào tháng 7 - 1939. Tác phẩm Tự chỉ trích bằng thực tiễn hoạt động phong phú, đã khái quát được những vấn đề tư tưởng lý luận hết sức sâu sắc mang tính thời đại cho đến nay vẫn còn giá trị. Nguyễn Văn Cừ khẳng định:“Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”7. Tác phẩm Tự chỉ trích đã thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng xuất sắc, đồng thời thể hiện chất trí tuệ sáng ngời của Đảng trong việc làm giàu thêm kho tàng lý luận học thuyết Mác-Lênin.... Tháng 11-1939, Nguyễn Văn Cừ là người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương mở đầu cho việc thay đổi chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Nguyễn Văn Cừ bị bắt (tháng 1-1940) bị địch kết án tử hình. Biết đồng chí là Tổng Bí thư của Đảng, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn, với nhiều hình thức tra tấn dã man, nhưng không khuất phục được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tấm gương hy sinh lẫm liệt của đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là niềm tự hào của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Trường-Chinh (1907-1988), là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, là Tổng Bí thư của Đảng. Từ năm 1927, đồng chí đã gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, tháng 5-1941, đồng chí Trường Chinh được cử làm Tổng bí thư của Đảng. Đồng chí chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng, ra “Chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ngay trong đêm 3-9-1945; chỉ rõ kẻ thù duy nhất, cụ thể trước mắt lúc này là phát xít Nhật. Tại Đại hội II (2-1951) của Đảng, đồng chí Trường-Chinh tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường-Chinh luôn thể hiện là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, khiêm tốn, mẫu mực, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng. Ở những thời điểm bước ngoặt quan trọng của Cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí để lại ấn dấn của nhà lãnh đạo, người đứng đầu Đảng, đặc biệt ở các thời điểm như Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng chí Trường-Chinh còn là người khởi xướng sự nghiệp đổi mới của Đảng, năm 1986.

Đồng chí Lê Duẩn (1907-1986), là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, là Tổng Bí thư của Đảng được bầu tại Đại hội IV (tháng 12-1976)-Đại hội Đảng đầu tiên của đất nước Việt Nam thống nhất cùng đi lên CNXH. Từ năm 1930, đồng chí đã là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng. Dấu ấn, vai trò lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn gắn với bản Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí soạn thảo; gắn với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí là nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, ý chí cách mạng tiến công, dám nghĩ dám làm, hết sức phục vụ Tổ quốc, vì sự nghiệp của Đảng, của cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (1915-1998), là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, là Tổng Bí thư của Đảng được bầu tại Đại hội VI (tháng 12-1986), Đại hội đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Đồng chí là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, luôn kiên định, sáng tạo, năng động, luôn nói và làm; tấm gương đạo đức trong sáng, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp của cách mạng của Đảng.

 Như vậy, trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, trong Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, mà xuất sắc nhất phải kể đến là các Tổng Bí thư của Đảng qua các thời kỳ từ năm 1930 đến năm 1975. Các đồng chí ấy đã có những đóng góp to lớn và quan trong cả lý luận và thực tiễn, đạo đức, nhân cách, các đồng chí để lại tiếng thơm cho muôn đời như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường-Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh... Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, còn ghi nhận những cống hiến to lớn, xuất sắc của các đồng chí tiền bối biêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Phùng Chí Kiên, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công.... và “trăm nghìn đồng chí khác”, anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng trọn đời cho “cây cách mạng khai hoa, kết quả tốt đẹp”.

2. “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”-Giá trị bài học về nêu gương hiện nay

Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú với những cống hiến to lớn, phẩm chất cách mạng kiên cường và tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, sáng trong như ngọc của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam mãi mãi là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, là tài sản tinh thần vô giá để mỗi chúng ta có quyền tự hào, bày tỏ tình cảm tri ân những cống hiến của đồng chí.

Tiếp nối truyền thống ăn quả nhớ người trồng cây, Đảng Nhà nước, nhân dân ta luôn ghi nhớ công ơn của các bậc tiền bối8. Truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các bậc tiền bối; qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trân trọng đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng. Có nhiều hình thức tưởng nhớ, tri ân, trong đó Bộ Chính trị ra quyết định “Sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước”9. Đặc biệt, ngày 18-2-2014, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông báo Kết luận số 88-KL/TW về “Tổ chức kỷ niệm 100 năm, tròn 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu”. Nội dung Kết luận nêu rõ: “Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước được tổ chức kỷ niệm 100 năm và tròn 100 năm ngày sinh gồm 19 đồng chí: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường-Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp (trường hợp đặc biệt), Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Lê Quang Đạo, Huỳnh Tấn Phát.

Các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu được tổ chức kỷ niệm 100 năm và tròn 100 năm ngày sinh, gồm 19 đồng chí: Tô Hiệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Phong Sắc, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Tố Hữu.

Học tập và noi gương các thế hệ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng các anh hùng liệt sĩ, cách thiết thực là, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới. Từ trong kháng chiến, Đảng đã có phương châm: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đảng viên chính là tấm gương sáng cho quần chúng học tập và noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức.

Ngày nay trong điều kiện đất nước đang trong quá trình xây dựng CNXH, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, vấn đề nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ cấp cấp cao lại càng có ý nghĩa quan trọng. Cán bộ đảng viên và nhất là các lãnh đạo càng cao thì càng phải nêu gương, phải là những công bộc thật sự lo cho dân, cho nước. Đảng xác định, biện pháp nêu gương chính là một giải pháp xây dựng Đảng. Nêu gương của cán bộ, đảng viên chính là một phương thức lãnh đạo của Đảng, là giá trị đạo đức mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thấm đẫm đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng như: Ngày 7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra QĐ số 101-QÐ/TW, Quy định “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, trong đó nêu rõ: Mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Tiếp đó, ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị ra Quy định số 55-QĐ/TW, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Quy định của Bộ Chính trị. Nêu rõ: Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện. Nghị quyết HNTƯ 4 khóa XII (10-2016) của Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết HNTƯ 7 khóa XII (5-2018) của Đảng “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ của Đảng hiện nay, chúng ta càng thấy rõ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”10. Cán bộ, đảng viên không phải chỉ đi tuyên truyền suông mà cần thật sự đi đầu, tạo sức lan toả trong nhân dân về việc nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay, ngày 25-10-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”11. Quy định nêu rõ: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”12. Quy định nêu rõ nêu gương thì tất cả cán bộ, đảng viên đều phải làm, nhưng trước hết, các lãnh đạo cao nhất phải có trách nhiệm. Quy định chặt chẽ là tất cả cán bộ, đảng viên nhưng trước hết cán bộ cấp cao phải nêu gương. Quy định nêu gương trở thành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương là bước tiến quan trọng, là bước đột phá về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

 Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (1930-2020) cũng là lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nghiên cứu cống hiến to lớn của các thế hệ lãnh đạo chủ chốt, tiền bối tiêu biểu của Đảng trong chặng đường 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng, sẽ góp phần tạo xung lực mới để mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt những người đứng đầu, thấy rõ trách nhiệm nêu gương, học tập gương sáng của lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Để sự hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ lãnh đạo tiêu biểu tiền bối của Đảng, của các anh hùng liệt sĩ mãi mãi được khắc ghi, là nguồn lực tinh thần quý, tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in), số 3/2020

1. Các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu là các đồng chí đã giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước từ năm 1945 về trước, có công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Từ năm 2002, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Quyết định, giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Giai đoạn 1, năm 2002, gồm 10 đồng chí: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng. Giai đoạn 2, năm 2009, gồm 11 đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Tần, Nguyễn Lương Bằng, Phan Đăng Lưu, Phùng Chí Kiên, Võ Văn Kiệt. Giai đoạn 3, năm 2014, gồm 7 đồng chí: Võ Chí Công, Nguyễn Hữu Thọ, Võ Nguyên Giáp, Lê Quang Đạo, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Tấn Phát. Giai đoạn 4, năm 2016, gồm 9 đồng chí: Tố Hữu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Tố Hữu. Từ năm 2015 đến năm 2018, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã rà soát và đề nghị Bộ Chính trị, bổ sung 6 đồng chí vào danh sách lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam: Năm 2015, các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị; năm 2017, đồng chí Nguyễn Chí Diểu; năm 2018, đồng chí Võ Văn Ngân và đồng chí Hoàng Đình Giong. Như vậy tính đến năm 2018, danh sách các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam là 25 đồng chí.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T.12, tr. 20-21

3.https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/8327902-.html Những cống hiến của đồng chí Trần Phú,Tổng Bí thư đầu tiên của Ðảng, cho cách mạng Việt Nam, cách mạng Ðông Dương và Ðảng ta

4. https://baonghean.vn/tong-bi-thu-le-hong-phong-tam-guong-sang-ve-dao-duc-cach-mang-143926.html.

5. Lê Hồng Phong-Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, CTQG, H, 2006, tr30

6.https://baotintuc.vn/nhan-vat-su-kien/tong-bi-thu-nguyen-van-cu-nha-lanh-dao-xuat-sac-cua-dang-20170704214848542.htm. “Nguyễn Văn Cừ-Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng”

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H,2006, T.6, tr.624

8, 9. Ngày 18-4-1999, Thường trực Bộ Chính trị có Công văn số 2118-CV/CPTW, về “Sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước”

10. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 15, tr. 672

11.http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-08-qditw-ngay-25102018-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-truoc-het-la-4811

12.http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-08-qditw-ngay-25102018-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-truoc-het-la-4811.