Tóm tắt: Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” và phá hoại nhiều mặt, các thế lực thù địch đang mưu toan chống phá Việt Nam một cách toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực. Trong lĩnh vực lịch sử, họ tập trung vào các nội dung, sự kiện quan trọng nhưng đang có những ý kiến đánh giá, nhìn nhận khác nhau, những sự kiện mà Đảng, Chính phủ có những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo để phê phán, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận sự thực lịch sử, dẫn đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Bài viết này đề cập đến những nhận thức, đánh giá khác nhau của một số nhà nghiên cứu lịch sử, ngoại giao ở trong nước và ngoài nước về kết quả của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về việc đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Đông Dương.
Từ khóa: Hội nghị Giơnevơ; Điện Biên Phủ; Việt Nam; Đông Dương; Trung Quốc; Liên Xô
Sáu mươi sáu năm đã trôi qua kể từ khi Hội nghị Giơnevơ kết thúc (1954-2020), cho đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau về một số vấn đề của Hội nghị. Điều đó phản ánh nhận thức khác nhau của các nhà nghiên cứu về Hội nghị Giơnevơ. Về những vấn đề này, có một số nội dung bàn luận sau:
1. Kết quả của Hội nghị Giơnevơ là một thắng lợi to lớn, cơ bản, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ
Đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn vì các lý do sau:
Một là, văn bản Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị đã thừa nhận các mục tiêu mà Việt Nam đưa ra. Chính phủ Pháp và các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cao Miên, Lào và Việt Nam; rút quân đội Pháp khỏi lãnh thổ Cao Miên, Lào và Việt Nam theo yêu cầu của những chính phủ có liên quan trong một thời hạn do các bên thỏa thuận. Cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956, bằng phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín, dưới sự kiểm soát của một Ủy ban quốc tế... Trên đây là những vấn đề cốt lõi trong đàm phán mà đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà (DCCH) nêu ra và đã đạt được.
Hai là, ngay sau khi Hiệp định được ký kết, ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công, nêu rõ: “Ngoại giao ta đã thắng lợi to... Từ nay, chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”1. Đến tháng 10-1988, Bộ Chính trị và Thường vụ Quân ủy Trung ương cũng đã nhận định kết quả Hội nghị Giơnevơ như sau: “Hội nghị Giơnevơ chỉ là bước tạm ngưng cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để ta củng cố thắng lợi đã giành được, chuẩn bị bước sang giai đoạn mới, giai đoạn chống đế quốc Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ta ký Hiệp định như vậy là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp như thế là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng ta-địch trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc đó. Vì lúc này, về phía địch, thực dân Pháp tuy thất bại lớn nhưng còn lực lượng và còn đằng sau Pháp là đế quốc Mỹ đang có mưu đồ trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. Còn ta lúc đó thắng to nhưng cũng có những khó khăn mới, chưa đủ điều kiện để tiếp tục chiến tranh giải phóng cả nước. Trên trường quốc tế, các nước anh em, trong đó có Liên Xô, Trung Quốc đều muốn có hoà bình để xây dựng đất nước và đều muốn cuộc chiến tranh ở Đông Dương đi đến một giải pháp”2 .
Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nêu trên là đúng và có cơ sở thực tiễn bởi chủ trương tham gia Hội nghị Giơnevơ là sự hiện thực hóa đường lối kháng chiến toàn diện của Đảng, đánh địch trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa... Vào cuối cuộc chiến tranh, khi thế và lực của cuộc kháng chiến đã lớn mạnh, Đảng chủ trương kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao khi điều kiện cho phép, khi xuất hiện các yếu tố có thể dẫn tới kết thúc cuộc chiến tranh đã kéo dài nhiều năm. Những điều kiện, yếu tố đó là: Quân Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự chiến lược trên chiến trường, kế hoạch Nava cũng nhằm mục tiêu giành một thắng lợi quân sự để kết thúc chiến tranh bằng đàm phán trên thế mạnh. Phong trào phản đối cuộc chiến tranh Đông Dương ngày càng lên mạnh, bản thân Thủ tướng Pháp vào cuối năm 1953 là Lanien cũng tuyên bố trước Quốc hội Pháp sẽ tìm giải pháp thương lượng để kết thúc chiến tranh nếu điều kiện cho phép.
Những minh chứng được đề cập trên góp phần phản bác ý kiến cho rằng đây là một thất bại, không thành công về đấu tranh ngoại giao, thiếu sự phối hợp giữa mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao kết thúc chiến tranh.
2. Kết quả của Hội nghị Giơnevơ là một thắng lợi hạn chế về ngoại giao, chưa phản ánh đúng thắng lợi về quân sự của quân đội và nhân dân Việt Nam, trực tiếp là trận Điện Biên Phủ và chưa phản ánh đúng tương quan lực lượng trên chiến trường
Quan điểm này chưa hoàn toàn đúng vì các lý do sau:
Một là, cần đề cập đến sự tham dự của Đoàn Việt Nam DCCH tại Hội nghị Giơnevơ. Trong khi ba chính phủ các quốc gia liên kết thân Pháp ở Việt Nam, Lào, Campuchia được các nước đồng ý mời tham dự, thì Chính phủ Việt Nam DCCH lại không được mời tham gia. Chỉ đến khi Hội nghị Giơnevơ đã khai mạc bàn về giải quyết chiến tranh Triều Tiên (bắt đầu từ ngày 26-4-1954), theo đề nghị của Liên Xô, Trung Quốc, các nước tham dự mới chấp nhận chính thức mời Việt Nam DCCH tham gia (ngày 27-4-1954). Đoàn đại biểu Việt Nam DCCH do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đến Giơnevơ ngày 3-5-1954. Đoàn của Việt Nam DCCH cùng với các đoàn của các quốc gia liên kết thân Pháp cũng chỉ được coi là tham dự với tư cách là các bên liên quan, còn thành phần chủ yếu của Hội nghị vẫn là 5 nước lớn (gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc). Vì thế, mặc dù bàn về chiến tranh ở Việt Nam nhưng đoàn của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại không được đàm phán trực tiếp, song phương với đoàn Pháp trong hơn một nửa thời gian diễn ra hội nghị, mà chủ yếu là đoàn Trung Quốc thảo luận với đoàn Pháp về những vấn đề liên quan đến Việt Nam và Đông Dương, trong bối cảnh lợi ích dân tộc, lợi ích nước lớn luôn chi phối. Đây là một thực tế bất lợi cho Việt Nam DCCH và là một trong những lý do giải thích vì sao kết quả Hội nghị còn có những hạn chế. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 3 (14-1-1964) như sau: “Sau kháng chiến đến Hội nghị Giơnevơ, lúc đó ngoại giao của ta thành quốc tế rồi. Ta đã có Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác giúp đỡ. Lúc đó, trong nước ta thắng, nên ngoài nước cũng thắng, nó ảnh hưởng lẫn nhau. Nhưng có cái khó là ở chỗ Mỹ muốn nhảy vào thay thế Pháp và muốn ta nhận vĩ tuyến 17. Tình hình lúc đó chỉ có hòa hay đánh. Nếu ta không chịu hoà, thì sẽ phải đánh. Ta tranh đấu mãi từ vĩ tuyến 15, vĩ tuyến 16, rồi đến vĩ tuyến 17. Đến đây ta không nhượng nữa, nó phải chịu. Vì thế, nay ta có miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ít người biết đến điểm này. Hồi đó nếu ta không nhận hoà thì tức là mắc mưu Mỹ. Tất nhiên thắng lợi thu được là do mình có Điện Biên Phủ, ngoài ra lại có sự giúp đỡ của các nước anh em nữa”3.
Trước đó, tại cuộc gặp gỡ ở Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá triển vọng tình hình Việt Nam như sau: “Nếu như bây giờ chúng ta tiếp tục chiến tranh thì vẫn có thể được nhưng cũng phải đến 3 năm nữa thì chúng ta mới giải phóng được hoàn toàn miền Nam, nếu không có sự can thiệp của Mỹ. Nhưng sự can thiệp của Mỹ là rõ ràng. Tôi nghĩ như vậy là giải pháp quân sự là không mong muốn và chúng ta phải thương lượng. Và nếu thương lượng thì gặp phải ý kiến này, ý kiến kia”4.
Hai là, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ta cũng có nhiều khó khăn:
- Về so sánh lực lượng quân sự trên chiến trường, số quân Pháp và quân của chính quyền Bảo Đại chết, bị thương, bị bắt ở Điện Biên Phủ chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng binh lực hiện có, nên so sánh vẫn nghiêng về phía Pháp, mặc dù biện pháp phòng ngự cao nhất là hình thức tập đoàn cứ điểm đã bị đánh bại. Đó là chưa kể quân Pháp và quân đội của Bảo Đại vẫn đang chiếm giữ những địa bàn trọng yếu ở nông thôn, đồng bằng, các thành thị, các trục giao thông, sân bay, bến cảng...
- Để giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn quân, toàn dân ta đã dốc toàn lực “tất cả cho Điện Biên Phủ”; “tất cả để chiến thắng”. Vì thế, sau trận Điện Biên Phủ, tuy tinh thần kháng chiến lên rất cao nhưng thực tế là lực lượng quân sự của ta không còn đủ sức, đủ lực để thừa thắng xốc tới giành thắng lợi hoàn toàn, bởi hầu hết các đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội đều đã tham gia chiến dịch và chịu những tổn thất đáng kể; vũ khí, trang bị, đạn dược hỏng hóc, thiếu thốn; nguồn lực vật chất của các tỉnh hậu phương đã được huy động tối đa, cần có thời gian để bù đắp.
- Vị thế của phái đoàn Việt Nam DCCH ở Giơnevơ còn ở mức khiêm tốn vì phải đương đầu với các nước lớn đã có nhiều kinh nghiệm và đã có sự chuẩn bị tham dự hội nghị; do thiếu thời gian chuẩn bị cần thiết, kinh nghiệm đàm phán ngoại giao chưa nhiều, lần đầu tiên tham gia một hội nghị quốc tế lớn, nên bộc lộ sự bị động, lúng túng trước các vấn đề, tình huống mới xuất hiện.
- Sự hiểu biết của đoàn Việt Nam DCCH về các nước tham gia hội nghị, ý đồ tính toán của các nước lớn, đặc biệt là của Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ còn hạn chế, nên chưa lường tính hết sự phức tạp của các mối liên kết bị chi phối bởi lợi ích dân tộc. Chính vì thế, tuy giành được thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định nhưng chúng ta không thể chủ động giành được thắng lợi quyết định về chính trị trên bàn hội nghị như mong muốn, cũng là điều có thể lý giải được.
Như vậy, những kết quả cơ bản đã đạt được tại Hội nghị Giơnevơ là một thắng lợi, bước dừng cần thiết, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
3. Việt Nam tham dự Hội nghị Giơnevơ có phải là sai lầm?
Đây là quan điểm dựa trên đánh giá so sánh lực lượng trên chiến trường, cho rằng Việt Nam không nên và không cần tham gia Hội nghị Giơnevơ hoặc tham gia Hội nghị là sai lầm. Họ cho rằng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nếu ta đánh tiếp thì có thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sớm hơn, không phải kéo dài đến 21 năm... bởi vì cuộc kháng chiến đang lớn mạnh, đang ở thế tiến công, nắm vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ và chiến trường cả miền Bắc Đông Dương. Đặc biệt, quân ta vừa giành được thắng lợi rất lớn ở Điện Biên Phủ, đã làm suy sụp ý chí tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp. Đội quân viễn chinh Pháp vừa bị tổn thất lớn, không có khả năng tiến công, ngày càng lún sâu vào phòng ngự bị động, nguy cơ bị tiêu diệt, khả năng tăng viện không có. Họ cho rằng: “Hiệp định không phản ánh đầy đủ xu thế thắng lợi của ta trên chiến trường và xu thế của cuộc đấu tranh chính trị giữa ta và Pháp”5. Hoặc dẫn đánh giá của Mỹ: “Nếu đà đó (ý nói thất bại của Điện Biên Phủ - TG chú giải) không bị ngăn chặn thì nó sẽ đưa đến sự sụp đổ của Pháp vào nửa sau của năm 1954”6. Hoặc cho rằng trên thực tế Mỹ không có ý định và không có khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương v.v...
Quan điểm trên chưa hoàn toàn đúng7, vì những lý do sau:
Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ tại HNTƯ 6 khóa II (7-1954), chỉ 4 ngày trước khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết: “Ta phải phân biệt lợi ích trước mắt và lợi ích tương lai, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn bộ... có người thấy thắng luôn, muốn đánh bừa, đánh ẩu, đánh đến cùng; họ chỉ thấy cây không thấy rừng, chỉ thấy Pháp rút mà không thấy âm mưu của chúng; chỉ thấy Pháp, không thấy Mỹ, thiên về tác chiến, xem khinh ngoại giao. Họ đề ra những điều kiện quá cao, địch không thể nhận được. Việc gì họ cũng muốn mau không biết đấu tranh cho hoà bình là gian khổ, phức tạp”8.
Việt Nam tham dự Hội nghị, một mặt thể hiện chủ trương kết hợp tiến công quân sự với đấu tranh ngoại giao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt khác, là do ý định hoà hoãn của Liên Xô, Trung Quốc với Mỹ, muốn giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương theo hình mẫu của Hiệp định đình chiến Triều Tiên (7-1953).
Liên Xô, Trung Quốc muốn có giải pháp hoà bình cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. Những năm 1945-1949, Việt Nam tiến hành kháng chiến trong bối cảnh bị bao vây, không có sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế. Từ năm 1950, sau khi được Trung Quốc, Liên Xô và một số nước dân chủ nhân dân công nhận, đặt quan hệ ngoại giao,Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ về tinh thần và vật chất to lớn. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Đông Dương từ đó cũng bị quốc tế hóa do Mỹ, Anh và một số nước công nhận, viện trợ cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại. Cùng thời gian đó, nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, đụng độ quân sự ác liệt giữa quân Mỹ và Quân Giải phóng Trung Quốc kéo dài 3 năm, kết thúc bằng Hiệp định đình chiến được ký giữa các bên liên quan (27-7-1953). Lúc này, Liên Xô cũng chủ trương không đối đầu với Mỹ, nhất là từ sau khi lãnh tụ Liên Xô Xtalin chết (3-1953), Khơrútxốp lên thay.
Liên Xô, Trung Quốc lúc này đang giúp Việt Nam đánh Pháp, vì thế, họ muốn Việt Nam đàm phán với Pháp tìm giải pháp hoà bình. Dĩ nhiên là họ có những tính toán lợi ích dân tộc riêng. Sau nhiều thảo luận, tranh cãi giữa các đoàn đại biểu 4 nước lớn: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, sau đó thêm Trung Quốc, đoàn Việt Nam DCCH được mời tham dự Hội nghị Giơnevơ vào giờ chót.
Có ý kiến cho rằng vào thời điểm diễn ra Hội nghị Giơnevơ, Mỹ không có ý định và không thể can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương. Tuy nhiên, trong thực tế, từ năm 1950 Mỹ đã can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Đông Dương thông qua viện trợ quân sự ngày càng tăng cho quân viễn chinh Pháp và quân đội quốc gia của Bảo Đại. Tính đến trước khi diễn ra trận Điện Biên Phủ, trong tổng chi phí chiến tranh của Pháp, Mỹ đã chiếm tới 78%. Như vậy, từ năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã phải đánh cả Pháp và Mỹ. Nếu ta tiếp tục cuộc kháng chiến bằng biện pháp quân sự thì mắc mưu của Mỹ. Bởi vì, Mỹ muốn Pháp đánh Việt Nam bằng tiền của Mỹ nhằm làm suy yếu Việt Nam, ngăn chặn ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc đối với Việt Nam và các nước ở Đông Dương, Đông Nam Á. Vì thế, Mỹ tìm cách phá hoại Hội nghị, không tham gia vào Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị.
Vì vậy, việc Việt Nam DCCH tham gia Hội nghị Giơnevơ và ký kết Hiệp định, mặc dù còn có những hạn chế về quá trình chuẩn bị tham gia và về kết quả cụ thể của Hiệp định là một chủ trương đúng và cần thiết.
4. Việt Nam có bị động khi tham gia Hội nghị Giơnevơ không?
Về vấn đề này, cần làm rõ thời điểm Việt Nam nhận được lời mời tham dự Hội nghị Giơnevơ. Trong bài viết đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7-2019, GS,TS Vũ Dương Huân cho biết “tháng 4-1954, ta mới được mời tham dự, thì khi đó không thể làm khác được. Chúng ta cũng có một số cử chỉ, việc làm rất cố gắng trong thế bị động nhằm giành lại thế chủ động, nhưng đều không đạt được mong muốn”9. Trong cuốn sách “Trung Quốc với việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất”, tác giả người Pháp Phrăngxoa Gioayô cho biết, các nước tứ cường chỉ đạt được thoả thuận để Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tham dự Hội nghị Giơnevơ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-195410.
Tuy nhiên, trong Hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngày 10-3-1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chính thức nhận lời mời tham dự Hội nghị Giơnevơ bàn về chiến tranh Triều Tiên và Đông Dương...”11 . Và, trong báo cáo trước Quốc hội về chủ trương và phương án đấu tranh của ta tại Hội nghị Giơnevơ, ngày 10-4-1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh: “Lập trường của nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương là: Hoà bình, độc lập, thống nhất và dân chủ”12.
Trong bài báo, GS,TS Vũ Dương Huân cũng đề cập: “Tại cuộc họp trù bị giữa ba Trưởng đoàn Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô tại Maxcơva vào tháng 4-1954...”. Như vậy, có thể thấy là Việt Nam đã biết được tham dự và có sự chuẩn bị nhất định cho sự tham dự Hội nghị. Có thể sau đó Liên Xô và Pháp mới đi đến chính thức thống nhất quan điểm mời Việt Nam DCCH tham gia Hội nghị vào ngày 27-4 và đưa ra lời mời chính thức vào ngày 2-5-1954.
Việt Nam DCCH không chủ động tham gia Hội nghị mà chỉ được mời vào phút chót. Vì thế, quá trình chuẩn bị chưa đầy đủ, cụ thể, chưa thấu đáo, cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, do tập trung vào kháng chiến, đấu tranh quân sự nên chưa có điều kiện và chưa có đủ cán bộ cũng như chưa chú ý đến nghiên cứu phục vụ cho đấu tranh ngoại giao, chưa tìm hiểu kỹ ý đồ chiến lược của các nước lớn tại Hội nghị, dẫn đến phần nào bị động, bị chi phối, cũng là điều đương nhiên trong khi Việt Nam đang nhận sự viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc. Nếu chỉ quy trách nhiệm cho việc chưa thực sự coi trọng nghiên cứu ngoại giao, không có đường lối độc lập tự chủ, còn ỷ lại, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bị động, bị chi phối, làm hạn chế đến thắng lợi tại Hội nghị... là chưa thoả đáng, mới thấy thuận lợi là chủ yếu mà không thấy khó khăn, hạn chế của ta ở cả trong nước và trên trường quốc tế lúc đó.
5. Vì sao Việt Nam không đàm phán trực tiếp với Pháp theo đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối năm 1953?
Ngày 26-11-1953, trong bài trả lời phỏng vấn báo Expressen, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh..., muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hoà bình, thì nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó... việc thương lượng, đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với Chính phủ Pháp13.
Đây là quan điểm chính thức và thể hiện thiện chí hoà bình của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cuộc đàm phán đã diễn ra lại không như vậy. Về vấn đề này, có một số lý do sau:
Thứ nhất, do vị thế của Việt Nam DCCH tại Hội nghị và các quốc gia liên kết (thân Pháp) là những bên liên quan được mời tham dự Hội nghị của các nước lớn. Không những thế, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp là Biđôn còn nêu quan điểm tuy chấp nhận đoàn đại biểu Việt Nam DCCH tham dự nhưng với quy chế còn thứ yếu hơn so với đoàn của Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại.
Thứ hai, từ quan điểm như vậy và tính toán thực dụng, phía Pháp muốn tỏ ra là nước lớn, với tư cách là thành viên chính thức của Hội nghị, không chấp nhận “hạ thấp mình” để thương lượng trực tiếp với Việt Minh. Trên thực tế, Chính phủ Pháp cũng muốn lợi dụng cơ chế đàm phán giữa các nước lớn, tìm cách thoả thuận với Mỹ, Anh, đặc biệt là với Liên Xô, Trung Quốc là hai nước mà Pháp cho rằng có thể chi phối Việt Nam trong các nội dung đàm phán, để qua đó đạt được mục đích tối đa có thể được.
Thứ ba, phía Pháp cũng nhận thấy nếu đàm phán trực tiếp với Việt Nam DCCH thì sẽ bất lợi bởi đạo quân viễn chinh Pháp đã và đang thua đau về quân sự trên chiến trường, phía Việt Nam sẽ chiếm thế thượng phong trong đàm phán và Pháp sẽ phải chấp nhận thua thiệt nhiều hơn so với cơ chế đàm phán đa phương.
Thứ tư, Liên Xô, Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc, cũng không muốn Việt Nam DCCH đàm phán trực tiếp với Pháp. Trung Quốc tính toán đến lợi ích chiến lược, lấy Việt Nam làm con bài mặc cả với Pháp, vừa là để nâng vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế - mà Hội nghị Giơnevơ là một cơ hội hiếm hoi và vô cùng thuận lợi, đồng thời kiềm toả được Việt Nam trong vòng ảnh hưởng Trung Quốc.
Việc Việt Nam DCCH không trực tiếp đàm phán với Pháp vừa là do cơ chế làm việc của Hội nghị, vừa là do tính toán của các nước lớn. Đây là nguyên nhân giải thích thêm về những kết quả hạn chế của Việt Nam DCCH tại Hội nghị Giơnevơ.
6. Một số kết quả của Hiệp định Giơnevơ còn hạn chế so với mục tiêu đề ra
Một là, về vấn đề giới tuyến quân sự tạm thời. Đoàn đại biểu Việt Nam DCCH đề nghị ban đầu lấy vĩ tuyến 13 (Tuy Hòa, Phú Yên) làm giới tuyến quân sự tạm thời, nhưng khi kết thúc Hội nghị, Việt Nam phải chấp nhận vĩ tuyến 17 ở Vĩnh Linh.
Hai là, Đoàn đại biểu Việt Nam đề nghị có đại diện lực lượng kháng chiến của Lào, Campuchia tham gia Hội nghị một cách chính thức nhưng không được hội nghị chấp thuận. Trong quá trình đàm phán, đoàn Việt Nam đề nghị bàn cả gói vấn đề đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia nhưng cũng không được chấp nhận mà lại bị tách riêng ra từng nước để đàm phán. Đây là điều bất lợi cho các lực lượng kháng chiến ở Đông Dương và dẫn đến kết quả là Việt Nam chỉ có một nửa nước được giải phóng để chuẩn bị cho quá trình hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Các lực lượng kháng chiến Lào chỉ có được 2 tỉnh Hủa Phăn và Phong Xa Lỳ làm nơi tập kết lực lượng để chuẩn bị thực hiện hòa hợp dân tộc. Còn các lực lượng kháng chiến Campuchia phải giải giáp tại chỗ, không có căn cứ đứng chân.
Ba là, về thời gian tiến hành hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đoàn Việt Nam DCCH đề nghị khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, nhưng kết thúc hội nghị, thời gian hiệp thương tổng tuyển cử lại kéo dài tới 2 năm, gây nhiều bất lợi cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh thống nhất đất nước.
Bốn là, chưa phối hợp chặt chẽ và phát huy ảnh hưởng của thắng lợi quân sự trên chiến trường tới bàn đàm phán nên kết quả giành được phần nào chưa phản ánh đầy đủ thực tế chiến trường.
Trên đây là những nội dung chủ yếu về những quan điểm khác nhau về Hội nghị Giơnevơ mà các thế lực thù địch, những người không có hiểu biết đầy đủ, không có thiện chí có thể lợi dụng để tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam. Nhưng trong thực tiễn, điều đó đã được Đảng khẳng định: “Ta đã tranh thủ được hòa bình, đã buộc đối phương phải ký Hiệp định đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Việt, Lào, Miên. Tranh thủ được hòa bình là một thắng lợi lớn. Đó là một thắng lợi chung của phe hòa bình, dân chủ, nhưng trước hết và chủ yếu đó là thắng lợi lớn của nhân dân Việt Nam, của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và của nhân dân Lào, Miên.
Hiệp định đình chỉ chiến sự, đi đôi với bản tuyên ngôn chung của Hội nghị Giơnevơ không những đã chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc, phá âm mưu của bọn chủ chiến hòng kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh tàn khốc ấy, mà còn tạo ra các điều kiện căn bản để thực hiện quyền độc lập, thống nhất, dân chủ của ba dân tộc Việt, Lào, Miên” 14.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 9/2020
1. Báo Nhân dân, số 205, từ ngày 25 đến ngày 27-7-1954
2, 9. Dẫn theo Vũ Dương Huân: “Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương: 65 năm nhìn lại”. Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7-2019, tr. 83-84, 87
3. Học viện Quan hệ quốc tế: Bác Hồ nói về ngoại giao, H, 1994, tr. 11
4. Trích theo Đào Huy Ngọc: Đánh giá kết quả Hội nghị Giơnevơ (trích ghi âm lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Liễu Châu ngày 3-7 - 5-7-1954) Ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao: Hội thảo khoa học ngày 27-7-2004, tr. 31
5, 6. Hà Văn Lâu: Kết quả và tác động của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 đối với cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia - Sách: Hiệp định Giơnevơ 50 năm nhìn lại, Nxb CTQG, H, 2016, tr. 112, 113
7. Về vấn đề này, xem thêm Nguyễn Mạnh Hà: “Bàn thêm về kết quả Hội nghị Giơnevơ”, đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự, số 6-2014
8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 15, tr. 170
10. Phrăngxoa Gioay-ô: Trung Quốc với việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb Thông tin lý luận, H, 1981, tr. 211, 212, 213
11. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký: Điện Biên Phủ. Điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2018, tr. 986
12. Xem: Học viện Quan hệ quốc tế: Tổng kết 50 năm đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam (1945-1975) (Tài liệu tham khảo nội bộ), H, 1997, T. 1, tr. 55
13. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 340-341
14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơnevơ - Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, H, 2014, tr. 591.