Tóm tắt: Trong những năm 2011 - 2020, tình hình an ninh chính trị vùng dân tộc Mông ở Tây Bắc có những diễn biến phức tạp, Đảng tăng cường lãnh đạo các cấp, các ngành, với nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân triển khai đồng bộ các mặt công tác nhằm ổn định tình hình trên địa bàn. Một trong những biện pháp hữu hiệu được hết sức coi trọng là vận động, tranh thủ người có uy tín tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công tác này đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần ổn định an ninh chính trị vùng dân tộc Mông ở Tây Bắc.

Từ khóa: Công an nhân dân; vận động người có uy tín; dân tộc Mông; Tây Bắc; Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc



1.
Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2019, đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc tập trung số lượng đông đảo, với 1.014.931 người, chiếm 72,83% dân số người Mông cả nước, chiếm 14,11% dân số Tây Bắc1. Dân tộc Mông có các đặc điểm đặc thù về nguồn gốc lịch sử tộc người, trình độ phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội còn hạn chế; có mối quan hệ quốc tế rộng, dễ bị tác động từ các yếu tố xấu bên ngoài. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch đã không ngừng đào sâu kích động với nhiều hình thức như: kích động xu hướng ly khai, tự trị; kích động chia rẽ dân tộc, tôn giáo hoặc lôi kéo tham gia các hoạt động gây bất ổn an ninh chính trị ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Vì vậy, muốn bảo đảm an ninh chính trị trong vùng dân tộc Mông ở Tây Bắc, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thì công tác vận động, tranh thủ người có uy tín có vai trò hết sức quan trọng và đã được lực lượng Công an nhân dân xác định là một công tác lớn có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Từ năm 2011 đến năm 2020, Việt Nam bước vào thời kỳ “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”2 và phấn đấu xây dựng “nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại3. Thực hiện nghị quyết các Đại hội XI (2011), XII (2016) của Đảng, đất nước đã có bước phát triển, thu được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật, “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện”4.

Khoa học, công nghệ và internet có sự phát triển mạnh mẽ, giúp cho khoảng cách giữa con người với con người và giữa các quốc gia trở thành không “khoảng cách”, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội ở trong nước cũng như quốc tế. Internet dần trở thành công cụ rất quen thuộc với cuộc sống của phần lớn người dân Việt Nam, kể cả các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bối cảnh mới với sự phát triển vượt bậc của internet và công nghệ số đã bị các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chính trị, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam. Các thế lực thù địch, nhất là những đối tượng phản động lưu vong người Mông ở bên ngoài tiếp tục triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo”, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đài phát thanh bằng tiếng dân tộc Mông ở Philippines, Thái Lan, Mỹ, Canada…, sử dụng các trang mạng xã hội (email, youtube, facebook) đăng tải, phát tán các video, clip để tuyên truyền, kêu gọi người Mông tham gia lập “Nhà nước Mông”, “Vương quốc Mông”...

2. Trước bối cảnh tình hình mới, vấn đề bảo đảm an ninh chính trị được Đảng đặc biệt quan tâm. Tại Đại hội XI (2011) của Đảng, một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng đề ra là: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự, an toàn xã hội; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”5. Để giữ vững ổn định chính trị - xã hội, Đảng xác định cần phải làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia đảm bảo an ninh, trật tự. Ngày 1-12-2011, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, trọng tâm là ở các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, vùng dân tộc ít người, vùng đồng bào theo tôn giáo, các nhà trường, khu kinh tế tập trung và các đô thị lớn. Chú trọng chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, có hiệu quả theo hướng xã hội hoá ngày càng cao, với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở”6.

Đại hội XII (2016) của Đảng, Đảng tiếp tục khẳng định quốc phòng, an ninh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ. Đại hội nêu rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”7. Để bảo đảm nền an ninh nhân dân thật sự vững chắc, Đảng tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của việc vận động quần chúng tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngày 22-1-2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 44-KL/TW “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Trong đó, lần đầu tiên Đảng đề ra nhiệm vụ củng cố, xây dựng người có uy tín cho cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở: “Quan tâm xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt (bí thư chi bộ đảng, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, bản, người có uy tín, các chức sắc trong tôn giáo, dân tộc...) làm hạt nhân, chỗ dựa của nhân dân trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”8.

Nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng, nội dung và nhiệm vụ của Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân tăng cường công tác vận động, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc, coi đây là công tác quan trọng, cốt lõi trong việc vận động, tổ chức quần chúng vùng dân tộc. Trong quá trình đó, lực lượng Công an nhân dân chủ động, linh hoạt, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng, các lực lượng vũ trang, các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả.

Ngày 9-3-2012, Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Quy chế số 02-QC/ĐUCA-VP, “về Quy chế công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân”. Trên cơ sở đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của lực lượng Công an được phát động và đẩy mạnh thực hiện, tạo sức ảnh hưởng to lớn đến công tác vận động quần chúng, đặc biệt là người có uy tín trong các vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngày 26-3-2012, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 60/KH-BCA-V28 “về việc thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo toàn lực lượng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Hướng dẫn số 04/HD-BCA(A11), ngày 16-3-2009 “về việc thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg, ngày 1-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, theo đó, cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban ngành liên quan lập danh sách người có uy tín, thống nhất phân công, phân cấp công tác vận động người có uy tín.

Sau Đại hội XII (2016) của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân tăng cường hơn nữa công tác vận động, tranh thủ người có uy tín tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó, trọng tâm là việc triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2561/QĐ-TTg, ngày 31-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số” và Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

3. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và các cấp ủy đảng, Công an các tỉnh Tây Bắc đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với công tác vận động, tranh thủ người có uy tín tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thể hiện qua việc bố trí lực lượng trực tiếp làm công tác vận động, tranh thủ người có uy tín trong dân tộc thiểu số nói chung và trong vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Tính đến năm 2018, ở địa bàn Tây Bắc, cán bộ công an được bố trí trực tiếp làm công tác vận động, tranh thủ người có uy tín lên tới 15% trên tổng quân số của Công an 6 tỉnh Tây Bắc9. Lực lượng này đã được quan tâm xây dựng trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác vận động, tranh thủ người có uy tín là những đồng chí có kinh nghiệm, trình độ, đã được đào tạo trong các trường Công an nhân dân, từ trung cấp đến đại học, có những đồng chí là thạc sĩ và được tập huấn chuyên đề về công tác vận động quần chúng nói chung, công tác vận động, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc nói riêng. Đối với những người có uy tín, ảnh hưởng trên phạm vi rộng, cần tích cực tranh thủ, có thể trực tiếp các đồng chí lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ ở cấp Bộ, tỉnh, lãnh đạo Công an huyện, thị xã, thậm chí có trường hợp là các đồng chí lãnh đạo cấp Cục, Ban giám đốc Công an các tỉnh trực tiếp làm công tác vận động, tranh thủ đối với họ.

Về xác định người có uy tín được thực hiện đúng theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”. Theo đó, lực lượng Công an các tỉnh Tây Bắc đã thống nhất xác định những người có uy tín cần tập trung vận động gồm: trưởng tộc, trưởng dòng họ; già làng, trưởng, phó bản; trưởng các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo; nhân sĩ, trí thức cũ; cán bộ, trí thức là người dân tộc do cách mạng đào tạo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, thôi việc; những người là thầy thuốc giỏi, làm kinh tế giỏi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Qua đó, số những người có uy tín được Công an các tỉnh Tây Bắc xác định tập trung vận động là trưởng dòng họ, già làng, trưởng, phó bản chiếm tỷ lệ 21,8%; số cán bộ đã nghỉ hưu chiếm tỷ lệ 19,2%10.

Với cách làm trên, số người có uy tín trong dân tộc Mông ở địa bàn Tây Bắc được duy trì ổn định và chiếm tỉ lệ cao so với các dân tộc thiểu số khác, với 2.049 người, trong đó tỉnh Lai Châu có 283 người, chiếm 13,81%; tỉnh Điện Biên có 557 người, chiếm 27,18%; tỉnh Sơn La có 609 người, chiếm 29,72%; tỉnh Lào Cai có 453 người, chiếm 22,10%11. Công tác vận động, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc cũng gặp một số khó khăn, điển hình là đa số người có uy tín có trình độ văn hóa thấp. Theo thống kê của Công an các tỉnh Tây Bắc, trong tổng số 2.049 người có uy tín, có 245 người trình độ cao đẳng, đại học, chiếm 11,95%; 286 người trình độ trung cấp, chiếm 13,95%; 130 người có trình độ trung học phổ thông, chiếm 6,34%; 498 người có trình độ trung học cơ sở, chiếm 24,30%; 772 người có trình độ tiểu học, chiếm 37,67% và 118 người không biết chữ, chiếm 5,75%12. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động, tuyên truyền của lực lượng công an, thậm chí những người có trình độ thấp dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, tác động, mua chuộc, lôi kéo nhằm thực hiện âm mưu chống phá.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng công an đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, lực lượng liên quan đẩy mạnh việc tiếp xúc, đối thoại với người có uy tín thông qua các hình thức gặp gỡ riêng hoặc tổ chức các hội nghị, tọa đàm, trao đổi; từ đó tháo gỡ những mặc cảm, vướng mắc về tư tưởng và động viên người có uy tín tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh chính trị ở địa phương; quan tâm thực hiện chính sách đối với người uy tín để củng cố quan hệ, hoàn thành tốt công việc được giao.

Kết quả từ năm 2011 đến năm 2019, người uy tín trong dân tộc Mông đã cung cấp cho lực lượng công an gần 1.000 tin liên quan đến hoạt động tuyên truyền lập “Vương quốc Mông” ở cơ sở; cung cấp cho lực lượng Công an nhân dân hàng trăm nguồn tin có liên quan đến hoạt động lôi kéo người ở khu vực biên giới phục vụ cho âm mưu của các thế lực thù địch vượt biên sang nước bạn hoạt động, thành lập “Nhà nước Mông”; tham gia củng cố hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tại 56 địa bàn bị ảnh hưởng “Vương quốc Mông”; cảm hối 50 đối tượng từ bỏ hoạt động tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông”, đưa 96 lượt đối tượng ra kiểm điểm trước dân13. Trên lĩnh vực bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, an ninh lãnh thổ, đã vận động người có uy tín nắm tình hình phát hiện thông báo cho lực lượng công an, biên phòng nhiều nguồn tin có giá trị về tình hình xuất nhập cảnh trái phép, tình hình hoạt động của các loại đối tượng hình sự trộm cắp trâu bò qua biên giới và tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp.

Lực lượng công an đã tổ chức chỉ đạo vận động, tranh thủ người có uy tín trực tiếp vận động quần chúng ở những địa bàn phức tạp có hoạt động tuyên truyền đạo, vận động quần chúng ký cam kết không học đạo và truyền đạo trái pháp luật; ngăn chặn hạn chế việc truyền đạo trái phép vào vùng dân tộc Mông. Do đó, từ năm 2013 đến 2018, lực lượng công an đã vận động được hơn 2.000 hộ với hơn 11.000 người dân tộc Mông ở địa bàn Tây Bắc bỏ các “tà đạo” quay về phong tục truyền thống của dân tộc. Bên cạnh việc sử dụng người có uy tín vận động quần chúng nhân dân không theo “tà đạo” và tham gia tuyên truyền đạo trái pháp luật, người uy tín còn tiến hành vận động quần chúng nhân dân không nhận và tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng trên 12.000 tài liệu, băng, đĩa có nội dung tuyên truyền đạo trái pháp luật.

Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân coi trọng vận động kiều bào người Mông, tranh thủ người uy tín trong đồng bào Mông là Việt kiều ở nước ngoài nhằm chủ động tấn công địch từ xa, thu hẹp chỗ dựa và ảnh hưởng của chúng ngay từ nơi xuất phát; phát huy vai trò của họ trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào trong nước không tin theo luận điệu về “Vương quốc Mông”. Đặc biệt, sau vụ Mường Nhé (5-2011), đã có một số kiều bào là người có uy tín trong cộng đồng người Mông ở Mỹ, lên đài phát thanh Long Chẹng (một đài phát thanh của người Mông ở Mỹ) phát biểu với nội dung phản bác lại luận điệu kích động lập “Vương quốc Mông”, lên án hành vi của các đối tượng lừa bịp, lôi kéo người Mông về tham gia bạo loạn ở Mường Nhé (tỉnh Điện Biên).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, công tác vận động, tranh thủ người có uy tín vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn Tây Bắc trong những năm 2011- 2020 đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần vào công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và để lại một số kinh nghiệm quý:

Một là, công tác vận động, tranh thủ người có uy tín trong vùng dân tộc Mông ở Tây Bắc muốn mang lại hiệu quả cao phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà nước, mà trọng tâm là các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương vùng Tây Bắc phải nghiên cứu, nắm vững quan điểm, chủ trương lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có những nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác vận động, tranh thủ người có uy tín, từ đó nâng cao tinh thần ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo công tác vận động, tranh thủ người có uy tín, góp phần bảo đảm an ninh chính trị vùng dân tộc Mông trên địa bàn Tây Bắc.

Ba là, phải xác định vận động, tranh thủ người có uy tín nói riêng và vận động quần chúng nói chung là một trong những biện pháp công tác cơ bản và hết sức quan trọng góp phần phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động gây hại đến an ninh chính trị vùng dân tộc Mông ở Tây Bắc.

 

Ngày nhận bài: 11-12-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 28-2-2025; ngày duyệt đăng: 18-3-2025

1. Theo: Tổng cục Thống kê: “Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

2, 3, 5, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần II (Đại hội X, XI, XII), Nxb CTQGST, H, 2019, tr. 555, 556, 556-557, 862

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. I, tr. 59

6. Ban Bí thư: Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1-12-2021 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Chi-thi-09-CT-TW-tang-cuong-su-lanh-dao-cua-Dang-phong-trao-134528.aspx

8. Ban Bí thư: Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22-1-2019 “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-44-kltw-ngay-22012019-cua-ban-bi-thu-ve-viec-tiep-tuc-day-manh-thuc-hien-chi-thi-so-09-cttw-cua-ban-bi-5118

9, 10. Xem: Bộ Công an: Báo cáo tổng kết công tác Công an thực hiện công tác phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (2008-2018)”, 2018, Cục Hồ sơ Nghiệp vụ, tr. 33, 35

11, 12. Xem: Công an tỉnh Lai Châu: Đề tài khoa học cấp Bộ “Công tác vận động, tranh thủ người có uy tín trong dân tộc Mông ở địa bàn Tây Bắc góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”, 2018, lưu tại Thư viện Nghiệp vụ - Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử công an, tr. 20, 25

13. Xem: Học viện An ninh nhân dân: Đề tài khoa học cấp Bộ Tổng kết lịch sử đấu tranh, giải quyết vấn đề “Vương quốc Mông” giai đoạn 2006 - 2019”, 2020, lưu tại Thư viện Nghiệp vụ - Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử công an, tr. 88-89.