Tóm tắt: Hiện nay, trên không gian mạng xuất hiện những luận điệu của các loại thù địch xuyên tạc, phủ nhận nội dung bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí, họ còn viện dẫn những “sự vụ” liên quan đến kỷ luật một số cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước để gây dư luận xấu, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài viết làm rõ nội dung nhận diện; nội dung đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời qua đó khẳng định những giá trị lý luận và thực tiễn bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

1. Nhận diện những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nội dung, giá trị bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau khi bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đăng tải trên các phương tiện báo chí truyền thông ở Việt Nam, các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng nhằm bình luận, tán phát sai lệch về nội dung bài viết và xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng viện dẫn về những nội dung lý luận đưa ra là “cũ kỹ”, “cũ rích”, “thiếu thực tế”, “không còn phù hợp” với bối cảnh hiện thời; nói xấu chế độ một Đảng lãnh đạo; đưa ra luận điệu bôi nhọ, khuếch trương hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoặc cắt ghép để “bóp méo” câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong bài viết có nội dung xuyên tạc, phản động, điển hình như các bài của Phạm Đình Bá: “Phản biện lý luận của Nguyễn Phú Trọng”; Bài của Nguyễn Tô Hiệu với tiêu đề “Về bài viết hoang tưởng và đẫm lệ của Tổng Bí thư”; Bài “Con đường lên chủ nghĩa xã hội của ông Trọng và hiểm họa của dân tộc Việt Nam” của Hải Triều; Phạm Trần với bài “Những chiếc bánh vẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam”; Nguyễn Hữu Vinh tán phát bài “Một sản phẩm của sự “nhai lại”...

Thực chất đây là những luận điệu sai trái, cố tình xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam mà Tổng Bí thư đã khái quát trong bài viết quan trọng của mình. Một trong những luận điệu xuyên tạc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà các thế lực thù địch liên tục rêu rao là: “đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường sai lầm, dẫn dân tộc Việt Nam đến đường cùng, ngõ cụt”! Đây là luận điểm phản động, cần nhận diện, lên án, bác bỏ.

Các thế lực thù địch, cơ hội đã xuyên tạc những nội dung lý luận trong bài viết của Tổng Bí thư, chúng rêu rao: Ngày nay cần phải thay đổi chủ nghĩa xã hội, chứ không cứ mãi lấy “phương tiện” này để giải phóng dân tộc cho ngày nay được”. Thế nhưng, chúng không che giấu được mưu đồ “đánh tráo khái niệm”, hòng phủ nhận, xóa bỏ con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam. Phải khẳng định một cách rõ ràng rằng, con đường mà nhân dân ta giành thắng lợi trong lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng: Cách mạng Tháng Tám năm 1945; kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975) là thắng lợi của nhân dân ta, là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, là nỗ lực vươn lên trong mọi gian khó, hiểm nguy của toàn dân tộc Việt Nam.

Các thế lực thù địch còn cố tình sử dụng luận điệu xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận những nội dung có ý nghĩa thời đại trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và xuyên tạc, phản động khi cho rằng Việt Nam đi theo tư bản, nên không có định nghĩa về CNXH là gì và “không có gì mới mẻ trong bài viết”!

Như vậy, có thể nhận thấy rõ mưu đồ của các thế lực thù địch, phản động khi xuyên tạc, phủ nhận những nội dung, giá trị bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là mưu đồ chống phá sự lãnh đạo của Đảng với công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam, sâu xa hơn nữa là phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đây là những luận điệu chống phá rất nguy hiểm cần lên án, bác bỏ.

 

2. Luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về nội dung, giá trị bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Từ nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch về nội dung, giá trị bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần dựa trên những luận cứ để đấu tranh phản bác có hiệu quả.

Một là, đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của dân tộc và nguyện vọng của nhân dân.

Từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam đã chứng kiến nhiều phong trào đấu tranh yêu nước của các văn thân, sĩ phu lãnh đạo, diễn ra sôi nổi. Các phong trào yêu nước này đã nói lên truyền thống bất khuất của dân tộc. Tuy nhiên, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp trên đều thất bại bởi nguyên nhân sâu xa là do thiếu đường lối chính trị đúng đắn, khoa học và sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến.

Cách mạng Việt Nam đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng về đường lối cứu nước. Chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở đó con đường để giải phóng dân tộc và tích cực truyền bá học thuyết khoa học và cách mạng đó vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước để từ đó Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, thì phong trào cứu nước của dân tộc Việt Nam mới chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối; cách mạng Việt Nam mới thực sự được một Đảng chính trị chân chính, khoa học và cách mạng dẫn dắt với một đường lối phát triển phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại và xu thế của thời đại - độc lập dân tộc gắn liền với CNXH như Chánh cương vắn tắt của Đảng xác định: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản”1. Tiếp cận các sự kiện trên đây dưới góc độ lịch sử tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc, phải khẳng định một sự thật không thể bác bỏ rằng con đường cách mạng vô sản gắn liền độc lập dân tộc và CNXH là đòi hỏi nội tại của lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nếu không lựa chọn con đường đi lên CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước, nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi chìm trong cảnh nô lệ, lầm than, không có lối thoát. Do đó, tuyệt đối không phải như luận điệu thù địch đã nêu ra.

Hai là, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua gần 40 năm đổi mới đã cho thấy đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn.

Những thành tựu to lớn của đất nước trong gần 40 năm đổi mới trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, quan hệ quốc tế... đã khẳng định tính đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Với gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), lý luận về  CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng được sáng tỏ, phù hợp với sự phát triển của dân tộc và quy luật của thời đại, đạt được những thành về đổi mới, phản ánh trình độ nhận thức và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Qua một quá trình đổi mới, đất nước đã “thay da, đổi thịt” trên từng lĩnh vực, đặc biệt là đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ và Đảng của dân tộc Việt Nam.

Thành tựu của đổi mới có ý nghĩa quyết định quan trọng nhằm định hướng tương lai, tiền đồ của dân tộc, bởi giá trị của lịch sử là niềm tin định hướng cho sự phát triển kế tiếp. Do đó, thực tiễn đã và đang chứng minh sự thật đúng đắn về con đường độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam là đúng đắn và phù hợp với xu thế quốc tế. Qua đó, tiếp tục khẳng định mục tiêu CNXH là phù hợp với hiện trạng phát triển của các dân tộc đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập và phát triển; CNXH là sự khẳng định giá trị thực sự về tự do, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc cho mọi người và dân tộc. Hơn 94 năm trước, Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam đã lựa chọn con đường đi lên CNXH và đó mãi mãi là lựa chọn, là con đường đi tới tương lai của dân tộc ta, không phải “nhìn lại” hay “thay đổi” như “tư vấn” của những nhà cách mạng giả hiệu! Tuy nhiên, chúng ta cũng “cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”2  như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra.

Ba là, bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát những vấn đề lý luận, thực tiễn rất cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứa đựng những luận điểm, vấn đề đúng thực tiễn, được khái quát thành lý luận định hướng, nêu ra những nội dung cần tiếp tục đúc kết và nghiên cứu để làm sáng tỏ. Một trong những điểm nhấn của bài viết là đưa ra những lý lẽ sâu sắc, luận cứ thuyết phục về nội hàm XHCN ở nước ta. Đó là: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;... có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”3. Bài viết đã phản ánh đúng thực tế về một xã hội tốt đẹp, mang lại những giá trị thực cho người dân, ai ai cũng có điều kiện phát triển tiến bộ, đời sống ngày càng ấm no, người nghèo giảm nhanh chóng; phương thức lãnh đạo, quản lý lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, lấy lợi ích chung làm thước đo, phúc lợi xã hội cần tập trung giải quyết; điều này hoàn toàn khác với xã hội tư bản hiện nay là “bóc lột giá trị thặng dư từ tư liệu sống của công nhân”, “lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột, lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, sở hữu của cải vật chất làm thước đo văn minh”. Thế nhưng, luận điệu sai trái vẫn tung hô rằng ở Việt Nam thì “mọi thứ phải trả bằng tiền”, nên “không hề có phúc lợi, an sinh”. Bình đẳng và hệ giá trị giàu có của phương Tây không đại diện là ưu việt hay cao nhất, mang tính đại diện cho đa số, trên thực tế là một bộ phận rất nhỏ (thậm chí là 1% dân số), nhưng lại kiểm soát tới ¾ tài sản (bao gồm các vật chất, tài chính, tri thức và các nguồn lực khác) và ngày càng thâu tóm và chi phối, tác động xã hội.

Kiên định đổi mới nhưng không chỉ dừng lại ở mức độ “kiên định”, mà sự khẳng định của Tổng Bí thư trong bài viết là kiên định và vận dụng, phát triển, bổ sung, sáng tạo lý luận chủ nghĩa trong thực tiễn, phản ánh tư tưởng cốt lõi trong lãnh đạo là đổi mới; đồng thời đã khẳng định chế độ XHCN là một chế độ xã hội tốt đẹp về bản chất, một hình thái kinh tế xã hội tiến bộ của loài người, coi con người là vốn quý và là trung tâm, kết hợp một cách hài hòa về lợi ích cá nhân, trên cơ sở lợi ích của toàn xã hội, chú trọng phát huy và phát triển các giá trị nhân văn, đạo đức, tiến bộ. Đảng khẳng định lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu phát triển, trên cơ sở thực hiện từng chính sách cụ thể, hợp lý. Đó là mục tiêu chính trị gắn với trách nhiệm đạo đức của Đảng để góp phần tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng, mà Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố then chốt, trung tâm và là nhân tố hàng đầu mang tính quyết định thành bại của cách mạng. Thế nhưng, các thế lực thù địch cố tình dẫn dắt luận chứng nhằm đánh lừa dư luận, khi cho rằng: Đảng Cộng sản “chỉ lo làm giàu cá nhân”, “nắm giữ lợi ích lợi quyền”, lo vun vén cai trị nên “nhũng lạm”, gây lạc hậu, nghèo đói cho đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích trong bài viết về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng lý luận và lập luận khoa học, chặt chẽ, cách thức phản bác những luận điệu “bóp méo” hay “phủ nhận” của thù địch phản động một cách đanh thép, sắc bén. Tổng Bí thư chỉ rõ Đảng lãnh đạo luôn vì lợi ích của cả dân tộc, trong đó có lợi ích của người lao động và lợi ích của giai cấp công nhân nhằm xây dựng thành công chế độ XHCN. Nhìn vào thực tiễn, tuy có những hạn chế, khuyết điểm nhất định, nhưng Đảng lãnh đạo và cầm quyền đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi mặt và mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế to lớn. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn liền với đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.

Bốn là, những giá trị lý luận và thực tiễn trong bài viết của Tổng Bí thư đã được đông đảo nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Thời gian qua, những kẻ cơ hội, thù địch quay sang chống phá dư luận trong nước và quốc tế khi không thể chống phá được những nội dung lý luận rất sâu sắc, toàn diện trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ cho rằng: Cấp dưới “nói leo” theo kiểu xu nịnh “không có liêm xỉ”, “lố bịch” và cùng “một ruộc” với nhà lãnh đạo. Có một thực tế không thể phủ nhận được là từ khi bài viết được công bố ngày 16-5-2021 đến nay, trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện, thông tin đại chúng,... đã đăng tải nhiều bài viết, video, clip, bình luận ở trong và ngoài nước của các học giả, độc giả, cán bộ, giáo viên, giảng viên, đảng viên ở các cơ sở đảng, đồng bào các dân tộc ít người, thiểu số, tôn giáo khác nhau,... Dòng chủ lưu, các bài viết là đánh giá cao bài viết của Tổng Bí thư, với niềm tin tưởng, lạc quan, thái độ tích cực hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các chính đảng cộng sản và đảng lao động ở các nước trên thế giới đều bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao về những quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như: Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cuba, Pháp, Mỹ, Ucraina, Braxin, Anh, Italia, Bồ Đào Nha, Xyri, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng nhân dân Campuchia; các đảng lao động: Thụy Sĩ, Mêhicô, Đảng Khối Tiến lên toàn Ấn,... Ông Cố Viễn Dương, Chuyên gia Nghiên cứu Việt Nam học, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng: “Đây là bài viết mang tính lý luận, tính hiện thực, tính tiếp cận, tính dự báo rất cao, có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng và sâu rộng đối với sự phát triển toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam”4. Tiến sĩ Alberto Ayana Gutierres, Tổng Bí thư Đảng Lao động Mêhicô cho rằng: “Thông qua bài viết, chúng tôi càng chắc chắn niềm tin vào việc lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quyết định đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và rất phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam”5. Đồng chí S.M. Mironov, Chủ tịch Đảng nước Nga Công bằng - Những người yêu nước - Vì sự thật cho rằng: “Việc bác bỏ những giáo điều lạc hậu, thực hiện những cách tiếp cận và tư tưởng mới được thể hiện trong bài viết của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là lời giải đáp cho những vướng mắc về xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện đại mà Việt Nam đang gặp phải”6. Đồng chí Sẻngphết Hùngbunnhuông, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam cho rằng: “bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất phong phú cả về mặt lý luận, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”7. Ông Nguyễn Trung Thành, một công dân của nước Việt Nam sau khi đọc bài viết của Tổng Bí thư đã viết: “Những lập luận sắc bén, giàu sức thuyết phục trong bài viết đã là câu trả lời khẳng định đầy đủ, rõ ràng về công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn. Những nội dung mà Tổng Bí thư đề cập cũng là mong ước của nhân dân, làm sao xã hội ngày càng phát triển thì đời sống nhân dân càng hạnh phúc”8. Vậy những nhận định, đánh giá của người dân, của những học giả và chính khách trong và ngoài nước về bài viết của Tổng Bí thư là căn cứ phản bác, đấu tranh chống lại các luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Đó cũng là tiếng nói của lương tri, của niềm tin vào con đường đi tới hạnh phúc và bình đẳng của nhân loại.

Ra đời cách đây gần 4 năm, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn mang tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm tư tưởng, lý luận và thực tiễn sâu sắc của Tổng Bí thư về một vấn đề có nội dung rất rộng lớn, phong phú, phức tạp, đó là CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, thể hiện sự nhất quán trong tư duy của Đảng và sự thật ngày càng sáng tỏ về con đường phát triển của đất nước, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, đối với con đường đi lên CNXH. Trên chặng đường tiếp theo của cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục đưa ra các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, những thành tựu xây dựng, phát triển đất nước, thậm chí phủ nhận hoàn toàn CNXH và con đường đi lên CNXH và tìm cách hạ thấp uy tín đồng chí Tổng Bí thư. Chính vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu khách quan, thấu đáo về giá trị bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, coi đây là cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học, là luận cứ quan trọng để phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.


1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQGST, H, 2011, T.3, tr. 1

2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (Tuyển chọn): Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nxb CTQGST, H, 2021, tr. 28, 16-17, 732, 685, 642, 608, 431.