1. Sự Cần thiết công khai kết quả tự phê bình và phê bình

VI Lê-nin cho rằng: “Công khai thừa nhận sai lầm... đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng”2. Và Người chỉ rõ: “TỰ PHÊ BÌNH LÀ GÌ? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”3.

Những luận điểm kinh điển đó cho thấy việc công khai thừa nhận những khuyết điểm, yếu kém, tức là công khai kết quả tự phê bình và phê bình là vấn đề rất quan trọng, thường xuyên và rất cần thiết đối với một đảng cộng sản chân chính nói chung và cho việc phòng chống sự thoái hóa của Đảng nói riêng.

Nhờ dũng cảm tự phê bình và phê bình, công khai thừa nhận và sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm của mình mà Đảng Cộng sản Việt Nam, tuy có lúc phạm khuyết điểm, sai lầm, như trong thời kỳ cải cách ruộng đất, chỉnh đốn Đảng ở miền Bắc những năm 1955-1956; thời kỳ xây dựng đất nước những năm 1976 -1985, nhưng Đảng đã có được sự đùm bọc, tin tưởng của nhân dân, nhờ vậy Đảng đã vượt qua nhiều thử thách quyết liệt, lãnh đạo nhân dân vượt qua nhiều thác ghềnh, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Ngược lại, do giấu giếm khuyết điểm, sai lầm mà nhiều đảng cộng sản cầm quyền trên thế giới đã đánh mất niềm tin của nhân dân, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng bôi xấu đảng, kích động dư luận, dần đến những hậu quả khôn lường. Ngay trong Đảng ta hiện nay, vẫn còn có nơi, có lúc, một bộ phận tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên giấu giếm khuyết điểm, có sai lầm lại còn tìm cách đối phó, che đậy, bao che cho nhau, không chịu thừa nhận và sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, thậm chí còn trù dập người phát hiện, tố cáo. Tình trạng đó là một trong những nguyên nhân gây nên sự bức xúc trong Đảng, trong nhân dân, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng. Hơn nữa, tình trạng đó tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền chống Đảng và đặc biệt nguy hiểm là tình trạng nuôi dưỡng, che giấu sự thoái hoá, biến chất của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo nên những ẩn họa cho Đảng. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nêu rõ phải: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) cũng chỉ rõ các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, đang tìm cách “thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng”.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là những cách gọi khác nhau của hiện tượng một đảng cộng sản tự thay đổi bản chất; tự rút lui mục đích CNXH, từ bỏ nền tảng tư tưởng mácxít, các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của đảng cộng sản, dẫn đến tự khủng hoảng, rối loạn và tự tan rã, sụp đổ. Đây là việc đã từng xảy ra với nhiều đảng cộng sản cầm quyền trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX và đang là một nguy cơ không thể xem thường đối với Đảng ta hiện nay. Tình trạng đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhưng trong đó đều nổi nên nhân tố do thiếu dân chủ, công khai nên tự phê bình và phê bình trong Đảng và hệ thống chính trị không được thực hiện nghiêm túc, các sai lầm, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước không được phát hiện, được công khai để kịp thời sửa chữa, dẫn đến sai lầm, khuyết điểm ngày càng nặng, đội ngũ cán bộ dần dần bị thoái hóa, biến chất, mất. niềm tin, ý chí chiến đấu, thậm chí phản bội lại các giá trị của Đảng; đồng thời, các thế lực thù địch nắm lấy các sai lầm, khuyết điểm đó để lợi dụng, bôi đen, công kích Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân và ngay chính đảng viên đối với Đảng.

Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần nêu cao cảnh giác, nghiên cứu kỹ lưỡng các bài học từ sự sụp đổ của các đảng cộng sản ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu; chủ động, kiên trì tiến hành các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Việc công khai kết quả tự phê bình và phê bình chính là một giải pháp hữu hiệu để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Phê bình trong Đảng là hoạt động của đảng viên và tổ chức đảng phân tích, xem xét đánh giá những ưu điểm và khuyết điểm của một cán bộ, đảng viên, một tổ chức đảng, một sự việc nào đó nhằm nêu rõ ưu điểm để phát huy, vạch rõ khuyết điểm để sửa chữa.

Tự phê bình là hoạt động phê bình của đảng viên, tổ chức đảng đối với chính những hoạt động của đảng viên hay tổ chức đảng đó.

Nói về tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phê bình là ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”4.

Như vậy, qua tự phê bình và phê bình sẽ luôn chủ động nhận thức được các ưu điểm và phát hiện ra các khuyết điểm của cán bộ, đảng viên tổ chức đảng. Nếu những kết quả này được công khai sẽ giúp bản thân cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng biết rõ hơn, ý thức sâu sắc hơn về các anh khuyết điểm, từ đó thúc đẩy việc sửa chữa các sai lầm, khuyết điểm, góp phần răn đe, phòng ngừa sự tái phạm đối với mỗi cán bộ, đảng viên chức đảng, nhờ đó chủ động khắc phục, hạn chế sự suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Công khai kết quả tự phê bình và phê bình sẽ giúp quần chúng nhân dân biết, từ đó giám sát hoạt động và sự sửa chữa khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng đã được nêu ra, nâng cao tiến độ, chất lượng, hiệu quả sửa chữa các khuyết điểm, sai lầm.

Công khai kết quả tự phê bình và phê bình sẽ góp phần hữu hiệu phòng, chống các hiện tượng tiêu cực như giấu giếm khuyết điểm, sai phạm, bao che cho nhau trong nội bộ.

Công khai kết quả tự phê bình và phê bình sẽ giúp động viên tinh thần nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nâng cao lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Kinh nghiệm thực tế cho thấy mỗi khi Đảng hay cán bộ lãnh đạo công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm thì không chỉ nhận được thái độ tha thứ, tin tưởng mà còn gây được dư luận phấn khởi của đa số nhân dân, nâng cao tinh thần tích cực tham gia xây dựng Đảng của nhân dân. Chính niềm tin, sự ủng hộ và tích cực tham gia xây dựng Đảng của nhân dân sẽ là sự bảo vệ Đảng tốt nhất, làm thất bại bất kỳ mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, và do đó phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả nhất.

Công khai kết quả tự phê bình và phê bình sẽ tạo ra một nét văn hóa mới, tích cực trong Đảng, và trong xã hội, thúc đẩy mở rộng dân chủ, đồng thời loại trừ sự lợi dụng của các thế lực thù địch. Đây cũng là một yếu tố giúp loại trừ nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng.

2. Một số vấn đề cần chú ý để thực hiện việc công khai kết quả tự phê bình và phê bình

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về công khai kết quả tự phê bình và phê bình. Tuy đã có những việc một tập thể lãnh đạo hay cán bộ lãnh đạo công khai thừa nhận khuyết điểm, sai lầm, yếu kém, xin lỗi nhân dân và hứa sửa chữa, nhưng nhìn chung việc này còn ít và phần đông còn tâm lý e ngại việc công bố công khai kết quả tự phê bình và phê bình, nhất là công bố những khuyết điểm, sai lầm trước nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo về khó khăn của việc tự phê bình: “Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”5. Cũng có người lấy lý do sợ công khai kết quả tự phê bình và phê bình thì địch sẽ lợi dụng để từ chối tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đó là sai lầm: “Lại nói: Nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”6.

Vì vậy, để thực hiện được công khai kết quả tự phê bình và phê bình, việc cần chú ý đầu tiên là phải làm thay đổi nếp nghĩ, phá bỏ sự e ngại công khai kết quả tự phê bình và phê bình. Việc này chỉ có kết quả tốt khi tổ chức nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình thành nền nếp, có hiệu quả. Trước mắt cần thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về tự phê bình và phê bình, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấu suốt mục đích, nguyên tắc của tự phê bình và phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, chứ “không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng”7, từ đó thúc đẩy họ tích cực thực hiện tự phê bình và phê bình; khắc phục sự e ngại công khai kết quả tự phê bình và phê bình.

Thứ hai, xây dựng chế độ công khai kết quả tự phê bình và phê bình, quy định rõ nội dung, cách thức, phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền. Cùng với tuyên truyền, giáo dục cần có quy định thành chế độ công khai kết quả tự phê bình và phê bình để việc thực hiện thành phổ biến, thường xuyên trong các tổ chức đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Quy định cần xác định rõ nội dung, hình thức, phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền công khai kết quả tự phê bình và phê bình; chế tài xử lý vi phạm việc không thực hiện hoặc lợi dụng việc công khai kết quả tự phê bình và phê bình. Quy định cần cụ thể, chặt chẽ, tránh chung chung, hình thức đồng thời tránh sự vận dụng tuỳ tiện, tạo sơ hở cho các tiêu cực hoặc các phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng, Kinh nghiệm lịch sử cho thấy chủ trương công khai hoá của Đảng Cộng sản Liên Xô trong cải tổ, đã bị lợi dụng để bôi đen Đảng, phủ nhận những cống hiến vĩ đại của Đảng, làm tan rã về tư tưởng trong đội ngũ của Đảng.

Thứ ba, cấp trên, cán bộ lãnh đạo gương mẫu thực hiện công khai kết quả tự phê bình và phê bình. Tình trạng nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, “nhẹ trên nặng dưới”, thiếu các tấm gương tiêu biểu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. trong thời gian qua đã làm xấu đi kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và hệ thống chính trị, bởi vậy, nay muốn có chuyển biến và thành công, việc công khai kết quả tự phê bình và phê bình, nhất định cần sự gương mẫu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo.

Thứ tư, quy định thành chế độ để nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng thật sự tham gia giám sát việc công khai kết quả tự phê bình và phê bình. Công khai kết quả tự phê bình và phê bình cần hướng đến việc công khai trước nhân dân, và chỉ khi đó mới có hiệu quả thực sự đối với phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam, lợi ích của Đảng, của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam là một, và Đảng chủ trương dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Vì vậy việc của Đảng là việc của nhân dân. Trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia, còn nhân dân cần và có quyền được biết công việc của Đảng, biết kết quả tự phê bình và phê bình trong Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “cán bộ các cấp phải thật thà tự phê bình trước nhân dân8. Cần tuyên truyền và xây dựng quy định cụ thể để nhân dân cùng với các phương tiện thông tin đại chúng thật sự được tham gia giám sát việc công khai kết quả tự phê bình và phê bình; việc sửa chữa khuyết điểm đã công khai. Trước mắt cần tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về việc định kỳ hằng năm, cấp uỷ, tổ chức đảng có hình thức thích hợp thông báo kết quả kiểm điểm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, đóng góp ý kiến. Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giảm sát. xử lý nghiêm túc vi phạm. Thói quen xử lý nội bộ và sự e ngại sợ “mất uy tín” là yếu tố cản trở việc công khai kết quả tự phê bình và phê bình, do vậy, trên cơ sở xây dựng thành chế độ cần chú trọng tổ chức nghiêm việc kiểm tra, giám sát thực hiện để vừa hướng dẫn, vừa kịp thời phát hiện uốn nắn các lệch lạc, sai phạm. Nếu tổ chức, cá nhân lãnh đạo nào vi phạm hệ thống, nghiêm trọng cũng cần có xử lý nghiêm để nêu gương.

 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 2/2013

1. VILênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1977, T. 41, tr. 51

2, 4, 6, 7, 8. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 5, tr. 261, 267, 497, 504, 210

3, 5. Sđd, T. 6, tr. 209, 209.