Tóm tắt: Trong giai đoạn cách mạng 1961-1965, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng miền Bắc có bước phát triển mạnh mẽ. Trong số hàng trăm tờ báo phát hành rộng rãi ở miền Bắc, báo Nhân Dân1 và Tạp chí Học tập2 đã tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng của Đảng, góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân; truyên truyền, cổ động nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở miền Bắc; tích cực đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng; giới thiệu kinh nghiệm quản lý và sản xuất của các nước trong hệ thống XHCN, tuyên truyền về thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới; xây dựng, củng cố quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ khóa: Báo Nhân Dân; Tạp chí Học tập; Tạp chí Cộng sản; công tác tư tưởng

1. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng

Tháng 9-1960, Đại hội III của Đảng được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra đường lối xây dựng CNXH ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Sau Đại hội, báo chí miền Bắc bước vào thực hiện đợt tuyên truyền sâu rộng nhằm giới thiệu mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của toàn Đảng trong giai đoạn cách mạng trước mắt.

Thực hiện cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân 1961, báo Nhân Dân, Tạp chí Học tập tập trung tuyên truyền, góp phần xây dựng và bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, xây dựng ý thức làm chủ, quan điểm tất cả phục vụ cho sản xuất, ý thức cần kiệm xây dựng đất nước; chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, quan liêu, mệnh lệnh; chống lại hành vi tham ô, lãng phí, góp phần xây dựng con người mới, có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa.

Nhân dịp những sự kiện lớn, báo Nhân Dân có những bài phân tích, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân miền Bắc. Về cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân 1961, báo Nhân Dân số 2563, ra ngày 27-3-1961 đăng toàn văn bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị bàn cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961. Bài báo có nhan đề “Lời Hồ Chủ tịch nói chuyện tại Hội nghị bàn cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân 1961”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đợt chỉnh huấn này là một cuộc vận động lớn về tư tưởng ở trong Đảng và trong nhân dân lao động, nhằm xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội, có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa”3. Theo Người, những tư tưởng, tác phong mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động cần bồi dưỡng cho mình là: Ý thức làm chủ và tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa; quan điểm “tất cả phục vụ sản xuất”; ý thức cần kiệm xây dựng nước nhà; tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH; chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu mệnh lệnh, tham ô lãng phí, bảo thủ rụt rè. Người nhấn mạnh: “Đây là một cuộc vận động, giáo dục tư tưởng có ý nghĩa rất to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của chúng ta ngày nay”4.

Trên phương diện công tác lý luận, Tạp chí Học tập đã đăng tải một số bài nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề như: vấn đề thời đại, lý luận về CNXH, lý luận về phong trào giải phóng dân tộc... nhằm giúp cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn lý tưởng cách mạng.

Về vấn đề thời đại, Tạp chí Học tập, số 1-1961 đăng bài “Tính chất của thời đại chúng ta” của Trần Quỳnh5; số 11-1961, có bài “Hệ thống xã hội chủ nghĩa đang trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người” của Nguyễn Văn Kỉnh6; số 2-1964, đăng bài “Một vài vấn đề trong nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta” của đồng chí Lê Duẩn7... Bài viết của Trần Quỳnh nêu rõ: “Thời đại này là thời đại đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội đối lập... Thời đại chúng ta là thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc, và các cuộc cách mạng đó đang mở rộng”8. Những bài viết trên đã phân tích, làm rõ tính chất của thời đại là quá độ lên CNXH, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về con đường đi lên XHCN, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin trước các thế lực phản động quốc tế.

Về lý luận con đường đi lên CNXH, các bài viết phân tích rõ những đặc điểm, khó khăn, thuận lợi của miền Bắc trên con đường xây dựng CNXH, đề cập đến lý luận về tất cả các vấn đề từ quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá..., qua đó giáo dục cho cán bộ, đảng viên những quan điểm đúng đắn làm cơ sở cho hành động.

Về lý luận quân sự, Tạp chí Học tập số 9-1963 đăng bài “Con người và vũ khí” của Hoàng Văn Thái9 khẳng định: tinh thần là yếu tố cơ bản để kết hợp con người và vũ khí; số 4-1964 đăng bài “Nắm vững đường lối quân sự của Đảng, ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại trong lĩnh vực quân sự” của Hoàng Văn Thái10; số 9-1964, đăng bài “Bàn về những kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta” của Văn Tiến Dũng11... Các bài viết đã giúp cán bộ, đảng viên các cấp chỉ huy trong quân đội nắm vững đường lối quân sự của Đảng, thực hiện xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu...

2. Tuyên truyền, cổ động nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của miền Bắc

Công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc (1961-1965) xuất hiện nhiều điển hình trong những nhân tố mới (cá nhân và tập thể), trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực.

Trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đã xuất hiện nhiều hợp tác xã tiên tiến, trong đó, hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình) trở thành ngọn cờ đầu... Từ số 2534 đến số 2536, ra ngày 26-2 đến ngày 28-2-1961, báo Nhân Dân đăng các bài “Hoan nghênh hợp tác xã Đại Phong”, bài xã luận nhan đề “Học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong”. Sau đó, phong trào thi đua học tập, tiến kịp và vượt Đại Phong được phát động rầm rộ, sôi nổi trên toàn miền Bắc.

Trong công nghiệp, nổi bật là phong trào thi đua với nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) do Thành ủy Hải Phòng phát động nhằm thực hiện cuộc vận động “Hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý kỹ thuật” của Chính phủ. Báo Nhân Dân số 2569, ra ngày 2-4-1961, đăng bài Xã luận “Các xí nghiệp, công trường hãy học tập Duyên Hải, thi đua với Duyên Hải”. Đồng thời, báo Nhân Dân từ số 2569 đến số 2571, ra từ ngày 2-4 đến ngày 4-4-1961, đăng bài viết của đồng chí Lê Thanh Nghị với tiêu đề “Học tập quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của nhà máy cơ khí Duyên Hải trong phong trào hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật” để cổ vũ phong trào. Tháng 4-1961, Chính phủ và Tổng Công đoàn Việt Nam chính thức phát động giai cấp công nhân và các nhà máy, xí nghiệp, công trường trên toàn miền Bắc thi đua với Nhà máy Cơ khí Duyên Hải. Báo Nhân Dân xây dựng chuyên mục “Học tập Duyên Hải, thi đua với Duyên Hải” để phản ánh những điển hình tiên tiến.

Trong giáo dục có phong trào thi đua “Hai tốt” (giảng dạy tốt, học tập tốt), tiêu biểu là tập thể Trường Phổ thông cấp II Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam). Nhân dịp Hội nghị phát động thi đua dạy tốt, học tốt, học tập trường Bắc Lý được tổ chức tại tỉnh Hà Nam, báo Nhân Dân, số 2767, ra ngày 19-10-1961 đăng bài xã luận nhan đề “Mở rộng và đẩy mạnh cuộc thi đua dạy tốt, học tốt”. Cùng ngày, báo Nhân Dân đăng bài “Đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, toàn ngành giáo dục ra sức học tập Trường Bắc Lý” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên.

Trong lực lượng vũ trang có phong trào thi đua “Ba nhất” với ngọn cờ tiêu biểu là các chiến sỹ pháo binh Đại đội 2, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 68, Đoàn Vinh Quang. Ngày 10-7-1961, báo Nhân Dân số 2667 đăng bài “Toàn quân sôi nổi đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại”. Tiếp đó, báo Nhân Dân số 2669, ra ngày 12-7-1961 đăng bài “Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên-hải, nông dân phất cao ngọn cờ Đại-phong, quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “Ba nhất””. Phong trào thi đua “Ba nhất” được phát động và cổ vũ mạnh mẽ.

Không khí hào hùng trong các phong trào thi đua lao động sản xuất ở miền Bắc được báo Nhân Dân và Tạp chí Học tập phản ánh đậm nét, tuyên truyền những gương lao động giỏi, gương người tốt việc tốt, thẳng thắn phê bình những thói xấu như lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu, góp phần quan trọng trong việc phát động các phong trào “Xung phong tình nguyện vượt kế hoạch 5 năm”; giành danh hiệu “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”, biểu dương và cổ vũ mạnh mẽ các điển hình cá nhân và đơn vị tiên tiến, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua.

Tạp chí Học tập, số 6-1961 đăng bài “Phong trào thi đua ba nhất trong quân đội” của Trần Quốc Tường12; số 7-1961, đăng bài “Đẩy mạnh và nâng cao phong trào Duyên hải” của Lê Vân13; số 5-1963, có bài “Phong trào thi đua hai tốt với lá cờ đầu Bắc Lý” của Võ Thuần Nho14... đã cổ vũ cho các phong trào thi đua đang hết sức rầm rộ trên miền Bắc.

Báo Nhân Dân còn dành nhiều dung lượng tuyên truyền cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Sau khi phong trào thi đua trên các lĩnh vực được các đơn vị, địa phương hưởng ứng rộng rãi, báo Nhân Dân xây dựng các chuyên mục như: “Trong phong trào Đại Phong”, “Trong phong trào Duyên Hải”... thông tin, cổ vũ, đưa phong trào thi đua lên tầm cao mới.

3. Tuyên truyền, tích cực đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng

Tạp chí Học tập có nhiều bài đề cập đến công tác tư tưởng. Tạp chí Học tập số 4-1961, có bài “Bồi dưỡng và xây dựng những tư tưởng mới để đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc” của đồng chí Lê Duẩn15, phân tích chủ trương của Đảng về cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961; số 5-1961, có bài “Kiên quyết khắc phục chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa mệnh lệnh” của đồng chí Nguyễn Lương Bằng16; số 2-1963, có bài “Cần khắc phục tư tưởng địa vị trong việc phân công cấp ủy Đảng” của Lý Bá Lung17; số 10-1963, có bài “Nâng cao lập trường tư tưởng vô sản, đoàn kết, phấn đấu giành thắng lợi mới” của Nguyễn Chí Thanh18, phê phán những tư tưởng sai trái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, xây dựng tư tưởng quyết tâm thực hiện đường lối cách mạng XHCN ở miền Bắc và quyết tâm đấu tranh giải phóng miền Nam. Tạp chí Học tập số 11-1963, có bài “Một số vấn đề ý thức tư tưởng đối với hai cuộc vận động cách mạng lớn hiện đang tiến hành” của đồng chí Phạm Văn Đồng19 về quan điểm của Đảng đối với 2 cuộc vận động lớn trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp; số 6-1964, có bài “Nắm vững đường lối của Đảng, khắc phục tư tưởng sai lầm, ra sức thực hiện kế hoạch Nhà nước” của Nguyễn Duy Trinh20 phê phán những tư tưởng sai lầm như: quan niệm không còn đấu tranh giai cấp sau khi hoàn thành cải tạo XHCN ở miền Bắc, coi nhẹ tầm quan trọng của vấn đề công nghiệp hoá, không nhận rõ mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, không thấu suốt phương châm tự lực cánh sinh trong công cuộc xây dựng CNXH miền Bắc; số 8-1964 có bài “Giáo dục chính trị, tư tưởng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất” của Lê Thanh Nghị21, làm rõ vai trò công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và coi đó là cái gốc và đi trước trong việc thúc đẩy mọi hoạt động của con người; số 10-1964 có bài “Tăng cường bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân” của Song Hào22...

Trước tình hình bất hòa sâu sắc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, báo Nhân Dân số 3243, ra ngày 11-2-1963 đăng bài “Tuyên bố của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về sự đoàn kết của phong trào cộng sản quốc tế”. Tuyên bố nêu rõ: “1. Các đảng cộng sản và công nhân nên đình chỉ mọi sự công kích lẫn nhau trên báo chí, đài phát thanh...và tránh mọi hành động có thể gây thêm hiểu lầm và xích mích, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triệu tập một cuộc hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân. 2. Cuộc Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân đó nhằm mục đích cùng nhau nhận định thêm về tình hình và nhiệm vụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cùng nhau bàn bạc để giải quyết những vấn đề bất đồng ý kiến, tăng cường đoàn kết và phối hợp hành động vì mục tiêu phấn đấu chung. 3. Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc có trách nhiệm lớn nhất trong việc chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho cuộc hội nghị quốc tế đó đạt kết quả tốt... Chúng tôi thiết tha kêu gọi tất cả các đảng anh em, tất cả những người cộng sản hãy tích cực góp phần vào việc khôi phục đoàn kết và tránh mọi việc có thể gây thêm sự bất hòa”. Cùng ngày, báo đăng bài xã luận nhan đề “Đoàn kết là bảo đảm cho mọi thắng lợi của chúng ta”23.

 Sau HNTƯ 9 khoá III của Đảng, trên báo Nhân Dân ngày 21-1-1964, trong bài Thông cáo về HNTƯ 9 khoá III của Đảng có đoạn: “Trong một số cán bộ và đảng viên đang còn có những tư tưởng hữu khuynh. Chúng ta cần khắc phục những tư tưởng hữu khuynh ấy và ngăn ngừa ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại hiện đại”; ”Khắc phục tư tưởng hữu khuynh và những tư tưởng sai lầm khác; xây dựng tư tưởng tập thể xã hội chủ nghĩa, bồi dưỡng đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, chống chủ nghĩa tự do; giáo dục tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản, tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng, tạo nên một khí thế cách mạng sôi nổi, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam”24.

 

4. Giới thiệu kinh nghiệm quản lý và sản xuất của các nước trong hệ thống XHCN, tuyên truyền về thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới

Nhiều bài trên báo Nhân Dân, Tạp chí Học tập đăng tải giới thiệu thành tựu và kinh nghiệm phát triển sản xuất, kinh nghiệm quản lý trên một số lĩnh vực của các nước XHCN như Liên Xô, Trung Quốc, Anbani, Bungari... Báo Nhân Dân số 3210, ra ngày 8-1-1963 đăng bài “Một cái mốc mới trên con đường xây dựng kinh tế hùng cường của Liên Xô” của tác giả L.Lêônchiép, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô; báo Nhân Dân số 3217, ra ngày 15-1-1963 có bài “Nước Cộng hòa dân chủ Đức bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quy mô lớn” của Lê Bình; báo Nhân Dân số 3222, ra ngày 20-1-1963 đăng bài “Tiệp Khắc đang hoàn thiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” của Hoàng Tùng; báo Nhân Dân số 3218, ra ngày 16-1-1963, đăng bài “Các nước anh em đạt nhiều thành tựu lớn về công nghiệp và nông nghiệp”... cùng nhiều bài báo viết về thành tựu xây dựng CNXH của các nước anh em đã củng cố niềm tin của nhân dân Việt Nam vào tương lai của CNXH và học tập những kinh nghiệm thành công của các nước XHCN anh em.

Trên Tạp chí Học tập, những bài viết về kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và thành tựu của các nước trong hệ thống XHCN chiếm một phần quan trọng. Số 3-1961 có bài “Hunggari vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội” của Hồng Chương25 (tr.76-79); số 8-1961 có bài “70 năm đấu tranh cho thắng lợi của nền dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Bun-ga-ri” của Pavencốtlốp, Giáo sư sử học Trường Đảng cao cấp Sophia, Bungari26 (tr. 35-37); số 8-1961 có bài “Nông nghiệp Liên Xô không ngừng phát triển” của S.Sêmin27 (tr. 64-67), số 10-1964 có bài “Mười lăm năm thắng lợi vĩ đại của nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa” của Trần Tử Bình28 (tr. 45-50); số 11-1964 có bài “Nước cộng hoà nhân dân Anbani vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội” của Song Nguyễn29 (tr. 75-79)...

Báo Nhân Dân và Tạp chí Học tập đăng nhiều bài về cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới chống chủ nghĩa thực dân mới. Cuba-tấm gương của phong trào cách mạng ở châu Mỹ, thường xuyên được phản ánh trên báo Nhân Dân, đặc biệt trong “Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”30 năm 1962. Một trong số những bài viết đó là bài “Cuba đứng vững như bức tường thép” của Lê Bình, đăng trên báo Nhân Dân, số 3256, ra ngày 24-2-1963. Bài báo ca ngợi tinh thần cách mạng anh dũng của nhân dân Cuba, hiên ngang trước chính sách bao vây, cấm vận và các hành động xâm lược của Mỹ và các thế lực phản động thân Mỹ.

Tạp chí Học tập đăng nhiều bài tuyên truyền về thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ latinh. Số 9-1961 đăng bài “Bước tiến mới của phong trào giải phóng ở Ăng-gô-la” của Thiếu Hoa (tr. 76-79). Tác giả khẳng định: “Những bước chuyển biến mới trên đây của Ăng-gô-la cũng như của các nước thuộc địa khác của Bồ-đào-nha, của những nước ở miền Đông Châu Phi càng chỉ rõ trong thời đại hiện nay, ở một nước thuộc địa như Ăng-gô-la, một khi nhân dân đoàn kết chặt chẽ, đứng lên cầm vũ khí chống bọn thực dân thống trị, thì dù còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn gian khổ do chủ nghĩa đế quốc câu kết gây ra,  nhưng cuối cùng nhất định thắng lợi”31. Tạp chí Học tập số 1-1962 đăng bài “Ba năm thắng lợi vẻ vang của nhân dân Cuba anh hùng” của Hoàng Văn Lợi32; số 10-1962 đăng bài “Nhân dân Lào đã giành được những thắng lợi lớn” của T.S33; số 11-1962 đăng bài “Nước cộng hoà Angiêri ra đời” của Thế Duy và Hoàng Phi34... nêu những tấm gương sáng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, có tác dụng cổ vũ to lớn cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Cuba lúc này là tấm gương sáng cho phong trào cách mạng thế giới. Bài viết “Ba năm thắng lợi vẻ vang của nhân dân Cuba anh hùng” nêu rõ: Cuba đang “xây dựng một nước Cuba tự do, độc lập, tiến lên chủ nghĩa xã hội; người chiến thắng không phải là đế quốc Mỹ mà là nhân dân Cuba anh hùng; Cuba là “tấm gương sáng, cổ vũ” to lớn cho cách mạng Mỹ latinh và các dân tộc đang bị áp bức, bóc lột khác trên thế giới35.

Từ tháng 12-1963, trước sự phức tạp của tình hình quốc tế, báo Nhân Dân và Tạp chí Học tập tập trung phản ánh cuộc đấu tranh bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, góp phần tăng cường đoàn kết trong hệ thống XHCN và phong trào cộng sản quốc tế, củng cố và phát triển Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước.

Tháng 12-1963, HNTƯ 9 khoá III của Đảng bàn về tình hình quốc tế và quan hệ quốc tế của Đảng Lao động Việt Nam. Báo Nhân Dân số 3585 ngày 21-1-1964 đăng xã luận “Tăng cường đoàn kết nhất trí, nâng cao ý chí chiến đấu, đưa sự nghiệp cách mạng của chúng ta tiến tới những thắng lợi mới”. Bài báo phân tích tình hình quốc tế, những bất đồng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, khẳng định: “Đảng Lao động Việt-nam nguyện ra sức phấn đấu để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh là nguy cơ chủ yếu, đồng thời chống chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa biệt phái, góp phần tăng cường đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và trong phong trào cộng sản quốc tế”36.

 

5. Tuyên truyền góp phần xây dựng, củng cố quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Báo Nhân Dân xây dựng chuyên mục “Cả thế giới ủng hộ chúng ta chống Mỹ xâm lược” thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự phát triển của hệ thống các n­ước XHCN, sự phát triển của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh phản đối sự xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới về tinh thần và vật chất cho nhân dân Việt Nam. Cụ thể, chuyên mục này hằng ngày đăng tin các nhà lãnh đạo trên thế giới, các phong trào, các tổ chức chính trị và các cá nhân có uy tín trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Sự ủng hộ này thể hiện chủ yếu trên lĩnh vực tinh thần, phản ánh phong trào biểu tình ở các nước XHCN, dân tộc chủ nghĩa, TBCN và đặc biệt là phong trào phản chiến của nhân dân tiến bộ Mỹ chống cuộc chiến tranh bẩn thỉu của chính quyền Washington tại Việt Nam. Trong chuyên mục “Cả thế giới ủng hộ chúng ta chống Mỹ xâm lược” ngày 17-5-1965 có các tin, bài “Quốc hội Bungari nhiệt liệt ủng hộ lời kêu gọi của Quốc hội ta;  Bộ Ngoại giao Liên Xô cảnh cáo chính phủ Úc đưa lính đánh thuê sang Nam Việt Nam; Tại Đại hội đoàn kết nhân dân Á-Phi, các đại biểu các nước tiếp tục lên án Mỹ; Sinh viên và nhân dân Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam; Thủy thủ Nhật Bản và Úc không chở dụng cụ chiến tranh của Mỹ sang Việt Nam”37.

Tạp chí Học tập có nhiều bài nghiên cứu, phân tích về chính sách xâm lược của Mỹ và chế độ thực dân mới tại miền Nam Việt Nam. Số 2-1961, có bài “Vài nét về khủng hoảng kinh tế Mỹ” của Khắc Lãm38; số 5-1961, có bài “Phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa đang lên mạnh” của Nguyễn Quỳnh39; số 9-1962, có bài “Chính sách của tập đoàn Ken-nơ-đi hay là con đường bế tắc của chủ nghĩa đế quốc Mỹ” của Tiến Dũng40; số 7-1963, có các bài “Ai sẽ thắng ai ở miền Nam Việt Nam” của Nguyễn Chí Thanh41, bài “Cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của đồng bào ta ở miền Nam nhất định thắng lợi” của Chiến Hữu42; số 6-1965, có bài “Luận điệu hòa bình bịp bợm của Giônxơn không che đậy được bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ”, của tác giả Người Bình Luận43... bóc trần mọi âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và tay sai, phân tích tương quan lực lượng, về sức mạnh bị hạn chế của Mỹ, khẳng định chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ tại miền Nam nhất định thất bại, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước về thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

Những chiến thắng vang dội của quân và dân miền Nam, sự chi viện dốc sức của miền Bắc cho miền Nam ruột thịt với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến” được báo Nhân Dân và Tạp chí Học tập đăng tải và cổ vũ kịp thời, góp phần xây dựng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và nâng tầm, phát huy chiến thắng của quân và dân Việt Nam; cổ vũ phong trào kết nghĩa của các tỉnh miền Bắc với các tỉnh, thành miền Nam, góp phần thắt chặt tình cảm giữa nhân dân hai miền Nam-Bắc, cả dân tộc đồng lòng, đồng sức, thực hiện nhiệm vụ chung của cách mạng.

Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, báo Nhân Dân và Tạp chí Học tập, bằng những bài viết sắc bén và kịp thời, mang tính chiến đấu cao, đã giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Bắc thấy được bản chất xâm lược, hiếu chiến của đế quốc Mỹ, đồng thời cho nhân dân Việt Nam thấy rõ sức mạnh thật sự của Mỹ, vừa để tránh tư tưởng chủ quan, vừa củng cố niềm tin vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc, chống tư tưởng phục Mỹ, sợ Mỹ, bi quan dao động trước những diễn biến mới của tình hình.

Báo chí miền Bắc trong giai đoạn 1961-1965, tiêu biểu là Báo Nhân Dân và Tạp chí Học tập đã có những đóng góp hết sức to lớn vào công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trên hai phương diện công tác lý luận và công tác tuyên truyền, cổ động. Những tờ báo này trở thành vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng lý luận của Đảng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Báo Nhân Dân và Tạp chí Học tập đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đánh dấu một giai đoạn mới trên chặng đường xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 6/2020

 

1. Thời điểm năm 1965, Báo Nhân Dân là Cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam,  xuất bản hằng ngày với số lượng  hơn 10 vạn bản, nay là Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam

2. Thời điểm năm 1965, Tạp chí Học tập là tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Lao động Việt Nam, xuất bản hằng tháng với số lượng 5 vạn bản, nay là Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

 3, 4. Báo Nhân Dân, số 2563, ra ngày 27-03-1961

5. Tạp chí Học tập, số 1-1961, tr. 36-43

6. Tạp chí Học tập, số 11-1961, tr. 15-17

7. Tạp chí Học tập, số 2-1964, tr. 1-20

8. Trần Quỳnh, “Tính chất của thời đại chúng ta”, Tạp chí Học tập, số 1-1961, tr. 39-40

9. Tạp chí Học tập, số 9-1963, tr. 27-36

10. Tạp chí Học tập, số 4-1964, tr.17-25

11. Tạp chí Học tập, số 9-1964, tr. 1-12

12. Tạp chí Học tập, số 6-1961, tr. 55-59

13. Tạp chí Học tập, số 7-1961, tr. 42-47

14. Tạp chí Học tập, số 5-1963, tr.51-57)

15. Tạp chí Học tập, số 4-1961, tr. 37-53

16. Tạp chí Học tập, số 5-1961, tr. 16-22

17. Tạp chí Học tập, số 2-1963, tr. 63-64

18. Tạp chí Học tập, số 10-1963, tr. 1-13

19. Tạp chí Học tập, số 11-1963, tr. 11-16

20. Tạp chí Học tập, số 6-1964, tr. 9-20

21. Tạp chí Học tập, số 8-1964, tr. 7-15

22. Tạp chí Học tập, số 10-1964, tr. 36-44

23. Báo Nhân Dân, số 3243, ra ngày 11-2-1963

24. Báo Nhân Dân, số 3585, ra ngày 21-1-1964

25. Tạp chí Học tập, số 3-1961, tr. 76-79

26. Tạp chí Học tập, số 8-1961, tr. 35-37

27. Tạp chí Học tập, số 8-1961, tr. 64-67

28. Tạp chí Học tập, số 10-1964, tr. 45-50

29. Tạp chí Học tập, số 11-1964, tr. 75-79

30. Tháng 10-1962, Liên Xô đưa tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung đến Cuba để đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung tại một số quốc gia châu Âu, nhằm vào Liên Xô. Sự kiện này làm gia tăng sự  lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng cuối cùng, Mỹ và Liên Xô đã thỏa hiệp, tháo ngòi cuộc khủng hoảng bằng việc Liên Xô rút các tên lửa hạt nhân khỏi Cuba, Mỹ rút các tên lửa hạt nhân bố trí tại Italia, Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết không xâm chiếm Cuba

31. Thiếu Hoa, “Bước tiến mới của phong trào giải phóng ở Ăng-gô-la”, Tạp chí Học tập số 9- 1961, tr. 79

32. Tạp chí Học tập, số 1-1962, tr. 44-51

33. Tạp chí Học tập, số 10-1962, tr. 73-79

34. Tạp chí Học tập, số 11-1962, tr. 71-79

35. Hoàng Văn Lợi, “Ba năm thắng lợi vẻ vang của nhân dân Cuba anh hùng”, Tạp chí Học tập, số 1-1962, tr. 44, 46, 48

36. Báo Nhân Dân số 3585, ra ngày 21-1-1964

37. Báo Nhân Dân số 4061, ra ngày 17-5-1965

38. Tạp chí Học tập, số 2-1961, tr. 72-73

39. Tạp chí Học tập, số 5-1961, tr. 77- 79

40. Tạp chí Học tập, số 9-1962, tr. 71-78

41, 42. Tạp chí Học tập, số 7-1963, tr. 18-21, 22-25

43. Tạp chí Học tập, số 6-1965, tr. 76-79.