Ban biên tập: Tháng 2-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật đến Thủ đô Mátxcơva của Liên Xô. Tại đây, Người đã có cuộc hội kiến với Xtalin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Đến tháng 10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trở lại Liên Xô tham dự không chính thức Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô. Qua những chuyến thăm này, phía Liên Xô hiểu rõ hơn về tình hình cách mạng Việt Nam và bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ tích cực cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Cũng trong 2 chuyến đi này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều tư liệu phản ánh về quan hệ Việt Nam - Liên Xô. Năm 2006, Đoàn công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh sang Cục Lưu trữ Lịch sử - Chính trị xã hội quốc gia Liên bang Nga đã sưu tầm được một số tư liệu liên quan đến 2 chuyến đi này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tạp chí Lịch sử Đảng trân trọng giới thiệu bài viết về những tư liệu này.

Từ khóa: Tư liệu Lịch sử; Hồ Chí Minh; quan hệ Việt Nam-Liên Xô

1. Về cuốn tạp chí “Liên Xô trên công trường xây dựng (СССР на стройке)”
Khi trở lại Việt Bắc sau chuyến đi công tác bí mật tháng 2-1950 đến Thủ đô Mátxcơva của Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể về chuyến đi này với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có sự kiện Xtalin, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô ký vào bìa cuốn tạp chí “Liên Xô trên công trường xây dựng (СССР на стройке)”, số tháng 11-1949 và tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng trước khi Người về nước, ai đó đã lấy lại cuốn tạp chí. Vấn đề này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cập trong cuốn sách Chiến đấu trong vòng vây như sau:  “Trong một buổi làm việc, thấy có cuốn họa báo Liên Xô đặt trên bàn, Bác cầm đưa Xtalin, đề nghị ký một chữ làm kỷ niệm. Xtalin vui vẻ ký rồi chuyển các đồng chí Môlôtốp, Kazanôvích1 ngồi bên ký tiếp. Bác mang tờ báo về nhà khách. Nhưng hôm sau không còn thấy tờ báo. Bác không bình luận gì về chuyện này. Liên Xô đã công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng có thể còn đang cân nhắc mức độ công khai hóa mối quan hệ mật thiết với ta”2.
Cũng trong cuốn sách Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại chi tiết Xtalin đã chất vấn Hồ Chí Minh: vì sao Đảng Cộng sản Đông Dương chưa tiến hành cải cách ruộng đất?: “Đồng chí Xtalin trỏ hai chiếc ghế rồi hỏi mình:“Ghế này là ghế nông dân, ghế này là của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào?”3.
Năm 2006, Đoàn công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh sang Liên bang Nga sưu tầm tư liệu về Hồ Chí Minh. Tại Cục Lưu trữ Lịch sử - Chính trị xã hội quốc gia Liên bang Nga (LTLSCT-XHQGN), Đoàn công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm được cuốn tạp chí nêu trên4. Trên trang bìa cuốn tạp chí có bút tích đề tặng và chữ ký của Xtalin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô:“Thân mến tặng đồng chí Hồ Chí Minh, ngày 10-2-1950”. Đoàn công tác đã scan lại trang bìa cuốn tạp chí này. Tài liệu hiện lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Xem thêm bài và ảnh đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số tháng 6-2013).
 
2. Các tài liệu lưu trữ khác
Ngoài cuốn tạp chí nêu trên, Đoàn công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh còn sưu tầm được nhiều tài liệu khác5 về quan hệ Việt Nam - Liên Xô liên quan đến hai chuyến đi Liên Xô năm 1950 và 1952 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả những tài liệu này đã được các nhà khoa học Nga công bố công khai trên mạng Internet, tại các trang web sau: kpss-ru.livejournal.com (ngày 19-5-2010); www.vestarchive.ru/issledovaniia (ngày 10-4-2010) và trong ấn phẩm của A.A. Xôcôlốp: Chuyến đi của Hồ Chí Minh đến Liên Xô năm 1950 và 1952 (chuyên đề nghiên cứu về Việt Nam của Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, xuất bản tháng 1-2011). 
Sau đây là các tài liệu, theo thứ tự thời gian:  
Tài liệu 16
Tuyệt mật. Điện tín bằng mật mã.
Nơi nhận: Bắc Kinh, Đại sứ Sibaiép. Đặc biệt, miễn xếp hàng.
Đề nghị giao cho Lưu Thiếu Kỳ7 bức điện sau đây để chuyển cho Hồ Chí Minh:
“Kính gửi đồng chí Hồ Chí Minh.
Một vài ngày trước, đồng chí Mao Trạch Đông có thông báo với tôi rằng, đồng chí có ý muốn bí mật đến Mátxcơva. Lúc đó tôi đã trả lời là không phản đối chuyến đi đó của đồng chí. Nếu như sau khi Liên Xô công nhận nước Việt Nam mà đồng chí vẫn giữ nguyên ý muốn đó thì tôi rất vui sướng được tiếp đồng chí ở Mátxcơva.
Philíppốp”8.
Người thực hiện bức điện.
 Vưsinxki9. Ngày 1-2-1950.
Tài liệu 210
Tuyệt mật. Điện tín bằng mật mã.
Kính gửi đồng chí Xtalin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
1. Tôi muốn đến Mátxcơva một cách bí mật vì hai lí do: Thứ nhất, về việc tôi rời Việt Nam chỉ có một vài đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam11 và hai thành viên Chính phủ biết. Thứ hai, tôi e rằng nếu người Pháp biết tôi đã rời khỏi Việt Nam họ sẽ có thể có những hành động chính trị, quân sự.
2. Ngày 3 tháng 2, bằng vô tuyến điện tôi đã hỏi ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tính chất chuyến đi thăm Mátxcơva của tôi. Nhưng để hồi đáp được đến Mátxcơva sớm cũng phải mất 10 ngày.
3. Nếu đồng chí Xtalin tìm được giải pháp tốt nhất để tôi đến thăm Mátxcơva một cách chính thức, thì tôi tin rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ đồng ý với ý kiến của tôi.
4. Khi đến Mátxcơva, tôi rất mong được đồng chí cho phép đến thẳng chỗ đồng chí.
Gửi lời chào anh em. Hồ Chí Minh. Ngày 7-2-1950.
Tài liệu 312
Ngày 26-2-1950
Đồng chí Môsetốp và Kôzơlốp thân mến!
Tôi cảm thấy rất tuyệt vời và mọi việc diễn ra tốt đẹp.
Tôi hi vọng là các đồng chí đã gửi tập album ảnh cho các đồng chí và các đảng anh em của chúng tôi. Xin hãy truyền đạt với các đảng anh em rằng, những bức ảnh đó có thể dùng cho công tác tuyên truyền bởi chúng không phải là những bức ảnh bí mật.
Tôi cảm thấy tiếc nuối khi rời Mátxcơva mà không gặp để chia tay với đồng chí Xuxlốp và nhận từ đồng chí ấy các lời khuyên và các nhận xét.
Hãy làm ơn chuyển giúp tới đồng chí Grigôrian lời thăm hỏi chân thành nhất của tôi. 
Chào thân ái.
Din13. 8-3-1950 (ngày theo phong bì thư).
Tài liệu 414
(Bức thư của đồng chí N. Timôpheép15 gửi cho đồng nghiệp I. Môsetốp ngày 2-4-1950).
 “Đồng chí Môsetốp kính mến!
Tôi hi vọng đồng chí nắm rõ về chuyến đi của chúng tôi từ Mátxcơva tới Bắc Kinh đã bình yên vô sự. Đồng chí Din lưu lại một ít ngày ở Bắc Kinh, sau đó đã lên đường trở về khu căn cứ của mình và chắc hẳn bây giờ đã về tới nhà. Lúc ở Mátxcơva, đồng chí ấy rất hài lòng và lúc quay về cũng với tâm trạng rất phấn khởi. Trước lúc rời Bắc Kinh, đồng chí Din đã nhờ tôi chuyển tới đồng chí và đồng chí Côzlốp lời cảm tạ vì sự chăm sóc và quan tâm mà các đồng chí đã dành cho đồng chí ấy trong thời gian ở Mátxcơva. Đồng chí Din cũng đề nghị tôi có văn bản chất vấn về một vấn đề làm cho đồng chí ấy hết sức lo lắng là số phận của cuốn tạp chí “Liên Xô trên công trường xây dựng” bị mất tích bí ẩn ở nhà nghỉ, mà trong đó có chữ ký của các đồng chí: Xtalin, Môlôtốp và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ của chúng ta. Kết quả ra sao thì hãy thông báo lại cho đồng chí ấy thông qua đồng chí Phương đang ở lại Bắc Kinh với tư cách là người đại diện. Liên quan tới vấn đề đó, tôi đề nghị là nếu không có gì phiền hà thì đồng chí nên bàn với lãnh đạo và thông báo là nên trả lời như thế nào? Còn điều nữa là trên chuyến hành trình này, đồng chí Din đã không ít lần thắc mắc là không hiểu sao lại xảy ra việc đó khi lưu trú ở nhà nghỉ, nơi mà điều kiện sống giống như của xã hội cộng sản chủ nghĩa, tất cả đều tốt đẹp, vậy mà cuốn tạp chí với các chữ ký lại biến mất?. Đồng chí ấy cũng nhớ lại là những người ở nhà nghỉ đều là những nhân vật quan trọng và đi tới kết luận là tất cả những người này đều trung thực và không thể có ai trong số họ lại cầm cuốn tạp chí đó, mà có thể là đồng chí Môsetốp hay là đồng chí Kazlốp “tình cờ” cầm nó cùng với các xuất bản phẩm khác mà họ mang đến cho đồng chí ấy đọc và sau đó thì thu lại. Tôi thì chả biết trả lời ra sao, chỉ còn cách an ủi đồng chí ấy và tin rằng, sớm hay muộn rồi cuốn tạp chí đó sẽ được tìm thấy.
Trước lúc lên đường về nước chúng tôi đã tặng đồng chí Din khẩu súng săn kèm đạn dược, ống nhòm và một số vật dụng nhỏ thiết yếu khác để dùng trên đường đi. Còn về phần mình, món quà mà đồng chí ấy đã tặng cho các nhân viên Đại sứ quán của chúng ta và những người quen biết trong dịp đồng chí ấy lưu trú là tập ảnh của đồng chí Din, Chủ tịch Đảng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, một tập ảnh (tặng riêng cho cá nhân tôi) tôi xin gửi kèm theo lá thư này cho đồng chí để phòng khi cần đến. Tôi cũng xin gửi đồng chí bức ảnh của đồng chí Phương - người đại diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Bắc Kinh mà chúng tôi chụp ở khu vực Tử Cấm thành trước khi đồng chí Din lên đường về nước.
Đồng chí Đại sứ Rôsin, đồng chí Tham tán Pheđôrencô và nhóm cán bộ Đảng cũng đã tới nơi an toàn và cũng đã bắt tay vào làm việc theo phận sự.  
Hi vọng tiếp theo là sự tập trung lãnh đạo trong tất cả các công việc của những người đi công tác sẽ góp phần tích cực vào việc loại trừ tất cả những khiếm khuyết đã xảy ra ở các nơi trong thời gian qua.  
Xin chuyển lời thăm hỏi tới đồng chí Kôzlốp.
Chào thân ái. N. Timôpheép.
Đại sứ quán Liên Xô tại CHND Trung Hoa, Bắc Kinh. 2-4-1950.
Tài liệu 516
Kính gửi đồng chí Paxcơrebưsép17.                                                  
Xin gửi tới đồng chí bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Xtalin, được Đại sứ Rôsin gửi về từ Bắc Kinh theo đường ngoại giao. Kèm theo thư là bức ảnh chụp binh hiệu của quân viễn chinh nhảy dù Pháp bại trận ở mặt trận Đông Khê. 
A. Vưsinxki.
Ngày 30-12-1950.
Đồng chí Xtalin thân mến!
Tôi rất vinh hạnh được gửi tới đồng chí bản báo cáo ngắn sau đây:
Nhờ sự giúp đỡ to lớn của đồng chí và của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đợt phản công đầu tiên của chúng tôi trong Chiến dịch Biên giới đã kết thúc thắng lợi. (...)18.
Khoảng chừng vào tháng 12 năm 1950, chúng tôi sẽ tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc để thành lập Đảng mới mang tên là Đảng Lao động Việt Nam. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là tiến hành chỉnh Đảng, để còn khoảng chừng 500.000 đảng viên có kiến thức tương đối về lí luận Mác-Lênin (Bây giờ chúng tôi có hơn 750.000 đảng viên nhưng rất nhiều trong số họ sẽ bị thanh lọc sau cuộc chỉnh Đảng).
Tôi hi vọng nhận được cuốn sách mà đồng chí hứa là sẽ viết riêng cho chúng tôi. Tôi sẽ tự tay dịch cuốn sách đó. Đó sẽ là món quà quý giá nhất mà đồng chí dành cho Đảng non trẻ của chúng tôi.
Tôi đề nghị đồng chí chuyển giúp những lời chúc tốt đẹp của tôi tới các thành viên trong Bộ Chính trị của đồng chí.
Nồng nhiệt ôm hôn và xin chúc đồng chí dồi dào sức khỏe và sống lâu muôn tuổi.
Người đồng chí quý mến. Din
Cao Bằng, ngày 14-10-1950.
Tài liệu 619
Mật, ngày 7-5-1950. 493. No 493/Đông-Nam Á - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Kính gửi đồng chí V.G. Grigôrian20
Theo sự ủy nhiệm của đồng chí Vưsinxki A.I., tôi thông báo với đồng chí rằng, trong buổi trao đổi với tôi, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Lương Bằng thông báo là trước lúc rời Việt Nam, ông ấy được Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ thiết lập mối quan hệ với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Về việc này, ông Bằng hỏi rằng, làm thế nào để tiến hành công việc đó trên thực tế. Tôi đã trả lời là sẽ quan tâm tới vấn đề đó.
M. Bakhitốp. Phó Trưởng phòng Đông-Nam Á Bộ ngoại giao Liên Xô.
Tài liệu 721
Điện tín bằng mật mã. Tuyệt mật. No 1671. Đặc biệt, miễn xếp hàng.
Gửi tới đồng chí bức điện của Hồ Chí Minh:
Đồng chí Philíppốp!22
1. Hôm nay tôi đã đến Bắc Kinh. Tôi rất muốn đến Mátxcơva dự Đại hội lần thứ XIX, Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhưng tôi cho rằng, nếu tôi đến Mátxcơva một cách công khai, thứ nhất, kẻ thù có thể ùa vào để chống lại Việt Nam, thứ hai sẽ có nhiều bất tiện khi đón tôi.
Vì lí do này, tôi có ý đến Mátxcơva dưới một cái tên khác. Nếu tôi không thể đến dự Đại hội được, Đảng Lao động Việt Nam sẽ cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt Đảng chúng tôi tới dự Đại hội.
2. Nếu tôi không đến dự Đại hội được, tôi vẫn hi vọng đến Mátxcơva thông báo và thảo luận với đồng chí một số vấn đề về cuộc đấu tranh của Việt Nam và vấn đề công việc của Đảng chúng tôi.
Đề nghị đồng chí cho biết ý kiến của đồng chí.
Gửi lời chào nồng nhiệt. Hồ Chí Minh.
30-9-1952. Kurđiucốp23.
Tài liệu 824
Điện tín bằng mật mã. Tuyệt mật. No 1671. Đặc biệt, miễn xếp hàng.
Đề nghị chuyển cho đồng chí Hồ Chí Minh hồi âm sau:
“Đồng chí Hồ Chí Minh.
Tôi đã nhận được bức điện của đồng chí. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý là đồng chí sẽ tới Mátxcơva theo cách không chính thức. Đại hội Đảng sẽ khai mạc vào ngày 5 tháng 10. Hãy thông báo ngày đồng chí sẽ tới nơi.
Chào thân ái.
Ngày 1-10. Philíppốp.
Người thực hiện bức điện
Ngày 2-10-1952. Vưsinxki.
Tài liệu 925
Kính gửi đồng chí Paxcơrebưsép.
Tôi xin đệ trình bản dịch từ tiếng Pháp bức thư đề ngày 17 tháng 10 năm nay của Din (Hồ Chí Minh), trong đó đồng chí Din đề nghị chuyển cho đồng chí Xtalin.
V. Grigôrian. 17-10-1952.
--------
Đồng chí kính mến và yêu quý!
Tôi đang chờ mệnh lệnh của đồng chí để đến gặp, để ôm hôn đồng chí và báo cáo đồng chí về tình hình Việt Nam.
Trong lúc chờ câu trả lời, hãy cho phép tôi đề xuất một đề nghị, đó là đồng chí Lưu Thiếu Kỳ cũng sẽ có mặt trong buổi tôi gặp và báo cáo với đồng chí.  
Xin đồng chí hãy đón nhận lời chào anh em và hữu nghị của tôi.
Ngày 17-10-1952. Din.
Tài liệu 1026
Kính gửi đồng chí Xtalin.
Hôm nay, ngày 15 tháng 11, đồng chí Hồ Chí Minh đã nhắn miệng lại là đồng chí ấy dự định sẽ về Việt Nam vào một ngày gần nhất và mong muốn được gặp mặt đồng chí Xtalin ít phút trước chuyến khởi hành.
Đồng chí Hồ Chí Minh còn nói thêm rằng, nếu như đồng chí Xtalin không có thời gian cho cuộc gặp thì đồng chí ấy rất cảm thông với sự bận việc của đồng chí, sẽ không làm mất thời gian của đồng chí, sẽ ra về và gửi lại đồng chí mẩu thư ngắn.
Đồng chí Hồ Chí Minh dự định sẽ bay về bằng chuyên cơ sau hai ngày nữa.
V. Grigôrian. Trưởng Ban liên lạc với các Đảng cộng sản quốc tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Bản sao gửi cho đồng chí Malencốp27 
Tài liệu 1128
Kính gửi đồng chí Xtalin.
Xin đệ trình đồng chí bản dịch từ tiếng Pháp bức thư của đồng chí Din (Hồ Chí Minh), bay về Bắc Kinh bằng chuyên cơ vào ngày 19 tháng 11.
Grigôrian.
-----
Ngày 19-11-1952. 
Kính gửi đồng chí Xtalin - Người đồng chí yêu quý và kính trọng. 
Hôm nay tôi quay về Tổ quốc của mình. Tôi rất cảm ơn vì những gì đồng chí đã làm cho tôi.
Tôi hứa sẽ làm tốt chương trình ruộng đất cả trong khi tiến hành chiến tranh vệ quốc của chúng tôi.
Tôi hi vọng là sau hai hoặc ba năm nữa tôi có thể quay lại để báo cáo đồng chí về kết quả công việc của chúng tôi.
Kính chúc đồng chí sức khỏe và sống lâu.
Ôm hôn đồng chí. 
Ngày 19-11-1952. Din.
Việc Cục Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội quốc gia Nga từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX công khai hóa các bức thư, điện tín trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô viết Xtalin nói riêng và các văn bản ngoại giao giữa hai nước nói chung trong 2 chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1950 và 1952. Những tư liệu lưu trữ nêu trên góp phần cung cấp thông tin chính xác về nhiều vấn đề trong 2 chuyến đi Liên Xô năm 1950 và năm 1952 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 
 
1. Thông tin này có sự nhầm lẫn, bởi trên trang bìa cuốn tạp chí đó, ngoài lời đề tặng và chữ ký của Xtalin, chỉ có 5 đồng chí cùng dự trong buổi tiếp cùng ký tên là: V.M. Môlôtốp, L.P. Beria, G.M. Malencốp, N.A. Bunganhin, A.L. Mikôan và không có ai tên là Kazanôvích. Ngoài ra, trên trang bìa này còn có ba dòng chữ Hán viết tay đã được chúng tôi xác định là bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai dòng đầu có nội dung là: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, dòng thứ ba hơi khó đọc, có khả năng đó là chữ: Xtalin
2, 3. Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Nxb Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và Nxb Thanh niên, H, 1995, tr. 412, 442
4. Cục LTLSCT-XHQGN, phông 558, mục lục 11, hồ sơ 1666, tờ 1, 2
5. Bản sao các tài liệu này hiện lưu tại kho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN
6. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 558, mục lục 11, hồ sơ 295, tờ số 1. Micrô phim, bản đánh máy, tiếng Nga
7. Lưu Thiếu Kỳ thời gian này là Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Trung Quốc, được Xtalin và Mao Trạch Đông ủy nhiệm giải quyết các công việc liên quan tới Việt Nam
8. Bí danh của Xtalin
9. Vưsinxki trong thời gian này giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô
10. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 558, mục lục 11, hồ sơ 295, tờ số 2. Micrô phim, bản đánh máy, tiếng Nga 
11. Tên chính thức của Đảng ta trong thời gian này là Đảng Cộng sản Đông Dương
12. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 17, mục lục 137, hồ sơ 425, tờ số 27. Bản đánh máy, tiếng Anh
13. Bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
14. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 17, mục lục 137: Ban Đối ngoại BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô. Bản đánh máy, tiếng Nga
15. N. Timôpheép là cán bộ có trọng trách trong bộ máy của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô
16. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 558, mục lục 11, hồ sơ 295, tờ số 16, 17, 18. Bút tích viết tay, tiếng Anh
17. Paxcơrebưsép là thư ký riêng của Xtalin
18. Chúng tôi lược bỏ đoạn trình bày tương quan lực lượng địch - ta, diễn biến và kết quả cụ thể của Chiến dịch Biên giới năm 1950 và một đoạn ngắn không có lợi về mặt tuyên truyền trong tình hình hiện tại
19. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 17, mục lục 137, hồ sơ 951, tờ số 29. Bản đánh máy, tiếng Nga
20. V.G. Grigôrian là Trưởng Ban đối ngoại BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô
21. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 558, mục lục 11, hồ sơ 295, tờ 20, 21. Bản đánh máy, tiếng Nga
22. Bí danh của Xtalin
23. Đây là một cán bộ có trọng trách của BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô, có trách nhiệm chuyển bức điện này cho người nhận
24. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 558, mục lục 11, hồ sơ 295, tờ 12. Micrô phim, bản đánh máy, tiếng Nga
25. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 558, mục lục 11, hồ sơ 295-15, tờ 22. Bút tích viết tay, tiếng Pháp  
26. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 558, mục lục 11, hồ sơ 295, tờ 16. Bản micrô phim, tiếng Nga
27. Malencốp lúc này (1952) là Bí thư BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô
28. Tài liệu lưu tại Cục LTLSCT-XHQGN, phông 558, mục lục 11, hồ sơ 295-19, tờ 23. Bản đánh máy, tiếng Pháp.

                                                                                                       TS CHU ĐỨC TÍNH
                                                                                                            LÊ HOÀNG LÊ
                                                                                                          Bảo tàng Hồ Chí Minh