Tóm tắt: Ngày 7-5-1954, một ngày trước khi Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương khai mạc, cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ. Điện Biên Phủ-“cuộc so găng lịch sử”-không chỉ đặt một dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam, mà còn trở thành một sự kiện gắn với lịch sử nước Pháp và thế giới. Sự kiện này đã có ảnh hưởng quan trọng đối với Hội nghị Giơnevơ, tháng 7-1954. Tuy nhiên, Hội nghị Giơnevơ đã diễn ra gắn liền với lợi ích của nhiều bên tham gia-nhất là các cường quốc. Lợi ích của Việt Nam bị đặt trên bàn cờ chính trị các nước lớn. Bài viết làm rõ bối cảnh lịch sử và những nhận định, đánh giá của người nước ngoài, góp thêm sự nhìn nhận quan phương hơn về kết quả của Hội nghị Giơnevơ đối với cách mạng Việt Nam.

1. Điện Biên Phủ-“Cuộc so găng lịch sử”
Cho đến mùa Xuân năm 1953, cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương chuyển biến theo chiều hướng bất lợi cho nước Pháp. Những thất bại liên tiếp trên chiến trường đẩy Pháp vào tình thế ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Cuộc chiến giằng co với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã làm bộc lộ rõ thêm những yếu điểm trong hoạt động quân sự của quân đội dày dạn kinh nghiệm chinh chiến này và khiến ngân khố nước Pháp thâm hụt trầm trọng1. Bên cạnh đó, nước Pháp vừa phải căng mình “chống lại chủ nghĩa cộng sản” bảo vệ châu Âu, lại vừa phải gồng mình níu giữ hệ thống thuộc địa châu Á. Các chính phủ của nền Cộng hòa thứ tư “bị co kéo giữa những cam kết và những ưu tiên không thể dung hợp được với nhau”2. Tình hình trong và ngoài nước đã đặt Chính phủ Réne Mayer trước tình thế “lửa cháy hai đầu”: Hoặc bị thất bại trong cuộc chiến Đông Dương, hoặc bị Mỹ thế chân. Bối cảnh đó đòi hỏi nước Pháp phải nhanh chóng tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột-một giải pháp như Bernard B Fall nhận xét: “Nếu không giành được chiến thắng thì cũng tạo ra một tình thế cho phép quân đội quốc gia các nước liên kết Việt Nam, Cao Miên, Lào thanh toán được chiến tranh du kích, một khi quân đội chính quy Pháp đã tiêu diệt được đội quân chủ lực của Việt Minh sau một loạt những trận giao chiến lớn”3.
Nhằm cứu vãn tình hình, hy vọng tìm “một lối thoát danh dự’’, Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương một lần nữa được thay thế-R.Salan kế nhiệm J.L.de Tassigny bị cách chức, thay bằng Tướng H.Navarre-viên tướng sáng giá của nước Pháp. Trước khi H.Navarre sang Đông Dương, Thủ tướng Réne Mayer chỉ thị: “Ngài phải đi tới chỗ tạo ra được tình huống để chúng ta có thể thương lượng với Việt Minh trong những điều kiện tốt, thuận lợi cho chúng ta”4. Nước Pháp đặt cược vào canh bạc lớn-giải quyết cuộc chiến tranh “một cách thể diện” bởi H.Navarre, còn H.Navarre thì đặt mọi hy vọng vào Điện Biên Phủ, coi đó là “cột mốc của thế giới tự do mà cộng sản không thể vượt qua”5, là “Verdun” của Đông Nam Á, bảo vệ Tây Bắc, Thượng Lào, “gây mất ổn định trong vùng hậu phương quân địch (Việt Minh-TG), buộc nó phải phân tán lực lượng và bảo vệ các nơi bị uy hiếp”6. Trên quan điểm “nếu giữ được Điện Biên Phủ có nghĩa là cứu được xứ Đông Dương thuộc Pháp…”7, Pháp quyết tâm bảo vệ Điện Biên Phủ đến cùng. Có thể thấy, lúng túng trên chiến trường, Chính phủ Pháp, một mặt, tìm kiếm cơ hội tái lập hòa bình; mặt khác, luôn hy vọng kế hoạch quân sự của Đại tướng H.Navarre với điểm nhấn là Điện Biên Phủ sẽ đem lại thuận lợi, tạo ưu thế thương thuyết cho nước Pháp-cuộc thương lượng như De Gaulle minh định: “Đó không phải là nhượng bộ, đó là hòa bình của vũ trang”8.
Về phía VNDCCH, sự kiện Pháp đổ quân xuống Điện Biên Phủ được đánh giá theo chiều hướng tích cực, nhận định đó là cách Pháp đối phó trong tình huống lúng túng, bị động. Trung tuần tháng 12-1953, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo bước ngoặt mới cho cuộc chiến trước khi Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương, dốc phần lớn nguồn lực cho chiến dịch. Thắng trận này, VNDCCH cũng còn nhằm “gây tác động tâm lý đối với nước Pháp, làm nhân dân Pháp và những người chống cộng Việt Nam mất ý chí tiếp tục cuộc đấu tranh”9.
Là một trong những nước tích cực tham gia vào Hội nghị Giơnevơ, nhất trí với chủ trương nói trên, ngày 11-3-1954, thay mặt Chính phủ Trung Quốc, Chu Ân Lai gửi một bức điện cho Hồ Chí Minh, nêu quan điểm: “Nhiều nội dung quan trọng của Hội nghị Giơnevơ sẽ phụ thuộc vào vào sự phát triển của tình hình quân sự sắp tới”10. Tại nhiều cuộc họp bàn sau đó về việc chuẩn bị cho Hội nghị Giơnevơ với các đại biểu của Việt Nam và Liên Xô, Chu Ân Lai nhiều lần nhấn mạnh rằng: “trong thời gian diễn ra Hội nghị, hoặc tốt nhất là trước khi khai mạc Hội nghị, quân đội Việt Nam có thể đánh thắng tại Điện Biên Phủ. Nếu quả đúng như vậy, sẽ giúp phe phương Đông chiếm được vị trí rất có lợi tại bàn đàm phán”11. Đầu tháng 3-1954, Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc gửi điện cho Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam Vi Quốc Thanh đặt ra mục tiêu về các chiến thắng quân sự làm bàn đạp cho Giơnevơ với các cấp độ khác nhau. Theo yêu cầu của Trung Quốc, cấp độ cao nhất là đánh bại quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, còn thấp hơn là triệt để tiêu diệt quân Pháp tại khu vực giữa sông Nậm Rốm và sông Hồng, giải phóng khu vực đó, khai thông liên lạc với Lào; đồng thời, phát động tấn công phối hợp tại Trung-Hạ Lào hoặc khu vực Liên khu Năm12.
Như vậy, với quyết tâm của hai bên tham chiến, thung lũng lòng chảo vùng Tây Bắc, Điện Biên Phủ trở thành nơi đọ sức, cuộc chạy đua nước rút quyết liệt, mà mỗi bên đều đặt vào đó những mục tiêu có ý nghĩa chiến lược. Cuộc “so găng lịch sử” tại Điện Biên Phủ càng có vai trò to lớn, quan trọng hơn, khi tin tức về một hội nghị quốc tế giải quyết vấn đề Triều Tiên và Đông Dương đang dội về. Với VNDCCH, hoạt động quân sự tại Điện Biên Phủ không còn đơn thuần là hoạt động quân sự, mà mang một ý nghĩa lớn hơn: Chính trị-quân sự. Điện Biên Phủ đóng vai trò “người trải thảm” cho con đường đưa Chính phủ Hồ Chí Minh đến Giơnevơ. Nhận xét về thời điểm phát động và mục tiêu cuộc “so găng lịch sử” Điện Biên Phủ, sĩ quan tình báo Mỹ L.A.Patti viết: “Cái pháo đài mới được tăng cường này đã có tầm quan trọng về chính trị và tâm lý hơn hẳn giá trị chiến lược thực tế của nó vì Hội nghị Giơnevơ sắp khai mạc”13.
 
2. Chiến thắng Điện Biên Phủ và những diễn biến trên bàn đàm phán Hội nghị Giơnevơ
Ngày 26-4-1954, Hội nghị Giơnevơ về Triều Tiên chính thức khai mạc, trùng với thời điểm Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ. Ngày 1-5-1954, Chu Ân Lai tiếp tục gửi điện cho Vi Quốc Thanh đề nghị “xem xét kỹ khả năng tấn công tiêu diệt Điện Biên Phủ, còn cần bao lâu nữa mới có thể hoàn toàn hoặc cơ bản tiêu diệt được bọn địch, mong điện trả lời sớm”14. Từ ngày 1-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đẩy mạnh tổng tiến công, tiêu diệt dứt điểm các vị trí còn lại. Lực lượng của Pháp lúc này đã trở nên tuyệt vọng, suy kiệt, không còn đủ sức để duy trì chiến đấu. Đêm ngày 3-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục chiếm thêm một số vị trí quan trọng, tấn công và bao vây thắt chặt, có nơi chỉ cách Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm có 300 mét, Điện Biên Phủ thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tin tưởng chắc chắn vào chiến thắng sẽ đến ở Điện Biên Phủ, ngày 13-3-1954 (cùng ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn), Hội đồng Chính phủ Việt Nam nhóm họp, bày tỏ quan điểm tán thành Hội nghị Giơnevơ, thảo luận về lập trường, phương châm đấu tranh ngoại giao và cử Đoàn đại biểu tham gia Hội nghị. Trên quan điểm giải quyết chiến tranh: “cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam”15, VNDCCH chủ trương vừa đánh, vừa đàm, đánh  cho đến khi có ưu thế hơn đối phương và đợi đến lúc ở Giơnevơ đạt được được thoả thuận chính trị phù hợp rồi mới đình chiến, thậm chí chỉ đồng ý đình chiến về nguyên tắc, còn nội dung đình chiến cụ thể phụ thuộc vào sự phát triển của tình hình. Nhìn chung lại, những yếu tố thuận lợi nêu trên cùng hội tụ, củng cố thêm lập trường đàm phán “thực sự độc lập, thống nhất và dân chủ tự do”16; “hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc”17 của VNDCCH, cho phép hy vọng về một kết quả công bằng tại Giơnevơ.
Ngày 4-5-1954, Đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu có mặt ở Giơnevơ và khi “Phạm Văn Đồng vừa đặt chân tới Giơnevơ, vấn đề Đông Dương tại Hội nghị nhộn nhịp hẳn lên”18. Qian Jiang cho biết một thông tin tương tự: “Ông Phạm Văn Đồng đến Giơnevơ với nét mặt rạng rỡ. Tin chiến thắng từ mặt trận Điện Biên Phủ liên tiếp báo về làm cho ông tràn đầy hy vọng”19. Cuối cùng, cái gì phải đến đã đến, ngày 7-5-1954, một ngày trước khi Hội nghị Giơnevơ bàn về Đông Dương khai mạc, quân đội Pháp đại bại tại Điện Biên Phủ-cuộc chiến tranh Đông Dương rơi vào “điểm trắng” của lịch sử, cả nước Pháp chết lặng, bàng hoàng. Wilfred Burchett bình luận: “Người đồng chí thân thiết của ông Phạm Văn Đồng là ông Võ Nguyên Giáp đã trao lại cho ông một vũ khí hiệu nghiệm nhất, mà không phải bất kỳ nhà thương lượng nào cũng dám nghĩ đến khi bắt đầu một hội nghị như vậy-Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn một ngày trước khi Hội nghị khai mạc. Nhờ thời điểm tuyệt diệu của ông Giáp, kế hoạch Đa-lét nhằm quốc tế hoá cuộc chiến tranh đã thất bại”20.
Điện Biên Phủ thất thủ đã khiến nội tình nước Pháp chia rẽ sâu sắc thêm, hy vọng thương lượng trên thế mạnh tan vỡ, người Pháp tìm cách nhanh chóng rút lui khỏi Đông Dương, nhiệm vụ cấp bách nhất của phái đoàn Pháp tại Hội nghị Giơnevơ là đạt được ngừng bắn càng sớm càng tốt. N. Khrushchev đã phải thốt lên: “Một điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi các phái đoàn vừa đặt chân đến Giơnevơ, những người kháng chiến Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn ở Điện Biên Phủ”21. Trong phiên họp đầu tiên, “Trưởng đoàn đám phán Pháp Mendès-France đưa ra đề nghị hạn chế sự hiện diện của quân đội Pháp ở phía Nam vĩ tuyến 17”22, dù trước đó khăng khăng yêu cầu vĩ tuyến 18. Trước đòi hỏi có chút thụt lùi này của nước Pháp, N.Khrushchev hết sức phấn khởi: “Thú thật, khi tin tức này từ Giơnevơ bay về, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy hài lòng; chúng tôi không chờ đợi được đến thế. Đó là cái tối đa mà chúng tôi hướng tới”23.
Hội nghị Giơnevơ là một sự kiện quốc tế quan trọng, ở đó không chỉ đơn thuần diễn ra việc phân chia quyền lực và tầm ảnh hưởng của các bên tham gia, mà còn quyết định vị thế quốc tế của những quốc gia này trong tương lai; vì thế, các nước lớn đều có sự chuẩn bị kỹ càng các phương án từ trước đó rất lâu. Là quốc gia tham gia trực tiếp vào các tiến trình sự kiện cả ngoài và trong Hội nghị, nhất là đã mang lại một món quà bất ngờ có thể quyết định một cách xoay chuyển nhất đối với toàn bộ những vấn đề thương thảo, song VNDCCH chỉ có thể tham gia vào quá trình hoạch định các mục tiêu ở Giơnevơ khá muộn màng. V.Gaiduk bình luận: “Đến Moscow vào đêm trước của Hội nghị Giơnevơ, phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã không được thảo luận về phương thức, con đường giải quyết vấn đề Đông Dương, mà chỉ còn cách đồng ý với Liên Xô, Trung Quốc và phối hợp thực hiện những vấn đề về chiến thuật”24. Thật vậy, trái với mục tiêu của VNDCCH là Pháp phải thỏa thuận vô điều kiện về việc rút quân theo lịch trình ấn định, Việt Nam phải được thống nhất, cả Liên Xô, Trung Quốc đều muốn giải quyết êm thấm mọi chuyện trên tinh thần nhượng bộ và thỏa hiệp. Trước khi bắt đầu Hội nghị, Moscow đã “nghiêng về sự phân chia đất nước này giữa hai lực lượng đối lập là Pháp và Việt Minh”25. Để bắn tín hiệu cho Pháp và các bên liên quan, đầu tháng 3-1954, trao đổi với nhân viên của Đại sứ quán Mỹ ở London và nhân viên Bộ Ngoại giao Anh (G.Holerom), hai nhà ngoại giao Liên Xô (Rodionov, Belokhvostikov) như đã “vô tình” đề cập đến quan điểm giải quyết vấn đề Việt Nam của Liên Xô theo mô thức Triều Tiên và nhắc đến vĩ tuyến 1626.
Thống nhất quan điểm với Liên Xô, Trung Quốc muốn áp đặt mô hình Triều Tiên vào Việt Nam, lấy “vĩ tuyến 16 độ Bắc như là một trong những phương án để xem xét”27. Trung Quốc đã không giấu giếm về ý định này, liên tục thông báo và chuẩn bị tinh thần trước cho Việt Nam. Trong bản Báo cáo đánh giá tình hình và chuẩn bị cho Hội nghị Giơnevơ, ngày 2-3-1954, của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, quan điểm trên một lần nữa được nhắc lại: “Về các câu hỏi cụ thể liên quan đến khôi phục hòa bình ở Đông Dương, một lệnh ngừng bắn tại chỗ không tốt bằng sự việc phân chia hai miền Nam-Bắc bằng vĩ tuyến 16”28. Trong Hội đàm song phương Xô-Trung, ngày 6-3-1954, hai nước tiếp tục khẳng định ý tưởng đó: “Liên quan đến lập lại hòa bình ở Đông Dương, nên có một giới tuyến tương đối cố định, phân chia ranh giới giữa Nam và Bắc, như vĩ tuyến 16 chẳng hạn”29. Ngày 11-3-1954, Chu Ân Lai tiếp tục thuyết phục Hồ Chí Minh: “Đường này nên được vẽ ở đâu và song song ở đâu? Điều này cần được xem xét từ hai khía cạnh: một mặt, nó phải thuận lợi cho Việt Nam; mặt khác, nó phải được chấp nhận cho phía đối phương. Đường này càng đi về phía Nam càng tốt và vĩ tuyến 16 có thể được coi là một trong những lựa chọn”30. Như vậy, nhất quán với mục tiêu đặt ra, Trung Quốc, Liên Xô  hết sức kiên trì quan điểm chia Việt Nam thành hai miền với vĩ tuyến 16 là ranh giới, cố gắng chứng minh rằng, tại thời điểm đó, mô thức Triều Tiên áp vào Việt Nam  là một sự lựa chọn hợp lý và tốt hơn cả dù biết rằng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, “đây là vấn đề hết sức tế nhị, là vấn đề gây đau đớn cho những nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”31. Nhận xét về đường ranh giới được đặt tại “vĩ độ 16”, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên cho rằng, đó là phương án “có lợi cho Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh nên và cần phải đồng ý khi đề nghị này được nêu lên chính thức”32.
Cuối cùng, hình mẫu cho đình chiến cho Đông Dương đã được lựa chọn và quyết định, ý kiến, nguyện vọng của VNDCCH chỉ còn là hình thức dù với thắng lợi của Điện Biên Phủ, Việt Nam có thể có những kết quả khả quan hơn những gì mà Trung Quốc và Liên Xô đặt ra, nhất là liên quan đến vấn đề vĩ tuyến. Theo N.Khrushchev, dù trước đó Liên Xô đã yêu cầu đại diện của mình ở Giơnevơ để đường ranh giới phân chia Việt Nam dịch chuyển về phía Nam đến vĩ tuyến 15, “song chúng tôi cũng chỉ đạo rằng, đó chỉ là lập trường đàm phán và đề nghị của Mendès-France cần phải được chấp thuận; bằng cách đó, chiến thắng của những người cộng sản Việt Nam được đảm bảo. Hiệp ước đã được ký kết như thế và nhanh chóng có hiệu lực”33.
 
 
__________________
1. Chiến tranh đã tiêu tốn của nước Pháp khoảng 5.000 tỷ franc cũ, chưa kể 477 tỷ USD tiền viện trợ của Mỹ đổ vào Đông Dương trước tháng 7-1954 (Nguồn Bernard B Fall: Hell in a Very Small Place: The Siege of Dien Bien Phu, Da Capo Press, 2002, p. 3)
2, 3, 6. Bernard B Fall: Hell in a Very Small Place: The Siege of Dien Bien Phu, Da Capo Press, 2002, p. 3, 3, 37
4, 7. Jean Pouget: Tướng H.Navarre với trận Điện Biên Phủ, Nxb CAND, H, 2004, tr. 56, 314
5. Dẫn theo Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, Nxb QĐND, H, 1994, T. 2, tr. 353
8, 11, 12, 14, 18, 19. Qian Jiang: Zhou Enlai and the Geneva Conference, Beijing: History of CPC Press, 2005, p. 23, 26, 27, 105, 110, 110
9, 13. Archimedes L.A.Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2001, tr. 826, 826
10, 29, 30. Telegram, Zhou Enlai to Ho Chi Minh (excerpt), March 11, 1954, History and Public Policy Program Digital Archive, Zhou Enlai nianpu, 1949-1976, vol. 1, History and Public Policy Program Digital Archive, CWIHP
15, 16. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 328, 475
19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 14, tr. 554
20. Burchett, George and Shimmin, Nick: Memoires of A Rebel Journalist: The Autobiography of Wilfred Burchett, University of New South Wales Press, Sydney, New South Wales, 2005, p. 190
21, 22, 23. Nikita Khrushchev: Memoirs of Nikita Khrushchev, volume 3 statesman (1953-1964), Pennsylvania State University Press, 2006, p. 501, 501, 501
24, 25, 26, 31. А.О.Чубарьян, Н.И.Егорова: Холодная война. 1945-1963 гг. Историческая ретроспектива, Сб. Ст, ОЛМА-ПРЕСС, М. 2003, C.285, 405, 408, 281
27. Qian Jiang: Zhou Enlai and the Geneva Conference, Ibid, p. 38. Xem thêm: Dương Khuê Tùng: Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nxb Nhân dân Giang Tây, 2008, T. 2, bản dịch Quốc Thanh
28. Preliminary Opinions on the Assessment of and Preparation for the Geneva Conference, Prepared by the PRC Ministry of Foreign Affairs (drafted by PRC Premier and Foreign Minister Zhou Enlai) [Excerpt],” March 02, 1954, History and Public Policy Program Digital Archive, CWIHP
32. АВП РФ, ф. 06, on. 13а, п. 25, д. 7, л. 43
33. Nikita Khrushchev: Memoirs of Nikita Khrushchev, Ibid, p. 501.

PGS, TS NGUYỄN THỊ MAI HOA
Đại học Quốc gia Hà Nội