Tóm tắt: Bài viết giới thiệu một số tài liệu sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh do ngài Andrey Grigorievich Kovtun, Đại sứ đặc mệnh Toàn quyền Liên Bang Nga tại Việt Nam, trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, năm 2013. Thông qua nội dung của những tài liệu này, đặc biệt là qua luồng xử lý văn bản của các nhà lãnh đạo Liên Xô, góp phần làm rõ hơn quan điểm, chính sách đối ngoại của Liên Xô với Việt Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ khóa: Chính sách đối ngoại của Liên Xô; Việt Nam; 1945-1954
Andrey Grigorievich Kovtun là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam nhiệm kỳ (2009-2014). Trong thời gian giữ nhiệm kỳ, ông đã có vai trò tích cực, góp phần tạo nên sự thay đổi về chất trong mối quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa. Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đã có nhiều hoạt động phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh trong các cuộc triển lãm có nội dung về lãnh tụ hai nước, về mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Việt Nam,... Với tấm lòng tôn kính và ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 96 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-2013), ông quyết định tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh để giữ gìn và phát huy giá trị một số tài liệu về chính sách đối ngoại của Liên Xô liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.
Số tài liệu Đại sứ Andrey Grigorievich Kovtun tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh sử dụng lâu dài gồm các bản sao tài liệu nằm trong phông lưu trữ về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga những năm 1945-1952, trong đó có một số tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tài liệu đều được scan rõ nét, kích thước 21x29,5 cm, có đóng dấu của cơ quan lưu trữ chính sách đối ngoại Cộng hòa Liên bang Nga.
1. Báo cáo của A.E.Bogomolov, Đại sứ đặc mệnh Toàn quyền Liên Xô tại Pháp gửi Vladimir Georgievich Dekanozov, Phó Ủy viên Dân ủy Ngoại giao, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, ngày 20-8-1945
Đây là bản viết tay tiếng Nga, mực màu xanh đen, có dấu đọc, gạch chân chữ và lời phê bằng bút chì đen trên tài liệu. Nội dung đề cập đến việc Đại sứ Bogomolov báo cáo với Dekanozov, Phó Ủy viên Dân ủy Ngoại giao, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, những thông tin và tài liệu có được về Đông Dương. Ông viết: “Tôi gửi cho đồng chí một số tài liệu về Đông Dương. Những vấn đề chính của bị vong lục đã được dịch, còn một phần tài liệu chúng tôi chưa kịp dịch sẽ gửi sau theo đường bưu điện bình thường. Thực tế thì vấn đề ở Đông Dương đã rõ ràng. Ở đấy người ta không muốn sự bảo hộ của người Pháp. Cần phải nhận ra rằng, những người Pháp khi ở địa vị là những tên thực dân thì tỏ ra cực kỳ láo xược và tàn nhẫn. Quân đội của tướng Đơ-gôn mở các cuộc đàn áp ở Ma-rốc, An-giê-ri cũng như ở Xi-ri, Li-băng có thể là sự khích lệ cho việc người Pháp quay lại làm bá chủ ở Đông Dương. Tôi không nói rằng, những tên đế quốc Anh-Mỹ có thiện cảm hơn. Tuyệt nhiên là không, nhưng trong vấn đề liên quan tới Đông Dương có thể có lối thoát thứ ba-đó là để cho Đông Dương độc lập cùng với việc đặt Đông Dương dưới sự bảo hộ của Ủy ban Bảo an quốc tế, bao gồm các nước như Anh, Liên Xô, Pháp và Rumani.
Tục ngữ Nga có câu: “Cha chung không ai khóc”, nhưng dẫu sao tôi cũng nghĩ rằng, người Đông Dương sẽ có tương lai sáng sủa hơn nếu như để cho họ bình yên và không đẩy họ vào tình thế bị người Pháp xâu xé”.
Qua nội dung bức thư cho thấy, Đại sứ Bogomolov hiểu rất rõ về tình hình Đông Dương cũng như Việt Nam ở thời điểm năm 1945, ông đồng cảm với nguyện vọng độc lập của người dân nơi đây và đề xuất với Chính phủ Liên xô về “lối thoát thứ ba”. Tuy nhiên, rất tiếc là khi nhận được bản báo cáo trên, V.G.Dekanozov, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, đã phê vào bên dưới bức thư này như sau:
“Kính gửi đồng chí Kôdưrép1! Theo như tôi được biết thì chúng ta không giữ lập trường như vậy đối với vấn đề này. Đồng chí Molotov khi trao đổi với Katry2 đã không đề cập tới vấn đề này và không có kết luận chính thức nào”.
Lời phê của V.G.Dekanozov, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, nêu trên cũng như việc ông nói rằng Molotov (lúc này là Ủy viên Dân ủy Ngoại giao của Hội đồng Dân ủy Liên Xô) khi trao đổi với Katry (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Liên Xô thời điểm này) không đề cập đến việc giải quyết vấn đề Đông Dương đã phần nào thể hiện thái độ, quan điểm của Liên Xô lúc này trước âm mưu quay trở lại xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp.
2. Tài liệu dịch bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô-I.V.Stalin, ngày 22-9-1945
Đây là bản đánh máy tiếng Nga, mực màu xanh đen, có dấu đọc và ký xác nhận bằng nét chì màu ở góc trái phía trên và phía dưới tài liệu. Bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh được gửi từ Hà Nội qua đường Pari bằng tiếng Anh, khi đến nơi, tài liệu được dịch ra tiếng Nga chuyển tới I.V.Stalin và một số đồng chí lãnh đạo trong Hội đồng Dân ủy Liên Xô. Nội dung bức điện đã được đưa vào Hồ Chí Minh Toàn tập trên cơ sở nguồn báo chí của Liên Xô. Trong bức điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về tình hình Việt Nam, vua Bảo Đại đã thoái vị, Chính phủ lâm thời của nước Cộng hòa Việt Nam đã được thành lập và đề nghị Liên Xô giúp đỡ gia cố đê điều bị vỡ và giải quyết nạn đói. Người viết:
“Kính gửi Chủ tịch Xtalin. Mátxcơva.
Chúng tôi xin thông báo với quý Ngài rằng: Chính phủ Lâm thời của nước Cộng hòa Việt Nam đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Hoàng đế Bảo Đại đã thoái vị vào ngày 25 tháng 8 và trao lại chính quyền cho Chính phủ mới, một Chính phủ được sự ủng hộ của toàn dân tộc. Trong thời gian này, vì hệ thống đê điều bị vỡ nên một nửa vùng Bắc Kỳ bị ngập lụt và gây nên những tổn thất rất lớn. Nhân dân bắt đầu bị chết đói. Chúng tôi mong mỏi ở quý Ngài bất kỳ sự giúp đỡ nào có thể.
Xin gửi tới Ngài lời chào kính trọng!
Hồ Chí Minh”3.
Nội dung lời phê bên trái phía trên cùng trang giấy như sau:
“Kính chuyển đồng chí Kôdưrép để cho ý kiến”.
Ký tên: Lôdốpxki4.
Sau khi nhận được văn bản, Kôdưrép phê vào phía dưới bên góc phải nội dung như sau:
“Chuyển cho đồng chí Lôdốpxki để chuẩn bị văn bản cho Thứ trưởng (người được giao phụ trách khu vực liên quan đến vấn đề này, Bộ ngoại giao)”. Tức là việc này đã được Trưởng phòng Châu Âu I quyết định sẽ trình lên lãnh đạo Bộ Ngoại giao Liên Xô.
3. Tài liệu dịch bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi I.V.Stalin, Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô, ngày 21-10-1945
Đây là bản dịch bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tiếng Anh sang tiếng Nga, mực màu xanh đen. Phía trên cùng văn bản có dòng đề nhắn của người trình bản dịch, ký tên V.D5: “Gửi đồng chí Kôdưrép. Phải giải quyết với bức điện như thế nào đây. V.D. 25-10-1945”. Nội dung bức điện đã được đăng trong Hồ Chí Minh Toàn tập trên cơ sở nguồn báo chí của Liên Xô. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo thực dân Pháp đã cố tình không đếm xỉa đến tất cả những hiệp ước hòa bình, được kí kết bởi Liên hợp quốc vào cuối Chiến tranh thế giới II; ngày 23-9-1945 đã bội ước tấn công ở Sài Gòn và hoạch định kế hoạch chiến tranh xâm lược chống lại An Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chủ tịch I.V.Stalin quan tâm đến tình hình tại An Nam (Việt Nam) và bày tỏ nguyện vọng của “nhân dân Việt Nam mong muốn hợp tác với Liên hợp quốc vì sự nghiệp kiến tạo nền hòa bình lâu dài trên toàn thế giới”, cương quyết không để cho người Pháp quay lại Đông Dương. Người cho rằng, “nếu ở Viễn Đông, một sự hỗn độn đẫm máu hay là một cuộc khởi nghĩa toàn diện bắt đầu bởi từ những nguyên nhân như đã nói… thì tất cả trách nhiệm trước toàn thế giới chỉ có thể thuộc về người Pháp”6.
Sau khi đọc, Kôdưrép đã phê vào góc bên trái phía trên của tài liệu bằng nét mực tím: “Kính chuyển đồng chí B.T. Dekanozov: Tôi đề nghị dừng lại và không trả lời” (tức là không trả lời bức điện này của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Dekanozov, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, viết bằng nét mực đen bên dưới là: “Tôi không phản đối” (tức là đồng ý với ý kiến của Kôdưrép).
4. Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô A.A.Grômưcô gửi Chủ tịch I.V.Stalin, ngày 25-9-1949, về vấn đề thành lập Chính phủ của Bảo Đại tại Việt Nam
Bản báo cáo được đánh máy tiếng Nga, có dấu đọc bằng nét chì màu đỏ, gạch dưới chữ “Bảo Đại” gửi tới Stalin. Phía cuối tài liệu có dòng chữ đồng kính gửi đến các đồng chí: Molotov Malencop, Beria, Micoian, Carannovich, Bunganhin (các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô). Nội dung báo cáo nói về Sachen, Đại sứ Pháp tại Liên Xô, trong bức thư mang tính chất thông báo gửi cho đồng chí Sờverơnhích7 cho biết thông tin về việc Chính phủ của Bảo Đại, cựu Hoàng đế của nhà nước An Nam bảo hộ thuộc Pháp đã được thành lập ở Đông Dương. Trong bức thư của Sachen có phụ đính nội dung các công văn trao đổi ngày 8-3-1949 giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại. Các công văn đó được xem như là Hiệp ước giữa chính quyền Pháp và chính phủ Bảo Đại9, hai bên sẽ “điều chỉnh thỏa thuận chung trên cơ sở mối quan hệ hỗ trợ và hiểu biết lẫn nhau giữa Pháp và của một “nước Việt Nam thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp, phấn đấu vì sự thống nhất và độc lập”. Hiệp ước này tạo điều kiện “từ nay trở đi, Nhà nước Việt Nam được tham gia vào đời sống của thế giới và cụ thể hơn là tiếp nhận đại diện của các quốc gia có mong muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam”.
Nội dung Hiệp ước thực chất là dự tính thiết lập lại chế độ thuộc địa của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Pháp được giữ quyền duy trì quân đội của mình trên lãnh thổ Việt Nam và quân đội Việt Nam thực chất là phụ thuộc vào sự chỉ huy của quân Pháp. Người Pháp cũng giữ nguyên vị thế kinh tế của mình, giữ quyền kiểm soát các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam. “Chính phủ” Bảo Đại “được phép” có cơ quan ngoại giao ở Vaticăng, Xiêm và Trung Quốc.
Trong bản báo cáo này, A.A.Gromưco đã phân tích: “Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của chính phủ Hồ Chí Minh trong thời điểm hiện nay thực tế là đang kiểm soát gần 90% lãnh thổ của miền Trung và miền Bắc Việt Nam. “Chính phủ” Bảo Đại mà chính phủ Pháp mưu toan sử dụng để chống lại phong trào giải phóng dân tộc đã không hề nhận được sự ủng hộ thực tế nào ở trong nước và xem như là chính phủ bù nhìn của chính phủ Pháp. Trong những điều kiện như vậy, Liên Xô tất nhiên là không thể chấp nhận sự tồn tại của một “chính phủ” như thế và những thỏa thuận của “chính phủ” này với Pháp”.
Cũng chính trong bản báo cáo, A.A.Grômưcô đã nêu: “Cho tới trước thời điểm này, Chính phủ Liên Xô chưa bày tỏ một cách chính thức với người Pháp quan điểm của mình về các sự kiện ở Đông Dương. Bộ Ngoại giao cho rằng, hiện tại chưa có lí do để tiến hành trao đổi với chính phủ Pháp về vấn đề đó.
Trong thời điểm hiện tại, Chính phủ Pháp đang chuẩn bị nêu vấn đề để “chính quyền” bù nhìn Bảo Đại trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Trong trường hợp thảo luận vấn đề này tại Hội đồng bảo an thì nên nhớ là trong thực tế Chính phủ Hồ Chí Minh vào ngày 22-11-1948 cũng đã gửi tới Liên hợp quốc lời đề nghị được gia nhập tổ chức này. Chúng ta cũng đã bày tỏ một cách thích đáng quan điểm của mình trong vấn đề về Việt Nam tại Hội đồng Bảo an.
Liên quan tới những điều đã nêu trên, Bộ Ngoại giao cho rằng, không hồi đáp lại bức thư với những thông tin bổ ích mà Sa-chen đã gửi cho đồng chí Sờ-ve-rơ-nhích”.
Sự phân tích của Gromưco trong bản báo cáo trên thêm minh chứng để khẳng định rằng, cho đến thời điểm năm 1949, Liên Xô vẫn luôn giữ thái độ trung lập bằng hình thức im lặng, không quan tâm trước những vấn đề liên quan đến Việt Nam kể cả khi giao dịch với người Pháp. Tuy nhiên, cũng qua phân tích trên cùng các tài liệu nghiên cứu thời gian này cho thấy, Liên Xô không ủng hộ chính quyền bù nhìn Bảo Đại và coi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đại diện hợp pháp cho Việt Nam và ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.
5. Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô A.A.Grômưcô gửi Chủ tịch I.V.Stalin, ngày 12-12-1950
Góc bên phải tài liệu tiếng Nga có ghi là bản sao, tuyệt mật. Nội dung liên quan đến sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao Liên Xô về việc Việt Nam cử ông Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô và xin ý kiến của I.V.Stalin. Bản tiếng Nga. Văn bản này cũng được sao gửi đến các thành viên Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Nội dung như sau:
“Kính gửi đồng chí I.V.Stalin
Đáp lại “Lời tuyên bố của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh gửi chính phủ các nước trên thế giới” ngày 14-1-1950, vào ngày 30-1-1950, Chính phủ Liên Xô đã thông báo cho Chính phủ Việt Nam về việc đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa và trao đổi công sứ. Về vấn đề này đã được công bố trên báo chí của chúng ta vào ngày 31-1-1950.
Kết quả là chúng ta đã nhận được công hàm của Chính phủ Việt Nam đề ngày 23 tháng 1, trong đó bày tỏ mong muốn được trao đổi với Chính phủ Liên Xô không phải là công sứ mà là đại sứ. Ông Phương, người đại diện của Chính phủ Việt Nam ở Trung Quốc trong cuộc nói chuyện với đồng chí Rô-sin, đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc cũng đã thông báo là Chính phủ Việt Nam mong muốn được trao đổi đại sứ với Liên Xô. Cùng lúc, ông Phương cũng đã chuyển giao lời yêu cầu của Chính phủ Việt Nam gửi Chính phủ Liên Xô về việc đồng ý cử ông Nguyễn Lương Bằng làm đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
Nguyễn Lương Bằng (độ tuổi khoảng 50), xuất thân từ công nhân, tham gia phong trào cách mạng từ năm 1925, đến năm 1930 thì gia nhập Đảng Cộng sản, là Ủy viên BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Phương nhận xét Nguyễn Lương Bằng như là một chính khách có trình độ và là người cộng sản kiên định.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, ông Phương cũng đã đề cập tới việc đề cử đại sứ Liên Xô tại Việt Nam và lưu ý rằng, việc đề cử đại sứ Liên Xô (thậm chí đại sứ có thể chậm trễ trong việc đi sang Việt Nam) sẽ góp phần vào việc củng cố tình hình chính trị ở Việt Nam.
Bộ ngoại giao Liên Xô chấp thuận việc đề cử ông Nguyễn Lương Bằng làm đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
Còn với việc đề cử đại sứ Liên Xô tại Việt Nam thì vấn đề này đã được chỉ thị từ trước, tức là chưa bàn tới việc đề cử đại sứ Liên Xô tại Việt Nam, lý do là vì Chính phủ Việt Nam còn chưa có được nơi làm việc ổn định. Bộ ngoại giao cho rằng, vào thời điểm hiện tại cũng chưa hợp lý để đề cử ai làm đại sứ khi mà tình hình vừa nêu vẫn chưa có gì thay đổi.
Bản báo cáo này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Kính đề nghị đồng chí xem xét”.
Sau khi Liên Xô và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30-1-1950, đặc biệt là chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên Xô đầu năm 1950, Liên Xô từng bước giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam xây dựng đất nước và kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua đó, Việt Nam đã tranh thủ được tối đa hậu phương quốc tế, có thêm thế và lực để đi đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào năm 1954.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 6/2019
2. X.P Kôdưrép, lúc này là Trưởng phòng Châu Âu I của Hội đồng Dân ủy Ngoại giao Liên Xô
3. Katry (Georges Albert Julien Catroux (1877- 1969) là nhà quân sự-chính trị-nhà ngoại giao Pháp. Ông được cử sang làm Đại sứ dặc mệnh toàn quyền Pháp tại Liên Xô từ ngày 13-1-1945
4, 7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 25, 79
5. Lôdốpxki (1878-1952): Nhà hoạt động Đảng, nhà ngoại giao Liên Xô. Từ năm 1945 đến năm1948, ông giữ chức Trưởng ban Thông tin-Tuyên truyền Liên Xô. Ban này được thành lập từ năm 1941
6. Hiện chưa xác định được tên chính xác của người trình
8. N.M. Sờverơnhích là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn, Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô (1946-1952)
9. Thường được gọi là Hiệp ước Elysée về thành lập một chính quyền.