Tóm tắt: Năm 1973, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thậm chí có giai đoạn bị đóng băng (1979 - 1991), nhưng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng phát triển. Năm 2007, hai nước bắt đầu đề cập đến nội dung về hợp tác quốc phòng. Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (2002) và nâng lên thành “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (2014). Đến tháng 11-2023, quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Bài viết làm rõ những thành tựu hợp tác về quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển ngày càng sâu rộng.
Từ khóa: Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản; hợp tác quốc phòng
Trong đường lối đối ngoại về quốc phòng, Đảng xác định: “Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược; giúp đỡ nước khác khi được yêu cầu bằng khả năng của mình, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế; sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển. Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào”1. Trên quan điểm đó, trong quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của cả hai nước, góp phần ổn định khu vực và trên thế giới. Dựa trên thế mạnh quốc phòng mỗi nước, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần củng cố mối quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” đối tác chiến lược vì hòa bình sâu rộng giữa hai nước, nổi bật ở những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, Việt Nam và Nhật Bản thường xuyên tổ chức hoạt động trao đổi đoàn quân sự cấp cao, ký kết các biên bản pháp lý xác định nội dung hợp tác
Tháng 11-2007, trong chuyến thăm Nhật Bản của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu, hai nước bắt đầu đề cập đến việc tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh song phương.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tháng 10-2011, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Nhật Bản”. Hai nước nhất trí thúc đẩy trao đổi quốc phòng trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp, quy định và chính sách quốc gia của mỗi nước...; thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, tiến hành đối thoại chính sách quốc phòng định kỳ (cấp Thứ trưởng), đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hợp tác tại các diễn đàn quốc phòng quốc tế và khu vực; đồng thời hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn song phương và đa phương, nhằm kết nối một cách hiệu quả khuôn khổ hợp tác khu vực, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Tiếp đó, trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đến Việt Nam (9-2013), hai bên đã khẳng định hợp tác quốc phòng trên các lĩnh vực như: đào tạo cán bộ, hợp tác giữa các quân chủng, cảnh sát biển; nhất trí thiết lập cơ chế giao lưu sĩ quan trẻ theo hình thức luân phiên hằng năm, nhằm tăng cường học hỏi, giao lưu, tạo cơ sở cho phát triển bền vững, lâu dài giữa hai nước cũng như hai Bộ với nhau. Đặc biệt, trong chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 16 đến 19-3-2014 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai nước ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á. Về hợp tác an ninh, quốc phòng, Tuyên bố chung nhấn mạnh: Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả “Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương”; tiếp tục thực hiện đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Nhật - Việt, tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp, trong đó có cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao và chuyên gia; thúc đẩy hợp tác giữa các quân chủng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Nhân dân Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, viếng thăm của các tàu quân sự; tiếp tục tăng cường hợp tác về an toàn hàng hải; sớm cử đoàn khảo sát đến Việt Nam nhằm trao đổi ý kiến về việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực cho các cơ quan chấp pháp biển; tăng cường hợp tác nhằm xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển và tội phạm mạng2.
Ngoài ra, hai bên còn ký thỏa thuận về thực hiện các hạng mục hợp tác cụ thể, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: phát triển nguồn nhân lực, xây dựng năng lực và tàu chiến viếng thăm lẫn nhau. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (9-2015), hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và an toàn trên biển như: tìm kiếm cứu nạn và đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển và ký kết “Bản Ghi nhớ hợp tác” giữa Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani (11-2015), hai nước đồng ý đẩy mạnh các chuyến thăm các cấp giữa Bộ Quốc phòng hai nước, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, cũng như cam kết hợp tác để bảo đảm tự do, an toàn hàng không và hàng hải ở khu vực, trong đó, hai nước đã đạt được thỏa thuận để tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản có thể tới thăm Cảng Cam Ranh từ năm 2016.
Tháng 4-2018, hai bên tiếp tục ký “Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo” giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Tháng 5- 2019, trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đến Việt Nam, hai nước thống nhất tiếp tục tăng cường quan hệ toàn diện, đưa hợp tác quốc phòng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng song phương theo các thỏa thuận đã ký kết, đặc biệt là “Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo”; phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về gìn giữ hòa bình; tiếp tục triển khai các nội dung đã được thiết lập trên các lĩnh vực hợp tác như: đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực, công nghệ thông tin, gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; đẩy mạnh triển khai các nội dung tiềm năng hợp tác về quân y, công nghiệp quốc phòng; vì lợi ích an ninh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của toàn khu vực, góp phần đưa hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Việt Nam phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực3.
Tháng 3-2020, tại Hà Nội, diễn ra cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam, do Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu và Đoàn đại biểu quân sự Nhật Bản, do Đại tướng Yamazaki Koji - Tham mưu trưởng Lục quân Nhật Bản dẫn đầu. Hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản (ký tháng 4-2018) trên cả lĩnh vực song phương và đa phương. Trên cơ sở đó, hai bên đề xuất một số nội dung hợp tác thời gian tới, trong đó tiếp tục trao đổi đoàn các cấp và các cơ chế hợp tác đã thiết lập. Việt Nam đề nghị Nhật Bản mở rộng loại hình đào tạo, tăng số lượng học bổng cấp cho học viên Việt Nam, nhất là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ cao và tiếng Nhật; đồng thời, Việt Nam mời các sĩ quan cao cấp của Nhật Bản sang tham dự khóa học quốc tế tại Học viện Quốc phòng và học viên quân sự Nhật Bản sang học tiếng Việt; đề nghị triển khai hoạt động liên kết đào tạo giữa Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Sĩ quan Thông tin của Việt Nam với Đại học Phòng vệ và các nhà trường khác của Nhật Bản.
Hai bên thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo chuyên môn về y học dưới nước, y học tàu ngầm, cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ trang thiết bị y tế, trang bị cứu hộ nạn nhân trên biển cho Hải quân Việt Nam; đưa các đoàn tàu, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sang thăm Việt Nam. Việt Nam - Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, y học quân sự; chia sẻ kinh nghiệm về cứu trợ thảm họa, hỗ trợ nhân đạo, hợp tác, hỗ trợ về các nhóm giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện, hiệu quả khám, chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật mới. Hai bên triển khai hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, chuyển giao các công nghệ ngành đóng tàu quân sự; hợp tác sản xuất các mặt hàng kinh tế. Việt Nam đề nghị Nhật Bản hỗ trợ đào tạo chuyên gia kỹ thuật lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tiếp nhận công nhân tay nghề cao sang làm việc tại Nhật Bản; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng trong kinh tế thị trường; tăng cường hợp tác xây dựng chiến lược phát triển lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam và tổ chức Hội nghị gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Việt Nam4.
Tháng 9-2021, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Nhật Bản, do Đại tướng Kishi Nobuo - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản dẫn đầu, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết “Thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng”. Thỏa thuận này là cơ sở quan trọng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Đến tháng 11-2021, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Quốc phòng hai nước tiếp tục ký kết hai văn bản hợp tác: “Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản về hợp tác trong lĩnh vực quân y” và “Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản về hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng”. Các văn bản hợp tác quốc phòng được ký kết, góp phần khẳng định sự phát triển ngày càng sâu rộng, toàn diện và hiệu quả giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Thứ hai, duy trì thường xuyên, liên tục cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt - Nhật
Một trong những thành tựu nổi bật về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản, đó là duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt Nam - Nhật Bản. Từ năm 2012- 2023, hai bên đã tiến hành được 9 hội nghị đối thoại: Lần 1 (2012), lần 2 (2013) tại Nhật Bản, lần 3 (2015, tại Hà Nội, lần 4 (2016), tại Tokyo, lần 5 (2017), tại Nha Trang, lần 6 (2018), tại Nhật Bản, lần 7 (2019), tại Hà Nội, lần 8 (2021), tại Nhật Bản, lần 9 (2023), tại Nhật Bản. Qua các cuộc đối thoại, hai bên đã trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực cùng quan tâm và tiếp tục thống nhất cho rằng hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chung của tất cả các quốc gia trong thời đại ngày nay; mọi tranh chấp, bất đồng cần được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Thông qua đối thoại, hai nước từng bước tham vấn chính sách quốc phòng của nhau, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của mỗi nước, đưa quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Trong đó, xác định những nội dung hợp tác cụ thể: đẩy mạnh tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp; duy trì và nâng cao chất lượng của cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng; tổ chức tham vấn giữa 3 quân chủng: Hải quân, Lục quân và Không quân của hai bên để tăng cường hợp tác thực chất, sự tin cậy lẫn nhau; đẩy mạnh hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế quốc phòng an ninh, diễn đàn đa phương; thúc đẩy hợp tác về quân y, an ninh mạng, công nghiệp quốc phòng, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, an ninh biển và cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc dioxin do chiến tranh để lại và cho biết sẽ sớm triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thứ ba, Nhật Bản hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam thực hiện chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng
Để củng cố tiềm lực quân sự của Nhật Bản và giảm bớt chi phí của các thiết bị quân sự sản xuất nội địa, từ năm 2014, Chính phủ Nhật Bản đã bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí ra nước ngoài. Trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Nhật, năm 2015, Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại 3 tàu đã qua sử dụng cho Cảnh sát biển Việt Nam5. Tại đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4 (11-2016), hai bên đã ký “Bản tham chiếu về hợp tác công nghiệp quốc phòng song phương”. Theo đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao theo hướng lưỡng dụng và phát triển thị trường. Việt Nam là quốc gia thứ 12 mà Nhật Bản đồng ý chuyển giao thiết bị quốc phòng (sau Mỹ, Anh, Malaysia và một số quốc gia đồng minh, đối tác khác)6. Điều này cho thấy, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn.
Lĩnh vực đóng tàu quân sự trở thành nội dung nổi bật trong hợp tác công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản. Tháng 3-2020, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản cam kết sẽ cùng triển khai hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, chuyển giao các công nghệ ngành đóng tàu quân sự; đồng thời, Việt Nam đề nghị Nhật Bản hỗ trợ đào tạo chuyên gia kỹ thuật lĩnh vực công nghiệp quốc phòng... Với việc đạt được thống nhất trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đã tạo điều kiện để Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam trong “đào tạo kỹ thuật công nghiệp quốc phòng” và chia sẻ “chuyên môn và kinh nghiệm” công nghiệp quốc phòng. Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam đối với lĩnh vực kỹ thuật quân sự và công nghệ cao; các hoạt động đào tạo chung giữa các học viện quân sự - kỹ thuật của hai nước; các khóa học ngôn ngữ cho các kỹ thuật viên và kỹ sư của mỗi bên…7.
Tháng 8-2020, Việt Nam và Nhật Bản công bố thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ đóng tàu, trị giá 345 triệu USD. Theo đó, Nhật Bản sẽ cung cấp 6 tàu tuần tra mới cho Cảnh sát biển Việt Nam, thông qua nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Đó là 6 tàu tuần tra lớp tàu Aso loại 1.000 tấn, do phía Nhật Bản đóng cho Việt Nam, thời gian hoàn thành vào tháng 10-2025. Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá: Dự án giúp cảnh sát biển Việt Nam có nguồn tài chính để mua sắm tàu thuyền, hỗ trợ cải thiện khả năng cứu nạn hàng hải, thực thi pháp luật và tăng cường tự do hàng hải, cải thiện khả năng phòng thủ trên biển, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, góp phần hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tiếp đó, trong cuộc hội đàm tại Hà Nội tháng 10-2020, đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ký kết Thỏa thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng Việt - Nhật. Đây là cột mốc quan trọng ghi dấu sự chuyển biến lên một tầm cao mới của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong hợp tác quốc phòng.
Thứ tư, tăng cường hợp tác, trao đổi đoàn giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản
So với các nội dung hợp tác khác, hoạt động hợp tác, trao đổi đoàn giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản diễn ra sôi nổi hơn. Năm 2012, 3 tàu khu trục hộ tống của Nhật: JS Hamagiri, JS Sawayuki và JS Asayuki, do Đại tá Tomoo Mizukami - Tư lệnh Hạm đội tàu hộ tống số 15, dẫn đầu cùng hơn 600 thủy thủ thăm thành phố Hải Phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam. Đây là lần thứ 5 tàu hải quân Nhật Bản đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Mặc dù mang ý nghĩa biểu tượng, nhưng các chuyến thăm của tàu chiến Nhật Bản muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân, quân đội hai nước nói chung và hải quân hai nước nói riêng. Tiếp đó, tháng 7-2013, tàu chiến Kojima với lượng giãn nước 3.500 tấn thăm Đà Nẵng. Tháng 7-2016, tàu huấn luyện Kojima của lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cùng 91 thủy thủ, học viên, do thuyền trưởng Nanaura Hiroyuki dẫn đầu đã cập cảng Tiên Sa (thành phố Đà Nẵng). Kể từ thời điểm này, các chuyến viếng thăm càng dày hơn về tần suất, nhưng vẫn chủ yếu xuất phát từ Nhật Bản đến Việt Nam. Tháng 5-2017, tàu khu trục trực thăng JS Izumo lần đầu tiên cập cảng Cam Ranh trong thời gian tàu JS Izumo đang tham gia chương trình đối tác Thái Bình Dương 2017, do Mỹ dẫn đầu bao gồm các hoạt động như tập trận và tuần tra hải quân.
Hoạt động trao đổi đoàn hải quân hai nước diễn ra sôi nổi nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Theo đó, tháng 7-2018, tàu tuần tra huấn luyện Kojima của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cập cảng Tiên Sa, thăm thành phố Đà Nẵng. Tháng 10-2018, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 015-Trần Hưng Đạo của Hải quân nhân dân Việt Nam đã đến thăm thành phố Yokosuka và Sakai (Nhật Bản)8. Đây là lần đầu tiên tàu Hải quân Việt Nam sang thăm Nhật Bản. Tiếp đó, từ ngày 17 đến 21-9-2018, tàu ngầm huấn luyện Kuroshio của Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản, cùng thủy thủ đoàn do Đại tá Ueta Yasuteru - Tư lệnh Đơn vị tàu ngầm huấn luyện số 1 làm Trưởng đoàn cập cảng Cam Ranh9. Đây là chuyến thăm đầu tiên của tàu ngầm Nhật Bản đến một căn cứ tàu ngầm hải quân của Việt Nam, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản.
Tháng 6-2019, tàu khu trục trực thăng JS Izumo lần thứ hai ghé thăm Việt Nam và tàu khu trục Murasame đến thăm cảng quốc tế Cam Ranh. Tháng 12-2019, 2 tàu quét mìn Bungo và Takashima thuộc Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản thăm Đà Nẵng. Bên cạnh việc trao đổi chuyên môn về lĩnh vực rà phá bom mìn dưới nước lần thứ nhất, chuyến thăm lần này nằm trong khuôn khổ chương trình huấn luyện phối hợp với hải quân các nước trong khu vực Ấn Độ Dương, nhằm tăng cường trình độ chuyên môn của Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản; đồng thời, tăng cường phối hợp với lực lượng hải quân các nước. Tiếp đó, tháng 10-2020, trong khuôn khổ cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông, 3 tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản - tàu sân bay trực thăng JS Kaga, tàu khu trục Ikazuchi và tàu ngầm JS Shoryu đã dừng tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam để bổ sung tiếp tế. Trong khuôn khổ triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 – 21-9-2023), diễn ra các hoạt động thăm Việt Nam của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản: tàu tuần tra SETTSU thăm Đà Nẵng (2-2023), tàu khu trục trực thăng JS Izumo và tàu khu trục JS Samidare cập cảng quốc tế Cam Ranh (6-2023)…
Có thể nói, từ khi hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản được đưa vào chương trình hợp tác giữa hai nước (2007) đến nay, quan hệ hợp tác quốc phòng được đẩy mạnh và ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả. Qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao quốc phòng hai nước, các vấn đề, sự kiện quốc tế cùng quan tâm được trao đổi, thảo luận; các văn kiện hợp tác được ký kết tạo cơ sở pháp lý, thúc đẩy hai bên tham vấn chính sách quốc phòng, triển khai các nội dung chuyển giao công nghiệp quốc phòng, hậu cần quân sự, đào tạo cán bộ quân sự, tăng cường hợp tác hải quân hai nước..., góp phần khẳng định lòng tin chiến lược, tiếp tục củng cố và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây mất ổn định. Quan hệ giữa các nước lớn vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, chi phối các quan hệ quốc tế. Các nước tiếp tục điều chỉnh chiến lược, hình thành những tập hợp lực lượng mới trong khu vực và trên thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, cơ bản vẫn ổn định và phát triển, nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biên giới, biển, đảo, đặc biệt là tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục giữ vị trí quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, trong đó việc duy trì trao đổi đoàn các cấp; duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn; trao đổi kinh nghiệm nhất là trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; tăng cường hợp tác đào tạo theo hướng chuyên ngành; hợp tác về công nghiệp quốc phòng, quân y, an ninh mạng, hải quân và cảnh sát biển; hợp tác trong tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc…, là vấn đề quan trọng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Để tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục: Chủ động nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, thách thức cả về khách quan và chủ quan, nhất là về mặt chính sách, nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản. Chú trọng đổi mới nội dung hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, năng lực quân sự, quốc phòng của mỗi nước, tập trung vào những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Tích cực tìm kiếm, mở rộng và đối mới cơ chế, phương thức hợp tác quốc phòng song phương và đa phương phù hợp điều kiện lịch sử mới. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Ngày nhận bài: 26-6-2024; ngày thẩm định: 25-7-2024; ngày duyệt đăng: 28-7-2024
4. Hiền Hạnh: “Thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam - Nhật Bản”. Nguồn: