Tóm tắt: Trải qua 18 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Việt Nam đã buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27-1-1973. Kể từ đây, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn mới, tiến lên thực hiện mục tiêu chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Để hoàn thành mục tiêu chiến lược này, nhất thiết phải tạo thế, tạo lực và thời cơ cho cách mạng miền Nam; do đó, Đảng đã quyết định thành lập các quân đoàn chủ lực, tạo ra lực lượng quân sự có sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, khả năng đột kích lớn, đáp ứng các chiến dịch tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn để kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ khoá: Quân đoàn chủ lực; góp phần thắng lợi; kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

1. Những cơ sở để Đảng quyết định thành lập các quân đoàn chủ lực

Để xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, thành lập các quân đoàn chủ lực nói riêng trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở nghiên cứu thực tế, Đảng đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về đấu tranh cách mạng. V.I. Lênin đã chỉ ra rằng: “Muốn bảo vệ chính quyền của công nông... chúng ta phải có Hồng quân mạnh mẽ... Có Hồng quân mạnh, chúng ta sẽ vô địch”1. Cùng với đó, V.I. Lênin khẳng định: Trong chiến tranh “ai có nhiều lực lượng hậu bị hơn, ai có nhiều nguồn lực hơn… thì người đó sẽ thu được thắng lợi”2.

Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của dân tộc về xây dựng quân đội trong các triều đại phong kiến Việt Nam; đồng thời, phát triển tư tưởng của V.I. Lênin về xây dựng các “đội dân cảnh”, “quân đội thường trực”, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Ngay từ khi ra đời, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng (1930), đã chỉ rõ sự cần thiết phải “tổ chức ra quân đội công nông”3, làm công cụ bạo lực cách mạng để “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”4. Kế thừa và cụ thể hoá tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (đầu năm 1930), tháng 3-1935, Nghị quyết về Đội Tự vệ của Đảng khẳng định: Công nông cách mạng Tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, quân uỷ của Đảng Cộng sản… Cứ theo phép tam tam chế mà tổ chức lên tiểu đoàn, kế trung đoàn, đại đoàn và tập đoàn…5. Chủ trương này cho thấy rằng, ngay từ rất sớm, Đảng đã xác định rõ phiên chế của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam lên tới cấp tập đoàn quân.

Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (1944), Hồ Chí Minh xác định lực lượng quân đội cách mạng Việt Nam gồm ba thứ quân: Vệ quốc quân (bộ đội chủ lực), bộ đội địa phương và dân quân du kích. Người chỉ rõ: “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực... trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”6

Thực hiện chủ trương của Đảng và quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được thành lập và lớn mạnh không ngừng, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với những thắng lợi vĩ đại của dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám (1945) đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975) và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN từ năm 1975 đến nay.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tình hình chiến trường có biến chuyển rất nhanh chóng, nhất là tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, có quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam đã đưa tới sự thay đổi căn bản trong so sánh lực lượng giữa ta và địch. Kể từ đây, lực lượng bộ binh của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam giảm 42%, pháo binh, thiết giáp giảm 55%, không quân giảm 70% so với lúc cao nhất (1969)... Nếu trước đây tỷ lệ so sánh địch - ta là 2/1 thì đến cuối tháng 3-1973, khi quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ rút hết, tỷ lệ đó còn khoảng 1,8/1 (riêng khối chủ lực chỉ là 1,1/1)7. Việc quân Mỹ rút khỏi miền Nam đã làm cho chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa mất đi chỗ dựa trực tiếp và chủ yếu, dẫn đến tình trạng tinh thần dao động lớn, sức chiến đấu bị giảm sút nghiêm trọng.

Xét về tổng thể, từ sau khi quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ rút khỏi miền Nam, tương quan so sánh lực lượng đã dần nghiêng về phía cách mạng, thế và lực cách mạng miền Nam có những chỗ mạnh rất cơ bản, đang trên đà phát triển vững chắc. Riêng bộ đội chủ lực tại miền Nam đã lên tới hơn 31 vạn, gồm 10 sư đoàn, 24 trung đoàn, 102 tiểu đoàn bộ binh và binh chủng8. Các sư đoàn chủ lực đều được biên chế đầy đủ số quân và trang bị; cùng với đó, hậu phương miền Bắc tiếp tục tăng cường chi viện cán bộ, chiến sĩ và vũ khí trang bị cho tiền tuyến miền Nam. Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của các lực lượng vũ trang trên chiến trường, đến lúc này, trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của đội ngũ cán bộ quân đội đã được tích lũy đáng kể, nhất là đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn tác chiến hợp đồng binh chủng hợp thành trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971) và cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972. Gắn liền với các thắng lợi trên chiến trường là sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân trong khắp cả nước. Bên cạnh đó, nhân dân Mỹ và nhân loại tiến bộ trên thế giới tiếp tục đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đây chính là những điều kiện rất cơ bản để Đảng đưa ra quyết định thành lập các quân đoàn chủ lực vào thời điểm quan trọng này.

2. Đảng đề ra chủ trương và chỉ đạo thành lập các quân đoàn chủ lực

Trước âm mưu, hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tháng 7-1973, HNTƯ 21, khóa III ban hành Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”, trong đó khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”9. Trên cơ sở chủ trương chung của Đảng về con đường cách mạng miền Nam, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết lúc này là ta phải có lực lượng quân sự với sức mạnh đánh tiêu diệt lớn quân đối phương; việc chỉ sử dụng các sư đoàn độc lập hoặc phối hợp nhiều sư đoàn như trước đây không còn thích hợp nữa, mà cần phải có những quân đoàn chủ lực được tổ chức chặt chẽ làm “quả đấm quyết định” để đủ sức “đánh cho ngụy nhào”. Theo đó, Đảng chủ trương đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: “Phải có lực lượng vũ trang ba thứ quân mạnh, chiến đấu giỏi và luôn sẵn sàng chiến đấu”10, trong đó phải chú trọng xây dựng các đơn vị chủ lực, quy mô lớn, chất lượng cao: “làm cho bộ đội chủ lực thành lực lượng tinh nhuệ, vừa chính quy hiện đại, vừa cơ động linh hoạt”11. Quán triệt chủ trương này, khi đề cập đến sự cần thiết tổ chức các quân đoàn, đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã nhấn mạnh “Sức mạnh của một quân đoàn cũng khác với sức mạnh của ba sư đoàn; có như thế ta mới phải tổ chức ra quân đoàn”12.

Nhận thức đúng yêu cầu cấp bách về thành lập các quân đoàn chủ lực trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, nhất là thực lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã cho phép đủ điều kiện cơ bản để xây dựng những đơn vị chính quy, có khả năng cơ động nhanh, hoả lực mạnh, sức đột kích lớn, giữa năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu: “Khẩn trương lập các quân đoàn, những “quả đấm chủ lực” sẵn sàng sử dụng ở thời điểm quyết định, nghiên cứu phương thức tác chiến theo hướng tiêu diệt chi khu, quận lỵ, chiến đoàn, lữ đoàn địch đi ứng cứu, tiêu diệt sư đoàn địch”13. Do nhận thấy trước khả năng tác chiến quy mô lớn sẽ xảy ra trong tương lai gần và vai trò của đội ngũ cán bộ chỉ huy, Quân ủy Trung ương chủ động, kịp thời quyết định lựa chọn cử đoàn cán bộ quân sự sang học lớp bổ túc về tác chiến binh chủng hợp thành tại Học viện Vôrôsilôp ở Mátxcơva (Liên Xô). Đây là lực lượng cán bộ quân sự nòng cốt nhằm chuẩn bị cho việc thành lập các quân đoàn chủ lực.

Nhờ khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, đến cuối năm 1973, những điều kiện khách quan và chủ quan để tổ chức các quân đoàn chủ lực cơ bản được bảo đảm, không chỉ ở hậu phương miền Bắc mà trên cả các hướng chiến lược quan trọng ở chiến trường miền Nam. Tháng 10-1973, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng về thành lập các quân đoàn chủ lực.

Theo Quyết định số 124/QĐ-QP, ngày 24-10-1973, Quân đoàn 1, mang tên Binh đoàn Quyết thắng - Quân đoàn cơ động chiến lược đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập gồm các sư đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng hợp thành đang đứng chân trên các tỉnh miền Bắc. Quân đoàn có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, cơ động theo yêu cầu, nhiệm vụ của Trung ương, Bộ Quốc phòng và đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của chiến trường.

 Tiếp đó, ngày 17-5-1974, Quân đoàn 2 mang tên Binh đoàn Hương Giang được thành lập ở Tây Trị - Thiên theo Quyết định số 67/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ chủ yếu của Quân đoàn 2 là tham gia tổ chức các chiến dịch quy mô bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, thực hiện những đòn tiêu diệt lớn lực lượng địch, phối hợp với các lực lượng tại chỗ và phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. 

Ở địa bàn Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ, thực hiện chủ trương của Đảng và Trung ương Cục miền Nam, ngày 20-7-1974, Quân đoàn 4 mang tên Binh đoàn Cửu Long được thành lập. Với chức năng là “quả đấm chủ lực” mạnh, lực lượng cơ động của Bộ quốc phòng ở chiến trường B2, nhiệm vụ của Quân đoàn 4 làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang ba thứ quân, chỗ dựa vững chắc cho lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng, đảm nhận một hướng chiến lược, một khu vực chiến trường, mục tiêu cuối cùng là giải phóng Sài Gòn.

 Đặc biệt, ngày 26-3-1975, ngay sau Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 54/QĐ-QĐ thành lập Quân đoàn 3 mang tên Binh đoàn Tây Nguyên. Quân đoàn 3 có thể độc lập tiến hành một chiến dịch hoặc đảm nhiệm hướng chủ yếu trong đội hình chiến dịch lớn, làm lực lượng quyết định trong các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, nhất là địa bàn Tây Nguyên.

Ngoài bốn quân đoàn trên, đầu tháng 2-1975, thực hiện chủ trương của Đảng, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định thành lập một đơn vị chủ lực có quy mô cấp quân đoàn. Để phù hợp với tình hình thực tiễn và giữ bí mật trong quá trình hoạt động, đơn vị được lấy phiên hiệu là Đoàn 232, tương tự phiên hiệu các đoàn hậu cần khu vực được thành lập trước đó trên chiến trường B2.

 Việc nhanh chóng thành lập các quân đoàn chủ lực trong thời gian ngắn (10-1973 – 3-1975) đã khẳng định Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã có quyết định kịp thời, chính xác. Sự ra đời của các quân đoàn chủ lực đánh dấu bước trưởng thành mới về quy mô tổ chức lực lượng quân sự, tạo nên sự thay đổi về chất, mở ra khả năng tiến hành các chiến dịch tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn trên chiến trường, để thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

3. Tác chiến của các quân đoàn chủ lực, góp phần trực tiếp vào thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Trước những diến biến nhanh của tình hình chiến trường miền Nam, tháng 10-1974, Bộ Chính trị đã họp, nhận định lúc này chúng ta đang đứng trước thời cơ thuận lợi nhất để giải phóng miền Nam và khẳng định phải tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, trong đó tổng công kích có ý nghĩa quyết định phải đi trước một bước. Do vậy, phải sử dụng hiệu quả sức mạnh to lớn của lực lượng bộ đội chủ lực, trước hết là các quân đoàn chủ lực mới được thành lập.

Nhằm thực hiện “đòn trinh sát chiến lược”, từ ngày 13-12-1974 đến ngày 6-1-1975, lực lượng vũ trang ta, do Quân đoàn 4 làm nòng cốt tiến công vào hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở tỉnh Phước Long và khu vực Đường 14 giành thắng lợi to lớn. Đây là cơ sở quan trọng để Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18-12-1974 – 8-1-1975) hoàn chỉnh và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976); đồng thời, chuẩn bị một phương án khác để tận dụng thời cơ với phương hướng hành động là: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”14. Sau những hoạt động quân sự này, Quân đoàn 4 đã được giao tiến công địch trên hướng Đông và Tây Nam Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tại chiến trường Tây Nguyên, các Sư đoàn 316, 10, 320, 2 và một số đơn vị binh chủng (sau này hợp thành Quân đoàn 3 vào ngày 26-3-1975) được giao nhiệm vụ trực tiếp đánh trận mở đầu then chốt vào thị xã Buôn Ma Thuột (10-3-1975) và các mục tiêu liên quan, truy kích địch rút chạy, giải phóng hoàn toàn khu vực Tây Nguyên ngày 25-3-1975. Sau đó, Quân đoàn 3 được giao là cánh quân ở phía Tây Bắc Sài Gòn, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Cùng với những hoạt động tác chiến của Quân đoàn 4 và Quân đoàn 3, từ tháng 7-1974 đến tháng 3-1975, Quân đoàn 2 được giao phối hợp chặt chẽ với quân, dân các địa phương liên tiếp mở các chiến dịch, đợt hoạt động tác chiến giải phóng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận... tạo thành cánh quân phía Đông thần tốc tiến về Sài Gòn - Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Quân đoàn 1, được Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ vừa thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, vừa khắc phục khó khăn về cơ động, hậu cần - kỹ thuật và chuẩn bị chiến trường. Đặc biệt, Quân đoàn được lệnh tổ chức cuộc hành quân “thần tốc” từ Bắc vào Nam chỉ trong 11 ngày đêm, lực lượng của Quân đoàn đã vượt chặng đường dài 1.700km, kịp thời trực tiếp tham gia chiến đấu trên hướng Bắc Sài Gòn trong trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng tháng 4-1975.

Do thất bại nặng nề ở chiến trường Tây Nguyên, tiếp đến ở Huế và Đà Nẵng, quân đội Việt Nam Cộng hòa bị tiêu hao lớn cả về sinh lực, vũ khí, trang bị, nhất là thế trận. Sức chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng, nòng cốt là các quân đoàn chủ lực tăng cao. So sánh lực lượng giữa ta và địch có sự thay đổi căn bản, ta mạnh hơn địch. Nhận thấy những chuyển biến mau lẹ từ chiến trường, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp và khẳng định: “Từ giờ phút này, trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”15. Bộ Chính trị hạ quyết tâm lịch sử: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là tháng 4 năm 1975 không thể để chậm”16. Đến ngày 7-4-1975, phương châm chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát lệnh truyền đi khắp các hướng chiến trường, nhất là ở các quân đoàn chủ lực.

Ngày 26-4-1975, toàn bộ lực lượng của ta từ các hướng, gồm bốn quân đoàn chủ lực (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (Binh đoàn cánh Tây Nam) phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương vùng ven và quần chúng nổi dậy, bắt đầu thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ các hướng Đông, Đông Nam, Tây, Tây Bắc và Tây Nam các quân đoàn chủ lực tiến công mãnh liệt, đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của quân đội Sài Gòn và áp sát bao vây nội đô Sài Gòn.

Với sức tiến công mạnh mẽ của các quân đoàn chủ lực, nội tình chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa càng hoảng loạn. Tận dụng thời cơ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, sáng ngày 29-4-1975, các lực lượng của ta tiến hành tổng công kích trên toàn mặt trận. Các quân đoàn chủ lực phá vỡ và đánh chiếm các căn cứ vòng ngoài Sài Gòn - Gia Định; đồng thời, ngăn chặn tiêu diệt các đơn vị chủ lực của quân đội Sài Gòn, không cho chúng chi viện cho nhau hoặc co về cố thủ ở Sài Gòn. Nhanh chóng tận dụng thời cơ, sáng 30-4-1975, các lực lượng của ta được lệnh đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố. Ở phía Tây Bắc, Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Phía Bắc, Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đoàn 232 đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát và Bộ tư lệnh Hải quân. Phía Đông, Quân đoàn 4 giải phóng thành phố Biên Hoà, cùng với Quân đoàn 2 trên hướng Đông Nam tiến về Dinh Độc Lập. Đúng 10 giờ 45 phút, ngày 30-4-1975, ta chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Nội các chính quyền Sài Gòn và buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, Sài Gòn - Gia Định được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Quyết định kịp thời, chính xác, hiệu quả của Đảng về thành lập và sử dụng các quân đoàn chủ lực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến nay vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử và có giá trị sâu sắc. Quyết định kịp thời, chính xác này của Đảng đã nhanh chóng tổ chức được lực lượng quân sự to lớn, tạo nên sự thay đổi căn bản trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta về so sánh lực lượng. Các quân đoàn chủ lực được thành lập, tham gia tác chiến trên các chiến trường đã đóng vai trò quyết định vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Ngày nay, trước bối cảnh mới, đặt ra phải tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng và Quân ủy Trung ương đã chủ trương xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”. Theo đó, đã quyết định sáp nhập Quân đoàn 1 với Quân đoàn 2, thành lập Quân đoàn 12 (ngày 21-11-2023) và thành lập Quân đoàn 34 (ngày 15-12-2024), trên cơ sở sáp nhập Quân đoàn 3 với Quân đoàn 4. Đây là một chủ trương lớn, đúng đắn, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, bảo đảm cho các quân đoàn chủ lực ngày càng thêm tinh, gọn, mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành xuất sắc vai trò là lực lượng chủ lực, nòng cốt quyết định thắng lợi sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong mọi tình huống.



Ngày nhận: 15-1-2025; ngày thẩm định: 25-2-2025; ngày duyệt đăng: 5-3-2025

* Đại tá, Tiến sĩ, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

** Thượng úy, Lớp cao học Lịch sử Đảng 2023, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

1. V.I. Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr. 175-176

2. V.I. Lênin Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2005, T. 39, tr. 271

3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiên Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H,1998, T. 2, tr. 2, 2

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiên Đảng Toàn tập, Sđd,1999, T. 5, tr. 94-95

6. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 539

7. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam : Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Nxb QĐND, H, 1991, tr. 247

8, 13. Xem: https://www.tuyengiao.vn/quan-doan-chu-luc-tam-nhin-chien-luoc-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-139914

9, 10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, H, 2004, T. 34, tr. 232, 236, 244

12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, H, 2004, T. 35, tr. 47

14, 15, 16. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Những sự kiện quân sự, Nxb QĐND, H, 1980, tr. 283, 301, 302.