Tóm tắt: Đảng bộ Liên khu V được thành lập tháng 3-1949. Từ khi thành lập cho đến khi kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1954), Đảng bộ Liên khu V thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phát triển đảng viên, xây dựng Đảng về chính trị gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo kháng chiến và xây dựng hậu phương trên địa bàn có vị trí địa chiến lược quan trọng. Những năm 1949-1954, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Liên khu V đã đạt được nhiều thành tựu, để lại nhiều kinh nghiệm có giá trị.

Từ khoá: Liên khu V; xây dựng Đảng; 1949-1954

1. Một số thành tựu công tác xây dựng Đảng ở Liên khu V (1949-1954)

Ngày 20-10-1948, Liên khu V chính thức thành lập, gồm 12 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên. 

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, tháng 3-1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu V lần thứ nhất được tiến hành. Đây được coi là mốc hình thành Đảng bộ Liên khu V. Đại hội bầu Liên Khu ủy gồm 15 ủy viên, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được bầu làm Bí thư. Là cấp bộ Đảng trực thuộc Trung ương, Đảng bộ Liên khu V ra đời đáp ứng yêu cầu về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới.

Sau gần 6 năm tiến hành xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, từ tháng 3-1949 đến năm 1954, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Liên khu V đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về chính trị, Đảng bộ đã quán triệt, thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, quán triệt chủ trương, đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; xác định và đề ra các nhiệm vụ chính trị của Liên khu, trong đó, tập trung hai nhiệm vụ xây dựng, củng cố, bảo vệ vùng tự do và phát triển chiến tranh du kích vùng tạm bị địch chiếm, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, tiến hành tác chiến, phối hợp với chiến trường toàn quốc, chiến trường Lào, Campuchia. Một trong những thành công trong công tác xây dựng Đảng về chính trị ở Liên khu V thời kỳ này đã động viên được hầu hết các địa chủ chủ động hiến điền, do đó cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất không chủ trương tịch thu ruộng đất của địa chủ, không thực hiện đấu tố, mà phần lớn trên tinh thần tự nguyện của điền chủ1. Chính vì thế, Liên khu V không mắc phải những sai lầm trong cải cách ruộng đất như nhiều địa phương miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Liên Khu ủy, quân và dân các tỉnh vùng tự do đã đạt được những thành tựu vững chắc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế kháng chiến, thực hiện tự cấp tự túc mọi mặt. Đời sống của dân lao động được cải thiện. Vùng tự do đáp ứng ngày càng cao yêu cầu chi viện cho chiến trường. Trong những năm 1951-1954, mỗi năm ngoài việc cung cấp cho lực lượng vũ trang hàng chục tấn vũ khí, nhân dân vùng tự do còn cung cấp một khối lượng lớn về lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác phục vụ chiến trường. Năm 1951, nhân dân vùng tự do đã cung cấp cho chiến trường cực Nam Tây Nguyên 16.537 kg sợi, hàng trăm tấn muối và hàng chục tấn đường; năm 1952 cung cấp cho các chiến trường Nam Trung Bộ 23.500 tấn gạo, năm 1953-1954 cung cấp cho các chiến trường 126.132 tấn thóc, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Nam Trung Bộ đến thắng lợi2.

Về tư tưởng, Đảng bộ Liên khu V tập trung thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về công tác tư tưởng, khắc phục những hạn chế, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Trước tình trạng nhiều cấp bộ Đảng xem nhẹ việc giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, chưa quan tâm đúng mức việc học tập lý luận, đào tạo cán bộ, chưa gây được phong trào học tập, chưa chú ý giáo dục ý thức giai cấp, quan điểm quần chúng, đảng tính và tinh thần quốc tế cho đảng viên..., Liên Khu ủy chủ trương: “Trước hết phải chỉnh đốn giáo dục tư tưởng chính trị trong cán bộ và ở các cơ quan chỉ đạo xã, lấy việc kiểm thảo làm nề nếp tu dưỡng thường xuyên ở tiểu tổ và chi bộ, lấy hội nghị học tập thường kỳ để huấn luyện công tác cho cán bộ, đảng viên. Gây một phong trào nhân dân kiểm tra thái độ cán bộ đối với công nông trong sinh hoạt hằng ngày”3. Đối với lực lượng vũ trang, từ giữa năm 1952, các đơn vị lần lượt tiến hành cuộc vận động chỉnh huấn chính trị. Những vấn đề chiến lược của cách mạng và kháng chiến như: ai là thù, ai là bạn? Chiến đấu vì mục đích gì? Vì sao phải kháng chiến lâu dài? Trách nhiệm của cán bộ và chiến sĩ đối với nhân dân, với kháng chiến... được học tập tương đối có hệ thống. Thông qua sinh hoạt tư tưởng, nhất là các đợt học tập, chỉnh huấn, kiểm thảo,... Đảng bộ đã thông suốt nhận thức đường lối, chủ trương của Đảng, quan điểm kháng chiến lâu dài, tự lực cánh sinh, thông suốt tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Liên khu; khắc phục các tư tưởng cầu an, dao động, sợ địch, sợ khó, sợ khổ, tư tưởng chủ quan, khinh địch, lạc quan tếu, nóng vội, ỷ lại vào sự giúp đỡ bên ngoài, thiếu tin tưởng vào quần chúng; nâng cao nhận thức phụng sự kháng chiến, phụng sự nhân dân trong cán bộ, đảng viên....

Về tổ chức và phát triển đảng viên, Đảng bộ đã xây dựng, củng cố được hệ thống tổ chức các cấp, đều khắp ở các vùng tự do và vùng tạm bị chiếm; phát triển đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đảm đương được vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến - kiến quốc trên địa bàn phụ trách. Công tác phát triển đảng viên được đẩy mạnh: từ 16.089 đảng viên (3-1949) lên 105.360 đảng viên (12-1949) (trong 9 tháng, tăng 556% với 89.262 đảng viên, trung bình mỗi tháng tăng 9.918 đảng viên)4. Đến tháng 7-1950, số đảng viên toàn Liên khu lên đến 132.796 đảng viên; thành phần công nhân, bần cố nông chiếm 85%. Trong vùng tạm chiếm, cực Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận), Tây Nguyên, số đảng viên tăng mạnh5. Tính đến tháng 3-1951, số lượng đảng viên toàn Đảng bộ Liên khu V là 227.954 đồng chí, vùng tạm chiếm và vùng du kích có 47.717 đảng viên; trong bộ đội chủ lực có 20.260 đảng viên, trong tổng số 36.000 cán bộ, chiến sĩ; vùng thượng du có 5.651 đảng viên, trong tổng số 1.000.000 dân; vùng Công giáo có 332 đảng viên trong tổng số 100.000 dân. Ở vùng tạm bị chiếm, Tây Nguyên, nhiều xã đã có tỷ lệ đảng viên so với quần chúng trung bình ngang vùng tự do. Một vài xã ở Khánh Hòa tỷ lệ từ 1/79 đến 1/1256. Vùng tự do, phát triển đảng viên mạnh nhất ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, tiếp đến các tỉnh cực Nam Trung Bộ là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng. Ở Tây Nguyên, số đảng viên của 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum cũng tăng cao7. Công tác phát triển đảng trong tôn giáo, Hoa kiều, trong đồng bào dân tộc được Liên Khu ủy chú trọng: tại thời điểm tháng 9-1949, tổng số đảng viên là người theo đạo Công giáo là 129 người, 59 đảng viên là người theo đạo Cao Đài, 223 đảng viên là người theo Phật giáo, 39 đảng viên là Hoa kiều; 318 đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Công tác phát triển đảng viên trong quân đội được quan tâm đẩy mạnh, số lượng đảng viên trong quân đội tăng nhanh: tháng 9-1949, tổng số đảng viên trong bộ đội (chưa tính khu Hạ Lào) là 6.385 đảng viên, (331 chính thức và 3.254 dự bị, tăng 3.239 đảng viên), đạt 103%8. Cuối năm 1949, tổng số đảng viên trong bộ đội là 10.000 người, tăng 218%, so với mục tiêu được đề ra tại Đại hội Đảng bộ Liên khu lần thứ I, tỷ lệ đảng viên trong bộ đội chiếm 1/3 quân số; đến 7-1950, có 19.730 đảng viên. Việc phát triển đảng trong các chiến dịch được đặc biệt chú trọng, có đơn vị số đảng viên đã tăng từ 40% lên 80% trong một chiến dịch9.

Thực hiện khẩu hiệu “Hãy đi xuống tận chi bộ” và chủ trương xây dựng 2/3 chi bộ tự động công tác đi đôi với phong trào xây dựng xã kiểu mẫu, Đảng bộ Liên khu V chỉ đạo các tỉnh đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, xây dựng tổ chức các cấp nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Phong trào xây dựng chi bộ tự động công tác đã lôi cuốn được các ngành quân - dân - chính hướng mạnh vào việc củng cố cơ sở đảng. Tính đến tháng 6-1950, toàn Liên khu có 180 chi bộ tự động trên tổng số 926 chi bộ10, giảm 19 chi bộ so với tháng 12-1949. Nguyên nhân số chi bộ tự động giảm là vì các tiêu chuẩn chi bộ tự động khắt khe hơn, một số chi bộ trước kia được công nhận “tự động”, khi áp tiêu chuẩn mới thì chưa đạt. Cơ sở Đảng lan rộng trong vùng bị chiếm, các ngành chính quyền và bắt đầu có bước phát triển ở các đô thị, các đường giao thông quan trọng. Ở vùng bị chiếm Quảng Nam, Đà Nẵng phát triển mạnh nhất. Thành phố Đà Nẵng có 1.085 đồng chí nằm trong lòng địch trong tổng số 1.521 đồng chí. Tại các đô thị ở Cực Nam như Phan Thiết (trên 100 đồng chí), Nha Trang (38 đồng chí), Ninh Hòa, Tháp Chàm (17 đồng chí); Phan Rang (25 đồng chí)11.

Việc phát triển mạnh về số lượng đảng viên và tổ chức chi bộ cho thấy Đảng bộ Liên khu V đã thực hiện đúng chủ trương của Trung ương Đảng thời gian này, phát triển Đảng thành một “Đảng quần chúng”, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Hầu hết các ngành, các địa phương đều xây dựng được cơ sở đảng. Phong trào xây dựng chi bộ tự động công tác đã thu hút được các ngành hướng về chi bộ và đã đưa nhiều chi bộ tiến nhanh, nhất về lối làm việc và phương thức lãnh đạo12.

Từ ngày 16-7 đến ngày 2-8-1951, tại huyện An Lão tỉnh Bình Định, Đảng bộ Liên khu V tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ II. Đại hội quán triệt những yêu cầu mới về công tác xây dựng Đảng. Đại hội đề ra những định hướng lớn trong công tác tổ chức: Xây dựng cho toàn đảng bộ có một tư tưởng tổ chức đúng đắn; đi sát cấp dưới, sát cơ sở hạ tầng để chấn chỉnh tổ chức; đề cao ý thức trách nhiệm của toàn thể đảng viên; biên chế tổ chức; đưa Đảng ra công khai; bầu Liên Khu ủy gồm 21 ủy viên chính thức13.

Với hệ thống tổ chức đảng không ngừng được củng cố và ngày càng vững mạnh, tinh thần tận tụy, gương mẫu của tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên, Đảng bộ Liên khu V đã được sự ủng hộ và tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân. Trong kháng chiến, Đảng bộ lãnh đạo xây dựng được hậu phương vững chắc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự vững mạnh của hậu phương có ý nghĩa quyết định đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng ở Liên khu V thời gian này cũng còn một số hạn chế như: Công tác huy động, bồi dưỡng sức dân, nắm bắt âm mưu địch và đấu tranh chống phản động có khuyết điểm, để xảy ra vụ bạo loạn Sơn Hà. Công tác tư tưởng có lúc không quán triệt đúng quan điểm kháng chiến trường kỳ, việc tổ chức học tập, kiểm thảo nhiều lúc, nhiều nơi còn hình thức. Công tác xây dựng Đảng về tổ chức và phát triển đảng viên phạm khuyết điểm vừa phát triển “bừa bãi”, “thi đua phát triển”, chạy theo thành tích, vừa buông lỏng, thực hiện các quy định, thủ tục kết nạp không chặt chẽ, kết nạp hàng loạt, làm cho thành phần đảng viên phức tạp, cá biệt một số nơi cấp ủy không giữ được tổ chức và vai trò lãnh đạo, để cho các phần tử phản động chui vào tổ chức... dẫn đến tình trạng “Đảng đông mà không mạnh”. Những khuyết điểm này bắt nguồn từ chủ trương chưa thật sự sát và còn nhiều hạn chế của Trung ương về công tác xây dựng Đảng thời gian này.

 

2. Một số kinh nghiệm

Từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Liên khu V, có thể đúc kết một số kinh nghiệm sau:

Một là, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, căn cứ tình hình địa phương để tiến hành xây dựng chủ trương, nhiệm vụ chính trị sát đúng.

Xây dựng Đảng nói chung, xây dựng các cấp bộ Đảng tại các địa phương đều phải tiến hành trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó, xây dựng Đảng về chính trị giữ vai trò cơ bản nhất, quyết định nhất.

Xây dựng Đảng về chính trị có nhiều nội dung, trong đó, việc hoạch định các chủ trương, nhiệm vụ chính trị và các biện pháp tổ chức thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ đó đóng vai trò quan trọng, bảo đảm tổ chức Đảng có định hướng và những biện pháp tổ chức thực hiện đúng, đạt hiệu quả. Quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng bộ Liên khu V đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương về đường lối, chủ trương lãnh đạo nói chung cũng như những chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng nói riêng. Đồng thời, chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn phụ trách đi đến thắng lợi. Để có được chủ trương chính trị đúng đắn, các cấp bộ địa phương phải quán triệt và thực hiện đồng thời hai nguyên tắc: Một là, tuân thủ, nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương. Hai là, nắm vững diễn biến tình hình cụ thể của địa phương; căn cứ vào thực tiễn luôn biến động để  xây dựng chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ chính trị và biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp. Nhận thức và thực hiện tốt hai nguyên tắc này, sẽ tránh được sai lầm, biệt phái, xa rời nguyên tắc Đảng, đồng thời tránh được sự thụ động, chờ đợi, hoặc chấp hành một cách máy móc chủ trương của Đảng.

Hiện thực công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Liên khu V từ năm 1949 đến năm 1954 cho thấy, khi Đảng bộ chấp hành và vận dụng sáng tạo đường lối chính trị của Đảng, chủ trương, nhiệm vụ chính trị, phương pháp đấu tranh đề ra đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy phong trào đấu tranh tiến lên. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chấp hành và vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến, kiến quốc đúng đắn của Đảng vào thực tiễn Liên khu, Đảng bộ Liên khu V đã xác định các nhiệm vụ chính trị đúng đắn, thúc đẩy phong trào kháng chiến của nhân dân trong Liên khu phát triển mạnh mẽ, thôi thúc và tạo điều kiện cho các cấp bộ Đảng, các đảng viên đẩy mạnh hoạt động.

Công tác xây dựng Đảng ở Liên khu có những thời điểm, Đảng bộ Liên khu V nhận thức không đúng chủ trương của Trung ương hoặc máy móc, cứng nhắc trong chấp hành chủ trương của Đảng, không phát huy tinh thần chủ động, tính thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm trước Đảng, trước phong trào cách mạng và trước sinh mệnh của cán bộ, đảng viên và nhân dân mà hậu quả là không đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị phù hợp. Cụ thể là, trong những năm 1949-1950, Đảng bộ nhận thức không đúng về chủ trương “tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” của Trung ương nên đã đề ra chủ trương và các biện pháp thực hiện huy động quá mức, không chăm lo bồi dưỡng sức dân, làm ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết toàn dân. Trong những năm 1953-1954, Đảng bộ máy móc áp dụng những biện pháp của Trung ương trong quá trình kết hợp chỉnh đảng với thực hiện triệt để giảm tô, đã gây nên những bất lợi trong công tác xây dựng Đảng.

Thực tiễn của Đảng bộ Liên khu V cho thấy, xây dựng Đảng về chính trị, nhất là xác định chủ trương, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chỉ đạt được kết quả tốt khi các cấp ủy và toàn Đảng bộ tuân thủ nguyên tắc xây dựng Đảng, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời phải dựa chắc tình hình thực tiễn cụ thể từng vùng, địa phương, cơ sở để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước phong trào đấu tranh của nhân dân.

Hai là, thường xuyên tiến hành công tác tư tưởng, bảo đảm và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; đề phòng và khắc phục máy móc, “tả” khuynh trong công tác xây dựng Đảng.

Xây dựng Đảng về tư tưởng là một mặt rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, gắn bó hữu cơ với các mặt xây dựng Đảng về chính trị, về tổ chức, đặc biệt là với xây dựng Đảng về chính trị. Xây dựng Đảng về tư tưởng chỉ thành công trên cơ sở có đường lối chính trị đúng đắn; sự nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ chính trị và phải dựa trên cơ sở của sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ.

Thực tiễn cho thấy, Đảng bộ Liên khu V đã thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, cho đây là một trong những nhiệm vụ căn bản, chính yếu để bảo đảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Đảng bộ đã tiến hành nhiều biện pháp, từ tổ chức học tập thông qua các lớp học chính trị, các lớp chỉnh huấn, các đợt sinh hoạt chính trị, thông qua báo chí, các tài liệu ban hành,... đặc biệt là khuyến khích cán bộ, đảng viên trong vùng tạm bị chiếm tự nghiên cứu, tự học tập, tự kiểm điểm... Đại đa số cán bộ, đảng viên của Liên Khu V, hoạt động trong vùng tự do, vùng tạm bị chiếm luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng, vào tiền đồ thắng lợi của cách mạng; luôn thể hiện được tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù, bảo vệ được khí tiết, phẩm giá của người cộng sản.

Do những điều kiện hoạt động ngặt nghèo, nhiều tổn thất, khi có những biến động tình hình, đã nảy sinh những tư tưởng lệch lạc, nguy cơ mất đoàn kết trong cán bộ, đảng viên cả ở vùng tự do và vùng tạm bị chiếm. Trong đội ngũ đảng viên ở vùng tự do, xuất hiện tư tưởng tự tư, tự lợi, kém gương mẫu, bất liêm, bất chính...; trong vùng địch tạm chiếm, một bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng ngại khổ, ngại khó, sợ hy sinh, cầu an, thoái chí, thậm chí tư tưởng đầu hàng. Trước tình hình đó, Liên khu ủy V đã chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo cụ thể để uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, giữ vững tinh thần của cán bộ, đảng viên, vượt qua những lúc phong trào cách mạng gặp sóng gió. Tuy nhiên, Đảng bộ cũng có những hạn chế, khuyết điểm trong công tác tư tưởng, nhất là việc phát hiện, nắm bắt, tiếp thu ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên chưa kịp thời, chưa sát.

Đảng bộ Liên khu V luôn chấp hành và thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình phê bình trong nội bộ Đảng; tự phê bình trước nhân dân nhằm phát huy ưu điểm, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm làm cho Đảng bộ lớn mạnh, đủ sức lãnh đạo cuộc kháng chiến. Có thực tế là, trong hoàn cảnh kháng chiến, việc tổ chức tự phê bình và tự phê bình của Đảng bộ không phải lúc nào và ở đâu cũng đạt được những kết quả tốt, mà nguyên nhân chủ quan là do cấp ủy thiếu kiên quyết, chưa nghiêm túc, một chiều... Từ đó cho thấy, để thực hiện có hiệu quả việc phê bình và tự phê bình trong công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, quy trách nhiệm cá nhân minh bạch, rõ ràng; khi phát hiện khuyết điểm, sai lầm phải có biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời, kiên quyết. Phải chú trọng việc góp ý, phê bình của nhân dân, gương mẫu tự phê bình trước nhân dân.

Thực tiễn xây dựng Đảng của Đảng bộ Liên khu V từ năm 1949 đến năm 1954, trong một số thời điểm, đã mắc sai lầm khi chấp hành, vận dụng những chủ trương của Đảng một cách máy móc, giáo điều, “tả” khuynh làm tổn hại tới sức chiến đấu của tổ chức đảng. Có những thời điểm, Đảng bộ đã thiếu căn cứ vào tình hình thực tế kháng chiến ở địa phương, thực hiện máy móc những chủ trương của Trung ương về xây dựng Đảng (như chủ trương xây dựng Đảng thành một đảng quần chúng), tình trạng phát triển đảng quá nhanh, phát triển theo lối “bổ thuế”, dẫn đến số lượng đảng viên đông mà tổ chức đảng không mạnh, thành phần phức tạp. Một số nơi có hiện tượng đề cao quá mức vai trò của bần, cố nông, cho rằng “càng nghèo tinh thần cách mạng càng cao”, nên kết nạp cả những người chưa biết chữ vào Đảng, trong khi đó xem nhẹ hoặc không đánh giá đúng những người tích cực tham gia kháng chiến thuộc tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, phú nông và địa chủ kháng chiến. Trong thực hiện chỉnh Đảng gắn với giảm tô, giảm tức, những đảng viên có thành phần xuất thân không phải công nhân, bần cố nông bị đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, khỏi các cấp ủy hoặc phải chuyển đổi nơi làm việc, có một bộ phận bị khai trừ vì “có liên quan đến giai cấp bóc lột”... Tình hình đó làm cho Đảng mất cán bộ, ảnh hưởng tới sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Ba là, xây dựng gắn với bảo vệ tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên bảo đảm chất lượng, số lượng.

Quán triệt nguyên lý xây dựng chính đảng của giai cấp vô sản theo chủ nghĩa Lênin: Đảng là một chính thể thống nhất “hết sức có tổ chức”, chấp hành chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng, từ năm 1949 đến 1954, Đảng bộ Liên khu V đã quan tâm xây dựng Đảng về tổ chức, trên các phương diện xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ và phát triển đảng viên. Đảng bộ đã thường xuyên quan tâm, có nhiều biện pháp tiến hành xây dựng củng cố và bảo vệ hệ thống tổ chức Đảng từ cấp Liên khu xuống đến chi bộ, gắn với đó là xây dựng, củng cố các cơ quan lãnh đạo, từ cấp Liên khu ủy xuống cấp tỉnh ủy, huyện ủy, chi ủy. Trong đó, Đảng bộ tập trung xây dựng và bảo vệ cấp chi bộ, thực hiện “chi bộ tự động công tác” nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của tổ chức cơ sở đảng, kịp thời ứng phó với điều kiện kháng chiến, giao thông liên lạc khó khăn.

Trong công tác xây dựng hệ thống tổ chức, Đảng bộ đã kết hợp xây dựng hệ thống tổ chức Đảng với xây dựng chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng thành một chỉnh thể thống nhất trong hệ thống chính trị.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo: cán bộ là gốc của cách mạng, do đó việc chăm lo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên được Đảng bộ Liên khu V coi trọng và tiến hành thường xuyên, nghiêm túc công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên. Đội ngũ cán bộ phần đông xuất thân từ thành phần công nông và có một bộ phận xuất thân từ các giai cấp, tầng lớp khác, từ các tôn giáo, các dân tộc thiểu số trên địa bàn, đều được rèn luyện, huấn luyện, học tập. Đội ngũ cán bộ, đảng viên được bố trí, xây dựng ở cả vùng tự do, vùng bị tạm chiếm.

Thực tiễn cho thấy, xây dựng Đảng về tổ chức chỉ thành công khi xây dựng đảng được tiến hành thường xuyên và phải gắn liền với bảo vệ tổ chức Đảng; xây dựng tổ chức đảng gắn với xây dựng tổ chức quần chúng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên bảo đảm chất lượng, số lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng.

Bốn là, dựa vào dân, vào phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân để xây dựng Đảng.

Gắn bó mật thiết với quần chúng là một nguyên tắc và là phương châm hoạt động của Đảng, Đảng bộ Liên khu V đã chủ động dựa vào quần chúng nhân dân để xây dựng và bảo vệ Đảng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại các vùng bị địch tạm chiếm, địch tìm mọi cách để tiêu diệt lực lượng kháng chiến, tách Đảng ra khỏi dân, kiểm soát chặt các địa bàn chiếm đóng. Dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy V, các cấp ủy vùng tạm bị chiếm đã quyết tâm chỉ đạo và thực hiện phương châm “bám dân”, “bám cơ sở”, đề cao tinh thần chủ động, tự lực, tự túc để tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Các tổ chức đảng đã bí mật xây dựng cơ sở kháng chiến trong nhân dân, được nhân dân giúp đỡ, che chở, bảo vệ đảng viên, hình thành các cơ sở chính trị, tiến hành đấu tranh dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, đảng viên. Trong vùng tự do Liên khu V, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã dựa chắc vào các tổ chức quần chúng để lãnh đạo, vận động, giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị cho đông đảo quần chúng nhân dân, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường, sức sáng tạo của quần chúng nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng hậu phương kháng chiến. Các cấp bộ đảng còn vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, tổ chức kiểm thảo trước nhân dân, tự phê bình và lắng nghe nhân dân phê bình qua đó rút kinh nghiệm trong công tác.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, có những thời điểm, có những địa bàn, các cấp bộ Đảng ở Liên khu V không quán triệt tốt quan điểm quần chúng, có khuyết điểm trong công tác dân vận, thậm chí còn vi phạm những lợi ích của nhân dân, làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Đảng với dân. Thực tế cho thấy, khi nào và ở đâu, tổ chức đảng biết dựa vào dân thì tổ chức đảng được bảo vệ, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, ngược lại, nơi nào và lúc nào, tổ chức đảng không phát huy được tinh thần cách mạng của nhân dân thì hạn chế thắng lợi hay tạm thời bị thất bại.

Những kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng ở Liên khu V giai đoạn 1949-1954 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có thể vận dụng trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

  

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 5-2023

1. Xem: “Báo cáo của đại biểu Đảng bộ Liên khu V tại Đại hội Liên-Việt Liên khu V”, Báo Cứu Quốc ngày 20-7-1953, Lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

2. Xem: Ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ: Hội thảo khoa học Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ (1945-1954), tr. 54

3, 5, 9. Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu V: “Đề án xây dựng Đảng tại Hội nghị Liên khu ủy từ ngày 8 đến ngày 16-7-1950”, tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phông số 51, ML 01, ĐVBQ 33

4, 7, 8. Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu V: “Báo cáo tình hình nội bộ Đảng Liên khu V 3 tháng thứ 3 năm 1949”, tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ - Văn Phòng Trung ương Đảng, Phông số 51, ML 01, ĐVBQ 297

6. Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu V: “Báo cáo tổng quát về tình hình Liên khu V từ năm 1949-1951”, tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng, Phông số 51, ML 01, ĐVBQ 175

10, 11. Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu V: “Báo cáo lần thứ nhất từ tháng 1 đến tháng 6-1950”, tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng, Phông số 51, ML 01, ĐVBQ 174

12. Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu V: “Báo cáo và Nghị quyết của Hội nghị cán bộ Đảng bộ Liên khu V lần thứ 2, từ ngày 18 đến ngày 24-1-1950”, tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng, phông số 51, ML 01, ĐVBQ 82

13. Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu V: “Gắn chặt với quần chúng để củng cố Đảng, Báo cáo tại Đại hội Liên khu Đảng bộ lần thứ hai, 1951”, tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.