Tóm tắt: Trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị-xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, luôn xứng đáng là Học viện mang tên Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; trung tâm quốc gia; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học lý luận chính trị; 70 năm xây dựng và phát triển

1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh-70 năm học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 70 năm truyền thống. Cách đây tròn 70 năm, vào tháng 9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự khai giảng khóa II lớp huấn luyện cán bộ của nhà trường mở tại xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, Người đã ghi vào Sổ vàng truyền thống của Trường những dòng chữ:

“Học để làm việc,

               làm người,

              làm cán bộ,

 Học để phụng sự Đoàn thể

                  "       "   giai cấp và nhân dân

                  "       "   Tổ quốc và nhân loại

Muốn đạt mục đích, thì phải

           cần, kiệm, liêm, chính,

           chí công, vô tư”1.

Những dòng chữ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm chỉ đạo việc học tập, đào tạo cán bộ không chỉ của Trường Đảng Trung ương, mà còn chung của cả nước và ngày Người đến thăm Trường đã trở thành ngày kỷ niệm truyền thống của Trường Đảng cao cấp tức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay.

70 năm, qua các giai đoạn lịch sử của Đảng và dân tộc, Trường đã mang nhiều tên gọi khác nhau: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (năm 1949), Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (3-1962), Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (7-1977), Học viện Khoa học xã hội mang tên Nguyễn Ái Quốc (gọi tắt là Học viện Nguyễn Ái Quốc, 7-1987), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (3-1993), Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (5-2007), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1-2014). Mặc dù mang nhiều tên gọi khác nhau, song thực chất Học viện của chúng ta vẫn là Trường Đảng cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, có truyền thống bắt nguồn từ những năm 1925-1927 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh sáng lập. Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 2-10-1978, của Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc là “công cụ quan trọng của Đảng trên mặt trận tư tưởng và lý luận, có hai nhiệm vụ cơ bản: một là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung cấp và cao cấp về lý luận chính trị; hai là, nghiên cứu lý luận nhằm làm tốt việc giảng dạy, đồng thời góp phần vào công tác lý luận chung của Đảng”. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Trường Đảng, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã được xác định nhất quán trong nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Trung ương2. Quyết định số 145-QĐ/TW, ngày 8-8-2018, của Bộ Chính trị ghi rõ: “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị-xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước”3.

Với những quyết định trên, Trung ương đã xác định rõ vai trò, vị thế vô cùng quan trọng của Học viện trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị, cán bộ khoa học lý luận chính trị cả ở bậc đại học và sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ); trong công tác nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng Việt Nam, đường lối đổi mới đất nước, tiếp tục làm sáng tỏ lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH của nước ta.

2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một nhiệm vụ trọng yếu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Qua 70 năm, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Đảng-Học viện đã có những bước tiến vượt bậc theo hướng đa dạng hóa mô hình và phương thức đào tạo, chuẩn hóa và hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và khoa học hóa. Thành công trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện thể hiện ở chỗ đã giải quyết ngày càng tốt hơn một số mối quan hệ lớn trong đào tạo, bồi dưỡng.

Một là, quan hệ giữa đào tạo cơ bản và bồi dưỡng chức danh.

Học viện đã rất quan tâm đến trang bị kiến thức những môn học liên quan đến nền tảng tư tưởng của Đảng, đến đường lối cách mạng của Đảng trong từng thời kỳ như: Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng... Các môn học này trang bị nền tảng thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho người học, góp phần hình thành bản lĩnh chính trị cho học viên. Đối với hệ sau đại học (cao học và nghiên cứu sinh), Học viện yêu cầu học viên phải cố gắng tiếp cận các tác phẩm kinh điển của C.Mác, Ph.Ăng ghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh với tinh thần kiên định và sáng tạo trong nhận thức, vận dụng.

Đối với Học viện mà thực chất là Trường Đảng, chương trình cao cấp lý luận chính trị là chương trình đinh chốt, chương trình này đã được đổi mới, cải tiến nhiều lần theo hướng kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, cơ bản và hiện đại, cập nhật những kiến thức mới trong nước và thế giới. Đồng thời, Học viện chỉnh lý, bổ sung những môn học mới để nâng cao trình độ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý như: Chính trị học, Lãnh đạo học, Quản lý xã hội, Quản lý kinh tế, Xã hội học quản lý, Xử lý điểm nóng chính trị-xã hội, Tâm lý học trong lãnh đạo, quản lý, Chính sách công...

Cùng với việc coi trọng đào tạo cơ bản, Học viện cũng chú trọng mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chức danh như các lớp dự nguồn cho Ủy viên Trung ương Đảng và Thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố; các lớp bồi dưỡng cho bí thư huyện ủy, quận ủy và các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo ngành tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận và cán bộ lực lượng vũ trang...

Hai là, quan hệ giữa chất lượng và số lượng, giữa quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo.

Đây là mối quan hệ quan trọng mà lãnh đạo Học viện quan tâm giải quyết phù hợp, cân đối trong từng thời kỳ. Có những giai đoạn do nhu cầu cán bộ quá lớn hoặc cấp bách mà phải mở rộng quy mô, tăng số lượng đào tạo, tuy nhiên không vì thế mà hạ thấp, coi nhẹ chất lượng. Chất lượng đào tạo là một trong những yếu tố quyết định người cán bộ ra trường có làm được việc không, có phát huy, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng không? Về lâu dài, phải đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Chất lượng là yếu tố quyết định uy tín của Trường Đảng-Học viện, Trường Đảng phải đào tạo ra những cán bộ cách mạng, những nhà lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn tốt, có phương pháp và tư duy biện chứng, có năng lực lãnh đạo, quản lý. Muốn vậy, các khâu của quá trình đào tạo phải được Học viện quan tâm thiết kế chặt chẽ, khoa học và bảo đảm các điều kiện từ tuyển sinh đầu vào, chương trình, giáo trình, phương pháp dạy và học, đội ngũ giáo viên, đi thực tế, thi và kiểm tra, kỷ luật học tập; kết hợp đổi mới nội dung với đổi mới phương pháp dạy và học, giữa quá trình dạy, học với công tác quản lý đào tạo nhằm mục tiêu học thực chất, thi thực chất.

Để giải quyết mối quan hệ giữa quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo, Học viện cũng đã phải giải quyết mối quan hệ giữa đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung một cách cân đối, hài hòa. Tăng cường đào tạo tập trung vì  có điều kiện để bảo đảm chất lượng tốt hơn, nhưng vẫn phải duy trì các lớp không tập trung với một tỷ lệ hợp lý; đào tạo không tập trung có điều kiện để mở rộng quy mô, song phải chặt chẽ trong xét tuyển đầu vào, nghiêm túc trong quá trình tổ chức các khâu dạy và học, giữ nghiêm kỷ luật học tập, thi cử, tránh chạy theo số lượng. Năm 2018, Học viện đã tổ chức thi và xét tuyển 2.267 chỉ tiêu đại học chính quy, 63 lớp cao cấp lý luận chính trị tập trung với 2.800 học viên, 80 lớp cao cấp lý luận chính trị không tập trung với 7.163 học viên, 15 lớp hoàn chính kiến thức cao cấp lý luận chính trị với 1.260 học viên.

Ba là, quan hệ giữa nâng cao kiến thức với rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức.

Đến Trường Đảng-Học viện để học tập không chỉ nhằm nâng cao kiến thức, mà cùng với nó phải coi trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng. Nhà trường là môi trường thuận lợi để học tập, nghiên cứu, để đọc sách, học sách nhằm tiếp biến kiến thức của nhân loại và của dân tộc nhưng không biến mình thành con mọt sách. Thông qua các môn học ở nhà trường giúp người học củng cố, nâng cao lý tưởng cách mạng, rèn luyện thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, bản lĩnh chính trị theo mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, rèn luyện phẩm chất đạo đức “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Bốn là, quan hệ giữa đào tạo cao cấp lý luận với đào tạo sau đại học (cao học, nghiên cứu sinh).

Trước kia, Trường Nguyễn Ái quốc Trung ương chỉ có đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý mà chưa mở lớp đào tạo cán bộ lý luận ở bậc sau đại học. Từ năm 1964, nhà trường bắt đầu mở các lớp nghiên cứu sinh về Triết học, Kinh tế chính trị với thời gian 3 năm (chỉ học phần tối thiểu) và một số lớp chuyên tu với thời gian 2 năm. Về sau này, khi đủ điều kiện, Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc được Ban Bí thư “cho phép đưa việc đào tạo nghiên cứu sinh lên một trình độ mới, chính quy, thể hiện cuối cùng ở bản luận án khoa học được bảo vệ theo đúng quy chế Nhà nước”4. Sau này, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Trường là cơ sở đào tạo sau đại học, từ đó việc đào tạo sau đại học của Học viện ngày càng phát triển, đi vào chính quy, nền nếp. Học viện đã đào tạo hàng nghìn tiến sĩ, thạc sĩ cho đất nước và cho một số nước bạn. Học viện đã trở thành một trong những trung tâm đào tạo sau đại học có uy tín của cả nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cho hệ thống các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm là, tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trước đây, ngoài việc cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Đức..., Học viện đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng về cao cấp lý luận chính trị và sau đại học cho các cán bộ của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Môdămbích. Học viện đã không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các học viện và các trường Đảng cao cấp của các nước XHCN; với một số nước tư bản, mời chuyên gia nước ngoài đến Học viện giảng một số chuyên đề trong chương trình đào tạo5.

Suốt 70 năm qua Trường Đảng-Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ cho Đảng và đất nước. Đội ngũ cán bộ này giữ những cương vị chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đóng góp quyết định vào sự thành công của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

3. Công tác nghiên cứu khoa học lý luận

Nghiên cứu khoa học là một trong hai chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nghiên cứu là tiền đề, là cơ sở cho giảng dạy, đào tạo; nghiên cứu cung cấp chất liệu cho giảng dạy, đào tạo, không nghiên cứu tốt thì không thể giảng dạy tốt.

Nghiên cứu khoa học nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và phương pháp đào tạo, đồng thời góp phần hình thành, phát triển, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng. Là trung tâm nghiên cứu lý luận quan trọng bậc nhất của Đảng, Học viện không chỉ đào tạo cán bộ lý luận có trình độ cao, mà đã có nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu lý luận cách mạng, nghiên cứu di sản kinh điển của C.Mác, Ph.Ăng ghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh. Qua đó, khẳng định giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và làm rõ yêu cầu vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo trong tình hình mới. Học viện cũng đã đẩy mạnh tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thực tiễn xây dựng CNXH, tiến hành công cuộc đổi mới nhằm góp phần cung cấp căn cứ khoa học trong việc hoạch định và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với các cơ quan lý luận khác, Học viện tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận để phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng.

Qua các giai đoạn khác nhau, Học viện đều xây dựng chiến lược khoa học phù hợp (5 năm hoặc dài hạn hơn). Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các định hướng nghiên cứu, các nhiệm vụ khoa học trọng điểm hằng năm, xây dựng hệ thống các chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở; đa dạng hóa các loại đề tài. Học viện là cơ quan chủ trì hàng chục chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia, hàng trăm đề tài cấp bộ, hàng nghìn đề tài cấp cơ sở. Các nhà khoa học của Học viện đã chủ động, tích cực tham gia đấu thầu làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp quốc gia của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted )... Thông qua nghiên cứu khoa học, nhiều nhà khoa học của Học viện đã được đào tạo, bồi dưỡng, trưởng thành và là cơ sở để hình thành, xây dựng những bộ môn khoa học mới trong Học viện.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, Học viện đã xác định đổi mới cơ chế quản lý khoa học là khâu đột phá. Từ khâu tư vấn nhiệm vụ nghiên cứu, tuyển chọn đề tài, xây dựng thuyết minh, tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu, kiểm tra tiến độ và chất lượng, xây dựng cơ chế tài chính khoa học, thu hút nhân lực khoa học ở trong và ngoài Học viện tham gia nghiên cứu, đi khảo sát, tổng kết thực tiễn, tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, tổ chức nghiệm thu đánh giá thực chất kết quả nghiên cứu, tổ chức chắt lọc kết quả để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan hữu quan, xã hội hóa kết quả nghiên cứu.

Để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, Học viện coi trọng và có nhiều hình thức phối hợp với các cơ quan khoa học, cơ quan thực tiễn, cơ quan ngoại giao, với các ban, bộ, ngành Trung ương như: Hội đồng Lý Luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ; các ban Đảng Trung ương, các cấp ủy địa phương... Học viện tổ chức nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế để kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại, nhân vật lịch sử trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan hữu quan của Lào, Trung Quốc, Liên bang Nga... nghiên cứu các đề án, đề tài, tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế.

Trong những năm đổi mới, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện đã góp phần thiết thực vào việc cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách. Học viện đã tích cực tham gia vào nghiên cứu, bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); tham gia vào việc soạn thảo các văn kiện đại hội từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội XII (2016) của Đảng và một số nghị quyết của Trung ương trong các nhiệm kỳ Đại hội đó. Những vấn đề mà Học viện nghiên cứu có nhiều đóng góp như: sở hữu và các thành phần kinh tế, kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, những vấn đề về thời đại ngày nay và xu hướng biến đổi của thời đại; về đặc trưng của CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam; về đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; những vấn đề về lịch sử Đảng, về văn hóa-xã hội-con người; vấn đề về tôn giáo và tín ngưỡng; vấn đề xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức, thanh niên; về công tác tư tưởng, lý luận, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng...

Có thể khẳng định, qua 70 năm, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, học viên của Học viện, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có sự đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, xứng đáng là trung tâm quốc gia về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ lý luận của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị-xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị...

*

*      *

Là người công tác lâu năm tại Học viện, tôi rất vui mừng và tự hào khi nhìn lại 70 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện. Tôi tin tưởng rằng Học viện sẽ có những bước phát triển mới to lớn hơn nữa trong tương lai, sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng với truyền thống lịch sử vẻ vang, sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 9/2019

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 6,  tr. 208

2. Xem: Quyết định số 61-QĐ/TW, ngày 10-3-1993; Quyết định số 67-QĐ/TW, ngày 20-10-1999; Quyết định số 60-QĐ/TW, ngày 7-5-2007; Quyết định số 100-QĐ/TW, ngày 22-10-2007; Quyết định số 224-QĐ/TW, ngày 6-1-2014 và gần đây nhất là Quyết định số 145-QĐ/TW, ngày 8-8-2018

3. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quyet-dinh-so-145-qdtw-ngay-0882018-cua-bo-chinh-tri-ve-chuc-nang-nhiem-vu-quyen-han-to-chuc-bo-may-cua-hoc-vien-chinh-4978

4. Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 5-8-1982, của Ban Bí thư Trung ương Đảng

5. Bài viết này mới chỉ nêu khái quát một số mối quan hệ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà Học viện đã quan tâm giải quyết, đạt nhiều kết quả tích cực.