Tóm tắt: Quan hệ văn hóa Việt - Nga có truyền thống lâu đời và đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong quan hệ hai nước. Quan hệ văn hóa Việt - Nga không chỉ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, mà còn góp phần mở rộng cơ sở xã hội cho quan hệ đối tác chiến lược, tiến tới xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga. Bài viết tập trung làm rõ kết quả của hợp tác văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga trong những năm1991-2012; đưa ra một số nhận xét và khuyến nghị, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác văn hóa giữa hai nước.

Từ khóa: Hợp tác văn hóa; Việt Nam - Liên bang Nga; 1991-2012

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, ngày 14-1-2025 

1. Cơ sở của hợp tác văn hóa Việt – Nga

Ngày 24-8-1991, Liên bang Nga tuyên bố chủ quyền và tách khỏi Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, Sau khi Liên Xô tan rã (1991), quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga được xác lập. Thực hiện chủ trương này, ngày 28-10-1993, Việt Nam đã ký Hiệp định về hợp tác văn hóa với Liên bang Nga.

Để khai thông cho quan hệ văn hóa Việt - Nga trong bối cảnh mới, ngày 16-6-1994, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Liên bang Nga. Điều 6 của Hiệp ước nêu rõ: “Hai bên sẽ thúc đẩy việc củng cố các mối quan hệ theo đường Quốc hội, hợp tác giữa các cơ quan chính quyền Nhà nước, các tổ chức xã hội, phát triển các cuộc tiếp xúc trong các lĩnh vực khoa học,… văn hóa, văn học nghệ thuật, các phương tiện thông tin đại chúng… du lịch, thể dục, thể thao cũng như trong các lĩnh vực khác trên cơ sở ổn định và cùng có lợi”1. Tuy nhiên, quan hệ văn hóa Việt - Nga chỉ thực sự phát triển sau khi hai nước Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược, ngày 1-3-2001. Quan hệ này tiếp tục được đẩy mạnh, sau khi hai nước ký Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 27-7-2012. Trong đó, về hợp tác văn hóa, Tuyên bố nêu rõ: “cần củng cố hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực nhân văn nhằm tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước và mở rộng cơ sở xã hội cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga; quan tâm tổ chức thường xuyên những ngày văn hóa hai nước, duy trì hoạt động của Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga và Quỹ Thế giới Nga tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Nga, phổ biến rộng rãi tiếng Nga tại Việt Nam và tiếng Việt tại Nga, xúc tiến du lịch, củng cố hợp tác trong các lĩnh vực y tế, phát thanh truyền hình, xuất bản, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, thể thao, bảo tàng và lưu trữ”2.

Cùng với các Tuyên bố chung, từ năm 1991-2010, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký trên 60 văn kiện hợp tác3, trong đó có nhiều văn kiện hợp tác về văn hóa, khoa học, như: Hiệp định về hợp tác văn hóa và khoa học giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (1993); Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực du lịch (1997)… Trên cơ sở các hiệp định này, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác khác, như: các Nghị định thư, Bản ghi nhớ, các Thỏa thuận và nhiều Chương trình hợp tác văn hóa Việt - Nga. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ văn hóa giữa hai nước.  

2. Kết quả của hợp tác văn hóa Việt – Nga

Trong giai đoạn 1991-2000, quan hệ hợp tác văn hóa Việt - Nga từng bước được xác lập. Ngày 31-7-1992, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký Hiệp định về hợp tác khoa học - công nghệ,. Tiếp đó, ngày 28-10-1993, Bộ Văn hóa, Thông tin (BVHTT) Việt Nam và Bộ Văn hóa, Du lịch Nga đã ký Hiệp định về hợp tác văn hóa và khoa học. Theo đó, hng năm hai nước sẽ hợp tác trao đổi triển lãm và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào các dịp lễ quốc khánh và các ngày kỷ niệm lớn của hai nước, bao gồm: tổ chức triển lãm của Nga ở Việt Nam và tổ chức triển lãm của Việt Nam ở Nga. Hai bên thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa; đẩy mạnh việc trao đổi chuyên gia, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại tại các trường văn hóa, nghệ thuật của hai nước và thỏa thuận phối hợp tổ chức luân lưu các hội thảo quốc tế nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, cũng như văn hóa, nghệ thuật Nga để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Thực hiện Hiệp định trên, năm 1995 Bộ Văn hóa, cho phép mời một số chuyên gia giỏi của Nga sang Việt Nam giảng dạy nghệ thuật ở một số ngành, như: ngành múa (múa balê, múa tính cách phương Tây); ngành sân khấu, điện ảnh (quay phim, phim hoạt hình, thiết kế mỹ thuật sân khấu và điện ảnh) và ngành xiếc4.

Về hợp tác đào tạo, hai bên khuyến khích sự hợp tác trực tiếp giữa các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề về văn hóa, nghệ thuật, về thông tin, thể thao và du lịch; khuyến khích trao đổi các loại sách báo, tài liệu giảng dạy và học viên theo phương châm “có đi có lại”. Hng năm, phía Nga nhận 20 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam sang học tập các bộ môn nghệ thuật như: xiếc, balê, nhạc cụ và thanh nhạc, thể thao… tại các trường nghệ thuật trung, cao cấp của Nga. Hai bên tạo điều kiện và cho phép công dân hai nước đi học chuyên môn ở các trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao của hai nước theo nhiều hình thức khác nhau, kể cả tự túc kinh phí. Đồng thời, hng năm, phía Việt Nam sẽ mời từ 2 đến 3 chuyên gia Nga sang giúp dàn dựng các vở diễn, chỉ huy dàn nhạc và một số lĩnh vực chuyên môn khác cho các đoàn nghệ thuật Việt Nam5.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Nga và tiếng Việt, từ năm 1992 đến năm 1995, hng năm hai nước trao đổi 30 chuyển tiếp sinh và 15 giáo viên tiếng Nga và tiếng Việt đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ6. Kinh phí đào tạo được thực hiện trên cơ sở phi ngoại tệ7.

Nhân k niệm 52 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam và 850 năm thành lập Thủ đô Matxcơva Nga (1997), Việt Nam đã cử một đoàn nghệ thuật gồm 15 nghệ sĩ, diễn viên thuộc Đoàn ca múa nhạc nhẹ Trung ương sang biểu diễn tại Nga8. Tiếp đó, tháng 12-1997, Bộ trưởng BVHTT đã ra Quyết định số 4032/QĐ-TC về việc cử 6 cán bộ thuộc Hãng phim truyện I Việt Nam sang Liên bang Nga nghiên cứu, khảo sát thực tế để chuẩn bị cho việc thực hiện bộ phim “Trăng trên đất khách”9

Như vậy, vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, nhờ chủ trương đẩy mạnh hợp tác văn hóa với Liên bang Nga, các dòng chảy nghệ thuật từ Nga đã có điều kiện lan tỏa tới Việt Nam. Mặc dù số lượng chưa nhiều, song sự hợp tác về biểu diễn sân khấu, ca nhạc, điện ảnh Việt - Nga đã dần dần được “hâm nóng” trở lại. Ngày càng có nhiều đoàn nghệ thuật, đạo diễn sân khấu, nghệ sĩ chuyên nghiệp từ Nga đến Việt Nam và ngược lại, từ Việt Nam sang Nga biểu diễn. Sự mở rộng giao lưu văn hóa Việt - Nga đã giúp cho giới nghiên cứu, sáng tác và công chúng hai nước, nhất là phía Việt Nam có điều kiện nâng cao trình độ và thị hiếu nghệ thuật qua việc tiếp xúc, thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật ưu tú, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật “hàn lâm”, “bác học”, như: vũ balê, nhạc kịch, nhạc giao hưởng thính phòng vốn là thế mạnh của nền văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Nga10.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (2000),  Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã phối hợp với BVHTT và Nhà xuất bản Thế giới tổ chức triển lãm về chủ đề “Sách Việt Nam” tại Mátxcơva, giới thiệu với bạn đọc Nga về đất nước, con người, về nn văn học, nghệ thuật của Việt Nam, những thành tựu nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới; trưng bày các ấn phẩm tiêu biểu viết về quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, cũng như một số cuốn sách điển hình của nền văn học Xôviết, văn học Nga, do Việt Nam dịch và xuất bản.

Trong giai đoạn 2000 - 2012, một sự kiện quan trọng, đó là việc thành lập Trung tâm Văn hóa - Giáo dục Việt Nam (2000) tại Nga nhằm giúp cho việc phổ biến những kiến thức về lịch sử và văn hóa Việt Nam, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Nga và Việt Nam, hỗ trợ Bộ môn Việt Nam học và Bộ môn châu Á - Thái Bình Dương, tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Viễn Đông Liên bang Nga trong việc giảng dạy nghiên cứu khoa học. Đây là Trung tâm duy nhất ở Nga được tổ chức theo mô hình hỗ trợ giảng dạy trên nhiều lĩnh vực11. Việc thành lập Trung tâm văn hóa - giáo dục Việt Nam tại thành phố Vladivostok Liên bang Nga đã mở ra một hướng đi hiệu quả cho việc tăng cường quan hệ hợp tác, phát triển văn hóa Việt Nam - Liên bang Nga. Trung tâm thường xuyên phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam, Hội doanh nghiệp Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Nga tổ chức các cuộc triển lãm về những “Ngày Việt Nam”.

Năm 2003, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga đã được thành lập tại Hà Nội nhằm tuyên truyền về lịch sử, đất nước, con người và văn hóa Nga, phổ biến rộng rãi tiếng Nga tại Việt Nam. Việc thành lập Trung tâm đã mở ra triển vọng mới cho hợp tác phát triển văn hóa giữa hai nước. Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan hữu quan Việt Nam tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề về triển vọng hợp tác phát triển văn hóa Việt - Nga và giới thiệu chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ Nga tại Việt Nam; phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tổ chức những buổi hòa nhạc từ thiện, ủng hộ trẻ mồ côi cơ nhỡ, không nơi nương tựa ở Việt Nam.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Hợp tác quốc tế về khoa học và văn hóa, Bộ Ngoại giao Liên bang Nga phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội đã tổ chức “Tuần lễ tiếng Nga tại Việt Nam” (1-2005); tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tiếng Nga tại Đông Nam Á - chức năng và phương pháp giảng dạy” thu hút khoảng 200 nhà ngôn ngữ học đến từ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Inđônêxia, Mông Cổ... tham gia. Hai bên đã ký kết về việc mở Trung tâm thi tiếng Nga và cấp chứng chỉ tiếng Nga, giữa Khoa Quốc tế Trường Đại học Quốc gia Hà Nội với Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của tiếng Nga tại Việt Nam. Trung tâm thực sự là cầu nối cho sự hợp tác phát triển văn hóa Nga - Việt; không chỉ góp phần quan trọng vào việc làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, mà còn góp phần vào việc chống lại âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các lực lượng thù địch về việc xóa bỏ ký ức lịch sử hào hùng của Liên bang Nga và Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc12.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam, năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua “Dự án 2020”, trong đó xác định gửi 280 giáo viên tiếng Nga sang các trường đại học Liên bang Nga đào tạo, làm nghiên cứu sinh và bồi dưỡng ở các khóa thực tập ngắn hạn 3-6 tháng hoặc 10 tháng về tiếng Nga và phương pháp giảng dạy tiếng Nga theo tiêu chuẩn hiện đại. Từ năm 2013, do  nhu cầu đào tạo, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã mở mới khoa tiếng Nga. Tại một số trường: Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Phòng không - Không quân, Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát… việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Nga luôn được coi trọng và tiếng Nga là một trong các ngoại ngữ để sinh viên lựa chọn.

Tại Nga, việc nghiên cứu giảng dạy tiếng Việt được coi là một trong những nhiệm vụ chính của các Trung tâm Việt Nam học. Các Trung tâm Việt Nam học tại Nga ngày càng nhiều, tập trung chủ yếu ở các viện nghiên cứu, các trường đại học: Trung tâm Việt Nam học - Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên M.V.Lomonosov, Đại học Quan hệ Quốc tế Mátxcơva, Học viện Quốc tế Mátxcơva, Đại học Quốc gia Nga về Khoa học Nhân văn, Đại học Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg Đại học Tổng hợp Quốc gia Viễn Đông và Trung tâm Việt Nam học tại Trường Đại học Ngôn ngữ Mátxcơva. Sự tương đồng về lịch sử hào hùng của hai dân tộc Việt, Nga cùng những thắng lợi của công cuộc đổi mới và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã trở thành sức hấp dẫn đặc biệt, lôi cuốn nhiều sinh viên Nga tự nguyện đăng ký học tiếng Việt và lịch sử Việt Nam13

Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực quản lí và hoạt động văn hóa, hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác theo tinh thần các Hiệp định về giáo dục và đào tạo đã ký kết. Theo đó, hai bên tăng cường hợp tác trong việc kiểm định, đánh giá các chương trình, các khóa học trong hệ thống giáo dục của hai nước, hợp tác phân tích và so sánh việc cấp phép đào tạo, cấp văn bằng, học vị khoa học, công nhận bằng cấp giữa Việt Nam và Liên bang Nga; hai bên hợp tác trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, trao đổi cán bộ giảng dạy và tài liệu giảng dạy, cũng như hợp tác hỗ trợ nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa của nhau trong các cơ sở giáo dục của hai nước; hợp tác tổ chức các cuộc triển lãm chung về dịch vụ giáo dục, về các công nghệ mới trong lĩnh vực giáo dục14.

Để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, hai bên phối hợp tổ chức luân lưu các sự kiện văn hóa: Tuần văn hóa, Ngày văn hóa. Tổ chức luân phiên 3 lần “Những ngày văn hóa Nga”, “Tuần văn hóa Nga” ở Việt Nam vào các năm 2001, 2007, 2010 và “Những ngày văn hóa Việt Nam”, “Tuần văn hóa Việt Nam” ở Nga vào các năm 2002, 2008, 2011. Trong thời gian diễn ra các sự kiện văn hóa nói trên, nhiều hoạt động: biểu diễn nghệ thuật, tổ chức triển lãm, chiếu phim... được tổ chức.

Đối với một số dịch vụ văn hóa như: dịch thuật, in ấn phát hành sách báo… giai đoạn này cũng được hai bên phối hợp thực hiện.

Tại Việt Nam, từ năm 2000, hoạt động dịch thuật, giới thiệu văn học Nga khá phát triển. Theo thống kê của Thư viện Quốc gia Việt Nam, giai đoạn 2000-2011, có 396 đầu sách tiếng Nga được dịch sang tiếng Việt. Trong đó có 177 cuốn tái bản và 17 cuốn tái tuyển tập; có cuốn được tái bản tới 3 lần: Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina của L.Tolstoy; truyện ngắn A.Sekhov; truyện ngắn Pautovsky; Thời thơ ấu, Kiếm sống của M. Gorky; Sông Đông êm đềm của M. Solokhov,…; cá biệt, cuốn Giáo trình Lịch sử văn học Nga được tái bản 8 lần. Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy, số lượng các ấn phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt cũng khá thất thường, cao nhất là năm 2004, với 160 đầu sách, thấp nhất là năm 2011, chỉ 14 đầu sách15. Sự sụt giảm số lượng ấn phẩm như vậy có nguyên nhân từ đời sống văn học Nga đương đại và quan trọng hơn, do số lượng người dịch văn học Nga tại Việt Nam ngày càng ít. Bởi sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, tiếng Nga ngày càng mất vị thế ở Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã triển khai “Dự án 2020” trong thời gian 12 năm (2008 - 2020), nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Nga.

Tại Nga, được sự hỗ trợ tích cực của Nhà xuất bản Đại học Tổng hợp quốc gia Viễn Đông Nga, Trung tâm Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tại Vladivostok đã xuất bản được nhiều ấn phẩm, tiêu biểu như: Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay: Văn kiện của Hội nghị quốc tế; Tình yêu Việt Nam: K niệm 40 năm thành lập Hội hữu nghị khu vực Primorsky (Nga) với Việt NamTiếng Việt mỗi ngày: Giáo trình của A.V. Rogovtseva và A.Ya. Sokolovsky16

Để tăng cường công tác dịch thuật, in ấn phát hành sách, báo, góp phần gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, năm 2012, hai bên đã ký kết Dự án dịch thuật xuất bản Nga-Việt (2012-2022). Đây là cơ hội tốt để hai nước giới thiệu, phổ biến các tác phẩm văn học cho bạn đọc. Theo Dự án, trong 10 năm (2012- 2022), sẽ có khoảng 200 tác phẩm văn học có giá trị của Nga được dịch ra tiếng Việt. Sau khi in ấn tại Nhà xuất bản Lokid Premium của Nga, các cuốn sách sẽ được chuyển về Trung tâm khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội để tặng các cá nhân và tổ chức, nhất là các thư viện. Toàn bộ kinh phí do phía Nga chi trả. Phía Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam thông qua trung tâm dịch thuật văn học, cụ thể là thông qua Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt-Nga để tiếp nhận danh sách các tác phẩm văn học Nga cần dịch ra tiếng Việt, lựa chọn các tác phẩm phù hợp, tìm người dịch và hiệu đính. Đồng thời, giới thiệu cho phía Nga một số tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc để dịch sang tiếng Nga. Đến tháng 11-2013, đã có 4 đầu sách văn học Nga dịch sang tiếng Việt và 1 tiểu thuyết tiếng Việt dịch sang tiếng Nga17.  

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin chứng kiến
Lễ ký Chương trình hợp tác văn hoá giữa Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Liên bang Nga

3. Nhận xét và khuyến nghị

Một là, sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga là quốc gia đầu tiên trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ký hiệp định hợp tác phát triển văn hóa với Việt Nam. Hợp tác văn hóa Việt - Nga trong thời kỳ này đóng vai trò trụ cột trong việc làm cho nhân dân hai nước hiểu thêm về mảnh đất, con người và truyền thống văn hóa của nhau, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, góp phần thiết thực vào việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2001 và đưa quan hệ hai nước từ quan hệ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.

Hai, mặc dù hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác văn hóa và khoa học từ tháng 10-1993, nhưng phải đến những năm đầu thế kỷ XXI, khi hai nước ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác văn hóa giữa hai nước mới đi vào thực chất. Điều này cho thấy, quan hệ văn hóa luôn bị chi phối bởi quan hệ chính trị song phương. Các văn kiện về hợp tác văn hóa Việt - Nga chỉ đi vào thực tiễn và hiệu quả khi có sự đồng thuận về chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Ba là, thông qua hợp tác văn hóa Việt - Nga, Việt Nam không chỉ có thêm kinh nghiệm phát triển quan hệ văn hóa với các nước bạn bè truyền thống, mà còn có thêm bạn đồng minh chiến lược về văn hóa trong các tổ chức quốc tế đa phương, như: Cộng đồng các quốc gia độc lập, Tổ chức Du lịch Thế giới, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)… giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu đối ngoại, ngoại giao qua hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.

Bốn là, mặc dù quan hệ hợp tác văn hóa Việt Nam - Liên bang Nga được thực hiện từ năm 1991, trên cơ sở bình đẳng, “có đi có lại” và hai bên cùng có lợi, song cũng như trước năm 1991 - thời Liên Xô (cũ), quan hệ này vẫn có khuynh hướng một chiều, Việt Nam luôn nhận được nhiều lợi ích từ phía Nga qua một số lĩnh vực trong hợp tác văn hóa, như: hợp tác đào tạo nguồn nhân lực hoạt động văn hóa, hợp tác dịch thuật, in ấn phát hành sách báo...

 Một số khuyến nghị

Thứ nhất, trong quan hệ quốc tế, hợp tác văn hóa có thể đi trước một bước. Song hợp tác văn hóa chỉ đi vào chiều sâu, hiệu quả khi đối thoại và hợp tác về chính trị được xác lập. Hợp tác về chính trị góp phần xác định mục tiêu, định hướng cho hợp tác về văn hóa. Hợp tác chính trị càng phát triển, độ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau càng cao, hợp tác văn hóa càng hiệu quả. Do vậy, trong hoàn cảnh mới, để hợp tác văn hóa Việt Nam - Liên bang Nga phát triển bền vững và hiệu quả hơn nữa, cần tăng cường đối thoại và hợp tác về chính trị.

Thứ hai, để hợp tác văn hóa giữa hai nước đi vào thực chất, cần đa dạng các hình thức hợp tác, đẩy mạnh đầu tư phát triển các loại hình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia, cán bộ làm công tác văn hóa, cũng như phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, tập trung vào một số lĩnh vực, như: dịch vụ điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, in ấn phát hành sách báo, kể cả dịch vụ du lịch văn hóa. Đồng thời, tiến hành thường xuyên các Ngày văn hóa Nga, Tuần văn hóa Nga tại Việt Nam và Ngày văn hóa Việt Nam, Tuần văn hóa Việt Nam tại Nga.

Thứ ba, cần coi trọng việc lựa chọn, giới thiệu các sản phẩm văn hóa trong giao lưu văn hóa Việt Nam - Liên bang Nga, ưu tiên hàng đầu cho các sản phẩm văn hóa truyền thống giàu bản sắc dân tộc, coi đó là điều kiện tiên quyết để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp về hợp tác văn hóa giữa hai nước.

Thứ tư, cần xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ trên cơ sở các văn bản pháp lý đã ký kết; có chính sách khuyến khích, ưu tiên, ưu đãi trong một số lĩnh vực hoạt động văn hóa quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và học tập tiếng Nga tại Việt Nam và tiếng Việt tại Liên bang Nga. 

 

Ngày gửi: 10-1-2025 ; ngày thẩm định, đánh giá: 17-1-2025; ngày duyệt đăng: 25-1-2025

1. “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga”, lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, phông Văn phòng Chính phủ, hồ sơ số 7513 “Hồ sơ về hợp tác Việt - Nga năm 1994”, quyển 3

2. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Việt - Nga”,https://dangcongsan.vn/tieu-diem/tuyen-bo-chung-ve-tang-cuong-quan-he-vietnga-139054.html, đăng ngày 28-7-2012

3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Đưa quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga vào chiều sâu”, https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=7687, truy cập ngày 14-7-2024

4. “Về việc mời chuyên gia giảng dạy nghệ thuật giai đoạn 1978-2001”, lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, phông Bộ Văn hóa thông tin, Vụ Hợp tác quốc tế, hồ sơ 108, tr. 1

5. “Dự thảo Hiệp định hợp tác lĩnh vực văn hoá giữa Bộ Văn hoá Thông tin nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Văn hóa, Du lịch Liên bang Nga trong những năm 1993-1995, lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, phông Bộ Văn hoá, Thông tin, Vụ Hợp tác quốc tế, hồ sơ số 06, tr. 2

6, 14. Nguyễn Thúy Quỳnh: “Hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam – Liên Xô và Việt Nam- Liên bang Nga: Lịch sử, hiện trạng và triển vọng”, in trong cuốn: Từ Cách mạng tháng Mười Nga đến Cách mạng Việt Nam” Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại, Nxb Thế giới, H, 2017, tr. 739, 740

7. Theo chế độ này, nước cử đi học phải bảo đảm vé máy bay khứ hồi đi, về; nước tiếp nhận bảo đảm học bổng hàng tháng, chỗ ở, y tế và học phí.

8. “Hồ sơ về việc cử diễn viên các đoàn ca múa nhạc nhẹ Trung ương, ca múa Bông Sen, Nhạc viện Hà Nội đi Cộng hòa Liên bang Nga biểu diễn nhân dịp quốc khánh Việt Nam, ngày sinh Bác Hồ và 850 năm thành lập Thủ đô Mátxcơva năm 1997 giai đoạn 1978-2001”, lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III,  phông Bộ Văn hóa thông tin, Vụ Hợp tác quốc tế, h sơ 1124, tr. 1-2

9. Hồ sơ về việc cử các đoàn cán bộ Hãng phim truyện Việt Nam đi Liên bang Nga khảo sát thực tế chuẩn bị dựng phim “ Trăng trên đất khách” năm 1997”, lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, phông Bộ Văn hoá thông tin, Vụ Hợp tác quốc tế, hồ sơ số 1123, tr. 1

10. Phạm Duy Đức (chủ biên): Những thách thức của văn hoá Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Văn hóa thể thao, H, 2006, tr. 99

11, 16. A.Ya.Socolovsky: “Bộ môn Việt Nam học tại Trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (ĐHTH LBVD)”; Từ Cách mạng tháng Mười Nga đến Cách mạng Việt Nam” Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại, Nxb Thế giới, H, 2017, tr. 321,322

12. “Thông cáo chung Việt Nam - Liên bang Nga”, Báo Nhân Dân ngày 14-10-2002, tr. 1, 2; “Tuyên bố chung Việt Nam – Liên bang Nga”, Báo điện tử Quân đội nhân dân, ngày 29-10-2008, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tuyen-bo-chung-viet-nam-lien-bang-nga-276294, truy cập ngày 30-6-2024

 13. B.I.Viktorovich: “Điều gì làm nên thành công trong đào tạo các nhà Việt Nam học ở Nga?”; trong Từ Cách mạng tháng Mười Nga đến Cách mạng Việt Nam” Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại, Nxb Thế giới, H, 2017, tr. 327

15. Đỗ Thị Hường: “Tình hình nghiên cứu, phê bình, dịch thuật văn học Nga tại Việt Nam những năm gần đây”; Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 10 (145), tr. 73

17. Hoàng Hoàng: “Văn học Nga trở lại Việt Nam”, Báo Quân đội Nhân dân điện tử, https://www.qdnd.vn/100-nam-cach-mang-thang-muoi-nga-vi-dai/danh-gia-phan-tich/van-hoc-nga-tro-lai-viet-nam-522860, ngày đăng 6-11-2017.