Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trựcHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Học viện là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Bài viết khái quát những kết quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, đồng thời phân tích những yêu cầu đặt ra cùng những nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện trong giai đoạn mới.
Từ khóa: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao chất lượng
1 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”2. Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, Đảng luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 1949 đến nay là để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này.
Trong suốt 75 năm (1949-2024), các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên viên và người lao động của Học viện đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ mà Trung ương Đảng đã tin tưởng giao phó. Hàng trăm nghìn cán bộ trung, cao cấp của Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và trưởng thành từ Trường Đảng. Kinh qua Trường Đảng, họ được trau dồi về trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, bản lĩnh và phẩm chất cần thiết, đáp ứng kịp thời và hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng trong các thời kỳ lịch sử.
Có thể khái quát những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện trong thời gian qua trên các phương diện sau:
Một là, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện và hệ thống các trường chính trị.
Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ giảng viên luôn được Học viện ưu tiên hàng đầu. Việc tuyển dụng cán bộ giảng viên được tiến hành nghiêm ngặt nhằm tuyển dụng được những cán bộ có trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt về công tác tại Học viện. Học viện quan tâm đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm chuẩn hóa về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ giảng viên. Tính đến tháng 6- 2020, toàn hệ thống Học viện có 7 Giáo sư, 159 Phó Giáo sư, 497 Tiến sĩ, 855 Thạc sĩ, 410 Cử nhân3. Đến tháng 6-2024, toàn hệ thống Học viện có 1.946 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó có: 3 Giáo sư, Tiến sĩ; 103 Phó Giáo sư, Tiến sĩ; 533 Tiến sĩ, 863 Thạc sĩ; 216 Cử nhân... (dẫn theo Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ chí Minh )...
Được sự đồng ý của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Học viện đang triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030” (Đề án 587)4. Bên cạnh việc cử cán bộ giảng viên tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn, Học viện còn liên tục mở các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cập nhật kiến thức chuyên ngành; phương pháp giảng dạy tích cực; ngoại ngữ, tin học; kiến thức quốc phòng - an ninh; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý,... ở trong nước và nước ngoài. Không chỉ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên công tác tại hệ thống Học viện, những năm gần đây, Học viện còn chú ý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên thuộc hệ thống các trường chính trị và các trường được giao quyền đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị. Điều này góp phần tạo nên chất lượng và đảm bảo tính nhất quán, tính hệ thống của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong cả nước.
Hai là, xây dựng nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo, phương pháp, kỹ năng dạy và học.
Học viện đã chủ động đổi mới nội dung, chương trình và hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kịp thời bổ sung, cập nhật quan điểm, chủ trương, đường lối, các định hướng lớn trong Văn kiện Đại hội Đảng và các Nghị quyết của HNTƯ, Quốc hội, Chính phủ vào nội dung, chương trình, giáo trình các hệ lớp đào tạo, bồi dưỡng. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Học viện đã cập nhật quan điểm của Đại hội Đảng vào 19 giáo trình cao cấp lý luận chính trị, 10 giáo trình trung cấp lý luận chính trị và tập bài giảng các hệ bồi dưỡng; hoàn thành sửa đổi, bổ sung 5 bộ Khung chương trình, 65 bộ giáo trình cho 5 chuyên ngành cử nhân chính trị. Thực hiện Đề án về “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026”5 (Đề án 979), Học viện đang tiến hành xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung nội dung chương trình, giáo trình, tập bài giảng, đề cương chi tiết các học phần của tất cả các hệ đào tạo, bồi dưỡng, từ bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ là Ủy viên Trung ương, Ủy viên dự khuyết Trung ương, Thứ trưởng, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các chức danh khác đến đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị, sơ cấp lý luận chính trị, các chương trình đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ...
Học viện cũng chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, cách thức kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Phương pháp giảng dạy tích cực được áp dụng cho tất cả các hệ lớp. Cả giảng viên và học viên đều phát huy tính chủ động, tự giác, tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học trong mỗi giờ lên lớp. Nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá được Học viện triển khai thực hiện như: Tự luận mở, tự luận đóng, trắc nghiệm, vấn đáp, viết tiểu luận, đề án,...
Ba là, chú trọng quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Học viện đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đối với cả người dạy và người học, với phương châm: “người học là trung tâm - nhà trường là nền tảng - giảng viên là động lực”. Các bộ quy chế đào tạo được xây dựng, ban hành nhằm đưa việc dạy và học đi vào nền nếp. Học viện tiến hành đổi mới công tác quản lý đào tạo theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tinh thần trách nhiệm quản lý lớp của giảng viên; chủ nhiệm lớp; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật học đường, nâng cao ý thức tự quản, chấp hành quy chế học tập của học viên; khắc phục tình trạng lười học và ngại học lý luận chính trị.
Bốn là, tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dạy - học.
Cơ sở vật chất - kỹ thuật của Học viện được đầu tư xây dựng, tu sửa ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Các hội trường lớn và các phòng họp được cải tạo. Hệ thống giảng đường được tu sửa, trang cấp các thiết bị phục vụ yêu cầu giảng dạy và học tập theo phương pháp tích cực. Hệ thống thư viện, trung tâm công nghệ thông tin hiện nay về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và học tập của cán bộ giảng viên và học viên. Các thiết chế khác phục vụ cho nhu cầu vật chất và tinh thần của học viên như ký túc xá, nhà ăn, sân thể thao,... cũng được xây dựng, tu sửa bảo đảm yêu cầu ăn, ở, sinh hoạt cho học viên và sinh viên. Tại Học viện Trung tâm và các Học viện khu vực đều có giảng đường, ký túc xá,... khang trang. Mô hình quản trị Học viện thông minh đang được xây dựng sẽ góp phần thiết thực hiện đại hóa các mặt công tác của Học viện, phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện trong thời gian tới.
2 Những kết quả to lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, cán bộ trung, cao cấp cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong những năm qua đã khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của Học viện trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đất nước ta đang bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”6, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của Học viện cũng đang đứng trước những yêu cầu mới.
Trước hết, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và hệ thống chính trị phải chú ý gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”7. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện không chỉ cung cấp cho học viên hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước,... mà cần bổ sung, cập nhật những kết quả nghiên cứu mới về giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và tinh hoa tri thức, văn hóa tiến bộ của nhân loại. Hơn nữa, để tránh bệnh giáo điều, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần phải đề cập đến những vấn đề thực tiễn của đất nước, của thời đại. Nghiên cứu thực tiễn để tổng kết, đúc rút thành lý luận và dùng lý luận để soi sáng những vấn đề thực tiễn. Các tri thức, kĩ năng, phương pháp trong các chương trình đào tạo tại Học viện phải đảm bảo tính hệ thống, nhất quán, cập nhật, hiện đại và bản sắc.
Thứ hai, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và hệ thống chính trị phải chú ý giữa trang bị kiến thức, kĩ năng với rèn luyện phẩm chất chính trị, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho người học.
Quá trình học tập dưới mái trường Đảng không chỉ là quá trình tiếp nhận tri thức, kĩ năng lãnh đạo, quản lý mà còn phải là quá trình rèn luyện phẩm chất chính trị, tu dưỡng đạo đức cách mạng của mỗi học viên. Không nên xem nhẹ mặt này coi trọng mặt kia và ngược lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến “đức” và “tài”, đến “hồng” và “chuyên” trong mỗi con người, nhất là trong mỗi cán bộ, đảng viên. Khi tới dự Lễ Khai giảng lớp lý luận khóa II tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (9-1949), Người đã ghi vào Sổ vàng của Trường những lời tâm huyết:
“Học để làm việc,
làm người,
làm cán bộ.
Học để phụng sự Ðoàn thể,
“ “ giai cấp và nhân dân,
“ “ Tổ quốc và nhân loại.
Muốn đạt mục đích, thì phải:
cần, kiệm, liêm, chính,
chí công, vô tư”8.
Học tập dưới mái trường Đảng là để trở thành người có ích, người công dân mẫu mực, người đảng viên không quên lời thề khi vào Đảng, người cán bộ làm việc tốt, luôn đổi mới, sáng tạo, tận tụy, cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân. Tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Học viện (1949-2019), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng căn dặn: “Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, các đồng chí cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và rèn luyện tác phong chuẩn mực cho đội ngũ học viên”9.
Thứ ba, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa Đảng, văn hóa Trường Đảng; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới vào trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và hệ thống chính trị.
Học viện là đầu mối kết nối và hướng dẫn chuyên môn cho các Trường Đảng, trường cán bộ, trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống giáo trình, tài liệu bồi dưỡng cần phải là tài sản chung cùng được chia sẻ, khai thác. Tương tự, các chuẩn mực văn hóa Đảng (tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; phương pháp cách mạng; kỹ năng và phong cách lãnh đạo,...), văn hóa trường Đảng phải được lan tỏa trong hệ thống Học viện và các trường chính trị. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, cần mở rộng, nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế giữa Học viện và các đối tác nhằm tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm của thế giới trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân sự cao cấp cũng như tiếp thu thành tựu trong nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.
3 Trong bối cảnh thời đại và đất nước có những biến đổi nhanh chóng, thời cơ và thách thức đan xen, đứng trước những yêu cầu mới, để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và hệ thống chính trị, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự phối hợp giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các ban, bộ ngành Trung ương và các địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và hệ thống chính trị. Học viện chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các ban, bộ, ngành, địa phương trong xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trung, cao cấp cho Đảng và hệ thống chính trị theo chức năng, nhiệm vụ được giao10. Tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa trong việc mở lớp và quản lý học viên, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Hai là, huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên của Học viện đủ số lượng, cơ cấu, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Đội ngũ giảng viên là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Cần tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về lý luận, am hiểu thực tiễn, có phương pháp sư phạm và có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Muốn vậy, bên cạnh việc thực hiện tốt các quy định của Đảng, Nhà nước, của Học viện về công tác cán bộ, Học viện cũng cần có những chính sách đặc thù, mang tính đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc, cống hiến tại Học viện. Có những cơ chế khuyến khích cán bộ giảng viên học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ,... Tăng cường cử cán bộ đi nghiên cứu thực tế, luân chuyển tại các ban, bộ, ngành, địa phương để gắn kết chặt chẽ hơn với đời sống thực tiễn và bổ sung, nâng cao phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Học viện và các đơn vị trực thuộc cần xây dựng phương án khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ trình độ cao, nhất là đội ngũ giáo sư, phó giáo sư và chuyên gia đầu ngành. Chú trọng xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện, tôn trọng tài năng sáng tạo,... cũng là động lực để phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên.
Ba là, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, bản sắc và hiện đại, hội nhập. Trước mắt, tập trung triển khai có hiệu quả Đề án 587 và Đề án 979. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, trang bị cho người học tư duy chiến lược, tầm nhìn thời đại, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế nhưng không xa rời thực tiễn đất nước; bảo đảm kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kiên định nền tảng tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới của Đảng; tiếp nhận có chọn lọc hệ thống tri thức tiên tiến của nhân loại,... Phát huy vai trò của Hội đồng khoa học các cấp, huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài Học viện để thiết kế, thi công các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, các giáo trình, tập bài giảng của Học viện.
Bốn là, phát huy vai trò tích cực, chủ động, tự giác của học viên. Mỗi học viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, chủ động trong học tập, rèn luyện khi tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện. Để người học thực sự trở thành trung tâm, cần phổ biến quy chế đào tạo, các quy định của Học viện tới mỗi học viên, phát huy vai trò của đơn vị giảng dạy, đơn vị quản lý đào tạo, phát huy vai trò của các ban cán sự lớp học,... Đồng thời tiếp tục cải thiện điều kiện vật chất của Học viện để học viên yên tâm học tập, rèn luyện. Nghiên cứu cải tiến cách thức thi cử, đánh giá chất lượng học tập, rèn luyện sao cho thiết thực, sát với tình hình thực tế.
Năm là, tăng cường nguồn lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện. Đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, xây dựng Học viện hiện đại, hội nhập, phù hợp với bối cảnh chuyển đối số của đất nước, của thế giới. Hoàn thành và đưa vào triển khai Dự án mô hình quản trị Học viện thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các khâu của công tác đào tạo, bồi dưỡng, từ hoạt động quản lý đào tạo đến hoạt động xây dựng chương trình, soạn giáo án, lên lớp, số hóa học liệu,... Muốn vậy, một mặt vừa khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư và hạ tầng công nghệ, mặt khác, phải nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên và học viên.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, trung cao cấp cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Với truyền thống 75 năm vẻ vang của Trường Đảng Trung ương, với sự nỗ lực, đồng tâm, nhất trí cao của Đảng ủy, Ban Giám đốc và các đơn vị trong hệ thống Học viện, với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh đào tạo cho đất nước đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số tháng 9/2024
1, 2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5,
tr. 309, 309
3. Xem: Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 và các văn bản chỉ đạo, Nxb Lý luận chính trị, H, 2021, Phụ lục 2
4. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 587/QĐ-TTg, ngày 17-5-2019 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030”
5. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 979/QĐ-TTg, ngày 21-6-2021 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026”
6. Bài phát biểu của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, https://baochinhphu.vn/viet-nam-se-tien-vao-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-102240829211957644.htm
7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 11, tr. 95
8. Sđd, T. 6, tr. 208
9. Xem: Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949-2019), https://hcma.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=18474, ngày đăng: 21-7-2024
10. Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8-2-2022 của Ban Bí thư “Về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị”; Quy định số 145-QĐ/TW, ngày 10-5-2024 của Bộ Chính trị “Về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.