Tóm tắt: Là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Học viện, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được coi là “nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trọng tâm, cấp bách và lâu dài” không chỉ tái hiện, làm rõ các chặng đường lịch sử và quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng; khẳng định những thắng lợi, thành tựu qua các thời kỳ, đúc kết những bài học kinh nghiệm, những vấn đề lý luận của cách mạng, cung cấp các luận cứ khoa học để hoạch định đường lối, chính sách, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; mà còn làm sống lại, lan tỏa tinh thần, ý chí đấu tranh anh dũng, kiên cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, khơi dậy và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Từ khóa: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; chỉ đạo, hướng dẫn; nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương; 2002-2024
1. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng
1.1. Chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng của Học viện ngày càng được khẳng định rõ
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Học viện được quy định tại nhiều văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Quyết định số 224-QĐ/TW, ngày 6-1-2014 của Bộ Chính trị Về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xác định: Học viện “Chủ trì, phối hợp hướng dẫn việc nghiên cứu, biên soạn và tham gia thẩm định lịch sử Đảng của các địa phương, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương...”1.
Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư “Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” xác định: “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương... phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”2. Chỉ thị nêu rõ: “Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn đầu ngành có nhiệm vụ tổ chức việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng; chỉ đạo chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đối với các địa phương và các bộ, ban, ngành đoàn thể ở Trung ương; tham gia thẩm định các công trình lịch sử Đảng, sưu tầm và quản lý tư liệu về lịch sử Đảng phục vụ hoạt động nghiên cứu”3.
Thực hiện chức năng được giao, ngay sau khi có Chỉ thị số 15-CT/TW, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 04-KH/HVCTQG, ngày 15-4-2003 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị gửi Ban Thường vụ, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, các đảng ủy trực thuộc Trung ương để phối hợp triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, hầu hết các ban, ngành, đoàn thể trực thuộc Trung ương và các cấp ủy đảng địa phương trong cả nước đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Việc quán triệt và triển khai kịp thời, nghiêm túc Chỉ thị số 15-CT/TW, đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò, nhiệm vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng các địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể; đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, cũng như cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, thông tri, kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể4.
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này còn có những hạn chế, nhất là về chất lượng nghiên cứu, biên soạn một số công trình lịch sử Đảng chưa cao; công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ chưa được chú trọng đúng tầm mức.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong tình hình mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Theo đó, “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; đôn đốc, kiểm tra, tổng kết công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng”5. “Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn đầu ngành có nhiệm vụ sưu tầm, quản lý tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn, thẩm định lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng các địa phương”6.
Phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử ban, ngành, đoàn thể, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 331-KH/HVCTQG, ngày 30-7-2018 “về việc triển khai Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Sau một thời gian triển khai thực hiện, ngày 23-12-2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đánh giá kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, hội nghị nêu rõ: Đã có hàng nghìn công trình khoa học về lịch sử đảng bộ các cấp được xuất bản bảo đảm chất lượng, góp phần làm sáng tỏ sự ra đời, quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng cũng như các đảng bộ địa phương; tổng kết những thành tựu cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng; đúc kết những kinh nghiệm quý trong hoạt động lịch sử của Đảng, là cơ sở tư liệu quan trọng cho việc ban hành chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đóng góp quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, góp phần giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; kịp thời đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu phản động của các thế lực thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35- NQ/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở kết quả Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng (2018-2020), Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Kết luận số 723-KL/HVCTQG, gửi Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy quán triệt và thực hiện.
Cùng với các kế hoạch, kết luận, hằng năm, Học viện ban hành Chương trình công tác gửi Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố trên cả nước để triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW. Thực hiện sự chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đến năm 2023, 63/63 tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nhờ vậy, nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được nâng lên rõ rệt. Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.
Tiếp theo hội nghị sơ kết 3 năm, ngày 17-8-2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Hội nghị đánh giá, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, các cấp ủy đã quan tâm, sâu sát hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng. Trên cơ sở kết quả hội nghị, Giám đốc Học viện đã ban hành Kết luận số 2517-KL/HVCTQG ngày 9-10-2023 đánh giá những kết quả nổi bật sau 5 thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư và chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng những năm tiếp theo.
Tiếp tục thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng giao, Học viện đã xây dựng “Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó đề ra: Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 là: “Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tổng kết các vấn đề Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn nghiên cứu, biên soạn các công trình khoa học về lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; thẩm định các công trình khoa học về lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố, ban, ngành, đoàn thể, địa phương”7.
Đến năm 2045: “Làm tốt công tác chỉ đạo nội dung, hướng dẫn nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng, lịch sử Đảng bộ các địa phương, bộ, ngành; tổng kết những bài học, kinh nghiệm, quy luật của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân”8.
1.2. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ban, ngành, đoàn thể
Cùng với sự chỉ đạo sát sao việc thực hiện các Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác lịch sử Đảng, công tác hướng dẫn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ban, ngành, đoàn thể được Học viện quan tâm chú trọng và đã trở thành nền nếp, trung bình 2 năm tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ một lần. Viện Lịch sử Đảng là cơ quan chuyên môn đầu ngành về lịch sử Đảng, đã phát huy vai trò “tham mưu giúp Giám đốc Học viện về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; sưu tầm quản lý tư liệu lịch sử Đảng; chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, thẩm định lịch sử Đảng; thẩm định lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương; góp phần cung cấp luận cứ khoa học học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”9.
Để nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và cung cấp toàn diện, có hệ thống tri thức về nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng toàn quốc, Học viện đã phối hợp với Ban Tuyên giáo các tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng, lịch sử ban, ngành, đoàn thể. Năm 2019, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 44-KH/HVCTQG ngày 29-8 “về việc Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác lịch sử Đảng năm 2019” và giao Viện Lịch sử Đảng chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của Học viện và các Học viện trực thuộc tổ chức 3 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ ở 3 miền, đã góp phần nâng cao kiến thức chuyên ngành cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng trên cả nước.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên việc tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác lịch sử Đảng không tổ chức được. Đến tháng 12-2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức lớp “Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác lịch sử Đảng năm 2023”, tại tỉnh Ninh Bình, với sự tham dự của 150 cán bộ trực tiếp làm công tác lịch sử và lãnh đạo Ban Tuyên giáo thuộc Ban Tuyên giáo 63 tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước. Bên cạnh đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm, Viện Lịch sử Đảng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng tại Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy và cán bộ Ban Tuyên giáo các huyện, thị. Trên cơ sở tri thức lĩnh hội từ các lớp tập huấn toàn quốc và sự hướng dẫn của Viện Lịch sử Đảng do các tỉnh, thành phố tổ chức, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy đã cử cán bộ hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cho cán bộ Ban Tuyên giáo các huyện, quận và xã, phường, thị trấn.
Công tác thẩm định công trình lịch sử Đảng được tiến hành theo quy trình bài bản, chặt chẽ. Ngày 15-3-2021, Học viện ban hành Hướng dẫn số 90-HD/HVCTQG “về Quy trình thẩm định các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội”, đơn vị ở Trung ương và địa phương. Học viện yêu cầu: Tất cả các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương phải được thẩm định trước khi xuất bản và phát hành.
2. Một số kết quả trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể Trung ương
Một là, Học viện đã triển khai hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng và lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, bộ, ngành, đoàn thể
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Viện Lịch sử Đảng tập trung, nghiên cứu, biên soạn và triển khai thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Đảng và thực hiện đề tài khoa học, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Học viện. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng được đẩy mạnh và có bước phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng. Viện Lịch sử Đảng tập trung nghiên cứu, bổ sung, nâng cao chất lượng 3 tập Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (tập I, tập II, tập III) và 7 tập Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã xuất bản công trình: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, Nxb CTQGST, H, 2018. Bộ sách gồm 2 quyển; Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQGST, H, 2021. Bộ sách gồm 7 tập...
Cùng với đẩy mạnh nghiên cứu lịch sử toàn Đảng, lịch sử các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương được biên soạn, với nhiều ấn phẩm: Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, Nxb Lao động, H, 2003. Bộ sách gồm 3 tập; Lịch sử biên niên công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2005. Bộ sách gồm 3 quyển; Lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2006 và 2007. Bộ sách gồm 3 quyển; Lịch sử Chính phủ Việt Nam thời kỳ 1945-2005, Nxb CTQG, H, 2006. Bộ sách gồm 3 tập; Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb CTQG, H, 2010; Lịch sử công tác dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb CTQG, H, 2015; Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam (1930-2015), Nxb CTQG, H, 2016; Lịch sử Cao su Việt Nam, Nxb CTQGST, H, 2021 (gồm 2 tập). Đặc biệt là công trình nghiên cứu: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 -2007), Nxb CTQG, H, 2011...
Cùng với việc nghiên cứu lịch sử toàn Đảng, tại các địa phương trong cả nước, việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng, lịch sử truyền thống cũng được đẩy mạnh. Tại các tỉnh, thành phố, thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến năm 2017, 100% các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xuất bản lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930-1975; 24/63 tỉnh, thành phố xuất bản lịch sử đảng bộ đến năm 2010; 90% cấp huyện, quận trên cả nước đã tiến hành nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930-1975; hơn 20% quận, huyện xuất bản lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930-2005 hoặc đến 201010. Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư, đến năm 2022, các địa phương, ban ngành, đoàn thể đã nghiên cứu, biên soạn 3.000 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, trong đó có hơn 1.000 công trình đã xuất bản11. Đến nay, đã có hàng nghìn công trình lịch sử Đảng trên cấp độ toàn Đảng cũng như ở địa phương được biên soạn và xuất bản, đã tái hiện toàn diện, khách quan, chân thực, sinh động lịch sử toàn Đảng và lịch sử các đảng bộ địa phương. Thông qua việc nghiên cứu lịch sử toàn Đảng và lịch sử các đảng bộ địa phương cũng như lịch sử các ban, ngành, mặt trận, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, đã góp phần phát triển lý luận, làm sáng tỏ và bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng. Qua đó, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vào con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Với tri thức lịch sử đúng đắn, khách quan, các công trình lịch sử Đảng đã góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của các công trình lịch sử Đảng đã góp phần bổ sung, làm sáng tỏ một số vấn đề tồn đọng của lịch sử Đảng, làm phong phú, sinh động lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, bộ ngành, đoàn thể; nhất là phác họa bức tranh tổng thể lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng 94 năm qua; góp phần quan trọng vào tổng kết lý luận, thực tiễn và bài học kinh nghiệm qua thực tiễn gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; từ đó, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước.
Hai là, coi trọng và thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định, đánh giá, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử bộ, ban, ngành, đoàn thể.
Công tác thẩm định bản thảo các công trình lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ban, ngành, đoàn thể có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt. Đây là những khâu then chốt quyết định chất lượng của công trình lịch sử, do đó, nhất thiết những công trình đó phải được cơ quan chuyên môn cấp trên tổ chức thẩm định theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư. Mục đích là nhằm bảo đảm chất lượng nội dung cuốn sách về tính đảng, tính khoa học và tính giáo dục, tránh những sai sót trước khi xuất bản, phát hành ấn phẩm.
Đối với công trình lịch sử đảng bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lịch sử truyền thống cách mạng của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị ở Trung ương, do Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn đầu ngành thẩm định. Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng là Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Đối với các công trình lịch sử đảng bộ huyện (quận, thị xã), do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy (thành ủy) trực tiếp là Phòng Lịch sử Đảng thẩm định. Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy.
Đối với các công trình lịch sử đảng bộ xã phường, thị trấn; lịch sử truyền thống của địa phương, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị trực thuộc cấp huyện, do Ban Tuyên giáo huyện ủy (quận ủy, thị ủy) tổ chức thẩm định. Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Ban Tuyên giáo quận ủy, huyện ủy.
Có thể nói, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền về lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương những năm 2002-2024 đã được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư từ Trung ương đến cơ sở, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc cụ thể hóa, triển khai thực về nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương còn một số hạn chế. Số công trình nghiên cứu về khoa học lịch sử Đảng còn ít. Một số công trình lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương đã xuất bản chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện vai trò lãnh đạo của Trung ương Đảng cũng như các cấp ủy đảng địa phương; nhiều vấn đề tồn đọng trong lịch sử Đảng chưa được nghiên cứu thỏa đáng; những vấn đề lý luận mới về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam chưa được làm sáng tỏ. Việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng ở một số địa phương đã “thuê khoán” các tổ chức, tư nhân không có chuyên môn sâu về lịch sử, lịch sử Đảng dẫn tới tình trạng “thương mại hóa” các công trình lịch sử.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong thời gian tới
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử ban, ngành, đoàn thể, trong thời gian tới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố và Viện Lịch sử Đảng cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Thường trực cấp ủy các cấp phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo nhằm tạo sự chuyển biến về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Với tư cách là bộ phận chuyên môn và cơ quan tham mưu về công tác lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo các cấp cần đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn và hằng năm để tham mưu hiệu quả cho các cấp ủy đảng về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới và phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước và địa phương.
Thứ hai, nâng cao chất lượng và hiệu quả công nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa công tác sưu tầm, khai thác tư liệu và công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, đảm bảo tính khách quan, khoa học và tính đảng; đổi mới nội dung, phương pháp nghiên cứu lịch sử Đảng trên cơ sở áp dụng hiệu quả các phương pháp nghiên cứu hiện đại, liên ngành đi đôi với việc phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử dân tộc và lịch sử quân sự Việt Nam. Các cơ quan, ban, bộ, ngành chức năng của Trung ương cần tăng cường hơn nữa công tác trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, hướng dẫn về nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng...“Cùng với việc hoàn thành nghiên cứu lịch sử chung toàn Đảng và lịch sử các Đảng bộ địa phương, khắc phục những “khoảng trống” trong lịch sử Đảng và tổng kết sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực hơn 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Viện Lịch sử Đảng và Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy cần tập trung nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các Văn kiện đảng bộ tỉnh, thành phố; Biên niên sự kiện lịch sử Đảng và Biên niên sự kiện lịch sử các đảng bộ địa phương nhằm hoàn thiện tổng thể các công trình lịch sử Đảng”12.
Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm của Học viện nói chung, Viện Lịch sử Đảng nói riêng trong công tác thẩm định các công trình lịch sử Đảng. Các cấp ủy đảng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản lịch sử đảng bộ các cấp; lịch sử ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; đồng thời, “quản lý chặt chẽ việc nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, khắc phục tình trạng một số địa phương giao khoán toàn bộ cho các công ty, đơn vị, cá nhân không có chức năng, nhiệm vụ và trình độ chuyên môn về lịch sử Đảng tiến hành nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử ở địa phương”13.
Thứ tư, xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng, đặc biệt là công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo hướng ổn định, lâu dài ngang tầm nhiệm vụ. Viện Lịch sử Đảng và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu trọng tâm và dài hạn về lịch sử Đảng; tiếp tục tham mưu cho Ban Giám đốc Học viện và Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng trong phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, các cấp ủy cần đảm bảo đủ kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Những thành tựu đạt được trong nghiên cứu lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, củng cố niềm tin về con đường XHCN mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Kết quả cơ bản trong chỉ đạo, hướng dẫn công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ của các địa phương, những năm 2002-2024, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, là nền tảng tiền đề để tạo sự chuyển biến quan trọng đối với công tác này trong những năm tiếp theo.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 9/2024
1. Bộ Chính trị: “Quyết định số 224-QĐ/TW ngày 6-1-2014 Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”
2, 3. Ban Bí thư: “Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”
4. Tiêu biểu như các tỉnh, thành phố: Lai Châu (12 văn bản), Quảng Trị (11 văn bản), An Giang (8 văn bản), Hà Nội, Thanh Hóa (6 văn bản), Khánh Hòa (6 văn bản), Đồng Tháp (4 văn bản)... Thường trực một số tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành Đề án về nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Nhiều cấp ủy đảng đưa nội dung công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ và coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương
5, 6. Ban Bí thư: “Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”
7, 8. Xem: “Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
9. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Quyết định số 6573/QĐ-HVCTQG, ngày 1-11-2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện Lịch sử Đảng”
10. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 20-CT/TW, tháng 4-2018
11. Ban Tuyên giáo Trung ương: “Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thí số 20-CT/TW của Ban Bí thư”, tháng 8-2023
12, 13. Dẫn theo: “Kết luận số 723- KL/HVCTQGHCM, ngày 26-1-2022 của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng””.