Tóm tắt: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam gần 95 năm qua, kể từ khi Đảng ra đời, Đảng đã luôn thấu triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân - những người làm nên lịch sử, về đoàn kết toàn dân dân tộc yếu tố làm nên mọi thành công. Đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất được Đảng xác định là một chủ trương lớn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử. Trong giai đoạn 1930-1945, xây dựng và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Từ khóa: Mặt trận dân tộc, Đoàn kết dân tộc, đấu tranh giành chính quyền; 1930-1945
1. Đảng thành lập các hình thức Mặt trận dân tộc thống nhất (1930-1945)
Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, truyền thống ấy được hun đúc hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Kết thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với những hình thức sáng tạo, phù hợp thực tiễn và nhiệm vụ cách mạng, thể hiện rõ qua các thời kỳ cách mạng với một số Mặt trận tiêu biểu sau:
Thứ nhất, Đảng thành lập Hội phản đế Đồng minh (1930)
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ nhưng cuối cùng đều thất bại, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại đó chính là các phong trào mang tính chất tự phát, không đoàn kết và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã xác định đúng tính chất, mâu thuẫn và thái độ của các gian cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam. Vì vậy, Đảng đã có chiến lược đoàn kết dân tộc, đoàn kết mọi tầng lớp, lực lượng toàn dân tộc. Để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, cùng với lực lượng chính là công nhân và nông dân, Đảng chủ trương: “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”1. Cương lĩnh chỉ rõ giai cấp vô sản phải tranh thủ được nhiều bạn đồng mình, tập hợp các lực lượng cách mạng trong toàn thể quốc gia dân tộc. Cương lĩnh cũng khẳng định, khi xây dựng liên minh với các giai cấp, Đảng phải giữ vững nguyên tắc cách mạng, không được đi vào con đường thỏa hiệp. Tuy nhiên, đến Luận cương chính trị tháng 10-1930, Đảng chỉ xác định xây dựng khối đoàn kết công - nông - binh, chưa thể hiện đầy đủ tinh thần đại đoàn kết toàn dân: chủ trương coi công nhân, nông dân (trung nông và bần nông) là động lực chính của cách mạng, thành lập các đoàn thể quần chúng, gắn kết chặt chẽ vận mệnh dân tộc, phong trào cách mạng Việt Nam với cách mạng Lào, cách mạng Campuchia, đặt phong trào đấu tranh của nhân dân 3 nước Đông Dương dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 18 - 11-1930, Ban Thường vụ Trung ương đã ra chỉ thị thành lập "Hội phản đế đồng minh". Đây là hình thức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất. Hội nghị khẳng định: “giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lương thất đông, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”2; Hội phải bảo đảm tính chất công nông đồng thời phải mở rộng đến các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thật sự là của toàn dân: công nông “là hai động lực chính căn bản cho sự sắp xếp hàng ngũ lực lượng cách mạng”3. Chủ trương thành lập Hội phản đế đồng minh là một chủ trương phù hợp và đúng đắn, nhưng trên thực tế do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau nên vẫn chưa hình thành được.
Thứ hai, Đảng thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939)
Tình hình thế giới và trong nước trong những năm 1936-1939, có nhiều thay đổi, phong trào chống phát xít, chống chiến tranh phát triển mạnh mẽ trên thế giới, thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng nước ta. Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, phương hướng và mục tiêu chủ yếu và trước mắt của cách mạng Việt Nam và Đông Dương lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh; đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình. Đảng đề ra chủ trương: đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong một Mặt trận rộng rãi, để chống lại kẻ thù nguy hiểm trước mắt là bọn phản động thuộc địa và tay sai, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình. Tháng 7 -1936 Ban lãnh đạo của Đảng họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, tiếp đó để đáp ứng yêu cầu thực tế cách mạng, tháng 3 - 1938, Trung ương Đảng quyết định đổi tên Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận dân tộc thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương. Thành phần tham gia mặt trận bao gồm tất cả các tầng lớp, đảng phái, tôn giáo tán thành dân chủ, đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi những điều dân chủ đơn sơ như: tự do hội họp, tổ chức, tự do ngôn luận xuất bản, tự do đi lại, ân xá hết chính trị phạm, ngày làm 8 giờ, mở rộng Hội đồng quản hạt, các viện dân biểu. Đảng đã chủ trương sử dụng nhiều hình thức tổ chức: thanh niên dân chủ, phụ nữ dân chủ... kể cả những hình thức đơn sơ: hội cấy, hội cây, hội lợp nhà, hội đá bóng... với nhiều hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa công khai, nửa hợp pháp, mục đích lôi cuốn tập hợp lực lượng quần chúng, đống thốn hướng dẫn cho quần chúng đấu tranh từ thấp tới cao. Nhờ chủ trương đúng, lại có biện pháp tổ chức phù hợp, hình thức đấu tranh phong phú. Vì vậy, tập hợp được quần chúng rộng rãi, địa bàn hoạt động của mặt trận được mở rộng thêm, lực lượng cách mạng được tăng cường, phong trào công nông được phát triển trên cơ sở đoàn kết toàn dân, làm cho kẻ thù bị phân hoá, cô lập và suy yếu.
Thứ ba, Đảng thành lập Mặt trận Việt Minh (1941)
Chiến tranh thế giới II bùng nổ, tình thế cách mạng đã xuất hiện ở Đông Dương, vấn đề giành chính quyền trở thành nhiệm vụ cần kíp và mục tiêu trực tiếp trước mắt: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ để quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng, độc lập”4. Các hình thức tổ chức, đấu tranh thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương không còn phù hợp. Đảng đã chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ đánh đế quốc, tay sai, giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Đảng chủ trương mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp lực lượng của toàn dân vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, nhưng do tình hình thay đổi nên Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng (5-1941), chủ trương thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Với chủ trương mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, tập trung sức mạnh để chống đế quốc và tay sai, với phương pháp và hình thức tổ chức phong phú, phù hợp (Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc…), Mặt trận Việt Minh đã tập hợp đoàn kết đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động và các tầng lớp yêu nước khác không phân biệt già trẻ, gái trai, tôn giáo…, có nguyện vọng giải phóng dân tộc. Với hệ thống chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh đã làm tròn sứ mệnh lịch sử là đội quân chính trị hùng hậu, giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong thắng lợi của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945.
2. Một số kinh nghiệm
Quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng các Mặt trận giai đoạn 1930-1945 để lại những kinh nghiệm quý có giá trị:
Một là, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, đoàn kết các lực lượng dân tộc
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định xây dựng lực lượng cách mạng gồm mọi tầng lớp, giai cấp, cá nhân có thể đoàn kết được, khối đại đoàn kết đó đã tạo lên sức mạnh tổng lực đánh thắng kẻ thù giành được độc lập cho dân tộc. Quần chúng nhân dân tin và đi theo Đảng bở họ đã thấy con đường cách mạng mà Đảng đề ra đem lại lợi ích cho họ, tin vào lực lượng lãnh đạo thực sự vì lợi ích của dân tộc và lợi ích nhân dân. Nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề cập tới ngay từ năm 1930 là: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, trong đó nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, đây là nguyện vọng của cả dân tộc Việt Nam. Xã hội Việt Nam đến năm 1930, sau hai lần khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, các giai cấp trong xã hội đều có sự phân hóa, mặc dù có sự thống nhất chung về lợi ích dân tộc nhưng cũng có sự khác nhau về mức độ. Vì vậy, muốn đoàn kết được Đảng phải xác được những mục tiêu mà tất cả các thành viên trong mặt trận đều được đáp ứng và chấp nhận được. Trong phong trào cách mạng 1930- 1931 và 1936-1939, thông qua thực tiễn lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh, Đảng đã xây dựng được khối liên minh công - nông. Đến thời kỳ 1939-1945 trước tình hình cách mạng mới, Đảng đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, điều đó đáp ứng được nguyện vọng của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Do đó, Đảng đã huy động được lực lượng cách mạng đông đảo vào sự nghiệp đấu tranh, từng bước thực hiện mục tiêu cách mạng của Đảng và nguyện vọng của toàn thể nhân dân.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng dân tộc ở nước ta là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổng, không có sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, Đảng không thể hoàn thành sự nghiệp cách mạng lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh đuổi ách thống trị ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Để tập hợp sức mạnh đoàn kết của mọi lực lượng có thể đoàn kết được, Đảng phải xác định chủ trương phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chung của mọi lực lượng; có hình thức tổ chức, phương thức; biện pháp tập hợp sự đoàn kết phù hợp, tạo sức mạnh to lớn cho cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ha là, Đảng có đường lối cách mạng đúng đắn, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đường lối chính trị đúng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng, là cơ sở để tập hợp lực lượng đông đảo quần chúng tin theo Đảng. Thực tế đã chứng minh, cùng với đường lối đúng đắn, Đảng cần có phương pháp, hình thức, tổ chức phù hợp với đoàn kết, phát huy mọi khả năng, huy động mọi lực lượng thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
Trong tiến trình lịch sử, ở mỗi thời kỳ thực hiện nhiệm vụ cách mạng tuy có khác nhau, nhưng khi nào Đảng có chủ trương đúng, phương pháp tổ chức thích hợp sẽ lôi kéo, tập hợp được các lực lượng vào thực hiện các nhiệm vụ cách mạng; ngược lại, khi chủ trương của Đảng có những sai lầm, không xuất phát từ nguyện vọng của quần chúng nhân dân, phương pháp tổ chức không phù hợp thì việc tập hợp các lực lượng bị giảm sút. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng xác định chủ trương và biện pháp đoàn kết rộng rãi mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân có thể đoàn kết được để tạo nên sức mạnh tổng lực: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình…Đảng phải thu phục cho được được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo…Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ”5. Cương lĩnh đã chỉ rõ lực lượng cách mạng là công – nông là gốc cách mạng, các giai cấp và tầng lớp khác đều là bầu bạn của cách mạng, giai cấp vô sản phải tranh thủ được nhiều bạn đồng minh, phải tập hợp các lực lượng cách mạng thật rộng rãi trong toàn dân tộc. Thông qua Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939), Đảng đã tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân vào cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Thông qua Mặt trận Việt Minh (1939-1945) và các đoàn thể cứu quốc, Đảng đã đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, lứa tuổi… tạo thành khối đoàn kết đấu tranh vì mục tiêu giành độc lập dân tộc, làm nên thắng lợi vào tháng Tám năm 1945.
Nhân dân gắn bó với Đảng, đi theo Đảng chính là thể hiện niềm tin vào đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, nhận thức đúng đắn về Đảng. Trong xã hội có nhiều tầng lớp, giai cấp, có trình độ giác ngộ, điều kiện sinh sống... có sự khác nhau. Vì vậy, Đảng phải dựa trên lợi ích của các giai cấp và tầng lớp trong xã hội để đưa ra những chủ trương đảm bảo lợi ích của họ và có hình thức, phương pháp tổ chức vận động quần chúng phải đa dạng, phong phú mới tạo ra điều kiện cho mọi lực lượng tham gia và phát huy khả năng của mình.
Thực tiễn lịch sử chứng minh, nhờ có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, Đảng đã tập hợp và đoàn kết được đông đảo quần chúng cách mạng, đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng trong lịch sử. Mục tiêu, phương pháp cách mạng đúng đắn là cơ sở cho Đảng tập hợp khối đại đoàn kết của quần chúng đứng lên đấu tranh có hiệu quả. Tùy tình hình, mục tiêu của từng thời kỳ cách mạng mà Đảng lúc thì tổ chức, tập hợp quần chúng cách mạng đấu tranh công khai, hợp pháp là chủ yếu, lúc lại đấu tranh bí mật, bất hợp pháp là chủ yếu... Đảng đã phân tích đúng các mối quan hệ giai cấp, dân tộc đề ra cương lĩnh chung của mặt trận nhằm tập hợp thật rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp, các cá nhân yêu nước trong mặt trận, nhờ đó Đảng có lực lượng cách mạng to lớn làm nên thắng lợi của cách mạng.
Ba là, Đảng đã xác định đúng đối tượng cách mạng và đúng Đồng minh trong chiến lược của công tác Mặt trận
Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, đoàn kết toàn dân tộc luôn là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, dân tộc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi cũng chính nhờ vào sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc thông qua Mặt trận Việt Minh. Trong đấu tranh cách mạng, để tập trung vào kẻ thù chính, tránh cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, tranh thủ tập hợp lực lượng trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Đảng cách mạng phải chỉ ra được đâu là kẻ thù cơ bản lâu dài, đâu là kẻ thù trực tiếp, trước mắt của từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng. Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến, lực lượng chủ yếu chiếm 90% trong xã hội là nông dân và công nhân, đây cũng là lực lượng bị thực dân Pháp và địa chủ bóc lột cùng cực nhất. Mâu thuẫn mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp đan xen, vấn đề giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Để chống lại kẻ thù của nhân dân Việt Nam là thực dân Pháp và phong kiên phản động cần phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc. Cao trào cách mạng 1930-1931 là minh chứng hùng hồn cho việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của Đảng với dân tộc, cũng chính trong cao trào liên minh công – nông hình thành. Những năm 1936-1939, chủ nghĩa phát xít hành thành gây chiến tranh thế giới, ở Động Dương Pháp tăng cường bóc lột, đàn áp nhân dân…Đảng xác định nhiệm vụ: chống đế quốc và phong kiến, những mục tiêu trước mắt là chống bon phản động thuộc địa đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Để thực hiện nhiệm vụ đó, thông qua Mặt trận dân chủ Đông Dương – một hình thức đặc biệt của mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng không chỉ đã đoàn kết được cả công – nông mà còn cả tầng lớp trên như: tiểu tư sản, tư sản dân tộc, địa chủ và cả một bộ phận người Pháp ở Đông Dương có xu hướng chống chủ nghĩa phát xít. Đến những năm 1939-1945, chiến tranh thế giới II nổ ra và đặt biệt là khi Nhật vào Đông Dương, kẻ thù của nhân dân Đông Dương lúc này không chỉ có Pháp và phong kiến phản động mà còn có cả phát xít Nhật, mâu thuẫn dân tộc ngày càng trở nên sâu sắc hơn cần giải quyết. Để tập hợp được đông đảo lực lượng cách mạng thực hiện nhiệm vụ dân tộc giải phóng, thông qua Mặt trận Việt Minh Đảng đã đoàn kết được mọi lực lượng dân tộc cả trong nước và Việt kiểu, tập hợp được tất cả các giai cấp và tầng lớp trong xã hội Việt Nam vào cao trào kháng Nhật cứu nước, giành độc lập dân tộc.
Như vậy, trong giai đoạn 1930-1945, Đảng luôn xác định đúng kẻ thù chủ yếu trước mắt, phân rõ bạn - thù - ta, đánh giá đúng thái độ chính trị của các giai cấp, tầng lớp tham gia Mặt trận. Mặt khác, Đảng đã xác định đúng giai cấp lãnh đạo, lực lượng nòng cốt, bạn đồng minh. Chủ trương của Đảng thể hiện vừa quan tâm đến lợi ích công - nông, đồng thời có sự quan tâm lợi ích của các giai cấp, tầng lớp khác trong Mặt trận. Linh hoạt lựa chọn tên gọi, hình thức tổ chức sát hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của mỗi thời kỳ cách mạng và tình hình thực tiễn trong nước và thế giới, chống biểu hiện coi nhẹ công tác Mặt trận, hạ thấp vai trò của quần chúng nhân dân.
Thành công của Đảng trong lãnh đạo xây dựng Mặt trận giai đoạn 1930-1945 đã tập hợp lực lượng cách mạng to lớn dưới ngọn cờ Đảng góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, nhân dân trở thành người làm chủ đất nước. Thắng lợi này cũng chứng minh cho sự thành công của chiến lược đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở thêm bạn, bớt thù tận dụng mọi lực lượng có lợi cho cách mạng. Đảng về lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết thống nhất dân tộc giai đoạn 1930-1945 để lại nhiều kinh nghiệm quý có giá.
Ngày nhận: 7-11-2024; ngày thẩm định 9-11-2024; ngày duyệt đăng 10-11-2024
1, 2, 3, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1998, T 2, tr. 4, 227, 227, 4
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, T.6, tr. 536.