Tóm tắt: Trong giai đoạn 1969 - 1972, Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, gia tăng các hoạt động quân sự và an ninh nhằm vào các địa bàn do lực lượng cách mạng kiểm soát, dọn đường cho quân đội Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng có nhiều chủ trương mới nhằm đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị trong các đô thị, đặc biệt là đô thị ở Sài Gòn - Gia Định. Bài viết làm rõ chủ trương Đảng lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1969-1972 và những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo và chỉ đạo phong trào.
Từ khóa: Đảng lãnh đạo; đấu tranh chính trị; đô thị Sài Gòn - Gia Định; 1969 - 1972
1. Chủ trương của Đảng
Dưới tác động của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đầu năm 1969, tình hình miền Nam có nhiều chuyển biến, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh, chấp nhận rút dần quân đội Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam. Thêm vào đó, phong trào phản chiến ở nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới không ngừng lên cao. Trong bối cảnh trên, Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam đề ra nhiều chủ trương cụ thể đối với phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị giai đoạn 1969 - 1972.
Ngày 11-2-1969, Bộ Chính trị gửi điện cho Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng, đồng ý với chủ trương của Trung ương Cục về “đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng ở các thành thị đòi hòa bình, thúc đẩy việc hình thành và lập mặt trận thứ ba gồm những lực lượng đứng giữa các xu hướng yêu nước chân chính và bọn tay sai phản động cực đoan của Mỹ”1. Bộ Chính trị dự kiến thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để góp phần triệt để phân hóa địch, đẩy mạnh phong trào quần chúng ở các thành thị miền Nam, “thúc đẩy việc hình thành và sớm lập được mặt trận thứ ba, làm cho Mỹ càng thêm lúng túng, bị động2. Theo đó, ngày 6-6-1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch.
Ngày 24-10-1969, Ban Bí thư Trung ương gửi Điện cho Trung ương Cục, Khu ủy V và Khu ủy Trị Thiên về việc phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn ở miền Nam, đề ra chủ trương chuẩn bị một phong trào đấu tranh chính trị lớn để phối hợp với phong trào phản chiến thế giới, yêu cầu Mỹ rút quân khỏi miền Nam. Về lực lượng tham gia, chủ trương vận động sự tham gia của thanh niên, học sinh, sinh viên, lao động, Phật giáo và lôi kéo lực lượng chống chính quyền Thiệu - Kỳ - Khiêm. Về hình thức đấu tranh, sử dụng các hình thức: mít tinh, hội thảo, làm kiến nghị, xuống đường thể hiện sự ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ, phản đối Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường chiến tranh. Ban Bí thư nhấn mạnh phải tận dụng báo chí công khai và việc tổ chức các hội thảo để gây dư luận lên án chiến tranh, phản ánh phong trào phản chiến trên thế giới.
Tháng 1-1970, HNTƯ 18 đã phân tích rõ âm mưu của Mỹ khi thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, khẳng định chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng tiến lên cao trào. Bên cạnh khẩu hiệu trung tâm là đòi hòa bình, độc lập và cải thiện đời sống, còn có các khẩu hiệu quá độ là đòi vãn hồi hòa bình, đánh đổ chính quyền Thiệu - Kỳ - Khiêm, lập nội các hòa bình, các khẩu hiệu cao hơn là đòi lập chính phủ liên hiệp, đòi Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam, miền Nam độc lập, hòa bình và trung lập, “cần biết đề ra các khẩu hiệu phù hợp với từng giới, từng nơi, từng lúc để kịp thời tập hợp quần chúng”3. Đồng thời, để tập hợp lực lượng quần chúng và duy trì phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị cần “ra sức lợi dụng các tổ chức hợp pháp sẵn có, sử dụng các tổ chức biến tướng để tập hợp quần chúng và che giấu lực lượng, tranh thủ thâm nhập và phát triển lực lượng trong các tổ chức công khai, hợp pháp của địch, trong các tổ chức tôn giáo”4. Đối với lực lượng trung gian, bao gồm những lực lượng tiến bộ trong giới trí thức và các tổ chức tôn giáo, các nhóm chính trị có tinh thần dân tộc, dân chủ, muốn chấm dứt chiến tranh, muốn có chủ quyền quốc gia và chống lại chính quyền tay sai của Mỹ thì có thể “liên hiệp hành động từng mặt, tiến lên thực hiện liên hiệp hành động theo những khẩu hiệu chính trị chung”5.
Thực hiện chủ trương trên của Ban Chấp hành Trung ương và sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh ở đô thị, Hội nghị lần thứ 10 Trung ương Cục miền Nam (11-1970) chỉ rõ phong trào đấu tranh ở đô thị cần phải: “tập trung đẩy mạnh bốn phong trào: dân sinh kinh tế, dân chủ, văn hóa xã hội và bao trùm hơn hết là đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, Mỹ rút quân và thay đổi Thiệu - Kỳ - Khiêm”6.
Ngày 29-6-1971, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi thư cho Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng, nêu rõ phải đấu tranh lật đổ chính quyền Thiệu - Kỳ - Khiêm, đòi lập một chính quyền ít phản động hơn để tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển và tiến lên giành thắng lợi quyết định sau này7. Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh phải tạo ra nhiều hình thức để làm mặt trận nhằm “tập hợp mọi xu hướng từ tả đến trung gian và cả những phần tử phái hữu, miễn là trước mắt họ tán thành Mỹ rút hết quân, tán thành miền Nam hòa bình, trung lập và loại bỏ Thiệu”8.
Tiếp đó, đồng chí Lê Duẩn đã Điện gửi Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (7-1971), chỉ đạo cần gắn khẩu hiệu đòi bầu cử dân chủ với các khẩu hiệu đòi hòa bình, đòi rút hết quân Mỹ, chấm dứt chiến tranh xâm lược và đòi cải thiện đời sống thì “mới có thể biến nguyện vọng của quần chúng thành hành động cách mạng trực tiếp chống Mỹ và bọn tay sai ngoan cố, hiếu chiến được”9. Ngày 29-11-1971, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục gửi Điện số 485 cho Trung ương Cục và Khu ủy Sài Gòn - Gia Định về nhiệm vụ của công tác thành thị đến cuối năm 1971. Trong đó nêu rõ, mục tiêu của phong trào là: đuổi Mỹ, lật đổ Nguyễn Văn Thiệu, phá bỏ chế độ kìm kẹp bằng quân sự và cảnh sát nhằm đập tan âm mưu kéo dài “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiến tới “lập chính phủ vãn hồi hòa bình, hòa hợp dân tộc, giành độc lập, dân chủ, cơm áo và quyền sống cho nhân dân”10. Để thực hiện được mục tiêu trên, đồng chí Lê Duẩn chỉ ra một số công tác lớn, đó là: Thực hiện công tác chính trị trong quần chúng nhân dân, nhất là trong các tầng lớp lao động; đẩy mạnh đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ, chống bóc lột, vơ vét, chống đàn áp, khủng bố, gắn liền với đòi đuổi Mỹ, lật Thiệu, chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình; tổ chức, tập hợp thật đông đảo quần chúng cơ bản và phong trào đấu tranh chính trị làm cho thực lực của cách mạng thay đổi một cách ý nghĩa cả về số lượng và chất lượng; kết hợp phong trào đấu tranh của quần chúng với việc khoét sâu mâu thuẫn nội bộ địch, mở rộng mặt trận liên hiệp hành động chống Mỹ - Thiệu; Đẩy mạnh hơn nữa công tác binh vận, thực hiện công, nông, binh liên hiệp nhằm đánh bại âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ11.
Nhìn lại các chủ trương của Đảng đối với phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị ở miền Nam nói chung, ở Sài Gòn - Gia Định nói riêng, giai đoạn 1969 - 1972, cho thấy Ban Chấp hành Trung ương và Trung ương Cục miền Nam tiếp tục nhấn mạnh vai trò, vị trí của đấu tranh chính trị ở đô thị Sài Gòn - Gia Định và các chủ trương ngày càng cụ thể, theo sát diễn biến tình hình tại miền Nam, nhất là những thay đổi trong chính sách chiến tranh của Mỹ và tình hình nội bộ của chính quyền Sài Gòn. Từ những chủ trương của Đảng, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân thành phố sát với tình hình thực tế. Nghị quyết Hội nghị Thành ủy Sài Gòn - Gia Định từ năm 1969 đến năm 1972 (Nghị quyết Bình Giã II, III, IV, V) là sự cụ thể hóa chủ trương của Trung ương Đảng đối với phong trào, gắn liền với đặc điểm vùng đô thị Sài Gòn - Gia Định.
2. Phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị Sài Gòn – Gia Định (1969 - 1972)
Trong những năm 1969 - 1972, Mỹ và chính quyền Sài Gòn triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và mở rộng cuộc chiến tranh ra cả ba nước Đông Dương, khiến cho cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam gặp nhiều khó khăn. Chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở đô thị nhằm lên án chính sách chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đòi Mỹ rút quân, đòi hòa bình, độc lập của Đảng đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định 1969 - 1972 đã phát triển mạnh mẽ bao gồm cả nội dung, hình thức, khẩu hiệu đấu tranh.
Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên
Học sinh, sinh viên trở thành lực lượng xung kích với những cuộc bãi khóa, biểu tình, tuần hành và quyết liệt đánh trả cảnh sát Sài Gòn, chặn đốt xe của Mỹ. Đêm 24-4-1970, sinh viên Sài Gòn tổ chức “Đêm uất hận” với nghi lễ truy điệu đồng bào Việt kiều bị tàn sát ở Campuchia, đốt hình nộm Lonnol và sau đó là cuộc biểu tình chiếm tòa Đại sứ Campuchia, trong suốt 10 ngày với sự hỗ trợ, tiếp tế của đồng bào Sài Gòn. Ngày 27-5-1970, học sinh, sinh viên Sài Gòn biểu tình ngay trước tòa Đại sứ Mỹ.
Với những khẩu hiệu bằng sơn pha nitrat bạc được kẻ vẽ lên tường rào, mặt đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) với nội dung “Đại sứ Mỹ cút về nước”, “Bunker go home”. Đội xung kích sinh viên giương các biểu ngữ “Quân viễn chinh Mỹ và đồng minh Mỹ phải rút về nước”, “Chống chiến tranh Việt Nam…”12. Đỉnh điểm của phong trào chống Mỹ là các cuộc chặn đốt xe của Mỹ trên đường phố Sài Gòn vào cuối năm 1970, làm cho chính quyền Sài Gòn hết sức lo lắng. Tháng 5-1972, sinh viên Võ Thị Bạch Tuyết, thành viên của nhóm xung kích sinh viên bị bắt, cảnh sát Sài Gòn thu giữ được cuốn sổ tay có ghi số lượng 117 xe Mỹ bị đốt và một chùm chìa khóa gồm 66 chiếc là chiến lợi phẩm thu được sau các cuộc đốt xe Mỹ. Chiến dịch đốt xe Mỹ của học sinh, sinh viên và nhân dân đô thị Sài Gòn đã khiến cho lính Mỹ bất an, không dám chạy xe qua các đường có trường đại học. Những xe nước khác chạy ngoài đường phải cắm cờ của quốc gia mình và còn mang dấu hiệu phản chiến trước đầu xe. Những cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên được báo chí Sài Gòn đưa tin hàng ngày, đã tác động đến tầng lớp trung gian trong xã hội miền Nam, giúp họ nhận ra bản chất xâm lược của quân Mỹ, giúp dư luận thế giới hiểu hơn tinh thần dân tộc, ước nguyện hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Phong trào đấu tranh của giới trí thức
Báo chí ở Sài Gòn đã công khai đưa tin và bình luận về diễn biến của Hội nghị Paris và phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên và nhân dân miền Nam. Nhận xét về vấn đề này đồng chí Trần Bạch Đằng viết: “Báo chí đối lập, tư liệu xuất bản công khai tại Sài Gòn là một vũ khí sắc bén chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn tại chỗ đã được bí mật gửi sang Paris không hề gián đoạn, đã hỗ trợ đắc lực cho hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam”14.
Giới trí thức Sài Gòn - Gia Định công khai bày tỏ sự ủng hộ lập trường hòa bình của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đáng chú ý là hoạt động của nhóm dân biểu Ngô Công Đức đã gây tiếng vang lớn trong dư luận miền Nam, khiến chính quyền Sài Gòn lúng túng đối phó. Ngày 15-9-1970, dân biểu Ngô Công Đức trước khi lên đường sang Paris để thực hiện cuộc vận động hòa bình đã phổ biến với giới báo chí tại sân bay Tân Sơn Nhất bản Tuyên ngôn và Chương trình đòi hỏi Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ phải rút hết quân đội và vật liệu chiến tranh, ngưng ủng hộ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu156. Lo sợ ảnh hưởng của bản tuyên ngôn và chương trình của nhóm dân biểu Ngô Công Đức, chính quyền Việt Nam Cộng hòa quy kết Ngô Công Đức phụ họa theo lập trường của bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris và liên tục có những hành động khủng bố, đe dọa ông bằng nhiều hình thức.
Giới trí thức Công giáo tập trung lên án chính sách xâm lược của Mỹ là nguyên nhân gây ra những đau khổ cho nhân dân Việt Nam; lên án chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và việc Mỹ quay lại ném bom miền Bắc. Ngày 14-9-1971, phong trào Công giáo xây dựng hòa bình đã tổ chức đốt thẻ cử tri và ra Tuyên cáo lên án cuộc bầu cử là “một trò hề bi đát” và “Muốn thực hiện dân chủ để xây dựng hòa bình phải phá vỡ âm mưu duy trì chế độ phản dân chủ và chính quyền hiếu chiến hiện hữu của miền Nam, qua trò bầu cử bịp bợm ngày 3-10-1971”16.
Trung thành với chủ trương đấu tranh cho hòa bình, giới trí thức Phật giáo, thuộc khối Ấn Quang đã có tiếng nói quan trọng trong phong trào đấu tranh chống chiến tranh, đòi hòa bình. Ngày 20-10-1970, tại Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức ở Kyoto (Nhật Bản), đoàn đại biểu Phật giáo Ấn Quang, do Thượng tọa Thích Thiện Minh dẫn đầu đã trình bày “Giải pháp sáu điểm để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam”7. Trong đó có những điểm thể hiện sự tán thành với các mục tiêu của cách mạng miền Nam hướng tới loại bỏ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thành lập chính phủ không liên kết.
Để tập hợp lực lượng đấu tranh, ngày 29-9-1971, Phật giáo thành lập Mặt trận nhân dân tranh thủ dân chủ và hòa bình. Lập trường hòa bình của Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định, bởi các cơ sở sinh hoạt của Phật giáo ở Sài Gòn - Gia Định trong giai đoạn này thường là nơi lui tới của nhiều tầng lớp nhân dân để tham dự các cuộc họp báo, thuyết pháp hay tổ chức các buổi họp của các tổ chức, đoàn thể quần chúng.
Phong trào đấu tranh của công nhân lao động
Các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ tiếp tục lan rộng trong công nhân lao động đô thị Sài Gòn - Gia Định nhằm chống lại các chính sách tăng thuế, kiểm soát nghiệp đoàn. Trong đó có các cuộc đấu tranh trong các hãng thầu của Mỹ, như: các cuộc bãi công của công nhân hãng thầu RMK-BRJ (10-1970), công nhân làm việc trong cơ quan USAID (1-1971). Các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của công nhân lao động nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các giới khác và dư luận. Cuộc đấu tranh tại khu tồn trữ Thủ Đức (5-1970), chống lại âm mưu sa thải 283 công nhân và phá hoại tổ chức nghiệp đoàn tiến bộ, đã nhận được sự ủng hộ của công nhân các nghiệp đoàn ở Sài Gòn - Gia Định. Từ đó, dẫn đến cuộc tổng đình công của 126 nghiệp đoàn cơ sở và phân bộ nghiệp đoàn (6-1970), với tổng số ngày đình công (tính theo số lượng công nhân tham gia) là 670.000 ngày. Cuộc đấu tranh của công nhân hãng Pin Con Ó (từ tháng 8-1971 đến tháng 12-1971) đòi các quyền lợi dân sinh cho công nhân và chống lại hành động đàn áp nghiệp đoàn tiến bộ, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Phong trào đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các nghiệp đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động với một cuộc tổng đình công vào ngày 30-10-1971. Các tổ chức chính trị, xã hội, các dân biểu và nghị sĩ trong Quốc hội Sài Gòn cũng ủng hộ công nhân cả tinh thần và vật chất. Cuộc đấu tranh của công nhân Vidopin, không dừng lại là một cuộc đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, mà đấu tranh chính trị chống lại chính sách bóc lột và khủng bố, đàn áp nghiệp đoàn của chính quyền Sài Gòn. Ngoài ra, công nhân lao động cũng là những người tích cực tham gia các hoạt động trong các tổ chức quần chúng công khai. Đông đảo công nhân lao động đã tham dự các buổi thuyết pháp, buổi cầu nguyện cho hòa bình của Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Họ cũng là những người hậu thuẫn đắc lực cho học sinh, sinh viên trong những cuộc biểu tình, đốt xe Mỹ, chiếm đóng tòa Đại sứ của chính quyền Lonnol.
Có thể thấy, tất cả các phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị Sài Gòn - Gia Định những năm 1969- 1972 đều hướng đến mục tiêu cao nhất của cách mạng miền Nam trong giai đoạn này là chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đòi quân Mỹ và đồng minh của Mỹ rút khỏi miền Nam, đòi lật đổ nội các Nguyễn Văn Thiệu, ủng hộ lập trường hòa bình của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Trung ương Cục miền Nam khẳng định: “Sự phát triển của phong trào Sài Gòn và các đô thị vừa qua là một đòn mạnh đánh thẳng vào âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy, gây ra cho chúng nhiều khó khăn và đẩy chúng đến những thất bại, bế tắc không thể cứu vãn nổi về chính trị”18.
3. Một số kinh nghiệm
Thứ nhất, kinh nghiệm trong chủ trương đấu tranh cách mạng trên địa bàn chiến lược đô thị, đặc biệt là đô thị Sài Gòn - Gia Định. Trong giai đoạn 1969-1972, Mỹ đề ra và ráo riết thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, khiến cho cuộc chiến tranh càng lan rộng và khốc liệt hơn. Cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với sự phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao và đấu tranh quân sự, chính trị, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, do những tổn thất sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968). Trong tình hình đó, Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị trong mối quan hệ với các địa bàn chiến lược và trong giai đoạn kết thúc chiến tranh. Chủ trương này không những được thể hiện trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Trung ương Cục, mà còn được phân tích cụ thể trong các Thư, Điện của đồng chí Lê Duẩn gửi Trung ương Cục, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.
Thực tiễn phát triển của cách mạng miền Nam đã khẳng định sự đúng đắn của chủ trương này. Phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị giai đoạn 1969-1972, diễn ra liên tục và không kém phần quyết liệt, đã tấn công vào chính sách của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, vạch trần âm mưu theo đuổi chiến tranh của Mỹ và lên án bản chất tay sai, hiếu chiến của chính quyền Sài Gòn. Đồng thời, phong trào đã hỗ trợ cho cuộc kháng chiến trên mặt trận quân sự, khi liên tục biến vùng đô thị Sài Gòn - Gia Định thành nơi đấu tranh sôi nổi, khiến cho vùng hậu cứ quan trọng nhất của Mỹ và chính quyền Sài Gòn luôn ở trong tình trạng bất ổn. Ngoài ra, các phong trào còn thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, từ đó nâng cao uy tín và vai trò đại diện cho nhân dân miền Nam của chính quyền cách mạng.
Thứ hai, kinh nghiệm về xác định mục tiêu, khẩu hiệu đấu tranh chính trị ở đô thị. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ lan rộng và kéo dài, chủ trương của Đảng đối với phong trào đấu tranh chính trị là tập trung vào mục tiêu chống cuộc chiến tranh của Mỹ, đòi hòa bình, độc lập. Từ mục tiêu đó, khẩu hiệu đấu tranh được đề ra đúng đắn và linh hoạt. Ngoài các khẩu hiệu chấm dứt chiến tranh, Mỹ rút quân về nước, Mỹ ngừng ủng hộ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, còn có các khẩu hiệu đòi các quyền tự do, dân chủ, dân sinh. Một mặt, mục tiêu và các khẩu hiệu đấu tranh của phong trào đều hướng theo các mục tiêu dân tộc, dân chủ của cách mạng miền Nam. Mặt khác, mục tiêu và khẩu hiệu đấu tranh đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân đô thị. Từ đó quy tụ được sự tham gia của mọi lực lượng, mọi tầng lớp trong xã hội.
Thứ ba, kinh nghiệm về tập hợp lực lượng cách mạng đô thị. Để tập hợp được lực lượng quần chúng đô thị Sài Gòn - Gia Định trong điều kiện chính quyền Sài Gòn kiểm soát nghiêm ngặt, chủ trương của Đảng là xây dựng các tổ chức quần chúng công khai, hợp pháp, bán công khai phối hợp gây dựng các cơ sở bí mật trong nội đô; đồng thời, tận dụng các tổ chức tôn giáo, đoàn thể sẵn có. Trong giai đoạn 1969 - 1972, nhiều tổ chức quần chúng ra đời như: Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình, Ủy ban cải thiện chế độ lao tù. Cùng với đó, các tổ chức của các tầng lớp như: Tổng hội sinh viên, Tổng đoàn học sinh, Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam,… đều do lực lượng tiến bộ nắm giữ. Sự tồn tại và hoạt động của các tổ chức công khai cùng lúc ở Sài Gòn - Gia Định đã hậu thuẫn, ủng hộ nhau từ chủ trương đến hành động, khiến cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn lúng túng đối phó. Hơn nữa, với việc thành lập nhiều tổ chức công khai với hình thức đấu tranh đa dạng đã hình thành ở đô thị Sài Gòn - Gia Định một lực lượng đối lập với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, hậu thuẫn cho lực lượng cách mạng trong đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris và làm thất bại âm mưu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn về “chuẩn bị sẵn các lực lượng cho cuộc đấu tranh chính trị thời hậu chiến”19.
Thứ tư, kinh nghiệm về phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân đô thị trong đấu tranh chính trị. Đô thị Sài Gòn - Gia Định là nơi tập trung hơn một nửa dân số đô thị ở miền Nam và tập trung các trường học, nhiều tờ báo tiến bộ, quy tụ đông đảo công nhân lao động, học sinh, sinh viên. Sài Gòn còn là nơi đứng chân của cơ quan đầu não điều khiển cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Thông qua những chủ trương tập hợp lực lượng đúng đắn, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn kinh tế, xã hội của đô thị Sài Gòn - Gia Định và hoạt động tích cực, sáng tạo của các cơ sở đảng, quần chúng trung kiên biết tận dụng mọi điều kiện để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, khôn khéo động viên, khuyến khích các giới đồng bào đô thị tùy theo đặc điểm của mỗi tầng lớp để đóng góp cho cách mạng.
Công nhân lao động Sài Gòn - Gia Định là lực lượng quan trọng nhất trong phong trào, nhưng bị chính quyền Sài Gòn chú ý đề phòng và kiểm soát ngặt nghèo nhất. Do đó, trong giai đoạn 1969-1972, phong trào công nhân Sài Gòn - Gia Định, tuy vẫn diễn ra liên tục, nhưng bị giới hạn trong các nhà máy, xí nghiệp, không có những cuộc biểu tình quy mô lớn và quyết liệt như giai đoạn trước đó. Trong bối cảnh đó, vai trò của công nhân lao động được phát huy, thông qua việc tham gia vào các tổ chức quần chúng công khai hoặc ủng hộ các cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên… Bên cạnh đó, một số tầng lớp khác, do đặc điểm về nghề nghiệp cũng tham gia vào phong trào đấu tranh theo chủ trương của Đảng. Học sinh, sinh viên trở thành những ngòi nổ xung kích tạo nên các cuộc đấu tranh sôi nổi trong và ngoài trường học. Tầng lớp trí thức Sài Gòn - Gia Định có đóng góp lớn, thông qua hoạt động của báo chí đối lập, các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức quần chúng, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên. Chức sắc tôn giáo đã đóng góp cho phong trào thông qua các hoạt động mang tính tôn giáo đặc thù trong và ngoài tu viện. Ngoài ra, một bộ phận tham gia trong chính quyền Sài Gòn như: dân biểu, nghị sĩ, dưới tác động của các cuộc đấu tranh chính trị trong đô thị cũng tham gia ủng hộ phong trào bằng việc phối hợp đấu tranh tại nghị trường hoặc can thiệp chính quyền ngăn cảnh sát đàn áp các cuộc đấu tranh của các tầng lớp khác.
Những chủ trương của Đảng trong giai đoạn 1969 -1972, đã đi vào thực tiễn, đưa phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ, liên tục, linh hoạt về hình thức đấu tranh, hình thức tập hợp lực lượng. Phong trào có ý nghĩa quan trọng trong việc tập hợp lực lượng chính trị đông đảo ở đô thị để hỗ trợ cho mặt trận quân sự, ngoại giao và chuẩn bị cho những chuyển biến sau khi Hiệp định Paris được kí kết. Sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1969 - 1972 đã để lại những kinh nghiệm quý trong công tác tổ chức, tập hợp quần chúng và phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân ở đô thị. Những kinh nghiệm đó không chỉ được vận dụng trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, mà còn cả trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.
Ngày nhận: 16-12-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 16-1-2025; ngày duyệt đăng:25-1-2025
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2004, T. 30, tr. 19
3, 4, 5, 6, 18, Ssđd, T. 31, tr. 73-74, 75, 76, 444, 384