Tóm tắt: Đặc điểm lớn nhất của cách mạng Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 là cùng một lúc tiến hành hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền Nam - Bắc do Đảng lãnh đạo. Ở miền Bắc chuyển sang thực hiện chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa, ở miền Nam tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân, trọng tâm là đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một chủ trương đúng đắn, bảo đảm yêu cầu về lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này. Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cuối cùng cách mạng Việt Nam đã thành công, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tính độc đáo này khẳng định bản lĩnh độc lập, tự chủ cũng như năng lực lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh và để lại nhiều kinh nghiệm quý.
Từ khóa: Đảng lãnh đạo; hai nhiệm vụ chiến lược; 1954 - 1975
1. Cơ sở của việc Đảng kiên định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng
Về cơ sở lý luận, ngay từ khi ra đời, Đảng đã xác định: “chủ trương làm tư sản dân quyền c.m (cách mạng - TG) và thổ địa c.m (cách mạng - TG) để đi tới xã hội cộng sản”1. Do đó, sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng theo Hiệp định Geneve (1954), cách mạng Việt Nam có điều kiện để chuyển từ cách mạng dân chủ nhân dân sang cách mạng XHCN. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa việc phấn đấu cho mục tiêu cuối cùng với việc giành thắng lợi ở mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng. Nắm vững quan điểm lý luận, Đảng đã vận dụng sáng tạo lý luận này vào quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.
Về cơ sở thực tiễn, việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1954 - 1975 có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có nhiều khó khăn, phức tạp ở trong nước và quốc tế. Sau Hiệp định Geneve về Việt Nam và Đông Dương (7-1954), Mỹ thay chân Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, đã gây ra rất nhiều thử thách cho cách mạng Việt Nam; mặt khác, chiến tranh Việt Nam nằm trên trục chuyển động của ba cặp quan hệ Mỹ - Liên Xô, Mỹ - Trung Quốc và Liên Xô - Trung Quốc với những toan tính riêng của các nước lớn cũng có phần tác động tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Với tinh thần “cách mạng là khó khăn, gian khổ, lâu dài nhưng nhất định thắng lợi… Quá trình phát triển của cách mạng có khi lên khi xuống, khi bí mật khi công khai và bán công khai, có khi bị thất bại tạm thời và lắng xuống, nhưng rồi lại phát triển hơn…”2, Đảng đã vận dụng các quy luật cách mạng khác nhau. Đối với chiến lược cách mạng XHCN ở miền Bắc thì vận dụng quy luật của cách mạng XHCN trong thời kỳ quá độ, trong đó tập trung xây dựng bộ máy chính quyền, tổ chức đoàn thể vững chắc, phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân,…; chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thì vận dụng quy luật của chiến tranh cách mạng, đánh đuổi đế quốc và chính quyền tay sai. Đây là việc làm khó khăn và hết sức mới mẻ yêu cầu toàn Đảng, toàn quân và toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng đặt ra.
Như vậy, cơ sở khách quan để Đảng kiên định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trong giai đoạn 1954 - 1975 xuất phát từ đường lối cách mạng của Đảng được đề ra từ khi thành lập và căn cứ vào tình hình thực tiễn cách mạng của cả nước cũng như đối với từng miền.
Trong bối cảnh giai đoạn 1954 – 1975, việc xác định và kiên định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam là thử thách rất lớn, là yêu cầu khách quan, một vấn đề có tính quy luật, một nguyên tắc đối với tư duy lãnh đạo và hoạt động thực tiễn của Đảng, thể hiện sâu sắc bản lĩnh độc lập, tự chủ của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”3; đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng chỉ rõ: “Thực hiện đường lối độc lập tự chủ không những đúng với tình hình cụ thể, mà còn đi đúng đường lối Mác – Lênin trong giai đoạn hiện tại. Nay mai lên chủ nghĩa xã hội cũng vậy”4.
2. Đảng kiên định hai nhiệm vụ chiến lược (1954 – 1964)
Xác lập đường lối, nhiệm vụ chiến lược là một quá trình, lộ trình, nhiều khâu quan trọng, từ khởi thảo đến bổ sung và hoàn chỉnh. Nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như nhiệm vụ quá độ lên CNXH ở miền Bắc là những vấn đề rất lớn, chưa có tiền lệ trên thế giới nên càng khó khăn, phức tạp.
HNTƯ 15, khóa III họp hai đợt, đợt một vào tháng 1-1959 và đợt hai vào tháng 5-1959. Nghị quyết HNTƯ 15 xác định: “nếu không ra sức củng cố miền Bắc và tích cực đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội thì không có chỗ dựa vững chắc để tranh thủ hòa bình thống nhất nước nhà. Không kiên quyết đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến ở miền Nam thì cũng không thể tạo điều kiện thuận lợi nhất để hòa bình thống nhất Tổ quốc”5.
Đến năm 1960, Đại hội III của Đảng đã bổ sung và phát triển quan điểm về tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền, xác định vị trí của mỗi chiến lược ở mỗi miền. Với vai trò là hậu phương lớn nên “nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc rõ ràng là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân ta”6. Với vai trò là tiền tuyến lớn nên “Cách mạng miền Nam có một vị trí rất quan trọng. Nó có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”7.
Tuy thuộc hai chiến lược khác nhau, nhưng do cùng có một mục tiêu chung là thực hiện thống nhất nước nhà, nên cách mạng hai miền quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Phương châm khi thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là: “Xây dựng miền Bắc, chiếu cố miền Nam”8.
Tuy nhiên, hai chiến lược cách mạng đồng thời tiến hành nhưng không nhất loạt ngang nhau mà Đảng vẫn quyết tâm giương cao ngọn cờ dân tộc, ưu tiên cho nhiệm vụ cao cả giải phóng dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh "mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ"9; cái đích chung của toàn thể dân tộc Việt Nam là thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc “nhằm giải quyết mâu thuẫn chung của cả nước là mâu thuẫn giữa nhân dân ta và đế quốc Mỹ cũng bè lũ tay sai của chúng”10.
Đường lối đó của Đảng đã đem lại kết quả thiết thực. Vận dụng hệ thống quy luật xây dựng XHCN giai đoạn 1954 – 1957, miền Bắc hoàn thành những nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sau khi miền Bắc được giải phóng đã bước vào hàn gắn vết thương chiến tranh, hoàn thành tiếp quản vùng địch tạm chiếm, tiếp tục cải cách ruộng đất, tiến hành khôi phục kinh tế. Từ năm 1958 đến năm 1960, miền Bắc tiến hành cải tạo XHCN và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH.
Từ năm 1961 đến năm 1964, Đảng đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc vượt qua khó khăn, gian khổ, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tạo ra sự chuyển biến nhiều mặt trên miền Bắc. Bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH; quan hệ sản xuất mới được củng cố một bước. Những thay đổi căn bản đó đã đưa miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng cả nước.
Ở miền Nam, trong hoàn cảnh khó khăn của những năm 1955 – 1958, mặc dù bị đàn áp, khủng bố, tổn thất rất nặng nề, nhưng các tổ chức Đảng ở miền Nam đã động viên và tổ chức được hàng triệu lượt quần chúng đấu tranh chính trị dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, do Đảng chưa tìm được phương pháp và hình thức đấu tranh thích hợp nên trong khoảng bốn năm (1955 – 1958), nhất là trong hai năm (1957 – 1958), cách mạng miền Nam chịu những tổn thất rất lớn. Nhưng kể từ khi Nghị quyết HNTƯ 15 (1959) ra đời, cách mạng miền Nam từng bước vượt qua thử thách khốc liệt để chuyển từ đấu tranh chính trị lên khởi nghĩa từng phần mà nổi bật là phong trào Đồng khởi, tiếp đó là sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960) là những minh chứng cho tính đúng đắn của việc kiên định hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam.
Khi Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với dự định “tát nước, bắt cá”, tách nhân dân ra khỏi lực lượng cách mạng, bình định nông thôn miền Nam trong vòng 18 tháng, Đảng đã đề ra chủ trương đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng với phương châm “hai chân, ba mũi, ba vùng”. Thực hiện chủ trương trên của Trung ương Đảng, quân dân miền Nam đã lập chiến công ở Ấp Bắc (2-1-1963), tiếp nối là chiến thắng Bình Giã (12-1964), Ba Gia (5-1965), Đồng Xoài (7-1965), sáng tạo nên một hình thức tiến công, phương châm tác chiến độc đáo ở miền Nam, đẩy Mỹ và chính quyền Sài Gòn vào thế bị động, phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Có thể thấy, trong quá trình lãnh đạo kiên định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng, Đảng đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo những mối quan hệ giữa các nhân tố cơ bản để thành một chỉnh thể thống nhất; trong đó Đảng đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc và nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam, giữa việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền, giữa hậu phương chiến lược của cả nước với hậu phương trực tiếp của chiến trường; giữa quốc gia và quốc tế.
Kết quả miền Bắc đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng CNXH, điều đó đã tác động, thúc đẩy cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam tiến lên từng bước vững chắc; ngược lại, mỗi thắng lợi của cách mạng miền Nam, góp phần bảo vệ miền Bắc, tăng thêm niềm tin tưởng cho nhân dân miền Bắc, động viên đồng bào gắng sức “mỗi người làm việc bằng hai” vì miền Nam ruột thịt; tạo động lực to lớn đối với cách mạng cả nước.
3. Đảng kiên định hai nhiệm vụ chiến lược (1965 – 1975)
Năm 1965, bị thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, để cứu vãn nguy cơ chính quyền tay sai ở miền Nam bị sụp đổ, Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam trực tiếp tham chiến, tiến hành “chiến tranh cục bộ”, đồng thời mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, đánh phá ác liệt cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân miền Bắc. Bên cạnh đó, Mỹ từng bước thực hiện hòa hoãn, bình thường hóa quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc nhằm cô lập Việt Nam. Trong bối cảnh mới, Đảng vẫn kiên định đường lối cách mạng trong tình trạng cả nước có chiến tranh, tiếp tục xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa sản xuất, vừa chiến đấu; đồng thời đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Nhân dân cả nước xác định chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của nhân dân hai miền Nam – Bắc, là quyết tâm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đến ngày toàn thắng, thực hiện thống đất nước.
Kiên định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền, tháng 3-1965, HNTƯ 11, khóa III ra Nghị quyết (đặc biệt) “Về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt”. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ chung trên cả hai miền Nam - Bắc: “tích cực kiềm chế và thắng địch trong cuộc chiến tranh đặc biệt ở mức cao nhất ở miền Nam, ra sức tranh thủ thời cơ, tập trung lực lượng của cả nước giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong thời gian tương đối ngắn…; kiên quyết bảo vệ miền Bắc, ra sức động viên lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam...” 11.
Tháng 12-1965, HNTƯ 12 ra Nghị quyết “Về tình hình và nhiệm vụ mới”. Hạ quyết tâm chiến lược đối với cách mạng cả nước, Nghị quyết chỉ rõ phương hướng đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính: “Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh vô địch của toàn dân nhưng về lực lượng vật chất thì ở trong điều kiện lấy yếu đánh mạnh, phải trải qua quá trình chiến đấu lâu dài mới đủ sức để chiến thắng địch hoàn toàn”12. Tuy vậy, Nghị quyết cũng xác định: Trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, trên cơ sở tiếp tục quán triệt và vận dụng phương châm đánh lâu dài, chúng ta cần phải cố gắng cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam13.
Riêng miền Bắc, Nghị quyết HNTƯ 12 nêu 6 nhiệm vụ: một là, bảo vệ miền Bắc, đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chuẩn bị đánh thắng địch nếu chúng mở rộng chiến tranh cục bộ ra cả nước; hai là, động viên sức người, sức của, tăng cường chi viện miền Nam; ba là, ra sức xây dựng miền Bắc vững mạnh về kinh tế và quốc phòng; bốn là, tích cực giúp đỡ cách mạng Lào; năm là, tăng cường công tác tư tưởng và công tác tổ chức Đảng; sáu là, đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, tích cực tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới. Nghị quyết kêu gọi: “Phải có tinh thần chiến đấu cao, dũng cảm phi thường, phải có chí khí anh hùng và quyết tâm dời non lấp biển, đạp bằng bất cứ trở ngại nào, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, đánh bại bất cứ kẻ thù nào”14 .
Thực hiện chủ trương của Đảng, nhất là trong bối cảnh đế quốc Mỹ tăng cường ném bom đánh phá, miền Bắc chuyển hướng phát triển kinh tế, kiên định xây dựng CNXH trong điều kiện có chiến tranh. Dưới bom đạn ác liệt, chủ trương chuyển hướng xây dựng kinh tế đã được thực hiện khẩn trương và có hiệu quả. Dù đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc tới nấc thang cao nhất vào tháng 12-1972; miền Bắc chiến đấu kiên cường, lập nên chiến công vang dội, giáng cho không quân chiến lược Mỹ đòn thất bại nặng nề, mà kết quả là Chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng mọi hoạt động ném bom bắn phá và thả mìn phong tỏa miền Bắc Việt Nam.
Ở miền Nam, khi Mỹ leo thang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng ở miền Nam, quân dân miền Nam đánh thắng Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường, Bầu Bàng, Đất Cuốc, Plâyme,… đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 -1966 và 1966 - 1967, làm thất bại kế hoạch tìm và diệt, bình định nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Khi Mỹ dùng chiêu cuối cùng là “Việt Nam hóa chiến tranh”, từ năm 1969, quân dân miền Nam không hề run sợ trước những thủ đoạn nham hiểm, xảo trá mới của kẻ thù mà kiên định tiến công, quyết chiến quyết thắng. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã làm thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam.
Thắng lợi của quân và dân hai miền Nam – Bắc, đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng, hai hệ thống quy luật cách mạng XHCN và cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc hai chiến lược cách mạng khác nhau đã được Đảng vận dụng sáng tạo, làm nên thắng lợi của từng miền và thắng lợi chung của cả nước. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đánh dấu thắng lợi vẻ vang của quá trình kiên định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng; của năng lực lãnh đạo cũng như bản lĩnh độc lập, tự chủ của Đảng.
Qua diễn trình lịch sử trên cho thấy kiên định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước đã cho phép Đảng kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, đó là sức mạnh của nền độc lập dân tộc với sức mạnh của CNXH. Hai nguồn sức mạnh ấy tác động và thúc đẩy lẫn nhau tạo thành sức mạnh vô địch của nhân dân hai miền Nam - Bắc, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra của cách mạng. Chính tính độc đáo trong quá trình lãnh đạo này của Đảng đã tạo ra điều thần kỳ của dân tộc Việt Nam như lời của một ký giả Mỹ tên là Peter Arnet của hãng AP ngày 2-10-1972: “Chúng tôi đã phải lắc đầu ngạc nhiên không phải trước sự tàn phá của bom từ trên trời, mà trước sức sống của những người dưới đất”15.
Kiên định hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là nét độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử thế giới khi so sánh với một số nước có cùng hoàn cảnh chia cắt với hai chế độ chính trị khác nhau. Chính phía Mỹ cũng phải thừa nhận: “Đối phương đã tìm ra được một chiến lược khôn khéo đến mức rất nguy hiểm để đánh bại Mỹ… Nước ngoài không bao giờ có thể địch nổi chiến lược đó”16.
Với bản lĩnh độc lập, tự chủ, Đảng đã sớm xác định sự nghiệp cách mạng ở miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp tới cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam; cách mạng CNXH ở miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với thắng lợi chung của cả nước. Nhờ đó, đã phát huy cao độ và làm bùng nổ sức chiến đấu mạnh mẽ của đồng bào hai miền đất nước; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần kiên trì, bất khuất, chịu đựng gian khổ trong mọi giai tầng; đoàn kết, một lòng một dạ hướng đến thắng lợi cuối cùng.
Kiên định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng của Đảng trong giai đoạn 1954-1975 đã đưa cách mạng Việt Nam đến những thắng lợi to lớn, kết túc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước thống nhất, đi lên CNXH. Sự kiên định đó của Đảng đã để lại nhiều kinh nghiệm quý giá như: vấn đề xác định đường lối chính trị, phương pháp cách mạng; vấn đề chiến lược, sách lược; vấn đề khoa học cách mạng và nghệ thuật lãnh đạo…

Ngày nhận: 27-9-2024 ; ngày thẩm định, đánh giá: 20-2-2025; ngày duyệt đăng: 28-2-2025
15. Dẫn theo: Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 289
16. Dẫn theo: Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975, Tập I – Nguyên nhân chiến tranh, Nxb CTQG, H, 2013, T, 1, tr. 142-143.