Tóm tắt: Trong quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức được tầm quan trọng của khoa học, công nghệ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng đã có nhiều chủ trương, giải pháp phát triển và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong sản xuất và đời sống. Ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là yếu tố quyết định, là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Bài viết tập trung làm rõ chủ trương của Đảng và những kết quả chủ yếu về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số từ năm 2016 đến năm 2024.

Từ khóa: Khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; Nghị quyết 57-NQ/TW

1. Chủ trương của Đảng

Đại hội XII (2016), lần đầu tiên khoa học, công nghệ được đưa thành một mục riêng, trong Văn kiện Đại hội (mục VI- Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ), không gộp vào với các vấn đề khác (giáo dục đào tạo, văn hóa, môi trường) như trong các Văn kiện Đại hội trước. Đặc biệt, lần đầu tiên Đảng khẳng định: Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu1. Khi thêm vào hai chữ “thực sự” trước cụm từ “là quốc sách hàng đầu”, Đảng nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển khoa học, công nghệ, đặt ra yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ của đất nước lên một tầm cao mới, khắc phục những yếu kém trước đó, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Mọi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội phải dựa vào khoa học, công nghệ và thực hiện bằng khoa học, công nghệ; khoa học, công nghệ phải là động lực chủ yếu, đứng hàng thứ nhất và đi trước một bước.

Trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực chủ yếu và là chiến lược phát triển quan trọng của các quốc gia. Để hòa nhịp với xu thế phát triển chung của nhân loại, Việt Nam cũng đã tạo lập và triển khai thực hiện các hoạt động theo chiến lược đổi mới sáng tạo.

Năm 2016, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đề cập đến khái niệm “đổi mới sáng tạo” và khẳng định đổi mới sáng tạo cùng với khoa học, công nghệ trở thành động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Đại hội xác định: “Động lực quan trọng nhất và cũng là điều kiện để đổi mới mô hình tăng trưởng là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”2, do đó cần phải: “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động”3, “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ. Tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức”4.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động, ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đảng xác định đây là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; là giải pháp đột phá và là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 52-NQ/TW đã đề cập đến ba trụ cột chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết chỉ rõ: Nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”5. Do đó, cần phải tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để “phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”6. Để phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, Đảng chủ trương “xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”7. “Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo”. Đồng thời, “hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia”8.

          Đại hội XIII (2021), Đảng xác định: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”9. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nhấn mạnh: Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế10. Trong đó, cần phải tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội Đảng, vấn đề chuyển đổi số được đề cập đến nhiều lần. Văn kiện Đại hội nhấn mạnh “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”11. Chuyển đổi số trở thành động lực quyết định tăng năng suất lao động, lợi thế cạnh tranh trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, với quan điểm chỉ đạo: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”12.

Lần đầu tiên, tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã được đặt lên ở vị trí là yếu tố quyết định… là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc… là đột phá quan trọng hàng đầu”13, với những mục tiêu quan trọng cùng các giải pháp rất quyết liệt. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có “tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến”14. Về tầm nhìn đến năm 2045: “Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến”15. Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần phải nghiêm túc thực hiện.

Khác với những nghị quyết trước đây như Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Nghị quyết số 57-NQ/TW ra đời như một mũi nhọn tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn từ nhận thức chung đến thể chế, từ đó giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đưa ra cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, xác định đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ bắt buộc trong giai đoạn hiện nay để phát triển đất nước. Nghị quyết số 57-NQ/TW nêu quan điểm liên quan đến thúc đẩy hợp tác công tư, hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học công lập với doanh nghiệp, khối tư nhân; kêu gọi các nguồn lực đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng nghiên cứu phát triển. Đồng thời, đưa ra những quan điểm theo kịp thời đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số như: Coi dữ liệu là một nguồn tài nguyên mới, nguồn tư liệu sản xuất mới, từ đó đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; có cơ chế thuê chuyên gia theo mức của thị trường. Cùng với đó, đổi mới cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu từ các đề tài nghiên cứu của ngân sách nhà nước đối với các đơn vị chủ trì để họ tiếp tục đầu tư phát triển, đưa kết quả, ứng dụng phát huy vào thực tiễn, tạo công ăn việc làm, các sản phẩm để từ đó đóng góp cho đất nước, cho ngân sách; thúc đẩy cơ chế quỹ trong các quỹ đầu tư của nhà nước cho khoa học công nghệ; cải cách cơ chế quản lý, triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ, cơ chế tài chính sao cho thông thoáng, nhanh và đạt hiệu quả cao nhất…

Nội dung Nghị quyết số 57-NQ/TW mang tính hành động rất cao, như lời hiệu triệu bộ máy chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc, có hành động cụ thể. Đối với hệ thống khoa học công nghệ là yêu cầu rà soát, tái cơ cấu các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo hướng sáp nhập, giải thể những tổ chức yếu kém, hoạt động chưa hiệu quả; chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng và triển khai chương trình công nghệ chiến lược liên quan đến những lĩnh vực mới như: Trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT), bán dẫn, phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, phủ sóng 5G.

2. Những kết quả chủ yếu

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã có những đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống. Khoa học xã hội và nhân văn đóng góp tích cực, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Khoa học tự nhiên cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiếp tục được tăng cường. Nhiều thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, thông tin, công nghiệp,... Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hoá, xã hội, con người Việt Nam.

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 40,68% tăng lên 44,8% năm 2023. Hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tiếp tục phát triển năng động, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Trên bảng xếp hạng của thế giới, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đạt được nhiều bước tiến vượt bậc. Từ vị trí xếp hạng thứ 59 (năm 2016) đã tăng lên vị trí 44 (năm 2024), tăng 15 bậc trong 8 năm16.

Chuyển đổi số của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2020, Việt Nam khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia, chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã tăng từ 0,48 năm 2020, lên 0,75 năm 2023. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% với tốc độ phát triển kinh tế số vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP17. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam đạt gần 18,3%, tăng trưởng 20% so với năm 202318.

Năm 2023, Việt Nam đã kiến tạo thành công nền tảng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và có những đơn hàng lớn trong năm 2023, 2024, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ về phát triển các công nghệ chủ chốt của công nghiệp lần thứ tư như: Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, Robot tiên tiến, In 3D, Công nghệ thực tế ảo,...

Kết quả xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam có những thành tựu lớn. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 89 trong tổng số 193 quốc gia19 đã tăng lên 18 bậc, xếp thứ 71 năm 202420 (so với năm 2022, tăng 15 bậc). Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có bước nhảy vọt về kết quả xây dựng Chính phủ điện tử kể từ khi tham gia vào đánh giá xếp hạng năm 2003.

Số lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân và doanh nghiệp ở cấp độ 4 ngày càng tăng, từ 1.378 dịch vụ (năm 2016) đã tăng lên 66.271 (năm 2022), tăng 48 lần trong 6 năm. Trong giai đoạn 2015 - 2021, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu, phát triển (R&D) tăng gần gấp đôi, từ 18.496 tỷ đồng (năm 2015) lên 36.066 tỷ đồng (năm 2021). Cơ cấu nhân lực nghiên cứu và phát triển của Việt Nam đã có sự gia tăng tương đối ổn định, đặc biệt, tỉ lệ nhà nghiên cứu có trình độ tiến sĩ tăng nhanh, từ khoảng 11% (năm 2015) lên 15,62% (năm 2021). Số lượng nhà nghiên cứu (FTE) tăng từ 62.886 (năm 2015) lên 75.665 (năm 2021)21.

Tổng số bài báo của Việt Nam công bố trên các tạp chí khoa học, công nghệ quốc tế giai đoạn 2018-2023 là 96.211 bài (theo cơ sở dữ liệu Scopus). Đặc biệt, số lượng bài báo tăng gấp 2,2 lần, từ 8.874 bài năm 2018 lên 19.406 bài năm 2023, với tốc độ tăng trung bình cả giai đoạn là 20,8%22. Trong đó, kỹ thuật và khoa học máy tính là 2 lĩnh vực có số lượng công bố quốc tế chiếm ưu thế ở Việt Nam, chiếm 50% tổng số công bố.

Thị trường khoa học, công nghệ ở Việt Nam đã dần hình thành, phát triển và đạt được một số thành tựu đáng kể. Việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với giá trị xuất khẩu đạt 53,2 tỷ USD vào năm 202223.

Mặc dù quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra một số hạn chế: “Tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức”24.

So với các nước có nền khoa học, công nghệ phát triển, quy mô đầu tư và nguồn nhân lực nghiên cứu, phát triển của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ, có sự chênh lệch lớn cả về số lượng và tỉ lệ. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ ba về số lượng nhà nghiên cứu theo FTE, sau Indonesia và Thái Lan. Về tỷ lệ nhà nghiên cứu trên tổng số dân, Việt Nam có 7,68 nhà nghiên cứu trên 1 vạn dân, còn cách khá xa so với Singapore (74,88) và Thái Lan (20,24).

Hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ với pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, đấu thầu,…; chưa phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; chưa có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu và phát triển.

Đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vẫn còn nhiều vướng mắc. Còn thiếu nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học tài năng, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế đủ năng lực giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ lớn, các dự án cấp quốc gia quan trọng; thiếu tổng công trình sư có khả năng chủ trì các dự án khoa học, công nghệ quy mô lớn.

Thị trường khoa học, công nghệ còn chậm phát triển; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu.

Bước vào kỷ nguyên mới, Đảng nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đồng tâm, hiệp lực, chung sức, đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, biến thách thức thành thời cơ, đẩy lùi các nguy cơ, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

 

Ngày nhận  bài:3-1-2025; ngày thẩm định, đánh giá: 16-2-2025; ngày duyệt đăng: 28-2-2025

1, 2, 3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb CTQGST, H, 2019, phần II (Đại hội X, XI, XII), tr. 584 và 667, 581, 645, 792

5, 6, 7, 7, 8. Bộ Chính trị: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-52-nqtw-ngay-2792019-cua-bo-chinh-tri-ve-mot-so-chu-truong-chinh-sach-chu-dong-tham-gia-cuoc-cach-mang-cong-5715

9, 10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST H, 2021, T. 1, tr. 214, 227, 115

12. 13, 14, 15, 24. Bộ Chính trị: Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024 “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-57-nqtw-ngay-22122024-cua-bo-chinh-tri-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-11162

16. Xem: https://baodautu.vn/viet-nam-tiep-tuc-thang-hang-ve-chi-so-doi-moi-sang-tao-toan-cau-), truy cập ngày 25-2-2025

17, 21, 22, 23. Bộ Khoa học và Công nghệ: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, H, 2024, tr. 18, 69-72, 77, 129

18. Xem: “Kỳ vọng tỷ trọng kinh tế số chiếm 20,5% GDP vào năm 2025”, https://vneconomy.vn/ky-vong-ty-trong-kinh-te-so-chiem-20-5-gdp-vao-nam-2025.htm, ngày 30-12-2024

19. Xem: UN: “UN E-Government Survey 2016”, https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/reports/un-e-government-survey-2016

20. Xem: UN: “UN E-Government Survey 2024”, https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Reports/UN-E-Government-Survey-2024