Tóm tắt: Trước tình hình thế giới và Việt Nam có nhiều chuyển biến, tháng 7-1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Thượng Hải, đã đề ra đường lối và phương pháp đấu tranh mới, với mục tiêu chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là đấu tranh chống chế độ thuộc địa, chống phát xít và chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Bài viết tập trung làm rõ chủ trương của Đảng nhằm xây dựng lực lượng cách mạng, kêu gọi các giai tầng, đảng phái chính trị trong cuộc vận động vì các quyền dân sinh, dân chủ trong những năm 1936-1939.
Từ khóa: Chủ trương; Đảng Cộng sản Đông Dương; xây dựng lực lượng; 1936-1939
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế (1929-1933), tình hình thế giới có nhiều thay đổi. Trước sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa phát xít, nguy cơ chiến tranh đế quốc, phong trào chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh đã lan rộng ở nhiều nơi, Đại hội VII (7-1935) của Quốc tế Cộng sản vạch rõ kẻ thù nguy hiểm lúc này của nhân dân thế giới là chủ nghĩa phát xít, nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh đế quốc, giành dân chủ, hòa bình. Đại hội chủ trương xây dựng Mặt trận thống nhất của giai cấp công nhân, trên cơ sở đó thiết lập mặt trận nhân dân rộng rãi đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Ở Đông Dương, chính quyền Pháp chủ trương tạm thời xoa dịu thuộc địa bằng những biện pháp “cải cách” trên một số lĩnh vực như: ban hành Luật Lao động, Luật Tự do báo chí, điều chỉnh điều kiện nhập “làng Tây”, nới lỏng quy định nhập cư vào Pháp; ban hành Luật Ân xá tù chính trị, Luật xã hội... Những thay đổi đó là điều kiện hết sức thuận lợi cho sự ra đời của phong trào đấu tranh của nhân dân đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, hệ thống tổ chức đảng.
Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Đông Dương chuyển hướng đấu tranh thực hiện mục tiêu dân sinh, dân chủ, chống phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh; thành lập mặt trận rộng rãi xây dựng lực lượng cách mạng.
1. Đảng Cộng sản Đông chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và sự thành công của cách mạng chủ yếu phụ thuộc vào việc tập hợp được quần chúng, xây dựng được lực lượng cách mạng trong quần chúng. Tư tưởng về xây dựng lực lượng cách mạng là cơ sở lý luận và bài học thực tiễn quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam.
Xuất phát từ đặc điểm của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, nơi thực dân Pháp đặt ách thống trị trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đều bị cai trị, áp bức, bóc lột. Vì vậy, ở Việt Nam, độc lập dân tộc là lợi ích chung của toàn dân tộc và tất cả các giai tầng trong xã hội đều có khả năng tham gia phong trào giải phóng dân tộc.
Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (đầu năm 1930) nêu rõ: "Đảng… phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng… Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp... "1. Thực hiện chủ trương này, ngay sau đó phong trào cách mạng 1930-1931 đã bùng lên, mà đỉnh cao là cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Lần đầu tiên giai cấp công nhân và nông dân phối hợp đấu tranh kiên cường, anh dũng chống thực dân, phong kiến2. Tuy nhiên, phong trào này đã bị thực dân Pháp dập tắt, bằng những hành động khủng bố trắng.
Sự khủng bố khốc liệt của thực dân Pháp trong những năm 1931-1935 gây tổn thất rất lớn cho phong trào cách mạng. Hầu hết các cấp bộ Đảng cùng các đảng viên trong phong trào bị địch bắt, bị thủ tiêu hoặc cầm tù. Sự khủng bố trắng của kẻ thù gây tổn thất to lớn cho phong trào cách mạng nên chủ trương mở rộng thực lực cách mạng Đảng chưa thực hiện được.
Trong những năm 1936-1939 tình hình quốc tế có những yếu tố mới tác động đến cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Đông Dương kịp thời chuyển hướng chỉ đạo cách mạng, tạm gác mục tiêu giải phóng dân tộc, tập trung xây dựng lực lượng cách mạng, lôi kéo quảng đại quần chúng vào mục tiêu đấu tranh, cụ thể là chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình3.
Đảng cũng chủ trương sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của công tác tuyên truyền và vận động cách mạng trong những năm 1930-1935. Trong “Thư công khai của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi các đồng chí toàn Đảng” đã viết: “Những đồng chí hiểu lầm rằng công tác tổ chức đảng bộ là quan trọng, còn công tác quần chúng là phụ thuộc, nên họ hoàn toàn phân khai công tác đảng với công tác quần chúng. Vì lẽ đó mà cứ cặm cụi tổ chức đảng viên trong xó tối, mà quên hẳn công tác vận động quần chúng, vì chính sách đóng cửa do đó mà Đảng ít phát triển, ít có liên lạc với quần chúng cũng do đó mà các đảng bộ ...”4.
Để khắc khục tình trạng trên, Đảng yêu cầu các đảng bộ hạ cấp5 cần biết tự vận động và phát triển công tác tuyên truyền, phái người vào cơ quan tuyên truyền của các đảng phái, công khai tuyên truyền chủ nghĩa xã hội ở các đảng phái đó, gặp các ngày cách mạng tranh đấu cần nhanh chóng tuyên truyền luận cương chính trị, phân phát truyền đơn, dán biểu ngữ khắp nơi.
Từ tháng 6-1936 đến cuối năm 1936, Đảng đã phát hành thư công khai của Trung ương Đảng gửi toàn Đảng và một số tài liệu tuyên truyền để hướng dẫn, giải thích về việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược và chủ trương về cuộc vận động Đông Dương Đại hội. Các tài liệu tuyên truyền trên, nhất là cuốn sách Chung quanh vấn đề chiến sách mới đều vạch rõ: “Mặt trận nhân dân phản đế là cuộc liên hợp hết các giai cấp trong toàn dân tộc bị áp bức đặng tranh đấu đòi những đều quyền lợi hàng ngày cho toàn dân, chống chế độ thuộc địa vô nhân đạo, để dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển” 6.
Đối với các tổ chức quốc gia và cải lương, Đảng vừa lôi kéo, hợp tác, vừa đấu tranh chống lại mặt tiêu cực và mưu đồ tranh giành quyền lãnh đạo của họ. Năm 1936, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5), cùng với việc nêu các khẩu hiệu đấu tranh, Đảng kêu gọi thành lập Mặt trận thống nhất. Đảng phát hành “Thư ngỏ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Việt Nam Quốc dân Đảng và gửi tất cả các nhóm và các tổ chức cách mạng quốc gia, các nhóm chống đế quốc, các tổ chức cải lương và phản động, các phần tử cách mạng biệt lập ở Đông Dương”7.
Về công tác Mặt trận trong tình hình mới, tùy theo điều kiện từng nơi có thể lập Mặt trận “từ trên xuống dưới, hay từ dưới lên rồi sau sẽ thống nhất lên trên”. Quan trọng là phải xây dựng cơ sở cho Mặt trận, nghĩa là phải tuyên truyền phát triển rộng rãi các hội quần chúng công khai, nửa công khai rồi cử đại biểu vào tham gia các Ủy ban hay Mặt trận. Chủ trương của Đảng là lập Mặt trận rộng rãi bao gồm không những đại đa số nhân dân trong nước mà cả những người Pháp dân chủ thống nhất hành động theo chương trình chung.
Hội nghị Trung ương tháng 9-1937 và HNTƯ tháng 3-1938 đã kiểm điểm tình hình các mặt, chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm trên công tác tuyên truyền: phê phán khuynh hướng cô độc, hẹp hòi trong tranh đấu và sự thỏa hiệp với nhóm Tờrốtkít của một số cán bộ ở Nam Kỳ.
2. Kêu gọi các giai tầng, đảng phái chính trị trong cuộc vận động vì các quyền dân sinh, dân chủ (1936-1939)
Để thực hiện được mục tiêu đoàn kết mọi giai tầng trong Mặt trận chung, Đảng chú trọng công tác xây dựng lực lượng cách mạng, chỉ ra những mặt hạn chế trong vận động quần chúng, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp, đảng phái trong tranh đấu. Trong "Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương", Đảng phân tích nguyên nhân chủ yếu khiến cách mạng Đông Dương còn non yếu, phân tán là do “các đảng và tổ chức cách mạng ở Đông Dương không biết đoàn kết chặt chẽ chống kẻ thù chung, chủ nghĩa đế quốc Pháp”. Chính bởi vậy, “Đảng Cộng sản Đông Dương đề nghị cùng tất cả các đảng quên đi những sự hiểu lầm trong quá khứ để tập trung mọi lực lượng đấu tranh của các đảng cho phong trào chống đế quốc”8.
Tháng 6-1936, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất tranh đấu phản đế đảm bảo những nguyên tắc chặt chẽ: “Các đảng phái cách mạng cùng nhau liên hiệp tranh đấu không được kỳ thị nhau, trái lại phải giúp đỡ nhau, phải ủng hộ lẫn nhau, nhưng Đảng Cộng sản phải luôn giữ quyền tự do về đường chỉ trích và chính trị riêng mình”. Chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất cần phải “tùy điều kiện hiện thực, tùy trình độ cách mạng của các đảng phái khác”9.
Trong “Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi tất cả các đảng phái và các dân tộc ở Đông Dương” (26-7-1936) của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đã chỉ rõ: Ách áp bức dân tộc mỗi ngày một nặng nề thêm, tất cả các tầng lớp nhân dân đều bị đàn áp, những cuộc xung đột đẫm máu diễn ra, những hình thức đấu tranh mỗi ngày mỗi tăng nhưng, các cuộc đấu tranh đó cho đến nay còn lẻ loi nên đều thất bại. Từ đó, Đảng kêu gọi tất cả các đảng, tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận nhân dân thống nhất hành động nhằm đấu tranh chống áp bức và bất bình đẳng dân tộc, vì những quyền tự do dân chủ cho tất cả các dân tộc ở Đông Dương...“những người cộng sản kêu gọi tất cả các đảng phái hãy từ bỏ những sự cãi cọ cũ... Chỉ có hành động của quần chúng rộng rãi, của toàn dân tộc mới có thể làm cho chúng ta giành được nó, còn hoạt động của một vài nhân vật không có sự hậu thuẫn của đa số nhân dân thì sẽ trở nên bất lực”10.
Hội nghị lãnh đạo chủ chốt BCH Trung ương và Ban Chỉ huy ở ngoài họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) tháng 7-1936 chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi nhằm liên hiệp hết các từng lớp nhân dân, các lực lượng cải cách dân chủ tiến bộ, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc, vào một mặt trận dân chủ thống nhất, để chống phản động thuộc địa, chống phát - xít, đòi tự do, cơm áo, hòa bình11. Phong trào Đại hội Đông Dương - một hình thức phôi thai của Mặt trận Dân chủ được nhân dân cũng như nhiều tổ chức chính trị ở 3 kỳ (Nam - Trung - Bắc) hưởng ứng nhiệt liệt.
Trong “Nghị quyết của khoáng đại Hội nghị của toàn thể Ban Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương” đã nhấn mạnh việc thực hiện Mặt trận thống nhất Đông Dương: “... Đảng bắt buộc các đồng chí công khai phải mật thiết liên lạc với các đoàn thể tả phái của người Pháp và các chính đảng của người bản xứ. Trong khi Mặt trận thống nhất Đông Dương chưa thực hiện xong, thì ta cần phải thương lượng với các đảng phái khác mà công khai hoạt động”12.
Đến tháng 3-1938, Đảng thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Mặt trận được xây dựng trên nguyên tắc tập hợp liên hiệp các tầng lớp nhân dân, các đảng phải tấn bộ để chống phát xít và chế độ thuộc địa phản động. Mặt trận là tổ chức phản đế rộng rãi của quần chúng nhân dân do Đảng lãnh đạo và xây dựng Mặt trận được xác định là nhiệm vụ chính trị trung tâm của của cách mạng Việt Nam lúc ấy13.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với các đảng phái, các lớp nhân dân (27-4-1939) nêu rõ: “hoạt động cô độc tức là chia rẽ, làm yếu lực lượng dân chúng, tức là trực tiếp hay gián tiếp giúp cho phe phản động đàn áp; trái lại chỉ có đoàn kết thống nhất, gây thành một lực lượng mới mẻ, thì sự đòi hỏi hợp pháp của ta mới có hiệu quả và thắng lợi”; “Một lần nữa, chúng tôi cần nhắc lại cho các lớp nhân dân, các đảng phái thấy rõ thái độ chúng tôi trong giai đoạn hiện thời là chủ trương "các đảng phái dân chủ, các lớp nhân dân, vô luận người Pháp cấp tiến hay người bản xứ có trách nhiệm thiêng liêng và khẩn cấp là thống nhất các lực lượng dân chủ ở xứ này đoàn kết khăng khít với bình dân Pháp để đòi các quyền tự do dân chủ, bênh vực hoà bình và đòi cải thiện sinh hoạt cho dân chúng"; “chúng tôi nhận thấy rằng trong cuộc vận động cách mạng hiện tại của dân chúng Đông Dương, điều cốt yếu và cần thiết là đòi các quyền tự do dân chủ và các điều cải cách cần thiết cho sự tấn bộ của dân tộc của xứ sở"14.
Chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng thông qua vận động tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc vào một Mặt trận Dân chủ thống nhất, để chống lại chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, vì tự do, cơm áo, hòa bình là chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1936-1939. Tuy nhiên, trong quá trình vận động cách mạng, Đảng luôn đặt ra nguyên tắc và giới hạn đối với việc liên hiệp với các đảng phái, tổ chức chính trị: “người cộng sản không thể liên minh với những tổ chức phát xít, những tổ chức làm tay sai cho phát xít, cho phản động thuộc địa, dù của người Pháp hay người bản xứ”15. Đảng Cộng sản Đông Dương nhận thấy sự cần thiết liên hiệp lực lượng dân chủ toàn xứ, để đối phó với thế lực phản động, cần thiết mở rộng lực lượng dân chủ để chống xâm lược phát xít Nhật. Đảng không chủ trương đánh đổ một đảng phái nào hay một giai cấp nào của người bản xứ nhưng luôn kịch liệt phản đối những cá nhân phản động, vô luận thuộc về giai cấp nào, đảng phái nào. Đảng cho rằng giai cấp phú hào bản xứ trong hoàn cảnh mới không phải là hoàn toàn phản động và Đảng Lập hiến cũng vậy, trong ấy vẫn có nhiều phần tử muốn cải cách dân chủ. Đối với những đảng phái hay phần tử trước kia ngược lại với chủ nghĩa cộng sản, chống với quyền lợi quần chúng, ngày nay hoàn toàn đổi mới, nếu họ nhận thấy thời thế thay đổi, cần phải hy sinh ý kiến cá nhân để bênh vực quyền lợi chung cho đồng bào và xứ sở, bỏ qua sai lầm của họ mà tiếp cận và hợp tác với họ, nếu sự hợp tác ấy có ích cho quyền lợi quần chúng, và xứ sở. Trái lại, dù người nào đã có công lao với quần chúng, đã tranh đấu vì cách mạng, mà nay họ đi sai đường lạc lối, hữu ý hay vô tình trở nên phản động, thì chúng tôi sẽ kịch liệt công kích không kiêng nể16.
Trong vận động, mở rộng lực lượng cách mạng, điều cốt lõi là phải đấu tranh với các đảng phái phản động, phải “phân biệt kẻ nguy hiểm nhiều với kẻ nguy hiểm ít là cốt lợi dụng mâu thuẫn trong dinh lũy quân thù tập trung mũi nhọn chống kẻ thù nguy hiểm hơn hết để dự bị lực lượng cho cách mệnh”17.
Từ năm 1937 trở đi, Đảng Cộng sản Đông Dương nhận thấy mối nguy hại của Tờrốtxkít - “bọn cách mạng đầu môi chuyên môn phá hoại cuộc vận động quần chúng, khiêu khích chia rẽ”18 đối với cuộc vận động dân chủ nói chung nên đã bước vào cuộc đấu tranh quyết liệt với nhóm Tờrốtxkít. Đó là cuộc đấu tranh từ chỗ bí mật đã trở nên công khai, rộng rãi trên mặt báo, trên các diễn đàn, ở các cuộc mít tinh và biểu tình và các cuộc vận động bầu cử, bao gồm cả về lý luận và tổ chức, liên quan đến hầu hết các vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng trong nước cũng như những vấn đề chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Với sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng trong giai đoạn đấu tranh mới, hình thức đấu tranh và tập hợp lực lượng cách mạng trong những năm 1936-1939 rất phong phú, đa dạng: số lượng báo chí công khai của Đảng, của Mặt trận hiện ngày càng nhiều như tờ Tin Tức; Đời Nay (ở Hà Nội); Le Peuple, Dân Chúng (ở Sài Gòn), Sông Hương Tục bản (ở Huế)...; cuộc tranh cử và đấu tranh nghị trường19 thu hút nhiều tầng lớp trên tham gia; cuộc biểu dương lực lượng dân chủ tại Hà Nội trong cuộc mít tinh của trên 2 vạn người tại nhà Đấu Xảo (Hà Nội) nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938…
Kết quả thực hiện chính sách mới huy động lực lượng quần chúng vào tổ chức Mặt trận Dân chủ Đông Dương của Đảng đã tạo nên thời kỳ cách mạng mới trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ khối liên minh công - nông, đội chủ lực quân của cách mạng từng được xây dựng trong thời kỳ 1930-1931 đã qui tụ hàng triệu quần chúng xuất phát từ giai tầng xã hội, các đảng phái chính trị khác nhau trong quá trình vận động vì các quyền dân sinh, dân chủ giai đoạn 1936-1939.
Trong cuộc vận động cách mạng vì các quyền dân sinh dân chủ giai đoạn 1936-1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động mọi giai tầng, đảng phái trong Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (10-1936 - 3-1938) và Mặt trận Dân chủ Đông Dương (từ tháng 3-1938) nhằm mở rộng lực lượng, thực hiện mục tiêu cách mạng trong giai đoạn mới.
Giai đoạn 1936-1939, với chủ trương đúng đắn trong vận động quần chúng, mở rộng lực lượng, tăng cường thực lực cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương không những phục hồi và củng cố được tổ chức đảng trên toàn quốc mà còn trưởng thành vượt bậc cả về tư duy lý luận, hệ thống tổ chức, khả năng vận động quần chúng…, khẳng định được vị trí lãnh tụ không thể thay thế không chỉ của quần chúng công nông mà còn của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và dân chủ. Trong lịch sử chống thực dân Pháp cho đến giai đoạn này, chưa bao giờ có một phong trào nào huy động được quần chúng rộng rãi trong phạm vi toàn quốc, với các hoạt động sôi nổi như thời kỳ dân chủ 1936-1939. Kết quả chính sách của Đảng đã tập hợp được lực lượng quần chúng cách mạng thời kỳ 1936-1939 và nó tạo tiền đề thuận cho cách mạng Việt Nam. Bài học về tập hợp lực lượng và tổ chức mặt trận thống nhất đã trở thành bài học quý giá đối với Đảng Cộng sản Đông Dương trong những giai đoạn cách mạng sau này.
Ngày nhận bài: 7-9-2024; ngày thẩm định:18-9-2024; ngày duyệt đăng:28-9-2024
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.3, tr. 3
2, 3. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì tiến bộ xã hội, tiến lên giành những tháng lợi mới. Nxb ST, H, 1975, tr. 39, 39
4, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 15, 16, 17, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T.6, tr.19, 151-152, 7, 9, 42, 93-95, 296-297, 630, 461, 643, 462
5. Đảng bộ cấp dưới
11, 13. Nguyễn Văn Cừ: Tự chỉ trích, Nxb ST, H, 1983, tr. 26, 24-47
14. “Thư công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi cho các đảng phái”, báo Dân chúng số 23, 24, 25-10-1938
19. Tranh cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ (tháng 10-1937) và Viện dân biểu Bắc Kỳ (tháng 7-1938).