Tóm tắt: Bản Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa”, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội Liên hiệp thuộc địa thông qua ngày 24-5-1922. Sự kiện này nằm trong chuỗi những hoạt động đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc với tư cách là nhà cách mạng quốc tế. Tuyên ngôn chứa đựng nhiều tư tưởng lớn về quyền con người. Bài viết làm rõ một số tư tưởng và hoạt động chủ yếu của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh những năm đầu tiên trong cuộc đấu tranh lâu dài vì quyền của các nước thuộc địa và quyền con người.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa”; quyền con người
1. Vài nét về bối cảnh Nguyễn Ái Quốc viết Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa”
Chiến tranh thế giới I kết thúc, tia hy vọng nhỏ nhoi của các dân tộc bị áp bức về quyền dân tộc tự quyết, được nêu trong Chương trình 14 điểm của Woodrow Wilson (Tổng thống Hoa Kỳ), bị dập tắt ngay tại chính cái gọi là “Hội nghị Hòa bình” Versailles1. Chẳng những thế, các dân tộc thuộc địa còn chịu ách áp bức nặng nề hơn bởi chính sách bóc lột thuộc địa lần thứ hai, để bù đắp cho những phí tổn của các nước “bảo hộ” trong Chiến tranh thế giới (1914-1918).
Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thắng lợi và sự ra đời nước Nga Xô viết đã mở ra chân trời mới cho các dân tộc bị áp bức; đồng thời khích lệ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các lực lượng tiến bộ ở các nước tư bản. Vì thế, phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa từ thập niên thứ 2 của thế kỷ XX ngày càng dâng cao. Ở Việt Nam, đây là giai đoạn phong trào yêu nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ; giai cấp công nhân Việt Nam được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân cũng từng bước chuyển từ tự phát sang tự giác... Bối cảnh lịch sử nói trên đã dẫn đến nhu cầu cần liên kết phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa cho mục tiêu chung là quyền dân tộc tự quyết.
Sau khi tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (1920), Nguyễn Ái Quốc đã có bước thay đổi căn bản: Chuyển mạnh từ lập trường của những người yêu nước sang lập trường của những người XHCN, hoạt động theo phương pháp cách mạng mácxit. Đây cũng là lúc Nguyễn Ái Quốc đã làm chủ được ngôn ngữ Pháp2. Vì thế, các bài viết của Người từ năm 1921 trở đi đều thể hiện tính lý luận sâu sắc.
Cần lưu ý là, mặc dù vào thời điểm này, như Nguyễn Ái Quốc tự nhận, còn hạn chế về một số mặt3, nhưng căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu4 có thể khẳng định, Người là một trong những tác giả chính Bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Nhấn mạnh điều này vì cho đến nay, vẫn có những ý kiến cố tình xuyên tạc rằng, Nguyễn Tất Thành mạo nhận danh xưng Nguyễn Ái Quốc; thậm chí Nguyễn Tất Thành chỉ có vai trò “đưa kiến nghị” đến Hội nghị Versailles, chứ không có vai trò đáng kể nào đối với nội dung Bản yêu sách.
Hội Liên hiệp thuộc địa được thành lập và Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa” được thông qua sau hàng loạt hoạt động lý luận và thực tiễn mạnh mẽ, quyết liệt của Nguyễn Ái Quốc5 một lần nữa cho thấy, chính Người đã đóng vai trò chủ chốt của tổ chức chính trị này; đồng thời đây là sự tiếp nối nhất quán những tư tưởng và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể từ khi đưa “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Versailles (1919).
2. Tư tưởng về quyền con người trong Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa” và các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh những năm 1921-1922
Nghiên cứu Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa”, có thể thấy một số tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhân quyền chủ yếu dưới đây:
Thứ nhất, liên kết cuộc đấu tranh của các dân tộc trong một mặt trận chung vì quyền dân tộc tự quyết và quyền con người.
Quyền con người là một giá trị lớn của nhân loại. Trong đó, quyền dân tộc tự quyết (Right of peoples to self-determination) được xác định là một bộ phận không tách rời của quyền con người6. Kể từ khi xâm chiếm thuộc địa, bành trướng tư bản khắp thế giới (dưới danh nghĩa “khai hóa văn minh”, “bảo hộ”/“bảo trợ” các dân tộc nhỏ yếu, chậm phát triển), chủ nghĩa thực dân đã gây ra biết bao tội ác đối với các dân tộc. Các cuộc chiến tranh xâm lược đã tước đoạt quyền sống của biết bao người dân vô tội. Sau khi áp đặt bộ máy cai trị, dù là trực tiếp hay thông qua chính quyền của người bản xứ, các nước thực dân, điển hình là Pháp, không hề chia sẻ các giá trị “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” (những nội hàm cơ bản của nhân quyền). Ngược lại, các nước này còn thi hành chính sách hết sức thâm độc là kìm hãm các dân tộc trong tình trạng lạc hậu và kiềm toả các nước thuộc địa trong vòng cương tỏa của chúng.
Như vậy, chủ nghĩa thực dân đã chà đạp nghiêm trọng quyền của các dân tộc và quyền con người của nhân dân các nước thuộc địa. Xóa bỏ chế độ thực dân luôn là một yêu cầu cấp bách, nhưng đáp ứng yêu cầu đó như thế nào và bằng cách nào vẫn chưa có lời giải đáp hữu hiệu.
Quốc tế Cộng sản ra đời (3-1919) với cam kết ủng hộ cuộc đấu tranh của các nước thuộc địa, giúp đỡ cuộc đấu tranh giành quyền dân tộc tự quyết bằng những hành động cụ thể, nhưng để cuộc đấu tranh đó đi đến thắng lợi triệt để cần sự chung sức của tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới, trước hết là các dân tộc bị áp bức. Vì thế, Hội Liên hiệp thuộc địa ra đời được xem là tổ chức chính trị đầu tiên của các dân tộc bị áp bức cho mục tiêu này. Đây chính là vấn đề thuộc phương pháp cách mạng mácxit7. Theo sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch: “Ông Nguyễn bắt đầu tổ chức, hoặc đúng hơn là bắt đầu học tổ chức”8.
Việc một tổ chức của những người cùng chung mục tiêu đấu tranh cho quyền dân tộc tự quyết - Hội Liên hiệp thuộc địa - ra đời ngay tại Paris, “hang ổ” của chủ nghĩa thực dân, hết sức có ý nghĩa: vừa là sự khẳng định quyết tâm của các dân tộc bị áp bức đối với nền độc lập của mình, vừa là bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kiên trì mục tiêu cao cả này trong suốt cuộc đời cách mạng của mình.
Tuyên ngôn đặt ra câu hỏi cơ bản nhất của Hội Liên hiệp thuộc địa: Phải làm thế nào để được giải phóng? Là người mácxit, Nguyễn Ái Quốc đưa ngay câu trả lời chính xác: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”9; đồng thời Người khẳng định mục tiêu thành lập tổ chức này: “Hội Liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy”10.
Tuyên ngôn chỉ ra những công cụ nhân quyền sắc bén cho cuộc đấu tranh: “Biện pháp hoạt động: Để thực hiện sự nghiệp chính nghĩa ấy, Hội quyết định đưa vấn đề ra trước dư luận bằng báo chí và ngôn luận (tổ chức nói chuyện, mít tinh, thông qua các bạn dân biểu mà đặt vấn đề ra trên diễn đàn các nghị viện) và bằng tất cả mọi biện pháp mà chúng ta có thể làm”11. Đây vừa là sự vận dụng phương pháp cách mạng mácxit, vừa là sự rút tỉa từ sự trải nghiệm của chính Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc và được Hội sớm hiện thực hóa12.
Dựa trên quan điểm của Quốc tế Cộng sản, Tuyên ngôn chủ trương liên kết cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa với cuộc đấu tranh của các lực lượng tiến bộ ở chính nước đi xâm lược: “Với sự giúp đỡ của các đồng chí ở chính quốc đồng tình với sự nghiệp của chúng ta, Hội tập hợp tất cả những người quê ở thuộc địa hiện sống trên đất Pháp”13. Điều này được Nguyễn Ái Quốc thường xuyên lên tiếng và đấu tranh ở mọi diễn đàn, cả trong các cuộc họp của Đảng Cộng sản Pháp cũng như trong các hoạt động của Quốc tế Cộng sản...
Tuyên ngôn cũng rất coi trọng việc thức tỉnh người dân ở các nước đi xâm lược: “Hỡi các bạn bị áp bức ở chính quốc! Giai cấp tư sản trong nước các bạn đã lừa dối các bạn, dùng các bạn làm công cụ đi xâm lược đất nước chúng tôi. Ngày nay, vẫn dùng cái chính sách quỷ quyệt ấy giai cấp tư sản nước các bạn lại định dùng chúng tôi để đàn áp mọi cố gắng tự giải phóng của các bạn”, “Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”14.
Hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa sớm đạt được kết quả tích cực ngay tại nước Pháp. Sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cho biết: “Nhiều người Pháp hết sức căm phẫn khi biết được những chuyện xảy ra ở các thuộc địa: rượu, thuốc phiện, hối lộ, khủng bố v.v. Thường thường họ kêu lên: “Ô! Nhục nhã biết bao! Ô! Thật không tưởng tượng được! Tội ác thực dân tầy trời!”15. Sự thức tỉnh này đã dẫn đến việc hình thành một phong trào đấu tranh của các lực lượng tiến bộ ngay trên đất Pháp.
Như vậy có thể thấy, việc liên kết cuộc đấu tranh vì quyền dân tộc tự quyết có tính chất bao trùm trong hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa - cả ở mục tiêu thành lập Hội cũng như thể hiện trong nội dung Bản Tuyên ngôn. Với tư cách là người sáng lập và người soạn thảo Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa”, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có đóng góp lớn vào giá trị nhân quyền chung của nhân loại.
Thứ hai, tố cáo tội ác vi phạm nhân quyền của chủ nghĩa thực dân.
Tố cáo tội ác vi phạm nhân quyền của chủ nghĩa thực dân là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người. Chủ đề này xuyên suốt trong nhận thức và hoạt động của Người, ngay từ khi tham gia soạn thảo Bản Yêu sách của nhân dân An Nam (và là người trực tiếp chuyển đến những đại biểu chủ chốt của Hội nghị Versailles), cho đến khi soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ. Sở dĩ như vậy là vì Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thấu suốt một luận điểm nổi tiếng của C.Mác: “Cần phải làm cho ách áp bức hiện thực càng nặng nề hơn nữa, bằng gắn vào nó ý thức về ách áp bức; cần phải làm cho sự ô nhục càng ô nhục hơn nữa bằng cách công bố nó lên”16. Tố cáo tội ác vi phạm nhân quyền của chủ nghĩa thực dân được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thực hiện một cách có ý thức, liên tục vừa nhằm thức tỉnh các dân tộc bị áp bức và nhân loại tiến bộ, để hướng tới tập hợp mọi lực lượng vào mặt trận chung chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, vừa nhằm hoàn thiện “bản cáo trạng” đối với hiện tượng xã hội xấu xa này của lịch sử nhân loại.
Tuyên ngôn vạch trần thói tráo trở vốn có của giai cấp tư sản trước đây (trong thời kỳ tiến hành cách mạng tư sản) nay được lặp lại trong bối cảnh mới và dưới hình thức mới: “Năm 1914, vì phải đương đầu với một tai họa ghê gớm (tức chiến tranh thế giới lần thứ nhất - tác giả), những người cầm quyền nhà nước (tức các nước tư bản, thực dân - tác giả) đã quay về phía anh em (tức các dân tộc thuộc địa - tác giả) và yêu cầu anh em đồng tình góp phần hy sinh của mình để cứu vãn một tổ quốc mà người ta nói là của anh em, nhưng thật ra cho đến khi đó, anh em chỉ biết có cái đầu óc thống trị của nó mà thôi”17.
Nhằm thực hiện mưu đồ thâm độc, các nước này đã lòe bịp các dân tộc “Để làm cho anh em không ngần ngại, họ không quên làm loé lên trước mắt anh em những quyền lợi mà sự hợp tác với họ sẽ đưa lại cho anh em”18. Tuyên ngôn vạch mặt sự tráo trở này: “Nhưng qua cơn bão táp rồi, thì đâu lại hoàn đó, anh em vẫn phải sống trong chế độ bản xứ, với những tòa án đặc biệt, thiếu hẳn các quyền lợi gắn liền với phẩm giá con người như quyền tự do lập hội, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do đi lại ngay cả trên đất nước của anh em. Đó là về mặt chính trị”19. Điều đặc biệt ở đây là, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đúng nguồn gốc của các quyền con người, như các văn kiện nhân quyền của Liên Hợp quốc sau này luôn khẳng định “quyền con người xuất phát từ phẩm giá vốn có của con người”.
Tuyên ngôn còn vạch rõ những điều luôn bị coi là nghịch lý, bất công và khôi hài ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ thời đại nào, mà người dân thuộc địa vẫn phải gánh chịu: “Về mặt kinh tế, anh em vẫn phải chịu nạn sưu dịch nặng nề mà nhân dân oán ghét, vẫn phải đóng thuế muối, vẫn bị đầu độc và cưỡng bách tiêu thụ rượu và thuốc phiện như ở Đông Dương, vẫn bị đi gác đêm để canh giữ tài sản cho bọn cá mập thực dân, như ở Angiêri”20.
Tuyên ngôn vạch trần sự bất công mà ít người nhận thấy, đó là “Lao động như nhau, nhưng công sức của anh em lại bị trả tiền ít hơn các bạn người Âu của anh em”21. Đây cũng là một nghịch lý lớn khi chính nước Pháp (cùng với Hoa Kỳ) vốn là cái nôi của những tư tưởng tiến bộ “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng...” (bất kể dân tộc, màu da, ngôn ngữ và các vị thế khác).
Tuyên ngôn đi đến kết luận “Cuối cùng, người ta hứa hẹn với anh em đủ mọi thứ trên trời dưới biển, nhưng giờ đây anh em thấy toàn là những lời lừa dối cả”22.
Như vậy, chủ nghĩa thực dân đã dùng chính những quyền con người cơ bản để lừa bịp nhân dân các dân tộc thuộc địa và phản bội lại chính lời hứa về nhân quyền ấy. Đây là bản chất của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, mà sự khước từ tại Hội nghị Versailles về quyền dân tộc tự quyết (như lời hứa của W. Wilson) là một minh chứng. Từ thực tế này, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi đến khẳng định “Chủ nghĩa Uyn Xơn là một trò bịp lớn”.
Thứ ba, việc sử dụng tri thức nhân quyền trong Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa”.
Mặc dù thời gian nghiên cứu những vấn đề lý luận nói chung, lý luận mácxit nói riêng chưa lâu, song Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nắm vững những tri thức nhân quyền cơ bản - những nội dung mà vài chục năm sau mới được Liên Hợp quốc sử dụng. Đó là, coi “phẩm giá” là nguồn gốc của các quyền con người và đề cập các quyền con người cụ thể như: “quyền tự do lập hội, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do đi lại ngay cả trên đất nước của anh em”23.
Tác giả của Tuyên ngôn đã khuyến khích sử dụng một lợi thế to lớn của tự do tư sản là quyền tự do báo chí để tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân. Bên cạnh đó, Nguyễn Ái Quốc còn khích lệ hội viên tận dụng mọi cơ hội của nền dân chủ tư sản cho các hoạt động tuyên truyền. Chẳng hạn, tổ chức các cuộc nói chuyện, các buổi mít tinh và thông qua mối quan hệ với các nghị sỹ để thường xuyên đưa những vấn đề cấp thiết của các dân tộc thuộc địa ra diễn đàn của các nghị viện. Những biện pháp mang tính cách mạng này đã được Nguyễn Ái Quốc thường xuyên thực hiện suốt từ tháng 7-1919 đến những năm 20, thế kỷ XX24.
Như vậy, với những gợi ý của Tuyên ngôn về “biện pháp hoạt động”, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng thành thạo điều mà ngày nay thường gọi là “tiếp cận dựa trên quyền” trong cuộc đấu tranh giành lại quyền dân tộc tự quyết và các quyền con người.
3. Giá trị bền vững của Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa”
Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa” có sức tập hợp lực lượng mạnh mẽ và như sự tập dượt cho các hoạt động rộng rãi hơn của các nước/dân tộc thuộc địa, dưới sự dẫn dắt của Quốc tế Cộng sản. Trên cơ sở này, đã hình thành một mặt trận - một trong ba “dòng hợp lưu” lớn - làm xói mòn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Như vậy, để giành lại quyền dân tộc tự quyết, sự đoàn kết trong nước là chưa đủ, mà còn cần thực hiện sự đoàn kết quốc tế, với tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới, trước hết là lực lượng của các nước thuộc địa. Trong bối cảnh mới hiện nay, khi chủ nghĩa thực dân vẫn tiếp tục tồn tại với những biến thể mới25, các nước đang phát triển vẫn cần nâng cao cảnh giác, nhận diện đúng bản chất và âm mưu của chúng, cùng thống nhất hành động để xoá bỏ tận gốc mọi biến tướng của chủ nghĩa thực dân khỏi đời sống xã hội.
Luận điểm “công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”26 có ý nghĩa sâu sắc. Điều này được đúc kết từ chính trải nghiệm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, rằng muốn có quyền tự quyết của các dân tộc và quyền con người, không thể trông chờ vào sự ban phát của bất kỳ ai. Đối với các dân tộc bị áp bức, chỉ bằng sự kiên trì xả thân của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng xã hội và của nhiều thế hệ, với sự hợp tác của tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới, mới có thể giành được “độc lập hoàn toàn”27. Giá đắt cho nền “độc lập” của nhiều nước Châu Phi (chỉ thông qua con đường đấu tranh nghị trường) là bài học đau đớn về sự trông đợi vào lòng “hảo tâm” của chủ nghĩa thực dân, đế quốc28.
Nhờ ý thức rõ phải “đem sức ta giải phóng cho ta” (tức “dựa vào sức mình là chính”) và vận dụng triệt để trong mọi thời kỳ, nên cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vang dội, vững chắc. Bài học này cần được tiếp tục tổng kết đầy đủ, sâu sắc hơn nữa, nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Để chống lại âm mưu, thủ đoạn xảo trá của chủ nghĩa thực dân/đế quốc, của CNTB về “dân chủ”, “nhân quyền”, các nước đang phát triển và các lực lượng tiến bộ trên thế giới cần hết sức cảnh giác và cần thường xuyên vạch trần thói đạo đức giả ấy29. Cần chỉ rõ rằng, các thế lực thực dân, đế quốc, tư bản không đủ tư cách răn dạy về nhân quyền cho các quốc gia khác sau biết bao tội ác vi phạm nhân quyền cho nhân loại. Đồng thời, các nước đang phát triển và các lực lượng tiến bộ trên thế giới cần tiếp tục tăng cường liên kết trong một mặt trận chung, cùng phối hợp hành động nhằm làm thất bại mọi hoạt động chống phá của chúng trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 6/2022
1. Hội nghị sau Chiến tranh thế giới I của các nước thuộc phe Đồng minh. Tổng thống W. Wilson dự định đưa nội dung đã phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ (ngày 8-1-1918, có tên gọi Chương trình 14 điểm - Fourteen Points, với nhiều nội dung về quyền của các nước thuộc địa), nhưng cuối cùng không hề diễn ra
2, 8, 15. Xem Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb CTQG (bản điện tử trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam), https://hochiminh.vn/book/tac-pham-ve-ho-chi-minh/tac-pham-trong-nuoc/cuon-sach-nhung-mau-chuyen-ve-doi-hoat-dong-cua-ho-chu-tich-340
3. Như khả năng sử dụng ngôn ngữ Pháp, trình độ lý luận, chính trị, pháp luật hoặc tuổi đời và kinh nghiệm hoạt động so với một số thành viên trong nhóm đưa kiến nghị là Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh
4. Chẳng hạn, hồi ký 41 năm làm báo của Hồ Hữu Tường (Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Công ty Cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam xuất bản năm 2017)...
5. Chẳng hạn, Người viết trong “Báo cáo - Dự thảo” (ngày 20-11-1921), “Dự thảo Nghị quyết về chủ nghĩa cộng sản và các thuộc địa” (tại Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Pháp, họp ở Mácxây, 29-12-1921), “Hội Liên hiệp thuộc địa” (12-1921), “Lời kêu gọi của Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng cộng sản Pháp” (1-1922)... Người tham gia sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa và được giao dự thảo Tuyên ngôn của “Hội Liên hiệp thuộc địa” (Xem: Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 1, tr. 440-401, 442-446, 477-448; Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, Tr.127-128, 503)
6. Liên Hợp quốc luôn đề cao quyền dân tộc tự quyết; theo đó, chủ trương giải thể chế độ thực dân, trao trả độc lập cho các dân tộc bị áp bức (năm 1960), quyền dân tộc tự quyết được trịnh trọng ghi nhận trong hai văn kiện nhân quyền quan trọng nhất (1966). Hội nghị nhân quyền toàn thế giới lần thứ hai (1993, tại Áo) “coi việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm quyền con người”
7. Lênin từng nhấn mạnh vai trò của tổ chức cách mạng: Hãy cho tôi một tổ chức, tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm vấn đề này
9. Luận điểm “lấy sức ta giải phóng cho ta” xuyên suốt trong nhận thức và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, T. 2, tr. 138
10, 11, 13, 14, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 26. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 138, 139, 138, 139, 137, 138, 138, 138, 138, 138, 138, 138
12. Hoạt động của Hội là tuyên truyền. Họ tổ chức những buổi nói chuyện gồm những người dân các thuộc địa và những người Pháp có cảm tình với người thuộc địa. Các thành viên của Hội và bản thân Nguyễn Ái Quốc rất tích cực sử dụng phương pháp hoạt động này trong thời gian ở Pháp. Xem: Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn nghệ, H, 1955
16. “Góp phần phê phán pháp quyền của Hegel”, Các Mác, Phri-đrích Ăngghen, Tuyển tập, T1, Nxb ST, H, 1980. tr.18
24. Xem các bài trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, T1: Tâm địa thực dân (tr. 5), Vấn đề dân bản xứ (tr. 10), Đông Dương và Triều Tiên tr. 17), Thư gửi ông Utơrây tr. 22), Ở Đông Dương (tr. 27), Lời phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng xã hội Pháp (tr. 34), Đông Dương, Nền văn minh thượng đẳng (tr. 61), Tội ác của chủ nghĩa thực dân (tr. 63), Sự quái đản của công cuộc khai hóa (tr. 66), Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa, Bình đẳng (tr. 79), Thù ghét chủng tộc (tr. 103), Khai hóa giết người (tr. 112)...
25. Trong bài Propone presidente López Obrador a Cuba Patrimonio de la Humanidad (Báo Granma, Cuba, ngày 25-7-2021), tại lễ Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 238 Simón Bolívar (người lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng các thuộc địa Nam Mỹ khỏi sự cai trị của Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ XIX), trước đại diện của 33 quốc gia Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, Tổng thống Mexico, Andrés Manuel López Obrador, thẳng thắn chỉ rõ: “Tất cả chúng ta, trừ Cuba, đều nói cần thiết lập các mối quan hệ quốc tế mới. Nhưng chúng ta thường lảng tránh một sự thật là chúng ta chỉ là thuộc địa, là sân sau của người khác”
27. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình những năm 1945-1946, có lúc Hồ Chí Minh đã tạm rút mục tiêu “độc lập”, chỉ dùng mục tiêu “tự do” cho Việt Nam. Mục tiêu đấu tranh cho một nền “độc lập hoàn toàn” lại được trân trọng ghi rõ trong Lời nói đầu của Hiến pháp 1946
28. Vấn đề “Thuế thuộc địa” hay “Thuế độc lập” của nước Pháp cho đến nay vẫn là nỗi nhức nhối lương tri của các dân tộc Châu Phi và nhân loại tiến bộ
29. Ngày 10-7-2015, trong diễn văn tại Santa Cruz (Bolivia), Giáo hoàng Francis kêu gọi những người bị áp bức thay đổi trật tự kinh tế thế giới, lên án một thứ “chủ nghĩa thực dân mới” của các tổ chức tư bản đang áp đặt những chương trình hà khắc lên người lao động và lên tiếng về việc trao cho người nghèo có những “quyền thiêng liêng” về lao động, chỗ ở và đất đai. Giáo hoàng cho rằng không thể bòn rút các nước nghèo, và để họ trở thành nhà cung cấp nguyên liệu thô và lao động giá rẻ cho các nước phát triển. Giáo hoàng gọi việc theo đuổi tiền bạc không kiềm chế của CNTB là “đống phân của quỷ dữ” (theo Báo Anh: The Guardian-Unbridled capitalism is the ‘dung of the devil’, says Pope Francis, The Guardian, 10-7- 2015).