Tóm tắt: Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người là kim chỉ nam định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhận thức của Đảng về bảo đảm quyền con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn, giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền con người, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn khoảng cách giữa các quan điểm, chủ trương của Đảng, giữa chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người với yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, cần nhận rõ những vấn đề đặt ra từ thực trạng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người thời kỳ đổi mới.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; quyền con người; thực trạng nghiên cứu; vận dụng và phát triển sáng tạo; thời kỳ đổi mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người
do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 11-12-2024
1. Khái quát thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người thời kỳ đổi mới
Thứ nhất, quan điểm của Đảng định hướng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và bảo đảm quyền con người là hệ thống các quan điểm toàn diện, biện chứng, hệ thống lý luận khoa học và phát triển về quyền con người, bảo đảm các quyền, nhu cầu, lợi ích, giá trị tự nhiên, vốn có và khách quan mà con người xứng đáng được thụ hưởng. Đảng và Nhà nước có trách nhiệm tạo những điều kiện tốt nhất có thể để tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, đặc biệt là thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, Đảng ngày càng nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về nội dung, giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người. Từ đó, Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người.
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người, Đại hội VI (1986) của Đảng khẳng định: “Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định”1, “… bảo đảm quyền dân chủ thật sự của nhân dân lao động, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của nhân dân”2.
Đại hội VII (1991) của Đảng đã thông qua Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lần đầu tiên khái niệm quyền con người chính thức được ghi nhận trong Cương lĩnh, đó là: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người”3.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng màu, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12-7-1992 về “vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng ta”. Chỉ thị đã nêu rõ: Cần nhận thức rõ, có quan điểm, chủ trương đúng đắn về quyền con người. Việc ban hành văn bản này đã thể hiện Đảng đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc bảo đảm quyền con người; đúc kết những quan điểm cơ bản về quyền con người và bảo đảm quyền con người nhằm định hướng cho hoạt động của cả hệ thống chính trị Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người.
Đại hội VIII (1996) của Đảng xác định nhiệm vụ: “Ban hành các đạo luật cần thiết để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ưu tiên xây dựng các luật về kinh tế, về các quyền công dân… nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, ban hành các văn bản luật với những quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện”4. Tại Đại hội IX (2001), lần đầu tiên Đảng khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”5. Đại hội X (2006) của Đảng tiếp tục đặt ra yêu cầu “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội; Nhà nước phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người”6; đồng thời, “Chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người. Sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền. Kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam”7. Đại hội XI (2011) của Đảng ghi nhận nhiều quan điểm về tôn trọng, bảo vệ quyền con người: “…sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”8, “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”9. Đại hội XII (2016) của Đảng tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định nhiệm vụ: “Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”10. Đại hội XIII (2021) của Đảng tiếp tục kế thừa, bổ sung, phát triển nhận thức của Đảng về quyền con người, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh mới, trong đó xác định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”11, “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”12; “Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”13.
Như vậy, qua các kỳ Đại hội, Đảng luôn xác định: “Tất cả vì con người, tất cả vì tự do, hạnh phúc và sự phát triển phong phú và toàn diện cho mỗi người trong quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên”14. Sự phát triển nhận thức của Đảng thể hiện trong quan điểm của Đảng định hướng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người trong thời kỳ đổi mới đã nêu trên là thành quả của việc nghiên cứu di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng của Người về bảo đảm quyền con người; đồng thời, là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Chính quá trình đó đã góp phần làm cho tư tưởng của Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Thứ hai, thành tựu và hạn chế của việc vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người thời kỳ đổi mới
Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm và tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế, đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản15. Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước trên thế giới, là đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước nhóm G7, 17/20 nước nhóm G20. Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của tất cả các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiêu biểu, điển hình của Liên hợp quốc về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) và mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm các quyền phát triển, nhất là về xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, thu nhập... Từ một trong những nước nghèo, Việt Nam vươn lên trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và được Liên hợp quốc ghi nhận là một trong những nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất. Sau gần 40 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỷ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Trong 15 năm (2005 - 2020), tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa. Theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), từ năm 1990 đến nay, chỉ số Phát triển con người của Việt Nam tăng 50%, đưa Việt Nam vào nhóm có chỉ số Phát triển con người cao17.
Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước theo con đường XHCN, Đảng luôn đặt ra vấn đề trọng tâm, then chốt và căn cốt nhất đó là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho tất cả mọi người và toàn dân tộc. Quyền con người nói chung và các quyền tự do nói riêng, luôn là động lực và mục tiêu của sự nghiệp cách mạng trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.
Quan điểm, chủ trương cơ bản về quyền con người đã được Đảng nêu rõ trong các chỉ thị, nghị quyết và được thể chế hóa trong chính sách, pháp luật theo hướng ngày càng hoàn thiện, tạo cơ sở chính trị, pháp lý bảo đảm quyền con người nói chung, các quyền và tự do cơ bản và quyền phát triển cho mỗi người, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật). Từ năm 2013 đến nay, có hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ban hành; các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng của các dân tộc; quyền sống, được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể; quyền tự do đi lại và cư trú… của người dân được tôn trọng, tiêu biểu như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật An ninh mạng năm 2018… Bộ luật Lao động (sửa đổi) thông qua cuối năm 2019 với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động.
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới và phát triển đất nước đã và đang chứng minh những ưu việt của chế độ XHCN, của mô hình phát triển Việt Nam lấy con người, quyền con người là trung tâm, là động lực, mục tiêu của sự phát triển nhanh, bền vững vì quyền tự do và hạnh phúc của mọi người dân. Thành tựu của mô hình phát triển Việt Nam có được từ tiền đề lý luận và thực tiễn không ngừng bảo đảm, hiện thực hóa các quyền con người, tự do và hạnh phúc cho mỗi người, được xem là hình mẫu của Liên hợp quốc về bảo đảm quyền tự do thoát khỏi nỗi sợ hãi (khỏi sự nô dịch, bất công, bất bình đẳng), tự do thoát khỏi sự cùng cực, đói nghèo và quyền tự do phát triển mọi năng lực vốn có của mỗi người, mỗi cộng đồng dân tộc và quốc gia dân tộc.
Bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, tiếp cận từ góc độ quyền con người cho thấy, Việt Nam đang gặp nhiều thách thức không nhỏ vì nhiều mục tiêu vẫn chưa đạt được trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mà Đại hội XIII đề ra. Còn khoảng cách giữa việc thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, giữa chính sách, pháp luật về quyền con người với thực tiễn yêu cầu của cuộc sống đang đặt ra, trong đó liên quan đến việc bảo đảm và hiện thực hóa các quyền và tự do cơ bản cho mỗi người, quyền được phát triển của mỗi người. Vẫn còn tình trạng có lúc, có nơi vi phạm quyền con người, tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá, bóp méo, sử dụng nhân quyền như một “công cụ” để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ, chủ quyền của của Việt Nam, tạo nên những mầm mống bất ổn, xung đột trong xã hội, đe dọa đến hòa bình, ổn định của Việt Nam. Trong đó, đáng quan tâm là tình trạng tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai, tình trạng “khiếu kiện, khiếu nại của người dân liên quan đến đất đai ngày càng nhiều và phức tạp (chiếm tới hơn 90% tổng số vụ khiếu kiện… Nhiều trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần giữa Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân nhưng vẫn không được tiếp nhận để giải quyết. Việc phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa được chặt chẽ và thống nhất, còn đùn đẩy trách nhiệm, có nhiều vụ việc còn có ý kiến khác nhau làm cho công dân khiếu kiện kéo dài”19.
2. Những vấn đề đặt ra từ thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người thời kỳ đổi mới
Tiếp cận từ góc độ Hồ Chí Minh học cho thấy, nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người, mới tập trung làm rõ vấn đề về phát huy nhân tố con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh, một số công trình có đề cập đến quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người, nhưng chưa sâu sắc.
Tiếp cận từ góc độ quyền con người, nghiên cứu vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người theo từng nhóm quyền con người, chủ yếu được thể hiện trong các bài báo, tạp chí khoa học hoặc trong một số luận án, luận văn, chỉ có một số công trình nghiên cứu ở cấp độ đề tài cấp cơ sở, cấp bộ, một số nhánh trong cấp nhà nước, nhưng thời gian công bố đã lâu (1999-2005), nên chưa cập nhật sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người của Đảng và Nhà nước trong thời gian tiếp theo, từ năm 2006 đến nay. Nói cách khác, từ năm 2006 đến 2025, chưa công trình nghiên cứu chuyên sâu tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và bảo đảm quyền con người, sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Đảng và Nhà nước, trong khi xã hội càng có nhiều biến đổi phức tạp. Đặc biệt, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về tình hình nghiên cứu, vận dụng phát triển các kết quả từ các công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người từ năm 1986 đến nay để đánh giá về thực trạng quan điểm chỉ đạo của Đảng về nghiên cứu, vận dụng kết quả nghiên cứu tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người. Do đó, những nhận thức mới của Đảng và thực trạng thực hiện quyền con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong những năm gần đây chưa được cập nhật đầy đủ một cách hệ thống. Đáng chú ý là chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu việc vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó có quyền của người khuyết tật; chưa có công trình nghiên cứu tập trung phân tích bối cảnh, tình hình, dự báo các nhân tố tác động, xác định những nhu cầu đặt ra đối với việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp cận từ góc độ nội dung, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người, có một số vấn đề được đặt ra như:
Về khái niệm về quyền con người: tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người cần được phân tích rõ ràng và toàn diện. Người đã khẳng định rằng quyền con người không chỉ giới hạn ở các quyền chính trị, mà còn bao gồm quyền kinh tế, văn hóa và xã hội. Cần nghiên cứu sâu hơn về cách Hồ Chí Minh tiếp cận quyền con người trong bối cảnh lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như ảnh hưởng từ các tư tưởng quốc tế.
Bảo đảm quyền con người trong điều kiện đặc thù của Việt Nam: Việc bảo đảm quyền con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải được đặt trong bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội của Việt Nam. Cần phải tìm hiểu làm thế nào để áp dụng và phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề về quyền kinh tế, quyền bình đẳng giới, quyền của các dân tộc thiểu số và quyền tiếp cận giáo dục, quyền phát triển.
Tiếp cận từ góc độ thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người: Cần nghiên cứu khảo sát thực chứng cụ thể về việc vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc bảo đảm quyền con người. Điều này bao gồm việc đánh giá các chính sách, chương trình của Nhà nước nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần phải nghiên cứu để nhận diện đúng, đủ những thách thức và giải pháp trong việc vận dụng sáng tạo, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, cần xem xét những thách thức mới mà Việt Nam phải đối mặt trong việc bảo đảm quyền con người. Làm thế nào để vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để đáp ứng những yêu cầu mới là một câu hỏi cần được làm rõ. So sánh và đối chiếu với các tư tưởng khác: Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, bảo đảm quyền con người cần được đặt trong bối cảnh so sánh với các hệ tư tưởng khác, cả trong và ngoài nước. Điều này giúp hiểu rõ hơn những đặc điểm độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong việc bảo vệ quyền con người phù hợp với bối cảnh lịch sử Việt Nam. Giáo dục và tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh: Một vấn đề quan trọng là làm thế nào để giáo dục và tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, bảo đảm quyền con người một cách hiệu quả, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Điều này đòi hỏi phải có những phương pháp và cách tiếp cận phù hợp để làm cho tư tưởng của Người trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn.
Việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền con người là một quá trình liên tục, đòi hỏi sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, cũng như sự đổi mới trong cách tiếp cận để phù hợp với thời đại. Do đó, việc tổ chức nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong việc bảo đảm quyền con người để từ đó có sự thống nhất về quan điểm, chủ trương, phương thức, đồng thời, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng to lớn của cách mạng Việt Nam giai đoạn hiện nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa quan trọng và cấp bách cả về lý luận và thực tiễn.

Ngày nhận bài: 13-2-2025; ngày thẩm định, đánh giá: 28-2-2025; ngày duyệt đăng:31-3-2025
3.Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb ST, H, 1991, tr. 19
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 130
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 134
6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr. 72,113
11, 12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T.I, tr. 27-28, 71, 177
14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb CTQG, H, 1998, tr. 10
15. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Kỷ yếu Hội thảo cấp Bộ: Thành tựu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam (kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người, 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động), H, 2023, tr. 5