Tóm tắt: Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) là một kỳ tích rạng rỡ của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Quân và dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với nỗ lực phi thường đã làm nên một chiến thắng cực kỳ to lớn: tiêu diệt 21 tiểu đoàn quân Pháp phòng ngự trong tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương - một “Verdun” ở Đông Nam Á; đập tan nỗ lực xâm lược cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đưa cuộc kháng chiến kéo dài suốt 9 năm của nhân dân ta đến thắng lợi vẻ vang. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn"; "đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới"1.

Từ khóa: Sức mạnh chính trị; tinh thần của quân và dân; Chiến dịch Điện Biên Phủ


Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để nghe Tổng Quân ủy báo cáo
và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954,
và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ, ngày 6-12-1953, (ảnh TTXVN)

1. Chiến thắng Điện Biên Phủ có trước hết là chiến thắng của sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh với mọi nguồn lực được huy động đến mức cao nhất, trong đó, sức mạnh chính trị, sức mạnh tinh thần của quân và dân ta đóng vài trò rất căn bản và to lớn.

Sức mạnh chính trị, sức mạnh tinh thần của quân và dân Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quật cường, là quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, là khát vọng hòa bình, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam được huy động và tích tụ trong suốt quá trình kháng chiến trường kỳ. Quyết tâm và khát vọng đó được thể hiện tập trung trong đường lối lãnh đạo và quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố tại Ba Đình lịch sử đã phát đi một thông điệp chính trị, một quyết tâm của nhân dân Việt Nam với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”2. Trong Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ban hành ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu triệu: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”3. Chỉ thị Toàn dân kháng chiến do Ban Thường vụ Trung ương ban hành ngày 12-12-1946 nêu cao khẩu hiệu chính trị: “Bảo toàn lãnh thổ!”, “Giữ vững chủ quyền!”, “Thà chết không trở lại đời nô lệ”4. Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính đã khai thác, tận dụng mọi khả năng, tiềm lực, trong đó có tiềm lực tinh thần của toàn dân vào cuộc kháng chiến.

Quyết tâm bảo vệ độc lập tự do đã được Đảng động viên đã trở thành sức mạnh vật chất để cả dân tộc phát huy truyền thống “cả nước đánh giặc”, “trăm họ cũng là binh”, đồng tâm nhất trí tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ đi đến thắng lợi. Từ chỗ tương quan lực lượng ta - địch ở thế “châu chấu đá voi”, quân và dân Việt Nam vừa đánh giặc vừa xây dựng thực lực mọi mặt, từng bước đánh bại những nỗ lực của đối phương, vươn lên giành quyền chủ động chiến lược, tạo lập và phát huy ưu thế về quân sự; ở chiều ngược lại, đối phương bị đẩy vào thế bị động, bế tắc về chiến lược và cuối cùng ngoan cố và liều lĩnh “đặt cược vào canh bạc lớn” Điện Biên Phủ.

Đến tháng 12-1953, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do được cụ thể hóa thành quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu tháng 12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”5.

Quyết tâm của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành quyết tâm của cả dân tộc. Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm địch Điện Biên Phủ trở thành mệnh lệnh thiêng liêng thôi thúc nhân dân cả nước cung cấp nhân, vật lực cho chiến dịch. Các lực lượng vũ trang đẩy mạnh tấn công địch trên khắp các chiến trường miền Đông và miền Tây Nam Bộ, Bình-Trị-Thiên, Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên, ở đồng bằng Bắc Bộ, Tả ngạn sông Hồng…; phong trào chiến tranh du kích, phá tề trừ gian và các cuộc đấu tranh chính trị mít tinh, biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi thị liên tiếp nổ ra ở vùng tạm bị chiếm và trong các đô thị. Tinh thần quyết tâm tiêu diệt tập đoàn  cứ điểm của địch - “con nhím thép” khổng lồ trong lòng chảo Mường Thanh đã thúc đẩy trên 260.000 dân công với trên 14 triệu ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm lên Điện Biên Phủ; bạt núi, mở đường, phá bom nổ chậm để bảo đảm giao thông phục vụ chiến dịch trong điều kiện bị máy bay của Pháp đánh phá ác liệt…

Tại chiến trường chính Điện Biên Phủ, quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm là tinh thần quyết chiến quyết thắng, tinh thần phấn đấu hy sinh, khắc phục gia khổ của Bộ Chỉ huy chiến dịch, của bộ đội và các lực lượng tham gia chiến dịch.

Thực hiện phương châm đánh chắc tiến chắc, trong điều kiện thời tiết miền núi Tây Bắc, bộ đội phải chịu nhiều gian khổ trong xây dựng trận địa và tác chiến đánh địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: “Khổ nhất vẫn là khi gặp ruộng lầy. Mọi người phải ngập trong bể bùn, dùng tay, dùng xẻng, mũ sắt, có lúc cả áo mưa để đựng bùn đổ đi. Sau đó lại phải đóng cọc, chèn phên hai bên thành hào phòng sụt lở…Khi đường hào đã kéo dài hàng chục kilômét thì không có cách nào ngụy trang để che mắt quân địch, mỗi tấc đất chiến hào bắt đầu phải trả bằng máu"6.

Thấu hiểu những khó khăn, gian khổ của bộ đội, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa động viên tinh thần, vừa sát sao nắm bắt và chỉ đạo củng cố về tư tưởng cho bộ đội. Ngày 15-3-1954, tức là 2 ngày sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận: “Chiến dịch này là một Chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng Chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”7. Trong đợt 2 của chiến dịch, do cuộc chiến đấu kéo dài và ác liệt, nhiều nơi ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn hào; công tác tiếp tế, vận chuyển lương thực trở nên khó khăn, xuất hiện những tổn thất; trong cán bộ, chiến sĩ nảy sinh tư tưởng hữu khuynh, mệt mỏi, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu đại khái, ngại thương vong…

Trước tình hình đó, ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết “Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ”. Bộ Chính trị nhắc nhở các cấp ủy, các đảng viên và toàn thể cán bộ phải: “Nhận rõ những thắng lợi của hai đợt tấn công của quân ta vừa qua, nhận rõ những khả năng của quân đội và nhân dân ta hiện nay có đủ điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch, đồng thời nhận rõ những khó khăn của ta về tư tưởng, về tác chiến, về cung cấp... Nhưng đó là những khó khăn ta hoàn toàn có khả năng khắc phục được”8. Bộ Chính trị yêu cầu “ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đồng thời tích cực tranh thủ thời gian, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”9.

Nhằm khắc phục hiện tượng hữu khuynh tiêu cực, Đảng ủy chiến dịch đã phát động đợt sinh hoạt chính trị, đấu tranh với tư tưởng cầu an, dao động, ngại gian khổ hy sinh, nâng cao lòng tin tưởng vào thắng lợi và tinh thần quyết chiến quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận. Cơ quan chính trị chiến dịch còn phát động phong trào thi đua, động viên toàn thể bộ đội và dân công hỏa tuyến nỗ lực cao độ, quyết tâm đánh thắng địch ở Điện Biên Phủ, lập thành tích kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1-5), Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5) và làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị Genève. Đợt sinh hoạt chính trị ở thời điểm nóng bỏng của trận quyết chiến chiến lược đạt kết quả tốt. Tinh thần quyết chiến quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận được củng cố.

Trong khó khăn, gian khổ, càng thể hiện rõ nét tính tiên phong của những đảng viên cộng sản. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trước thách thức quyết liệt của trận Điện Biên Phủ, biết bao đảng viên ưu tú đã một lòng vì nước, vì dân, nêu cao tinh thần gương mẫu trong chiến đấu, không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng xả thân để giành chiến thắng. Tại mặt trận, trước tình huống khó khăn, gay go, quyết liệt đã vang lên tiếng thét : “Các đảng viên cộng sản tiến lên !”, “Ai là người theo Đảng hãy tiến lên !”. Hai tiếng đảng viên thiêng liêng và hành động tiên phong gương mẫu của đảng viên đã có sức mạnh cổ vũ đồng đội xông lên tiêu diệt kẻ thù, giành thắng lợi”10. Hình ảnh “Chiến sĩ Điện Biên” trở thành biểu tượng lòng dũng cảm, sự hy sinh vô bờ bến, sức mạnh của tinh thần làm nên sức mạnh chiến thắng của bộ độ Cụ Hồ.

2. Sức mạnh chính trị, sức mạnh tinh thần của quân và dân ta trong chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đến từ sức mạnh của chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân. Ngay từ đầu và trong suốt quá trình kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và thực hiện nhất quán chủ trương “Kháng chiến- kiến quốc”. Kiến quốc là xây dựng chế độ mới, trong đó, nhân dân được cải thiện về đời sống; được hưởng dụng những quyền tự do, dân chủ. Tính ưu việt của chế độ mới đã tạo ra động lực tinh thần to lớn để nhân dân ủng hộ, tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ Đảng và tạo các nguồn lực to lớn để thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân vệ quốc.

Tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương châm đánh chắc, tiến chắc, nguồn lực phục vụ chiến dịch rất lớn. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị công bố trong tác phẩm Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, các địa phương Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III và Liên khu IV đã cung cấp cho chiến dịch (số huy động tại gốc) 250.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Tính riêng số vật phẩm chuyển được ra mặt trận là hơn hai vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 256 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, đã tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh11. Nguồn lực to lớn cung cấp cho Chiến dịch trên đây chính là sản phẩm của công sức và tinh thần của nhân dân, là kết quả của chế độ dân chủ nhân dân do Đảng lãnh đạo.

HNTƯ 4 khóa II (1953) quyết định tiến hành triệt để giảm tô, giảm tức tiến tới cải cách ruộng đất từ Liên khu IV trở ra. Cuộc phát động quần chúng thực hiện chủ trương triệt để giảm tô, giảm tức và thí điểm cải cách ruộng đất được tiến hành từ tháng 4 đến tháng 12-1953 tại 481 xã thuộc Liên khu Việt Bắc và Liên khu IV- những hậu phương trực tiếp của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đạt kết quả bước đầu12có tác dụng động viên cao độ tinh thần kháng chiến của nông dân và bộ đội, mà đa số là những người nông dân mặc áo lính, nhất là đối với các chiến sĩ chiến đấu tại chiến trường chính Điện Biên Phủ cũng như hàng chục vạn dân công trên các tuyến đường.  

Sức mạnh chính trị, sức mạnh tinh thần của quân và dân ta trong chiến thắng Điện Biên Phủ còn đến từ bản chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa, tinh thần yêu chuộng hoàn bình, tìm kiếm các giải pháp hòa bình để kế thúc chiến tranh trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, được nhân dân tiến bộ và ưa chuộng hòa bình trên thế giới đồng tình ủng hộ.

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát đi một thông điệp hòa bình với nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Pháp: Việt Nam muốn làm bạn với các nước dân chủ, không gây thù oán với một ai. Nhưng khát vọng độc lập và hòa bình của nhân dân ta bị giới thực dân hiếu chiến Pháp chà đạp. Trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Chính phủ Việt Nam đã tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh, vãn hồi hòa bình, vì “máu của người Việt Nam và máu của thanh niên Pháp đều đỏ như nhau”. Nhưng thiện chí của nhân dân Việt Nam bị thực dân Pháp khước từ. Nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác buộc phải dùng vũ khí để “phê phán kẻ thù cầm vũ khí”. Tuy nhiên, cho đến khi hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm kiếm cơ hội giải quyết một cách hòa bình cuộc chiến tranh phi nghĩa do thực dân Pháp gây ra. Ngày 26-11-1953, trả lời nhà báo Thụy Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ thiện chí hòa bình và lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc giải quyết cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Người nói: “nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hoà bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó.... Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”13. Ngày 27-12-1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Thông tri “Về lời tuyên bố của Hồ chủ tịch với nhà báo Thụy Điển”, nhấn mạnh: “đối với nhân dân Việt Nam, hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc14. Trước trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vảo cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, thông điệp mong muốn giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh đã tạo ra sự đồng tình và ủng hộ, phối hợp và giúp đỡ mạnh mẽ hơn nữa của nhân dân thế giới của bạn bè quốc tế. Sự giúp đỡ to lớn của quốc tế, trước hết là của nhân dân Lào, nhân dân Campuchia và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa về nhiều mặt vừa là nguồn lực vật chất, vừa là nguồn sức mạnh chính trị, sức mạnh tinh thần góp phần tạo nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã để lại những bài học, những kinh nghiệm quý giá, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; kết hợp sức mạnh vật chất với sức mạnh chính trị, tinh thần; động viên cao nhất sức mạnh tinh thần để thực hiện mục tiêu, đưa cách mạng đến thắng lợi. Vấn đề này vẫn rất cần được nghiên cứu sâu sắc và vận dụng vào công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện  nay.





Ngày nhận bài 1-4-2024; ngày thẩm định 
7-4-2024; ngày duyệt đăng 15-4-2024


1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb  CTQG, H, 2011, T. 14, tr. 315; 320

 

2, 3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb  CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 3, 534

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 8, tr, 154

5. Dẫn theo: Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 202

6. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã dẫn, tr. 1010, 1011

7, 8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 14, tr. 32, 88, 88.

10. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, trình bày tại Hội thảo khoa học Quốc gia kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới phát triển đất nước (1954 - 2004) do Viện Khoa học-Xã hội Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức tại thành phố Điện Biên ngày 7 và 8-3-2004

11. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 202

12. Tuy nhiên, về sau cải cách ruộng đất đã mắc phải nhiều sai lầm nghiêm trọng, HNTƯ 10 khóa II (1956) đã kiểm điểm sâu sắc những sai lầm này

13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2001, T.14, tr. 517-518, 554