Tóm tắt: Năm 1959, nhận lời mời của Trung ương Đảng, Chính phủ Liên Xô và Trung ương Đảng, Chính phủ Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm và nghỉ hè ở hai quốc gia này. Đây là chuyến đi vô cùng đặc biệt kéo dài hai tháng, đi từ châu Âu sang châu Á, minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm và nghỉ hè; Liên Xô, Trung Quốc; 1959
1. Thăm Liên Xô
Ngày 30-6-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Liên Xô. Khi máy bay đến Hán Khẩu (Trung Quốc) thì trời mưa rất to, máy bay không bay được nên Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển sang đi tàu hỏa qua Trịnh Châu rồi bay đến Bắc Kinh. Sáng ngày 2-7, từ Bắc Kinh, Người lên máy bay sang Liên Xô. Máy bay dừng lại ở Yakutsk, Novosibirsk, Sverdlovsk để tiếp nhiên liệu. Chiều ngày 2-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Moskva. Chủ tịch Voroshilov cùng các vị lãnh đạo trong Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng Cộng sản Liên Xô đón tiếp Người trọng thể tại Điện Kremlin. Sau bữa chiều, Người về nghỉ ở biệt thự Livky cách Moskva 28km. Đây là một ngôi biệt thự trước kia thuộc về một đại quý tộc Nga, có diện tích vườn rộng gần 21 hecta, cây cối xum xuê, hoa thơm ngát, có hồ để câu cá, bơi thuyền. Mặc dù trước khi khởi hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện yêu cầu các đồng chí Liên Xô để Người đi như một khách du lịch bình thường, xin miễn tất cả các hình thức tiếp đón, yến tiệc, đăng báo, v.v.. Nhưng trong suốt chuyến đi, các đồng chí lãnh đạo các nước cộng hòa đều đón tiếp Người rất thân mật, trọng thị và các báo đều đăng ảnh, tin.
Ngày 3-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Buổi chiều, Người đi xem Triển lãm thành tựu kinh tế - khoa học kỹ thuật 6 tháng đầu năm thứ nhất (1959) trong Kế hoạch 7 năm của Liên Xô. Đồng chí Voroshilov nói với Người cần phải kiểm tra sức khỏe theo ý kiến của Trung ương Đảng, nên buổi sáng ngày 4-7, có 4 bác sĩ chuyên khoa đến khám sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và kết luận sức khỏe của Người tốt. Sau một ngày nghỉ, hôm sau Người đi xuồng máy trên kênh đào Moskva để tham quan sự phát triển của thành phố.
Đầu giờ sáng ngày 6-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nước Cộng hòa xô viết (CHXV) Ukraina. Người nhắc lại đề nghị với các vị lãnh đạo Nhà nước Liên Xô và các địa phương không tổ chức đón tiếp theo nghi lễ ngoại giao mà chỉ có những buổi gặp gỡ như trong gia đình. Sau khi đến Thủ đô Kiev, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghỉ tại biệt thự Valky ở ngoại ô. Sáng hôm sau, Người đi thăm nông trang tập thể “Hữu nghị”, gặp gỡ và nói chuyện với một số bà con nông dân. Trên đường đi, Người còn đi xem ruộng củ cải đường, hợp tác xã nông nghiệp và một nông trường quốc doanh. Các nông dân nồng nhiệt chào đón Người. Ngày tiếp theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm thành phố Kremenchuc và đập thủy điện sông Dnepr. Người được mời đi sà lan dọc sông để vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức món cá đặc sản địa phương. Buổi chiều, Người đến thăm thành phố Daporodzie và nhà máy thủy điện ở đó. Buổi tối, Người nghỉ lại thành phố để sáng hôm sau đi thăm xí nghiệp gang thép và gửi tặng 20 huy hiệu của Người làm phần thưởng thi đua. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm thành phố Melitopol. Dọc đường, Người ghé thăm một trại hè của nhi đồng trên bờ sông Dnepr, xem các cháu múa hát và kể chuyện nhi đồng kháng chiến ở Việt Nam cho các cháu nghe. Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay đi thăm thành phố cảng Sevastopol và thăm hạm đội Biển Đen. Người còn trồng một cây thiên tuế làm kỷ niệm. Đồng chí Đô đốc hạm đội Biển Đen mời Người lên một chiếc tàu, đi men theo bờ bán đảo Krym đến cảng Milkho. Người nghỉ tại một biệt thự trên sườn núi đến sáng hôm sau.
Chiều ngày 10-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm thành phố nghỉ mát Yalta. Sáng 11-7, Người đi thăm vườn thực nghiệm của Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp và ghé thăm quảng trường của thành phố, chụp ảnh chung với mọi người. Buổi chiều, Người mời đồng chí Suslov, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, cùng phu nhân dùng bữa tối. 3 giờ sáng hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đỉnh núi cao 1.250m để ngắm cảnh mặt trời mọc trên biển. Buổi chiều, Người đến thăm nơi nghỉ gia đình của hai đồng chí Suslov và Brezhnev. Mọi người cùng nhau đi dạo, ca hát, chuyện trò vui vẻ. Sáng hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình Thủ tướng Tiệp Khắc và Thủ tướng Hunggari đang nghỉ hè tại Yalta theo lời mời của Chính phủ Liên Xô.
Đầu giờ chiều ngày 14-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tàu thủy đến Sochi. Người về nghỉ tại một biệt thự, nơi Chủ tịch Vososhilov thường ở lại mỗi khi đến nghỉ ở đây. Chiều ngày 15-7, Người đi thăm nhà hát lớn của thành phố và xem xiếc. Khi biết Người đến, cả rạp đứng dậy vỗ tay hoan hô hồi lâu. Buổi sáng tiếp theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm bệnh viện điều trị bằng suối nước nóng, trên đường về, Người lên ngọn tháp canh trên đỉnh núi Akhum cao 600m để ngắm toàn cảnh thành phố Sochi. Buổi trưa, Người đến thăm nhà nghỉ của Công đoàn Ngũ Kim và Trạm chọn giống cây nhiệt đới.
Buổi chiều ngày 16-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu đến nước CHXV Abkhazia bằng ô tô. Người đi thăm hồ Ritza nằm trên núi cao 960m, ngắm cảnh hồ bằng ca nô, sau đó dự bữa cơm đãi khách theo phong tục địa phương gồm: cừu thui, chả nướng ăn với bánh mỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ lại Ritza rồi sáng 18-7 lên đường đến Thủ đô Sukhumi. Trên đường đi, Người ghé thăm một nông trang tập thể. Thiếu nhi, thanh niên và các cụ già múa hát đón chào và mời Người dùng bữa trưa. Buổi chiều đến nơi, Người trồng một cây cọ làm kỷ niệm và đến thăm vườn nuôi khỉ của Viện Y học.
Ngày 19-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay đến Tbillisi, Thủ đô nước CHXV Gruzia. Người đến thăm nhà máy gang thép, đi thăm nông trường thí nghiệm và dự tiệc trái cây ở đây. Chiều tối, Người đi chơi núi Mtatsmida. Sáng sớm hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thành phố Gory, quê hương của Stalin. Người thăm nơi ở thời niên thiếu, bảo tàng Stalin và tòa thành cổ xây từ thế kỷ XII. Buổi trưa, Người nghỉ tại nông trường trồng táo. Buổi tối, Người đi dạo trong công viên văn hóa rồi xem biểu diễn ca múa dân tộc.
Ngày 21-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay đi Yerevan, Thủ đô nước CHXV Armenia. Tại đây, Người đã được các vị lãnh đạo Đảng và chính quyền nước cộng hòa đón tiếp trọng thể. Người đi tham quan chợ lớn xây dựng và trang hoàng theo kiểu dân tộc; thăm nhà máy rượu Cognac; thăm nhà máy điện mới xây dựng; rồi đến thăm thư viện chứa sách cổ. Buổi tối, Người xem buổi biểu diễn của đoàn văn công Armenia. Sáng sớm hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tham quan hồ trên đỉnh núi Seval. Trên đường đi, Người ghé thăm một trạm thủy điện và trại nhi đồng. Buổi tối, Người dự bữa cơm thân mật với các vị lãnh đạo Armenia.
Sáng sớm 23-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Baku, Thủ đô nước CHXV Azebaijan. Người về nghỉ ở một biệt thự cách thành phố 45km. Buổi trưa, Người đi xem khu khai thác dầu mỏ ở phía Bắc Baku. Buổi chiều, Người đi tham quan thành phố, thăm công viên, sân vận động, Trường đại học Bách khoa,…
Ngày 24-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp máy bay đi Ashgabat, Thủ đô nước CHXV Turkmenistan. Ở đây có nhiều loại quả như như anh đào, mơ, mận, táo, lê đều to và ngon. Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản nước CHXV Turkmenistan đã tự tay bổ một tá dưa hồng và dưa hấu, mỗi quả nặng từ 5 đến 7kg để mời khách quý. Người về nghỉ ở khu biệt thự Pheruda và đến thăm một trại nhi đồng ở đây.
Sáng 25-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh bay đi Tashkent, Thủ đô nước CHXV Uzbekistan. Đón Người tại sân bay có cả Bí thư và Chủ tịch nước. Buổi chiều, Người đi thăm nhà máy dệt Stalin, Đài vô tuyến truyền hình thành phố. Buổi tối, Người đi xem biểu diễn văn nghệ truyền thống dân tộc ở rạp hát ngoài trời, trong công viên. Ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nông trường quốc doanh, hợp tác xã nông nghiệp và ăn cơm trưa theo kiểu Triều Tiên với nhân dân địa phương.
Ngày 27-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay đi Dushanbe, Thủ đô nước CHXV Tajikistan. Tại đây, Người đến thăm trụ sở Trung ương Đảng và Xô viết tối cao, một số địa điểm của Thủ đô và trại nhi đồng. Buổi tối, Người đi xem biểu diễn văn nghệ. Kết thúc buổi trình diễn, Người lên sân khấu tặng hoa cho các nghệ sĩ. Có một nữ nghệ sĩ hát bài “Trống cơm” rồi hô to: “Bác Hồ muôn năm! Việt Nam muôn năm!”. Đó là một nghệ sĩ xuất sắc, đã cùng một đoàn văn công Liên Xô sang biểu diễn ở Việt Nam mùa Thu năm 1958, nay vô cùng sung sướng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương mình.
Sáng 28-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Phrunze, Thủ đô nước CHXV Kyrgyztan. Sau khi đi tham quan thành phố, Người đến thăm nông trường chăn nuôi quốc doanh. Ban giám đốc mời Người dự tiệc trà. Trên đường về, Chủ tịch ghé thăm nhà triển lãm sản phẩm nông nghiệp của cả nước cộng hòa này.
Ngày 29-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đi máy bay đến Thủ đô Alma Ata, thăm nước CHXV Kazakhstan. Người đến tham quan công viên văn hóa Goorky và nghỉ tại một biệt thự ở ngoại ô. Nhiệt độ tại đây chênh nhau giữa ngày và đêm khoảng 14 độ. Sáng hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm thắng cảnh hồ Yasuk trên đỉnh núi Alatao. Trên đường về, Người ghé vào nông trường quốc doanh chuyên trồng cây ăn quả. Buổi tối, Người đến xem một vở kịch Hungary do đoàn văn công biểu diễn. Ngày 31-7, Người đến thăm Viện Hàn lâm khoa học. Buổi tối, Người dự bữa cơm thân mật do Chính phủ tổ chức. Các lãnh đạo đã tặng Người một bộ quần áo dân tộc Kazakh.
Ngày 1-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết thúc chuyến thăm, đi nghỉ một tháng tại Liên Xô. Trên chuyến bay rời Liên Xô, Người gửi điện cảm ơn Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô, đồng thời gửi thư cho đồng chí thủ quỹ của BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô với nội dung sau:
“Đồng chí thân mến,
Trước khi rời Mátxcơva, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa cho tôi 4.000 rúp và thư ký Vũ Kỳ của tôi 1.000 rúp. Tổng cộng 5.000 rúp.
Vì chúng tôi không chi tiêu gì trong cuộc đi thăm của chúng tôi, tôi xin gửi lại đồng chí số tiền 5.000 rúp, và mong đồng chí nhận số tiền này.
Xin gửi lời chào anh em”1.
2. Thăm Trung Quốc
Rời Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chuyến thăm tới Trung Quốc, dọc đường bay đến Tân Cương, khi qua dãy Thiên Sơn hùng vĩ, Người đã cảm hứng sáng tác một bài thơ tả cảnh bằng chữ Hán. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Urumqi, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến đi thăm ba tỉnh Tân Cương, Cam Túc, Thiểm Tây. Sau khi nghỉ trưa ở một biệt thự dành riêng, Người đi thăm Trường Đại học Nông nghiệp, Xưởng máy kéo và Cục Địa chất. Buổi tối, Người đi xem biểu diễn ca múa dân tộc.
Ngày 2-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm khu khai hoang Thạch Hà Tử. Dọc đường, Người ghé vào nghỉ tại Công xã nhân dân. Buổi chiều, Người tham quan ruộng thí nghiệm, vườn dưa, ruộng bông và những cánh rừng mới trồng của Binh đoàn sản xuất - xây dựng. Người nghỉ đêm tại nhà khách của quân đội. Sáng sớm hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm đội chăn nuôi của Công xã nhân dân dưới chân núi Thiên Sơn. Trời mưa, Người vẫn tới gặp gỡ và nói chuyện với các xã viên trong đội sản xuất. Trước khi chia tay, Người tặng quà cho bà con chè bánh, đường viên và nho khô.
Ngày 4-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp máy bay đến Gia Cốc Quan, thăm tỉnh Cam Túc. Buổi chiều, Người đi xe lửa đặc biệt tới Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc. Người đi tham quan thành phố, thăm Nhà máy hóa chất, Nhà máy lọc dầu, sau đó dạo chơi công viên Ngũ Tuyền Sơn, một thắng cảnh nổi tiếng ở vùng này. Buổi tối, Người đi thăm Trường Cán bộ các dân tộc Tây Bắc, sau đó xem đoàn kịch Lan Châu biểu diễn chào mừng. Hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Phân viện Lan Châu của Viện Khoa học Trung Quốc và Công xã nhân dân Bãi Nhạn ở ngoại thành.
Ngày 7-8, buổi sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây. Người đi xem những di tích lịch sử văn hóa của thành phố như Gác chuông Tây An, Bảo tàng Thiểm Tây. Buổi chiều, Người đến thăm Nhà máy chế tạo dụng cụ quang học, thăm bảo tàng thôn Bán Pha, một trong những làng cổ nhất Trung Quốc, có lịch sử khoảng 5.000 năm. Sau đó, Người đến thăm chùa Đại Từ Ân và tháp Đại Nhạn. Buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp mặt với cán bộ đảng, quân đội và chính quyền địa phương, sau đó Người cùng vui liên hoan với học sinh Trường tiểu học thực nghiệm và Đoàn ca múa Tây An. Ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy tráng men Tây An; thăm núi Ly San, hồ Thanh Hoa và lăng Tần Thủy Hoàng. Buổi chiều, Người ghé thăm chùa Hưng Giáo và đền thờ Đỗ Phủ. Buổi tối, Người tới xem buổi biểu diễn của Đoàn ca múa Tây An.
Từ ngày 9-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tây An đi Cửu Giang đến Lư Sơn, một quần thể những thắng cảnh và là nơi nghỉ mát nổi tiếng của Trung Quốc. Tại đây, Người dành thời gian tìm hiểu thêm về các nhà thơ, các danh nhân Trung Quốc như Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Chu Hy,...
Ngày 13-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Bắc Kinh. Sau lễ đón tiếp, Người về nghỉ tại một biệt thự riêng. Từ ngày 15-8, Người đi thăm nhà trẻ Bắc Hải, đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nói chuyện tại buổi họp mặt của gần 1.000 lưu học sinh Việt Nam ở Trung Quốc và đón các cháu thiếu nhi thành phố đến thăm Người. Ngày 21-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự bữa cơm gia đình tại nhà riêng của Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ. Cùng dự có Thủ tướng Chu Ân Lai, các vị Bành Chân, Trần Nghị là những người bạn cũ đã cùng hoạt động với Người từ những năm còn ở Pháp, ở Nga. Thời gian ở Bắc Kinh, trời mưa nhiều. Tranh thủ những lúc thời tiết tốt, Người đã đi thăm Thiên Đàn, Di Hòa Viên, khu mộ Thập Tam Lăng, Viện Bảo tàng Quân đội.
Sáng 25-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về nước. Ra sân bay tiễn Người có Thủ tướng Chu Ân Lai, Phó Thủ tướng Trần Nghị cùng nhiều vị Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Liên Xô và Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh cũng có mặt. Trên đường về Hà Nội, máy bay dừng ở Vũ Hán, Người nghỉ đêm ở đây.
Ngày 26-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay về Hà Nội, kết thúc chuyến thăm và nghỉ hè tại hai nước Liên Xô, Trung Quốc
Trong chuyến đi thăm và nghỉ hè suốt gần hai tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm 10 nước CHXV, 19 thành phố ở Liên Xô, 5 tỉnh và 7 thành phố của Trung Quốc, Người đã đi 23.000 km với nhiều loại phương tiện: máy bay, tàu thủy, xe lửa, ô tô,... Đây không chỉ là một chuyến đi nghỉ lịch sử về thời gian, quãng đường, địa điểm, mà còn là sự kiện khẳng định quan hệ hữu nghị anh em, đoàn kết giữa Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN là minh chứng sống động về tình cảm chân thành, lòng mến mộ của các nhà lãnh đạo và nhân dân các nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Ngày nhận bài: 31-3-2024 Ngày thẩm định: 8-5-2024 Ngày duyệt đăng: 28-5-2024
Nội dung bài viết dựa theo bài: “Cuộc nghỉ hè 2 vạn 3 nghìn cây số”, Báo Nhân Dân điện tử: https://hochiminh.nhandan.vn.
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2016, T. 7, tr. 259.