Quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hình thành từ sớm, thể hiện rõ từ quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Người vẫn kiên định tư tưởng, lập trường giải phóng dân tộc, trên cơ sở đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, đồng thời, không bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, của sức mạnh thời đại. Người là hạt nhân của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Từ khóa: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; sức mạnh dân tộc; sức mạnh thời đại

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại xuất phát từ việc xây dựng và xử lý, giải quyết các nguồn lực sao cho hiệu quả nhất, về mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại giữa các yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Trong mối quan hệ này, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sức mạnh dân tộc là nguồn lực nội sinh, giữ vai trò quyết định; sức mạnh thời đại là nguồn lực bên ngoài. Sức mạnh thời đại chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua nhân tố bên trong là sức mạnh dân tộc. Ngược lại, khi sức mạnh thời đại được phát huy sẽ làm cho sức mạnh dân tộc tăng lên. Khi kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cần có sự đánh giá, quan sát toàn diện “nhìn cho rộng, suy cho kỹ”1 mới có thể phát huy được hiệu quả, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán quan điểm phải xây dựng thực lực, coi trọng thực lực, có thực lực mới có thể tranh thủ được ngoại lực, tranh thủ được sức mạnh của thời đại. Sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định đến thắng lợi của cách mạng. “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”2. Cái gốc, cái mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đều phải là tự lực cánh sinh, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”3. Như vậy, các yếu tố nội sinh phải luôn được phát huy để đảm bảo tính độc lập, tự chủ. Khi nói về ngoại giao, Hồ Chí Minh cho rằng: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”4

Trong khi sức mạnh dân tộc đóng vai trò quyết định thì sức mạnh thời đại giữ vai trò thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc. Để tranh thủ sức mạnh thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những chủ trương, chính sách cụ thể nhằm thực hiện đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi, sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Người luôn nhận thức sâu sắc việc đưa cách mạng Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy chung của thời đại, phong trào cách mạng Việt Nam phải liên hệ chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới; đồng thời phải kết hợp chặt chẽ mục tiêu độc lập dân tộc với xu thế chung của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

2. Vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại (1930 -1954)

Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc từ năm 1930 đến năm 1945, đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng (1945-1954) là minh chứng cho sự đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Tư tưởng này của Người đã trở thành một di sản quý báu của dân tộc và là một trong những bài học lớn, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc đấu tranh giành chính quyền (1930-1945) và kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Quá trình này thể hiện vai trò tích cực, chủ động và hiệu quả của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình nhận thức, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Trong hành trình ra nước ngoài tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã rất chú trọng xây dựng thực lực cho cách mạng Việt Nam trên cơ sở đoàn kết, tranh thủ sức mạnh, sự ủng hộ của các lực lượng quốc tế, tạo ra những tiền đề quan trọng về tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ cho công cuộc giải phóng dân tộc. Với tầm nhìn sáng suốt, ngay từ những năm 1920, Người đã gửi các thanh niên yêu nước đi học ở các trường như Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và Trường Quân chính Hoàng Phố (Trung Quốc), mở các lớp huấn luyện chính trị nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần viết thư đề nghị Quốc tế Cộng sản nhận thanh niên Việt Nam sang học tập hoặc đề nghị được gửi sách, báo, tài liệu nghiên cứu chính trị về nước để nâng cao trình độ giác ngộ cho đội ngũ cán bộ và quần chúng nhân dân trong nước.

Trong quá trình vận động thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rất rõ vai trò của sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Vì thế, Người đã lựa chọn con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc và mô hình chủ nghĩa cộng sản để xây dựng đất nước sau khi giành được độc lập. Người xác định: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”5.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn thảo, trình bày tại Hội nghị thành lập Đảng (1930) đã xác định cách mạng Việt Nam do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo; phải hết sức liên lạc, đoàn kết với các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong nước, gồm: công nhân, dân cày nghèo và lôi kéo về phí cách mạng tiểu tư sản, trí thức, trung nông, các tổ chức Thanh niên, Tân Việt, v.v.; đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì lợi dụng…, đồng thời liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp6.

Trong những năm hoạt động ở Trung Quốc và chuẩn bị về nước, Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số cán bộ của Đảng tìm cách gây dựng mối quan hệ với người của chính quyền Trung Hoa Dân quốc, đồng thời liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 1941, sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tham gia trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với bản lĩnh kiên cường, bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam, tháng 5-1941, Người triệu tập và chủ trì HNTƯ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng). Tại hội nghị này, Người đã cùng với BCH Trung ương Đảng bổ sung và hoàn chỉnh "chính sách mới của Đảng" được nêu ra từ HNTƯ tháng 11-1939, khẳng định dứt khoát chủ trương "thay đổi chiến lược"7 đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị xác định: “cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”8. Người quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Đây là chủ trương sáng suốt, thể hiện tính sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc tập hợp đoàn kết tất cả các lực lượng, giai tầng trong nước có thể tập hợp được để tập trung xây dựng sức mạnh dân tộc cho cuộc đấu tranh giành độc lập. Với mục tiêu độc lập dân tộc là trên hết, Mặt trận Việt Minh đã trở thành trung tâm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang, căn cứ địa cho cách mạng, sẵn sàng chuyển cách mạng Việt Nam sang thời kỳ cao trào, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, với nhãn quan chính trị nhạy bén, linh hoạt, sâu sắc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định tình hình thế giới lúc này đang chuyển biến theo hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Người cho rằng phe Đồng minh chống phát xít, các lực lượng dân chủ trên thế giới đã, đang và nhất định sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Đó chính là xu thế không thể đảo ngược được, là sức mạnh của thời đại lúc này để bảo vệ hòa bình, độc lập, các giá trị dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới. Vì vậy, Người cùng với Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thực lực cách mạng và tìm mọi cách đưa phong trào cách mạng Việt Nam, Mặt trận Việt Minh đứng vào hàng ngũ phe Đồng minh chống phát xít Nhật. Từ đó, tạo điều kiện cho cách mạng Việt Nam tranh thủ được ảnh hưởng, sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, tăng cường sức mạnh ngoại lực cho cuộc cách mạng Việt Nam.

Tháng 8-1942, Hồ Chí Minh chủ động đi Trung Quốc tìm cách liên lạc với quân Đồng minh, Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Cuối năm 1944, Người đồng ý trao viên phi công Mỹ cho cơ quan chỉ huy của Mỹ ở Trung Quốc, coi đây là cử chỉ thiện chí để liên hệ, hợp tác với Mỹ và đã nhận được sự phối hợp hiệu quả của Mỹ. Hình ảnh đại đội hỗn hợp Việt - Mỹ, dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, hay những gương mặt Đồng minh ngoại quốc có mặt tại Lễ tuyên bố Độc lập của Việt Nam (2-9-1945)… đã thể hiện chủ trương, hiệu quả của việc chú trọng đoàn kết quốc tế, phối hợp, tận dụng sức mạnh thời đại của Đảng và Hồ Chí Minh: “Khi lực lượng của ông Hồ tiếp quản Thủ đô Hà Nội, sự có mặt của nhiều sĩ quan cao cấp Mỹ ở các công sở Việt Minh và cờ Mỹ bay trên nóc nhà của họ, đã cho những người Pháp sống sót và dân chúng biết rằng Mỹ đã có quan hệ chính thức với chế độ Việt Minh và hoàn toàn ủng hộ những người cách mạng… Trong mắt người dân Hoa Kỳ lúc đó được xem như những người giải phóng nhân loại khỏi ách phát xít. Việc Hồ Chí Minh chọn một sách lược như thế quả là sáng suốt”9.

Việc lãnh tụ Hồ Chí Minh tận dụng triệt để ảnh hưởng, sức mạnh của các lực lượng đồng minh, thông qua điện đài của các nhân viên đội OSS để cập nhật tình hình cuộc chiến tranh thế giới, sự phân công quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, thời điểm Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh… để chớp thời cơ kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng, là minh chứng rõ ràng thể hiện sự kết hợp thành công, hiệu quả giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giành độc lập dân tộc.

Khi thời cơ khởi nghĩa chín muồi, cơ hội tốt giành chính quyền, giành lại độc lập đã tới, Người viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”10. Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh như lời hiệu triệu toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc của các tầng lớp nhân dân, động viên mọi người phát huy tính tự cường, đem sức mình để tự giải phóng, “lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn”, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập. Bản Tuyên ngôn Độc lập do chính Người - “một con người đã trở thành hiện thân của quá trình gặp gỡ lịch sử giữa một dân tộc, một thời đại” trực tiếp soạn thảo tại số nhà 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Bản Tuyên ngôn Độc lập “là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hi sinh của những người con anh dũng của Việt Nam… là kết quả của bao nhiêu hi vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”11. Đồng thời, “Đó là một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập, bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức”12. Có thể khẳng định rằng, Tuyên ngôn Độc lập chính là sự kết tinh giá trị sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong những năm đầu sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, thực hiện diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt”, giặc ngoại xâm. Người luôn đi đầu, làm gương trong mọi công việc, làm cho nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ đó, sức mạnh dân tộc được tăng cường và phát huy, giúp cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”. Bên cạnh đó, Người chủ động vận động mời cựu hoàng Bảo Đại, Giám mục Lê Hữu Từ, các nhà trí thức như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, luật sư Phan Anh, Phạm Khắc Hoè,… tham gia các công việc của Chính phủ, Quốc hội và quân đội; 8/10 ghế Bộ trưởng trong Chính phủ Liên hiệp chính thức (2-3-1946) là do người của các đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội và người không tham gia đảng phái nào nắm giữ. Có thể nói, đây là một chủ trương tinh tế, khôn khéo và sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đó, đã dung hòa các mối quan hệ giữa các đảng phái, tổ chức chính trị của Việt Nam lúc bấy giờ, đồng thời kìm chế hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, tạo điều kiện cho cách mạng có thời gian hoà bình để chuẩn bị xây dựng thực lực, làm cơ sở cho cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Không chỉ chú trọng xây dựng sức mạnh dân tộc, ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gửi nhiều thư, điện đến lãnh đạo các nước Mỹ, Liên Xô, Hội Quốc liên (Liên hợp quốc), các nước châu Á, Chính phủ và nhân dân tiến bộ Pháp cũng như lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới bày tỏ tình hữu nghị, mong muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các nước, các tổ chức quốc tế.

Năm 1946, Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm hữu nghị nước Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, sang thăm và lưu lại nước Pháp hơn 4 tháng với nhiều hoạt động tiếp xúc với chính giới Pháp, các phóng viên báo chí Pháp, quốc tế, kiều bào Việt Nam tại Pháp. Người cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp báo ở Paris… Những hoạt động đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp cho nhân dân Pháp, kiều bào Việt Nam ở Pháp cũng như nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới hiểu rõ hơn về mong muốn hòa bình, hữu nghị của nhân dân Việt Nam.

Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh”, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đường lối kháng chiến đã huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, góp phần làm nên những thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc (1947), chiến dịch Biên giới (1950).

Năm 1951, nhằm tập hợp sự đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất cùng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã chủ trương thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam thành Mặt trận Liên Việt. Điều đó đã khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm kháng chiến bảo vệ nền độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Vào giữa năm 1949, mặc dù lúc này cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam này đang gặp muôn vàn khó khăn và bị đế quốc, thực dân bao vây song khi nhận được đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc Việt Nam đưa quân sang giúp đỡ cách mạng Trung Quốc. Trên tinh thần quốc tế cao cả, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã quyết định cử lực lượng sang Trung Quốc, phối hợp chiến đấu, mở chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đánh bại quân của chính quyền Trung Hoa Dân quốc, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Trung Quốc. Sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình này của Việt Nam là cơ sở để tăng cường mối quan hữu nghị giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Sự giúp đỡ này vừa thể hiện sự gắn bó về lợi ích giữa hai bên vừa là sự kết hợp sức mạnh thời đại trong cuộc kháng chiến của hai quốc gia, dân tộc.

Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập (10-1949), đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật đi Trung Quốc, Liên Xô. Chuyến đi này của Người có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Liên Xô và Trung Quốc đã đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam và giúp Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước dân chủ nhân dân. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn cả về vật chất và tinh thần của Liên Xô, Trung Quốc cũng như các nước dân chủ nhân dân và nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó, Trung Quốc đóng vai trò là nước chủ yếu viện trợ, giúp đỡ Việt Nam về vật chất cũng như đào đạo, huấn luyện cán bộ. Với sự giúp đỡ này, cuộc kháng chiến của Việt Nam có thêm thế và lực từ sức mạnh thời đại, kết hợp với sức mạnh dân tộc với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”13 làm nên sức mạnh tổng hợp, tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trong quá trình lãnh đạo kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng luôn chủ động tìm kiếm sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Ngoài Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng còn rất quan tâm xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các nước có chế độ chính trị khác nhau trong khu vực châu Á như Miến Điện (Mianma), Inđônêxia, Malaixia, Ấn Độ…, các nước châu Phi và Mỹ La tinh. Đặc biệt là hai nước Lào và Campuchia, hình thành khối liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương.

Trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để giành lại nền độc lập dân tộc (1945) và đánh thắng thực dân dân Pháp xâm lược (1954). 

 

Ngày nhận: 31-7-2024; ngày thẩm định đánh giá:25-8-2024; ngày duyệt đăng: 31-8-2024

1. Hồ Chí Minh Toàn tâp, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 326

2. Hồ Chí Minh Toàn tâp, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 179

3. Hồ Chí Minh Toàn tâp, Nxb CTQG, H, 2011, T. 7, tr. 445

4,5. Hồ Chí Minh Toàn tâp, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 147, 329

6. Xem: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 2, tr. 2-6

7, 8. Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 7, tr. 117, 118

9. Bernard Fall: The Two Việt Nam, Praeger, New York, 1967, tr. 108-109

10. Hồ Chí Minh Toàn tâp, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 554

11. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh, Nxb ST, H, 1975, tr. 116

12. Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý: Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh những giá trị và ý nghĩa thời đại, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 69

13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, H, 2000, T. 8, tr. 160.