Tóm tắt: Ngày 27-7-2023 là Kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh, liệt sĩ. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hiếu nghĩa, bác ái với thương binh, liệt sĩ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều kết quả tốt trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách. Trong chủ trương và chính sách an sinh xã hội của nước nhà giai đoạn hiện nay, việc này càng cần được chú trọng hơn nữa. Các thế hệ người Việt Nam có được cuộc sống như hiện nay có phần đóng góp thật quý giá của họ. Trong khoan thư sức dân giai đoạn hiện nay, trước hết cần các tổ chức trong hệ thống chính trị và nói chung là mọi người tiếp nối và lan tỏa lòng hiếu nghĩa, bác ái đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.

Từ khoá: Tư tưởng Hồ Chí Minh; thương binh, liệt sĩ

1. Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt”1. Còn liệt sĩ là những người tham gia cách mạng mà hy sinh tính mạng của bản thân mình cho Tổ quốc. Với cương vị là lãnh tụ Đảng và nguyên thủ quốc gia, với tinh thần nhân văn sâu sắc, tháng 6-1947, Người nêu ý kiến nên chọn một ngày trong năm làm Ngày thương binh, liệt sĩ để mọi người có dịp tỏ lòng biết ơn họ.

Ngay sau đó, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, khối và một số địa phương đã họp tại Phú Minh thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thảo luận và thống nhất lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức nêu rõ: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”2 (sau này có cụm từ đầy đủ là “thương binh, liệt sĩ - TG”), đồng thời nêu ý kiến của mình về các hình thức “nhường cơm, sẻ áo của đồng bào ta”3. Người viết rằng: “xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ.00)”4. Số tiền cùng áo lụa Người tặng thương binh 1.127đ.00 năm 1947 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ở trên đây không rõ mà quy ra giá trị bây giờ là bao nhiêu. Tôi cho điều đó là quan trọng, nhưng chưa quan trọng bằng mang ý nghĩa lớn lao của nghĩa cử cao cả và tính làm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đúng ngày 27-7-1947, biết bà Bá Huy có lập Trại An dưỡng thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bà với những lời rất cảm động: “Thưa bà, tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một an dưỡng đường cho thương binh. Tôi rất lấy làm vui lòng... Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà, và ngợi khen bà. Đồng thời tôi cũng cảm ơn các cụ phụ lão, các vị thân hào và toàn thể nam nữ đồng bào ở vùng đó, đã giúp công, giúp của với bà, để lập nên an dưỡng đường “BÀ BÁ HUY”. Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh”5.

Đã 76 năm đã đi qua, từ ngày 27-7-1947 đáng nhớ ấy, dân tộc Việt Nam đã đi qua hai cuộc kháng chiến vô cùng oanh liệt (cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975), rồi đã trải qua các cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ biên giới phía Tây Nam, ở biên giới phía Bắc và cho đến hiện nay, biết bao người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống và bị thương vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào. Sự tàn khốc của các cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí đứng lên chống giặc ngoại xâm, không thể nào thống kê số liệu cho thật chính xác. Theo nhiều nguồn tin, có từ 3 đến 5 triệu người Việt Nam bị chết trong chiến tranh, hàng triệu người khác bị thương và tàn tật. Những người còn sống tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường mà cuộc chiến đã gây ra, trong đó do ảnh hưởng của chất độc dioxin, tỷ lệ dị dạng bẩm sinh ở Việt Nam là cao nhất thế giới. Có khoảng hơn 1,1 triệu bộ đội hy sinh, 600.000 bộ đội bị thương hoặc bị bệnh. Trong số hy sinh, có 300.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Tính chung 30 năm kháng chiến (1954-1975) và các cuộc chiến đấu chống xâm lược ở biên giới Tây nam và biên giới phía Bắc (1978-1989), cùng một số chiến dịch chống thổ phỉ và FULRO thì Việt Nam có trên 1.140.000 liệt sĩ6.

 

2. Tiếp nối dòng lịch sử đã qua về lòng hiếu nghĩa, bác ái đối với thương binh, liệt sĩ, những vấn đề nào được đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Phải tích cực hơn nữa trong việc tiếp tục đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và bản thân những người tham gia kháng chiến.

Tấm lòng hiếu nghĩa, bác ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào, đặc biệt là đối với thương binh, liệt sĩ thật sâu nặng và đã được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân đưa vào chiến lược, chủ trương, đường lối, pháp luật, chính sách cũng như dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng trong nhân dân Việt Nam. Đó cũng là những tư duy và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản viết bổ sung, tháng 5-1968. Người căn dặn, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, thì đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với thương binh thì Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc7.

Do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện những điều trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi các cuộc kháng chiến thắng lợi, nhìn một cách nghiêm khắc, thì có phần chậm. Nhưng, đến nay mà nói, việc hiếu nghĩa, bác ái đó đã trở thành phong trào toàn dân. Xã nào cũng có nghĩa trang hoặc đài tưởng niệm các liệt sĩ; các thương binh được chăm sóc bằng các chế độ trợ giúp, có một số trại an dưỡng dành cho thương binh nặng (điển hình là ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, giống như trại của bà Bá Huy năm 1947 mà bài viết đã đề cập ở trên). Việc chăm lo đời sống, việc làm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ được chú ý hơn. Nhiều người thuộc diện “gia đình chính sách” được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức và nghề nghiệp cả trong và ngoài nước bằng tiền ngân sách nhà nước. Đặc biệt là Đảng, Nhà nước có hình thức tôn vinh, phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng” và hầu hết các tổ chức, cá nhân trong bộ máy hệ thống chính trị cả nước cùng chung tay chăm sóc, nuôi dưỡng.

Nhưng, như dân gian đã nói: “Làm việc ơn nghĩa thì không bao giờ đủ”. Vì thế, hiện nay và cả thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn. Nên chú trọng thêm 5 điểm sau đây: 1) Rà soát lại các “đối tượng” thuộc diện gia đình chính sách; 2) Bổ sung, sửa đổi những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đền ơn, đáp nghĩa, trong đó có việc tăng trợ cấp cho họ cũng như các biện pháp chăm sóc y tế bởi vì cuộc sống vận động không ngừng, thường là các chính sách đối với các tầng lớp xã hội nói chung, trong đó có chính sách trợ cấp cho thương binh, gia đình liệt sĩ nói riêng, không theo kịp sự biến chuyển trong cuộc sống; 3) Xây dựng thêm hoặc cải tạo các trại thương binh cho thật khang trang, có điều kiện phù hợp với từng người; 4) Lan tỏa hơn nữa phong trào đền ơn, đáp nghĩa trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân (giáo dục “về nguồn” cho lớp trẻ, tu bổ các nghĩa trang tượng đài liệt sĩ, quyên góp ủng hộ tiền cho các gia đình thương binh, liệt sĩ...); 5) Nên đổi mới hình thức thăm hỏi, tặng quà cho các thương binh, gia đình chính sách với hướng là vận động các doanh nhân và những tập thể, cá nhân khác ủng hộ tiền, vật chất tặng cho các gia đình này. Tất cả số tiền và hiện vật từ nguồn “xã hội hóa” và từ nguồn ngân sách nên đưa vào chính sách chung để bổ sung trợ cấp hoặc tặng quà, tránh tình trạng lấy tên cá nhân người tặng mà thực ra đó là quà từ ngân sách hoặc từ sự đóng góp của các doanh nhân, cá nhân người ủng hộ và chỉ tặng cho những gia đình chính sách nơi bản thân người đến thăm còn nơi khác không đến thăm thì lại không được tặng gì. Về việc này, cần học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khi bản thân Người đi thăm, tặng quà không dùng tiền ngân sách để tặng và không làm theo lối hình thức.

Khơi dậy tính tích cực chính trị của bản thân các thương binh, gia đình chính sách

Ý thức chính trị của mỗi người dân Việt Nam yêu nước vẫn luôn luôn là tố chất quan trọng cho việc xây dựng chế độ chính trị XHCN tốt đẹp mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng. Vì thế, ở đây đòi hỏi nêu gương sáng của thương binh, các gia đình chính sách trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như những chủ trương của các tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị. Nhất thiết không được sa vào “bệnh” công thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”8. Những người công thần thì mắc tiếp bệnh chủ nghĩa cá nhân, không thực hiện chí công vô tư, nó “như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”9.

Thương binh tàn nhưng không phế - có rất nhiều tấm gương sáng như thế trong xã hội Việt Nam cần được nhân rộng hơn, nhất là trong xây dựng kinh tế. Nhiều thế lực không có cảm tình với chế độ tìm mọi cách lợi dụng thương binh, các gia đình liệt sĩ để gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội, chống người thi hành công vụ, về hùa với những người bất mãn; do vậy, phải “nâng cao dân chúng”, làm cho mọi người, trong đó có thương binh, gia đình chính sách cảnh giác, không tham gia với những phần tử có hành vi xấu trong các cuộc giải quyết khiếu kiện. Tính gương mẫu của thương binh, gia đình chính sách hiện nay thể hiện trên các mặt: nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước và của các tổ chức chính trị-xã hội khác trong hệ thống chính trị; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; góp phần vào việc xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại nơi cư trú và trên toàn quốc; bản thân mình và vận động cả gia đình mình tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước; giáo dục các thành viên trong gia đình, nhất là những người trẻ tuổi phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, của gia đình, của các thương binh, liệt sĩ vào cuộc sống, lao động, học tập để trở thành người tốt, lương thiện, có đức-tài, phục vụ sự phát triển của đất nước vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ

Công việc này, kể cả về phương diện chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như của các đoàn thể (trong đó đặc biệt là Hội Cựu chiến binh các cấp) và việc thực hiện trên thực tế hàng chục năm nay vẫn được coi trọng. Đáng chú ý là công việc này được tiến hành trong điều kiện rất khó khăn về cả nhân sự, máy móc, phương tiện khoa học kỹ thuật, ở cả địa bàn ngoài nước (Lào, Campuchia). Không thể có ảo tưởng tìm thấy hết khoảng 300 nghìn hài cốt liệt sĩ trong cả nước và ở nước ngoài làm nguôi ngoai nỗi niềm khi con em các gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Việc tìm kiếm đó là yêu cầu rất lớn, theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đối với những người đã qua đời. Các tổ chức hệ thống chính trị cần đẩy mạnh hơn nữa công việc nghĩa tình này bằng cách đứng ra chủ trì hoặc bảo trợ cho các cá nhân, tập thể có khả năng tìm kiếm. Tính phức tạp, khó khăn về địa hình, địa chất, về địa điểm, về con người, về phương tiện, về máy móc đã làm cho những người thân trong gia đình nói chung, đặc biệt là những người cha, người mẹ, khi chiến tranh đã lùi xa, tuổi tác của họ ngày càng cao, đã khuất núi phải sống trong nỗi niềm chưa thanh thản khi chưa đưa được hài cốt của con họ về với quê hương, gia đình.

Đã từ lâu, trong việc thực hiện theo POW/MIA10,  Việt Nam đã hợp tác với phía Mỹ, đối với chính sách nhân đạo, làm tương đối tốt việc tìm kiếm đưa hài cốt quân nhân Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam. Nên rút ra những kinh nghiệm quý báu từ những kết quả thực tế của công việc này, áp dụng có kết quả tốt ở nước ta. Điều này không chỉ là vấn đề tâm linh (chủ yếu là đối với quan niệm về tín ngưỡng của người dân tộc Kinh), mà còn là vấn đề nhân văn, nhân đạo và có ý nghĩa trong việc xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã cho chúng ta một bài học quý giá: đoàn kết thì sống, không đoàn kết thì chết, cho nên mọi hành vi của bất kỳ tổ chức và cá nhân nào góp thêm cho sức mạnh hướng vectơ lực vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tốt hơn nữa đều đáng được khuyến khích.

Việc kích hoạt tinh thần và ý nghĩa tốt đẹp hiếu nghĩa, bác ái của Ngày thương binh, liệt sĩ 27-7 hằng năm chính là sự nhắc nhớ cho những tổ chức, cá nhân trong bộ máy hệ thống chính trị cũng như cho toàn dân “ăn ở” sao có tình, có nghĩa, có trước có sau, ăn quả nhớ người trồng cây, thuận đạo lý. Đó là việc thiện. Mà đã là việc thiện thì nó có giá trị vĩnh hằng mà con người chân chính phải luôn luôn có. Nhớ Ngày thương binh liệt sĩ hằng năm là nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhớ và lan tỏa những hành động nghĩa cả.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 7-2023

1, 2, 3, 4, 5, 8, 9. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb  CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 204, 204, 205, 205, 206, 326, 295

6. Theo cuốn sách: Chất độc da cam - Thảm kịch và di họa, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2004.

7. Xem Hồ Chí Minh Toàn tập, NxbCTQG, H, 2011, T. 15, tr. 616-617

10. POW/MIA là những vấn đề hậu chiến tranh Việt Nam mà Mỹ quan tâm giải quyết, trong đó POW là giải quyết vấn đề tù binh Mỹ (prisioners of war - POW), còn MIA là các quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh (missing in action - MIA), gọi chung là vấn đề tù binh, quân nhân mất tích sau chiến tranh Việt Nam. Vì mục đích nhân đạo, phía Việt Nam đã đồng ý phối hợp với phía Mỹ tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ bị chết trong chiến tranh ở Việt Nam, bắt đầu từ tháng 9-1988. Thực tế vấn đề POW/MIA sau này được coi là một trong những biện pháp có hiệu quả thúc đẩy sự bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.