Tóm tắt: Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương đúng đắn của Đảng đang được thực hiện rất quyết liệt và đồng bộ, được cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, hòng làm rối loạn xã hội từ đó hạ thấp uy tín của Đảng, chúng tung ra nhiều luận điệu sai trái, xuyên tạc làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bài viết tập trung phân tích làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn khẳng định chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, đó là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh; là quan điểm nhất quán của Đảng trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng yêu cầu khách quan phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ khóa: Phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc; thế lực thù địch; chủ trương của Đảng; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
1. Một số luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch
Chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của Đảng thời gian qua đang được đẩy mạnh thực hiện và bước đầu đạt những kết quả quan trọng. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 126-KL/TW ngày 14-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư “về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025” và Kết luận số 127-KL/TW ngày 28-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư “về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn, đặc biệt là sử dụng nền tảng mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Zalo... để tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như: chủ trương của Đảng là do “ý chí chủ quan” của cá nhân nhằm “ghi điểm tạo dấu ấn” hoặc “triệt hạ đối thủ” để củng cố vị trí lãnh đạo, tham quyền lực; vấn đề sáp nhập không có cơ sở khoa học nên sớm muộn gì “sáp nhập một thời gian rồi sẽ lại tách ra”; hoặc “sắp xếp, tinh gọn tổ chức cũng vì lợi ích cá nhân”; “chủ trương tinh gọn tổ chức cũng chỉ là bình mới rượu cũ, gây tốn kém cho nhân dân”; “tạo cơ hội chạy ghế, chạy chức”,…
Mục đích của các thế lực thù địch đưa ra các luận điệu xuyên tạc, nhằm bóp méo sự thật, “đánh lận con đen”, gây rối, loạn xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, gây ra sự hoài nghi, dao động trong cán bộ, đảng viên đối với chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hiện nay.
2. Phản bác các quan điểm sai trái
Nhằm mục đích tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo ra sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị và đồng thuận của toàn xã hội; góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân chủ động đấu tranh, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, bịa đặt, không để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội gây nhiễu loạn, chia rẽ nội bộ. Phải khẳng định rằng, trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn, thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và đặt cơ sở nền móng xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. Quan điểm xuyên suốt của Người là Đảng và chính quyền cách mạng phải luôn coi nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp cách mạng dân tộc, phục vụ nhân dân là quan trọng nhất. Người nhắc nhở: “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người [...] Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”1.
Trong quá trình lãnh đạo xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, Người luôn căn dặn Đảng và Chính phủ cần quan tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy sao cho khoa học, hợp lý đáp ứng yêu cầu công việc. Trong bài viết: “Thiếu óc tổ chức - Một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân”, với bút danh Chiến Thắng, đăng trên báo Cứu quốc ngày 4-10-1945, Người viết: “Trong một ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc”2. Vì vậy, theo Người tổ chức bộ máy cần phải được sắp xếp khoa học, hiệu lực, hiệu quả tránh tốn tiền của nhân dân và phục vụ nhân dân là mục đích cao nhất, Người viết: “Về tổ chức: Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”3.
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh đã được Đảng vận dụng một cách sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mới, HNTƯ 6 khoá XII ra Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Trung ương Đảng nhận thấy tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của đất nước còn nhiều hạn chế, bất cập cần nhanh chóng đổi mới, “tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”4. Vì vậy, Đảng đề ra mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương”5.
Việc ban hành Kết luận số 126-KL/TW ngày 14-2-2025 và Kết luận số 127-KL/TW ngày 28-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là sự tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc thực hiện chủ trương này chính là sự vận dụng theo tư tưởng Hồ Chí Minh tinh gọn bộ máy để làm việc hiệu quả, đỡ tốn tiền của nhân dân.
Thứ hai, chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng trong thời kỳ đổi mới.
Đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị không phải là “ý chí cá nhân”, “ghi điểm tạo dấu ấn” hoặc “vì lợi ích nhóm”, “triệt hạ đối thủ” mà là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ đổi mới. Ngay từ Đại hội VI (1986) mở đầu thời kỳ đổi mới của Đảng, với tư duy “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng đã nhận thấy sự hạn chế, bất cập của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đất nước và nêu rõ quan điểm cần phải tinh gọn tổ chức bộ máy “Xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có chất lượng cao, với một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và có năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội”6 và nhấn mạnh: “Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Đảng phải đổi mới về nhiều mặt […] đổi mới tổ chức”7.
Tiếp đó, Đại hội lần thứ VII (1991) của Đảng, chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả được Đảng đề ra: “Kiên quyết sắp xếp lại tổ chức và tinh giản biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp ngay từ năm 1991, làm cho bộ máy gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả. Sớm ban hành quy chế viên chức nhà nước. Xây dựng đội ngũ viên chức nhà nước có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao và thành thạo nghiệp vụ”8, trong đó quan tâm hơn đối với tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của các đoàn thể chính trị xã hội: “Bộ máy của các đoàn thể phải rất gọn nhẹ, hoạt động đúng với tính chất tổ chức quần chúng”9.
Đại hội VIII (1996) của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy được tiếp tục nêu lên với mục đích rõ ràng: “Làm cho bộ máy tinh gọn, bảo đảm sự điều hành tập trung, thống nhất, thông suốt, có hiệu lực từ Chính phủ đến chính quyền địa phương, cơ sở; đồng thời phát huy tính chủ động, năng động của địa phương, cơ sở”10 và chủ trương: “Tiếp tục cải tiến bộ máy đảng, nhà nước và đoàn thể theo hướng tinh giản và nâng cao hiệu quả; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa các tổ chức, kiện toàn các cấp ủy đảng, giải quyết các mối quan hệ và nâng cao chất lượng hoạt động của các ban đảng, các đảng đoàn, ban cán sự, đảng ủy khối, đảng ủy cơ quan”11.
Đại hội lần thứ IX (2001) của Đảng, khi đất nước bước vào thế kỷ XXI, bối cảnh thế giới và đất nước có nhiều thay đổi. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới, nhận thức của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị đã tiến thêm một bước mới, quan điểm của Đảng nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng được xác định: “Kiện toàn hệ thống tổ chức đảng gắn với cải cách, đổi mới tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Sắp xếp tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban, Ban Cán sự Đảng, đảng đoàn, đảng ủy khối theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII)”12
Đại hội X (2006) của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng ở Trung ương và các địa phương, gắn với kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế của cơ quan nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII, bảo đảm tinh gọn, hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện một đảng cầm quyền”13.
Đại hội XI (2011) của Đảng nhấn mạnh những nội dung cụ thể trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy: “Tiếp tục xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Sớm tổng kết việc thực hiện sáp nhập một số ban, bộ, ngành trung ương để có chủ trương phù hợp”14.
Đại hội XII (2016) của Đảng chủ trương “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”15. Cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XII, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 xác định: “Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”16.
Đại hội XIII (2021) chủ trương: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hoá, xã hội, con người [....] Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị [...] khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”17.
Quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng đã tiến hành tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII và ban hành Kết luận số 126-KL/TW ngày 14-2-2025 và Kết luận 127-KL/TW, ngày 28-2-2025.
Như vậy, chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo Kết luận 126, Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII không phải là mới được đề ra theo ý chí cá nhân người lãnh đạo, không phải là nhất thời mà là sự tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là Nghị quyết HNTƯ 6 khóa XII với mục đích đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ ba, chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là xuất phát từ yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn khách quan đặt ra.
Thực tiễn quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đến cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI vẫn chưa đạt yêu cầu, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 chỉ rõ: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh”, “số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn”, “Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới, một số nhiệm vụ còn trùng lặp, vẫn còn tình trạng “hành chính hóa”, “công chức hóa”…”18.
Tại buổi thảo luận tổ ở Quốc hội, ngày 31-10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: Từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, cần sắp xếp tinh gọn. Tuy nhiên, việc sắp xếp hiện nay mới làm từ dưới lên, sáp nhập huyện xã chứ chưa làm tới tỉnh; sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ ngành chứ chưa làm ở Trung ương. Tổng Bí thư cho rằng cần phải nghiên cứu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức từ trung ương đến cơ sở19.
Thực hiện chủ trương của Đảng, hiện nay cả hệ thống chính trị, tất cả các ngành từ Trung ương đến địa phương đã và đang tập trung đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy bước đầu đã đạt một số kết quả quan trọng: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 17 bộ, ngành (gồm: 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ), giảm 5 bộ, ngành so với trước đây. Về tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương, giảm 519 cục và tổ chức tương đương, giảm 219 vụ và tổ chức tương đương, giảm 3.303 chi cục và tương đương chi cục. Đối với các địa phương, 63 tỉnh và thành phố theo chỉ đạo chung của Chính phủ đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh; 1.454 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện, bỏ công an cấp huyện20. Việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập xã được thực hiện khẩn trương.
Như vậy, dựa trên các luận cứ khoa học và thực tiễn có thể khẳng định chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở Việt Nam đã và đang thực hiện là hoàn toàn đúng đắn, tạo được sự thống nhất của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn xã hội. Những luận cứ khoa học và thực tiễn đó là sự phản bác đanh thép đối với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần củng cố niềm tin của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới, xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Ngày nhận: 21-4-2025; ngày đánh giá, thẩm định; 13-5-2025; ngày duyệt đăng: 15-5-2025
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T. 8, tr. 155
4, 5, 16, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-18-nqtw-ngay-25102017-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-mot-so-van-de-ve-tiep-568
20. Ban Chấp hành Trung ương: Kết luận số 121-KL/TW ngày 24-1-2025, “về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.