Tóm tắt: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trở thành biểu tượng của ý chí và sức mạnh của một dân tộc có bản lĩnh và bản sắc văn hóa, quyết tâm đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng đó đã được thế giới ghi nhận như một sự kiện lịch sử trọng đại của thế kỷ XX và đưa vị thế của dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới trên trường quốc tế. Bên cạnh những quan điểm khách quan về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, vẫn còn nhiều quan điểm lạc lõng, sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, làm giảm ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Từ khóa: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chiến tranh chính nghĩa
1. Tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam
Mục đích chính trị của cuộc kháng chiến là giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, độc lập, tự do, hòa bình cho nhân dân. Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã giành lại độc lập, tự do, Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam, hơn ai hết, thiết tha với nền hòa bình để xây dựng đất nước sau gần một thế kỷ bị thực dân, phát xít nô dịch, tàn phá. Cuộc tổng tuyển cử tự do ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam, tháng 1-1946, đã bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, được Quốc hội bầu, là Chính phủ duy nhất hợp hiến, hợp pháp của nước Việt Nam độc lập.
Nhưng thực dân Pháp quay lại xâm lược lần thứ 2, bất chấp Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền. Từ năm 1950, đế quốc Mỹ đã chính thức can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên, nhân dân Việt Nam một lần nữa đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc đối phương ký Hiệp định Giơnevơ. Song, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai công khai phá hoại công cuộc hòa bình, thống nhất nước Việt Nam. Đế quốc Mỹ áp đặt chế độ thực dân mới đối với miền Nam Việt Nam, xây dựng chính quyền Ngô Đình Diệm thành một bộ máy cai trị quân phiệt.
Với khẩu hiệu “đạp lên oán thù mà tiến”, “thà giết nhầm hơn bỏ sót”, chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp các phong trào hòa bình, bắt bớ, truy bức, giết hại những người yêu nước ở khắp miền Nam, từ thành thị đến nông thôn. Tháng 5 -1957, trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm tuyên bố “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”1. Với những công cụ thực dân mới do cố vấn Mỹ chỉ đạo như bộ máy cảnh sát, hệ thống nhà tù và quân đội dựa vào viện trợ Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm là điển hình cho chế độ tay sai thực dân mới của đế quốc Mỹ.
Từ năm 1955 đến năm 1961, Hoa Kỳ đã viện trợ cho chính quyền miền Nam Việt Nam 7 tỷ đôla2. Trong đó, từ năm 1955 đến năm 1960, viện trợ quân sự là 1.028,9 triệu đô la3. Trong những năm này, 800 chuyến tàu chở vũ khí và phương tiện quân sự của Mỹ đã vào miền Nam Việt Nam. Những năm 1955-1956, đế quốc Mỹ chi 414 triệu đô la xây dựng các lực lượng thường trực quân đội Việt Nam Cộng hòa, gồm 170.000 người và lực lượng cảnh sát 75.000 người. Ngân sách quân sự của chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ viện trợ lên tới 80%4. Mỹ tiến hành xây dựng các cơ sở quân sự quan trọng, đặt ở Sài Gòn các phái đoàn như: MAAG, TRIM, CATO, TERM. Phái đoàn MAAG có 200 cố vấn và nhân viên, năm 1954, tăng lên 2.000 vào năm 1960, trong đó 800 là cố vấn quân sự. Đế quốc Mỹ đã tiêu tốn vào cuộc chiến 676 tỷ đô la5; 6,6 triệu lượt quân tham chiến; 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân6; trên 72 nghìn quân7 các nước đồng minh Hoa Kỳ8. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trở thành nơi thử nghiệm những vũ khí mới nhất, với khối lượng lớn bom đạn, chất độc hóa học, chất độc da cam, tiến hành càn quét, đốt phá, và giết hại cả dân thường. Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học9.
Đế quốc Mỹ đã nuôi dưỡng và dựng lên Bảo Đại, Ngô Đình Diệm rồi Nguyễn Văn Thiệu... Dựng lên kiểu chính quyền như vậy, Mỹ và chính quyền tay sai lừa bịp dân chúng bằng chiêu bài “bầu cử tự do”. Điều này từng bị chính các học giả Mỹ vạch trần. E. Hecman và R. D Boff viết: “Khái niệm của Washington về sự “lựa chọn tự do” của nhân dân Việt Nam cũng có nghĩa như sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc”10. Với những luận điệu của Mỹ về tính chất “hợp pháp”, “hợp hiến” của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, hai tác giả trên nêu rõ: “Với một phần lớn đất nước ở trong tay Mặt trận Dân tộc giải phóng và với một chế độ độc tài quân sự đàn áp nắm quyền lực ở Sài Gòn, “bầu cử tự do là một trò hề”11. Đế quốc Mỹ bám chặt miền Nam Việt Nam vì mục đích và lợi ích của họ, của chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Giới chóp bu của chế độ Sài Gòn chỉ được tự do trong giới hạn mà Mỹ cho phép. Việc Ngô Đình Diệm tỏ dấu hiệu vượt ra khuôn khổ của Mỹ, đã bị thanh trừng (năm 1963), là một ví dụ.
Tiến hành xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ tiến hành các chiến lược chiến tranh, từ “Chiến tranh đơn phương”, đến “Chiến tranh đặc biệt” nhưng chưa thay đổi được cục diện về chính trị, quân sự, chính giới Mỹ tiếp tục leo thang tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, rồi phải xuống thang, thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”. Rõ ràng, đế quốc Mỹ đã chà đạp luật pháp quốc tế, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, trở thành kẻ thù xâm lược đối với dân tộc Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định Hoa Kỳ là kẻ thù trực tiếp xâm phạm độc lập, chủ quyền, ngăn cản sự nghiệp thống nhất đất nước Việt Nam.
Độc lập dân tộc, hòa bình và thống nhất đất nước là ý chí, khát vọng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và mọi người dân Việt Nam, là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Chỉ trong vòng 4 năm (1955-1958), 9/10 cán bộ, đảng viên ở miền Nam bị tổn thất. Một số liệu khác được công bố là trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1959, tại miền Nam Việt Nam có 466.000 người cộng sản và người yêu nước bị bắt, 400.000 người bị tù đày và có 68.000 người bị giết hại12.
Trước tình hình trong nước, quốc tế vô cùng khó khăn, phức tạp, trong những năm 1954-1959, Đảng vẫn kiên trì đấu tranh bằng phương pháp hòa bình để thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định hòa bình thống nhất nước nhà là nguyện vọng tha thiết, phải tranh thủ mọi thời cơ để thống nhất một cách hòa bình. Đấu tranh vũ trang chỉ buộc phải thực hiện khi không còn con đường nào khác. Quyết tâm thực hiện thống nhất đất nước được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960): “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được thống nhất đất nước, Nam, Bắc một nhà”13. Mục tiêu cao cả của chiến tranh cách mạng là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người đã thu hút rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo... tham gia cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc.
2. Đường lối cách mạng độc lập, tự chủ vì mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất đất nước của Đảng
Quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong bối cảnh phong trào cộng sản và công nhân thế giới có những bất đồng, xuất hiện chủ nghĩa xét lại, tâm lý sợ Mỹ, ngại đối đầu với Mỹ, biểu hiện ở xu hướng hòa hoãn, chung sống hòa bình, thủ tiêu đấu tranh vũ trang, Đảng Lao động Việt Nam đã xử lý đúng đắn quan hệ giữa cuộc đấu tranh vì lợi ích dân tộc với cuộc đấu tranh chung của nhân loại nhằm bảo vệ hòa bình; đề ra và kiên trì, khôn khéo thực hiện chủ trương chiến lược kiềm chế, hạn chế cuộc chiến tranh ở miền Nam, không để bùng nổ thành chiến tranh khu vực, chiến tranh giữa hai phe; nêu cao mục tiêu chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần chống xâm lược, bảo vệ hòa bình.
Liên Xô, Trung Quốc chung quan điểm duy trì hiện trạng Việt Nam chia cắt thành 2 miền với chế độ chính trị khác nhau, thuyết phục Việt Nam chấp nhận tạm thời sự chia cắt đất nước, không muốn Đảng Lao động Việt Nam phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá sự phát triển nhiều chiều của tình hình, Đảng đề ra Nghị quyết Trung ương 15 (1959)14, đưa đến cuộc Đồng khởi vĩ đại, đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng miền Nam. Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Đảng hoạch định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, tiến hành đồng thời cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc, nhằm mục tiêu chung là chống chiến tranh xâm lược thực dân mới, bảo vệ hậu phương lớn, tất cả cho tiền tuyến lớn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, ồ ạt đưa quân chiến đấu và phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam Việt Nam; đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô và cường độ vô cùng khốc liệt. Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng hạ quyết tâm: “kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”15, thể hiện tư tưởng chiến lược tiến công, ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trước thử thách sống còn của vận mệnh dân tộc. Phương châm chiến lược được Trung ương Đảng xác định là chiến đấu lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương (1-1968,) thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị, thực hiện Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là quyết định chiến lược sáng tạo, táo bạo. Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã đánh thẳng vào ý chí của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc đế quốc Mỹ phải “xuống thang” chiến tranh từ nấc thang cao nhất, phải hạn chế ném bom rồi ngừng hẳn việc ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn hội đàm tại Paris với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam năm 1972, cùng với thắng lợi đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ trên miền Bắc, đặc biệt nổi bật là chiến công đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược những ngày cuối năm 1972 làm thất bại về cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Hoa Kỳ phải trở lại bàn đàm phán, ký văn bản Hiệp định, thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo bước ngoặt về thế và lực so sánh có lợi cho cách mạng. Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (7-1973) khẳng định đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh: “Con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”16.
Quá trình Đảng đề ra và thực hiện đường lối chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến đều xuất phát từ mục tiêu chiến lược nhất quán là vì nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân trên cả hai miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
3. Kết hợp và phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại
Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh, cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của cuộc đối đầu quyết liệt giữa phe TBCN và phe XHCN. Cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, dân chủ. Sức mạnh dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã được kết hợp chặt chẽ với sức mạnh của thời đại, trở thành một nhân tố làm nên thắng lợi.
Giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, Việt Nam đã tranh thủ được tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ; sự giúp đỡ mạnh mẽ, hiệu quả của quốc tế trên cơ sở nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn, nhiệt thành vô cùng quý báu về tinh thần và vật chất, đào tạo cán bộ và hợp tác của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Nếu không có sự viện trợ to lớn đó thì chắc chắn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân đội và nhân dân Việt Nam sẽ khó có thể vượt qua các thách thức để giành thắng lợi cuối cùng.
Trong bối cảnh Liên Xô, Trung Quốc có mâu thuẫn gay gắt, mỗi nước đều muốn lôi kéo Việt Nam đứng về phía họ để chống lại nước kia, Việt Nam đã giữ vững độc lập, tự chủ, xử lý mềm dẻo các mối quan hệ, kiên trì đoàn kết quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm cho ngành ngoại giao phải giữ được thế cân bằng giữa hai đảng, hai nước lớn17. Việt Nam kiên trì thuyết phục Trung Quốc đồng ý để hàng viện trợ quân sự từ Liên Xô được chuyên chở bằng đường sắt qua lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc giúp Việt Nam về hậu cần (lương thực, thực phẩm, quân nhu, xăng dầu), về vũ khí và phương tiện chiến tranh. Từ năm 1965, Liên Xô tăng cường viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các vũ khí và trang thiết bị hiện đại gồm các loại tên lửa đất đối không, máy bay phản lực chiến đấu, tên lửa, súng phòng không. Sự kết hợp cả hai nguồn viện trợ này đã nhân lên sức mạnh của Việt Nam, góp phần để quân và dân Việt Nam chiến đấu thắng lợi trên chiến trường cũng như chống trả thành công chiến tranh phá hoại với những vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, lực lượng hùng hậu của quân đội Mỹ.
Năm 1968, Việt Nam bước vào đàm phán với Mỹ một cách thận trọng. Trung Quốc phản ứng, cho rằng Việt Nam rơi vào thế bị động, đe dọa cắt viện trợ; cho rằng Liên Xô câu kết với Hoa Kỳ chống phá cách mạng Việt Nam, yêu cầu Việt Nam phải cắt quan hệ với Liên Xô. Nhưng từ cuối năm 1968, Trung Quốc thay đổi thái độ, tán thành việc Việt Nam đàm phán với Hoa Kỳ. Năm 1972, cùng với việc tăng cường hoạt động quân sự, giới cầm quyền Hoa Kỳ dùng biện pháp ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc nhằm “chia rẽ Hà Nội với các đồng minh của họ”18. Từ khoảng giữa năm 1972, viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc cho Việt Nam đều bị cắt giảm mạnh. Việt Nam nhận thức được sự chuyển dịch trong quan hệ tam giác giữa ba cường quốc. Cuộc tiến công mạnh mẽ của quân Giải phóng đầu năm 1972 ở miền Nam và sự chống trả quyết liệt cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc là sự cảnh báo không cho phép một ai có thể nói thay tiếng nói của Việt Nam. Trong khi khai thác mặt tích cực của các nước ủng hộ công cuộc kháng chiến, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn đề cao cảnh giác, hạn chế tối đa mặt tiêu cực trong mối quan hệ đó. Vì thế, khi hai nước lớn giảm dần sự viện trợ, Việt Nam vẫn kiên quyết giữ vững mục tiêu của mình.
Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam cũng là vì lợi ích cho chính hai nước này với tư cách là những quốc gia đứng đầu phe XHCN. Do vậy, sự nhân nhượng của Liên Xô, Trung Quốc với Mỹ là có giới hạn. Thực tiễn cho thấy tính đúng đắn của đường lối đoàn kết với Liên Xô, đoàn kết với Trung Quốc được xác định tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (1963). Với tầm nhìn chiến lược rộng lớn, bản lĩnh vững vàng và niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh toàn dân tộc, Đảng giữ vững độc lập tự chủ, thi hành chính sách đối ngoại cân bằng giữa các nước lớn, không ngả theo nước này chống nước kia, gắn lợi ích của Việt Nam với lợi ích của các nước trong khu vực và với xu thế chung của thế giới.
Từ năm 1945 đến năm 1975, 6 đời tổng thống Hoa Kỳ dính líu đến Đông Dương và Việt Nam, từ can thiệp, giúp thực dân Pháp tái xâm lược đến trực tiếp đưa quân xâm lược Việt Nam. Với ý chí và quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam đã đánh bại tất cả các học thuyết chiến tranh hiện đại của Hoa Kỳ với hàng triệu quân được trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại nhất; với những chiến lược quân sự do những bộ óc thông minh nhất Hoa Kỳ vạch ra; với hàng trăm tỷ đô la đổ vào cuộc chiến, cuối cùng, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đã thảm bại trước sức mạnh của ý chí độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Nam - Bắc Việt Nam, trước sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trước sức mạnh của chiến tranh cách mạng và văn hóa giữ nước Việt Nam.
Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy Đảng Lao động Việt Nam đã thể hiện sự độc lập trong hoạch định đường lối, sự tự chủ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc kháng chiến. Nhân dân Việt Nam chiến đấu trước hết vì độc lập tự do, thống nhất của chính Tổ quốc mình.
Đường lối cách mạng của Đảng là sự kết tinh giá trị dân tộc và thời đại, ý Đảng, lòng dân. Việt Nam chiến thắng vì cả dân tộc đã chiến đấu với niềm tin tuyệt đối, vững chắc vào tính chính danh của cuộc kháng chiến, chiến đấu bằng tinh thần của một dân tộc nhỏ sẵn sàng hy sinh chứ không chịu khuất phục trong khi đối phương thì luôn bị trói buộc bởi vũ khí tối tân và các học thuyết chiến tranh. Chính văn hóa, chứ không phải cái gì khác, đã quyết định sự thành bại của một dân tộc, một quốc gia. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi là thiên anh hùng ca biểu tượng của khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức sáng tạo Việt Nam.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in), số 4/2021
1. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb CTQG, H, 1996, T. 1, tr. 119
2. Robert S.Mc.Namara: Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 44
3, 6. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 500, 508
4. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, tập I Nguyên nhân chiến tranh, Nxb CTQG, H, 1996, T. 1, tr. 117
5. Theo số liệu của Viện Quốc tế nghiên cứu chiến tranh (IISS) Luân Đôn, chi phí cho chiến tranh lên tới 720 tỷ đô la. Xem Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 496
7. Xem Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 508
8. Hàn Quốc, Philippine, Australia, Thailand, New Zeland
9. Trong số đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin, đã rải xuống gần 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3,06 triệu hécta; trong đó 86% diện tích bị phun rải hơn hai lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Nỗi đau da cam, Nxb CTQG, H, 2012, tr. 21
10. Edward Herman và Richard Du Boff: Americas Vietnam Policy - The Strategy of deception (Chính sách của Mỹ ở Việt Nam - chiến lược của sự thất vọng), Nxb. Public Affairrs, Z Washington, 1966, tr. 31-32, 20
12. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, tập 2, Chuyển chiến lược, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 178
13. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 12, tr. 674
14. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 (khóa II) họp 2 đợt tại Hà Nội, đợt 1 từ ngày 12 đến 22-1-1959, đợt 2 từ ngày 10 đến 15-7-1959
15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2003, T. 26, tr. 635
16. Sđd, T. 34, tr. 232
17. Nguyễn Đình Bin (Chủ biên): Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb CTQG, H, 2002, tr. 211
18. H. Kissinger: Những năm bão táp. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng (Hồi ký), Nxb Công an nhân dân, H, 2003, T. 2, tr. 56.