Tóm tắt: Công an là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống các loại tội phạm. Để thực hiện tốt công tác đấu tranh này, lực lượng Công an nhân dân quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Công an; rèn luyện đạo đức, tác phong, tinh thông nghiệp vụ. Trong đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an luôn ra sức học tập, quán triệt sâu sắc 6 Lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Công an nhân dân. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng hiện nay, lực lương Công an nhân dân tiếp tục học tập, quán triệt sâu sắc những lời dạy của Người, đặc biệt là lời dạy thứ 6: “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Từ khóa: Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Công an nhân dân; đấu tranh; phòng chống tội phạm

Cách đây hơn 75 năm, vào ngày 11-3-1948, trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an Khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những phẩm chất đạo đức và tư cách người Công an cách mạng cần phải có là:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”1
Đây là những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dạy Công an nhân dân. Những điều này rất ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, phong phú mang tính cách mạng và khoa học, thể hiện bản chất của lực lượng Công an nhân dân. Đây là những lời huấn thị chung cho toàn lực lượng Công an nhân dân, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng, là chuẩn mực đạo đức, phương châm xử thế và hành động, là động lực tinh thần của lực lượng Công an nhân dân.

1. Ý nghĩa lời dạy “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhận thức rõ ý nghĩa sâu sắc của 6 điều dạy Công an nhân dân, lực lượng Công an nhân dân đã phát động, mở nhiều đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt từng lời dạy của Người. Trong đó, Điều thứ 6 “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo” đã được công an các đơn vị, địa phương đã vận dụng và nhất quán phương châm hành động trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng nói riêng trong nhiều năm qua
Từ sự chỉ dẫn của Bác, người Công an nhân dân cần phải hiểu rõ, phân biệt đúng địch - ta. Theo Hồ Chí Minh, địch tức là kẻ thù; tiêu chí để phân biệt bạn - thù là dựa trên lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân. Người nói: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù” 2. Đối với lực lượng Công an nhân dân, việc xác định đối tượng đấu tranh cũng cần tuân theo nguyên tắc phân biệt địch - ta; bạn - thù mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra: Người nào chống lại lợi ích của dân tộc, đi ngược lại lợi ích chính đáng của nhân dân, xâm hại an ninh quốc gia, phá hoại trật tự an toàn xã hội gây tổn hại đến cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân đều là đối tượng phải đấu tranh.
Đối với kẻ địch phải “Cương quyết”. Hồ Chí Minh chỉ rõ thái độ của người Công an nhân dân với kẻ địch thể hiện ý chí sắt đá, không khoan nhượng, tinh thần vững vàng, không gì có thể lay chuyển được vì mục tiêu chung của cách mạng. Cương quyết giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, không thỏa hiệp, không nhân nhượng, không để bọn tội phạm mua chuộc, dụ dỗ; không lung lay, gục ngã.
“Khôn khéo” trong lời dạy của Hồ Chí Minh thể hiện cách ứng xử thông minh, nhanh nhẹn, linh hoạt, sáng tạo của người cán bộ, chiến sĩ công an với địch. “Khôn khéo” với địch là nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng; nhạy bén về chính trị và nghiệp vụ, thông minh mưu trí đề ra đối sách, phát hiện và trấn áp có hiệu quả mọi thủ đoạn của kẻ địch; biết tránh chỗ mạnh, tìm chỗ yếu, chỗ sơ hở để tấn công, đánh lừa, câu nhử chúng sa lưới; phải khéo biết giữ bí mật, biết chọn thời cơ và tạo ra thời cơ để chủ động đánh địch.
“Cương quyết” và “khôn khéo” là hai yêu cầu, hai nội dung trong công tác của người Công an nhân dân, có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể tách rời, chúng tác động, bổ sung qua lại lẫn nhau; “cương quyết” phải trên cơ sở “khôn khéo”, ngược lại sự khôn khéo là để giữ vững được sự cương quyết, là cách thức, phương pháp thực hiện sự cương quyết.
Việc nghiên cứu, học tập và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo” có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng, rèn luyện bản lĩnh của người công an cách mạng nói chung và lực lượng chuyên trách đấu tranh với tội phạm về tham nhũng nói riêng. Đó chính là bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, là tinh thần đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng đối với các hành vi phạm tội về tham nhũng; đồng thời là sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, linh hoạt trong điều tra, đấu tranh phòng chống với loại tội phạm hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt này.

2. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo” vào thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng của lực lượng Công an nhân dân
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Công an nhân dân đã vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp nhuần nhuyễn giữa “cương quyết” và “khôn khéo” trong công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng. Với phương châm “Lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài; đấu tranh là trọng tâm, thường xuyên, cấp bách”, lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng nói riêng đã nghiên cứu đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều cách làm mới, bài bản, cụ thể và thiết thực. Qua đó, đã chủ động nắm tình hình xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm, tội phạm từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ và không để tình hình mất kiểm soát. Kết quả đấu tranh, xử lý các vụ việc, vụ án được giải quyết tận “gốc rễ”, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu được bắt giữ, xử lý một cách triệt để.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 759 vụ án, 1.597 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 451 vụ, 973 bị can (tăng 132 vụ, 275 bị can so với năm 2021); kết luận điều tra đề nghị truy tố 358 vụ, 861 bị can, thu hồi trên 2.600 tỷ đồng, 217.698 mỏ đất, phong tỏa số tiền trên 1,4 tỷ đồng và kê biên 204 bất động sản trị giá gần 300 tỷ đồng3. Từ đó, hàng loạt các sai phạm về tham nhũng đã được phát hiện, điều tra, khám phá với phương châm “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”.
Từ thực tế diễn biến phức tạp của tội phạm kinh tế tham nhũng thời gian qua, tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Không ít cán bộ, đảng viên sẽ tìm cách lôi kéo, móc nối, tạo lập nhóm lợi ích để dễ dàng thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng, đồng thời, tìm mọi cách loại bỏ những người trung thực, thẳng thắn dám đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều biến động  khó lường, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên một số lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng. Các thế lực thù địch sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta… Quán triệt sâu sắc lời dạy “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm về tham nhũng, lực lượng Công an nhân dân cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc việc học tập và thực hiện Sáu điều của Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy đặc biệt là việc thực hành lời dạy “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo” trong đấu tranh với tội phạm về tham nhũng. Công an các đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện một cách sát thực, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và việc làm theo, nêu gương của cán bộ, chiến sĩ làm thước đo kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, để bảo đảm tính “cương quyết” và “khôn khéo” trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm về tham nhũng nói riêng cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương, bảo đảm cho các mặt công tác được thực hiện đúng hướng, đúng kế hoạch đề ra; tạo thuận lợi trong việc lựa chọn, bố trí cán bộ và phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng có liên quan; nhanh chóng giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng. Đồng thời, còn tạo thêm niềm tin, động lực và là nguồn động viên to lớn để các cán bộ, chiến sĩ nâng cao tinh thần, trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Công an nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ trong công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng đã khởi tố, khẩn trương củng cố tài liệu, chứng cứ khởi tố các vụ án mới; sử dụng đồng bộ các lực lượng, biện pháp để điều tra mở rộng các vụ án, đồng thời có biện pháp để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, tập thể và cá nhân bị thất thoát, chiếm đoạt. Công tác điều tra phải chọn mắt xích, khâu đột phá để bắt giữ toàn tổ chức, đường dây tội phạm; làm rõ bản chất vụ án, yếu tố tư lợi, chiếm đoạt và phải có quyết tâm chính trị cao, dám chịu trách nhiệm, xây dựng kế hoạch điều tra và các giải pháp, bước đi phù hợp theo đúng phương châm chỉ đạo của Đảng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Làm từng bước vững chắc, kết luận điều tra từng phần, điều tra rõ đến đâu kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, không để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.Những vấn đề phức tạp khác cần có thời gian thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ sẽ được tiếp tục điều tra mở rộng và được điều tra xử lý trong các giai đoạn tiếp theo của vụ án. Không vì lý do vướng mắc về áp dụng pháp luật và phối hợp trong hoạt động tư pháp mà để vụ án kéo dài hoặc gây dư luận phức tạp. Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng đối với cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp; thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật.
Ba là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu hình sự, nhất là các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế do cơ quan Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán, Ủy ban kiểm tra… phát hiện, kiến nghị chuyển đến; các vụ việc do lực lượng Công an chủ động, phát hiện, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, sau đó chuyển lại Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý, tránh bỏ lọt tội phạm. Chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp, cơ quan giám định đảm bảo yêu cầu về tiến độ và kết quả điều tra các vụ án theo quy định của pháp luật, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo. Chấp hành nghiêm trình tự, thủ tục tố tụng; hạn chế thấp nhất việc vụ án bị trả lại hồ sơ bổ sung, điều tra lại do nguyên nhân từ phía cơ quan điều tra; chủ động phối hợp với các lực lượng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn đối tượng trong chuyên án, vụ án tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn; thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phương thức, thủ đoạn của tội phạm tham nhũng để nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác này. Chủ động nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu với Bộ Công an mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là các nước đã ký kết các hiệp định song phương về phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp, dẫn độ để trao đổi thông tin, tài liệu, phối hợp trong thu hồi tài sản bị tẩu tán và truy bắt, dẫn độ các đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn ở nước ngoài; tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, phối hợp tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo, hội thảo trong và ngoài nước để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ tư pháp... để nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ.
Năm là, thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác xây dựng lực lượng, hậu cần phục vụ chiến đấu. thực hiện tốt các chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng gắn với giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, những chiến công của cán bộ, chiến sĩ trong công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, lễ tiết, tác phong công tác; việc chấp hành các quy chế, quy trình công tác, Điều lệnh Công an nhân dân và những quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh người cán bộ điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng chức vụ trong tình hình mới “vững về pháp luật; giỏi về nghiệp vụ; thông thạo về quản lý kinh tế; nghiêm về kỷ luật, kỷ cương; đẹp về đạo đức, lối sống”. Thường xuyên rà soát, đánh giá năng lực của từng cán bộ, chiến sĩ để bố trí công việc phù hợp và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, điều tra viên, trinh sát viên đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng trong tình hình mới. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh với tội phạm về tham nhũng các cấp, nhất là cán bộ thuộc cơ quan Bộ Công an đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.



1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.5,  tr.498-499.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 9, tr. 264 
3. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Bộ Công an: Thông báo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của lực lượng Công an nhân dân năm 2022, H, 2023.