Tóm tắt: Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng, trong đó ngành khoa học Lịch sử Đảng có vai trò quan trọng, góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời đấu tranh bảo vệ những giá trị của “pho lịch sử bằng vàng”, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò và thành tựu lãnh đạo của Đảng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Từ khóa: Khoa học Lịch sử Đảng; tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; bảo vệ Đảng
1. Khoa học Lịch sử Đảng góp phần làm cho lịch sử Đảng trở thành “pho lịch sử bằng vàng”
Là một chuyên ngành của khoa học Lịch sử, khoa học Lịch sử Đảng nghiên cứu quy luật ra đời và quá trình xây dựng, phát triển của Đảng qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử; nghiên cứu về sự lãnh đạo của Đảng đối với tiến trình cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến sự nghiệp xây dựng CNXH và thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Nghiên cứu Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là “nghiên cứu việc Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để định ra đường lối, chính sách đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, và thực chất là nghiên cứu lịch sử tìm tòi, nắm vững và vận dụng các quy luật khách quan của xã hội vào việc lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng và các thời kỳ lịch sử của Đảng”1.
Trên cơ sở nhận thức rõ đối tượng của Lịch sử Đảng, bằng tư liệu lịch sử, khoa học Lịch sử Đảng đã làm rõ quá trình ra đời, xây dựng và phát triển của Đảng, các hoạt động của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các chặng đường lịch sử từ khi Đảng ra đời cho đến nay. Không chỉ dừng lại ở việc hệ thống hóa và phân tích, làm sáng tỏ đường lối, chủ trương của Đảng, khoa học Lịch sử Đảng đã làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.
Với trọng trách to lớn trước Đảng và nhân dân, suốt hàng chục năm qua, ngành Lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Đến nay, đã có hàng nghìn công trình Lịch sử Đảng trên cấp độ toàn Đảng cũng như ở mỗi địa phương được biên soạn và xuất bản, đã tái hiện khá toàn diện, bảo đảm khách quan, chân thực, sinh động lịch sử toàn Đảng và lịch sử các đảng bộ địa phương; đã làm sáng tỏ sự ra đời và quá trình lãnh đạo của Đảng, luận giải rõ nhiều vấn đề về lịch sử quan trọng của Đảng, như khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự lựa chọn của chính lịch sử, là sự kết hợp của các yếu tố khách quan và chủ quan, sự kết hợp chặt chẽ, sáng tạo giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; khẳng định con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn duy nhất đúng của dân tộc Việt Nam; vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam... Không chỉ tái hiện bức tranh phong phú, sinh động của quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ, nhiều công trình nghiên cứu Lịch sử Đảng đã làm sống lại, lan tỏa tinh thần, ý chí đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Là một cấu phần tất yếu của Lịch sử Đảng, lịch sử Xây dựng Đảng cũng giữ vị trí quan trọng trong các công trình nghiên cứu về Lịch sử Đảng. Nhiều công nghiên cứu Lịch sử Đảng đã tái hiện, làm sáng tỏ những thành tựu, kinh nghiệm to lớn trong hoạt động xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên các mặt, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, đảng viên, thể hiện sự kiên trì, vận dụng, phát triển sáng tạo các nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử xây dựng Đảng, góp phần giữ vững bản chất của Đảng, sự ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN.
Nhiệm vụ của khoa học Lịch sử Đảng không chỉ tái hiện khách quan, trung thực quá trình lãnh đạo và các hoạt động của Đảng qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử từ khi Đảng ra đời đến nay, mà còn phải tổng kết những kinh nghiệm lịch sử, đúc kết những bài học lớn của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bổ sung, hoàn thiện lý luận cách mạng Việt Nam, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; góp phần bổ sung, phát triển kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu, tổng kết thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, khoa học Lịch sử Đảng đã đúc kết những bài học lớn, tham mưu cho Đảng phát triển thành lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, về chiến tranh nhân dân và bảo vệ Tổ quốc; tổng kết những bài học trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và trên phạm vi cả nước. Trong thời kỳ đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, khoa học Lịch sử Đảng đã góp phần tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về: xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN; con đường CNH, HĐH, hội nhập quốc tế; về phát triển văn hóa - xã hội; về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về đại đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất; củng cố quốc phòng - an ninh và tăng cường công tác đối ngoại,... Khoa học Lịch sử Đảng còn nghiên cứu tổng kết, làm sáng tỏ truyền thống cách mạng của Đảng. Đó là các truyền thống: đoàn kết thống nhất trong Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; gắn bó với dân tộc và quần chúng nhân dân; về chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Những truyền thống này được hình thành và bồi đắp trong quá trình lãnh đạo và đấu tranh cách mạng, góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của Đảng.
Trải qua hơn 93 năm xây dựng và phát triển, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đồng hành cùng với Lịch sử dân tộc, phản ánh những chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển của đất nước với những trang sử hào hùng. Đảng đã khẳng định: “Chúng ta tự hào về dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện - một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”2. Những kết quả nghiên cứu Lịch sử Đảng đã và đang góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, củng cố niềm tin về con đường XHCN mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn và khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
2. Khoa học Lịch sử Đảng góp phần lan tỏa các giá trị của “pho lịch sử bằng vàng”
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác Lịch sử Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, trong đó đáng chú ý là Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 “Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”; tiếp đó là Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng”. Thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư, công tác Lịch sử Đảng ngày càng được coi trọng và triển khai đồng bộ ở các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương tới địa phương, góp phần làm rõ quá trình xây dựng và phát triển của Đảng trong từng thời kỳ, trong đó đã góp phần luận giải, làm sáng tỏ các đường lối, quan điểm của Đảng cũng như việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết trong toàn Đảng.
Với vai trò, nhiệm vụ làm sáng tỏ những giá trị của “pho lịch sử bằng vàng”, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng được coi trọng. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn được xuất bản như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sơ thảo, tập I (1920-1954), Nxb ST, H,1981; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập II (1954-1975), Nxb CTQG, H, 1995. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 và Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng có bước phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng. Đã có nhiều công trình được nghiên cứu, biên soạn, với nhiều ấn phẩm có giá trị được xuất bản như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập I, Nxb CTQGST, H, 2018, gồm 2 quyển: Quyển 1 (1930 - 1945); Quyển 2 (1945-1954). Bộ Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQGST, H, 2021, gồm 7 tập: Tập I (1930 - 9-1945); Tập II (9-1945 - 1954); Tập III (8-1954-1964); Tập IV (1965 - 4-1975); Tập V (5-1975 - 11-1986); Tập VI (12-1986 - 2000); Tập VII (2001 - 2010)...
Viện Lịch sử Đảng đã nghiên cứu, bổ sung, nâng cao chất lượng các công trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III (1975-2006), viết mới giai đoạn 2006-2011 (đã nghiệm thu, chưa xuất bản).
Nhiều công trình nghiên cứu về đường lối, Cương lĩnh của Đảng và quá trình Đảng lãnh đạo các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các công trình có tính tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn gần 40 năm đổi mới; nghiên cứu sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh; về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; bảo vệ chủ quyền biển, đảo,... được biên soạn và xuất bản.
Việc nghiên cứu về quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với một số đảng cầm quyền trên thế giới cũng được quan tâm. Các công trình này không chỉ đề cập đến mối quan hệ quốc tế xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng từ khi có chính quyền cách mạng cho đến nay, mà còn cung cấp những tri thức lịch sử, góp phần làm cho bạn bè quốc tế nhận thức đúng đắn, chân thực về vai trò và bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng cách mạng chân chính, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện; hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, đúc kết những bài học quý cho công tác đối ngoại của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước.
Cùng với đẩy mạnh nghiên cứu lịch sử toàn Đảng, tại các địa phương trong cả nước, việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng, lịch sử truyền thống, lịch sử các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương được tiến hành sâu rộng. Nhiều công trình lịch sử các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương được nghiên cứu, biên soạn và xuất bản như: Bộ 3 quyển Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, Nxb Lao động, H, 2003; Bộ 3 quyển Lịch sử biên niên công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2005; Bộ sách 3 tập Lịch sử Chính phủ Việt Nam thời kỳ 1945-2005, Nxb CTQG, H, 2006; Bộ 3 quyển Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2006 và 2007; sách Lịch sử kháng chiến chống Pháp Khu Tả ngạn sông Hồng 1945-1955, Nxb CTQG, H, 2001; Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945-1954), Nxb CTQG, H, 2003; Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb CTQG, H, 2010; Lịch sử công tác dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb CTQG, H, 2015; Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam (1930-2015), Nxb CTQG, H, 2016; Bộ sách 2 tập Lịch sử Cao su Việt Nam, Nxb CTQGST, H, 2021...
Nhiều công trình lịch sử đảng bộ tỉnh, thành phố huyện, quận, thị và lịch sử đấu tranh cách mạng của các đảng bộ xã, phường, thị trấn được nghiên cứu, biên soạn và xuất bản. Các công trình đã tái hiện được khá đầy đủ, chân thực những vấn đề lịch sử chung toàn Đảng, lịch sử của đảng bộ địa phương với những nét đặc thù riêng của từng đảng bộ. Tính đến năm 2021, cả nước có 2.461 công trình Lịch sử Đảng được xuất bản, trong đó có 122 công trình lịch sử đảng bộ cấp tỉnh; 358 công trình lịch sử ban, ngành, đoàn thể; 265 công trình lịch sử đảng bộ cấp huyện; 1.716 công trình lịch sử đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn. Có 7 tỉnh đã biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh đến năm 2020; 8 tỉnh biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh đến năm 20153. Với một số lượng đồ sộ, các công trình nghiên cứu Lịch sử Đảng đã tạo thành chỉnh thể thống nhất giữa Lịch sử Đảng và Lịch sử dân tộc, giữa lịch sử toàn Đảng và lịch sử các đảng bộ địa phương; đồng thời đã phản ánh chân thực và sinh động lịch sử ra đời và quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, từ cấp độ toàn Đảng, đến các đảng bộ địa phương; tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng, góp phần phát triển lý luận, làm sáng tỏ và bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng.
Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình lịch sử, công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng được coi là nhiệm vụ trọng yếu cả trước mắt và lâu dài. Từ những kết quả nghiên cứu, khoa học Lịch sử Đảng đã có nhiều đóng góp vào tuyên truyền, giáo dục lý luận Mác - Lênin và nâng cao tri thức lịch sử để mọi người hiểu sâu sắc về lịch sử vẻ vang, hào hùng của Đảng, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là bồi đắp niềm tin, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”4, khoa học Lịch sử Đảng có những đóng góp hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa giá trị “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng được đẩy mạnh với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, thông qua nhiều hoạt động; được đưa vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và hệ thống giáo dục quốc dân. Khung chương trình môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam dành cho các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, các trường đại học, các học viện thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh, đổi mới toàn diện, đồng bộ từ mục tiêu đến nội dung chương trình đào tạo. Đặc biệt, Lịch sử Đảng được coi là một trong những môn học trong chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo trong hệ thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý. Từ hiện thực lịch sử phong phú, môn học Lịch sử Đảng đã góp phần nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo ở tầm tư duy khoa học, tư duy chiến lược và trang bị cho học viên phương pháp luận khoa học, khả năng nắm bắt, đánh giá tình hình, góp phần nâng cao năng lực và kỹ năng lãnh đạo; đồng thời nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Học viện cũng đã tập trung xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và giảng viên lý luận chính trị tại Học viện và các địa phương trong cả nước. Đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đã biên soạn, xuất bản Tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương (hoặc ngành)”, đưa vào Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, giảng dạy tại các trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã, trong đó đã lồng ghép, tích hợp nội dung giảng dạy lịch sử của địa phương.
Bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, dùng sự kiện, nhân vật, con số để dẫn chứng, cắt nghĩa những vấn đề phức tạp, đưa ra những minh chứng, chứng cứ rõ ràng, công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng góp phần làm cho đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu biết sâu sắc hơn về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua nhiều hoạt động, các giá trị của “pho lịch sử bằng vàng” được lan tỏa rộng rãi, thấm sâu vào tâm trí “cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất là cho thế hệ trẻ”5, tạo sức lan tỏa trong xã hội, bồi dưỡng lòng tự hào và niềm tin vào truyền thống cách mạng của Đảng, rút ra bài học bổ ích từ quá khứ phục vụ cho hiện tại và tương lai.
Bên cạnh đó, là diễn đàn khoa học của ngành Lịch sử Đảng, Tạp chí Lịch sử Đảng đã đăng tải nhiều công trình, bài viết tuyên truyền về lịch sử Đảng; công bố kết quả nghiên cứu về quá trình hoạt động lãnh đạo của Đảng; kết quả nghiên cứu, sưu tầm tư liệu mới về Lịch sử Đảng; những bài viết về phương pháp nghiên cứu, biên soạn, dạy và học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam... Các công trình Lịch sử Đảng được đăng tải trên Tạp chí Lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng.
3. Khoa học Lịch sử Đảng góp phần đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Lịch sử Đảng, bảo vệ Đảng và chế độ
Kể từ khi Đảng ra đời đến nay, các thế lực thù địch luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo Lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, gây hoài nghi, thiếu tin tưởng trong nhân dân, làm mất niềm tin của thế hệ trẻ vào lý tưởng của Đảng và con đường XHCN mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo vệ Đảng, chế độ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, từ những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng, thông qua các ấn phẩm, diễn đàn, với tri thức lịch sử đúng đắn, khách quan, khoa học Lịch sử Đảng đã thể hiện tính chiến đấu cao, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc Lịch sử Đảng, phủ nhận những giá trị, những thắng lợi vĩ đại, thành tựu đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhìn từ góc độ khoa học Lịch sử, Lịch sử Đảng đã tham gia hữu hiệu vào tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Khoa học Lịch sử Đảng đã trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng, góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái, âm mưu của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá chế độ thông qua việc xuyên tạc vấn đề lịch sử, nhân vật lịch sử.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự phát triển bùng nổ của internet, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội với nhiều ngón đòn tấn công hiểm độc và những chiêu thức mới, dùng một phần sự kiện lịch sử có thật, phát tán nhiều tài liệu, bài viết trên mạng xã hội tuyên truyền, xuyên tạc lịch sử để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của Việt Nam. Hơn nữa, trong nghiên cứu Lịch sử Đảng có những “khoảng trống”, những thông tin chưa được công bố rộng rãi. Đó cũng chính là nguyên cớ để các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội lợi dụng, đưa ra những thông tin sai sự thật, nhằm xuyên tạc, phủ nhận thành quả của cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám và công cuộc đổi mới đất nước. Vin vào những hạn chế, sai lầm, khuyết điểm của Đảng trong quá trình lãnh đạo mà phủ nhận sạch trơn công lao của Đảng. Phủ nhận lịch sử đấu tranh của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo, chúng xuyên tạc rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công là do “ăn may”, do có “khoảng trống quyền lực” được tạo ra từ đó mới thắng lợi; “Cách mạng Tháng Tám là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam”; “thành quả của Cách mạng Tháng Tám là thành quả cay đắng... dù không có Đảng Cộng sản, nhiều thuộc địa vẫn giành được độc lập mà ít tốn xương máu”6. Đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1945-1975), các thế lực thù địch rêu rao: đây là cuộc “chiến tranh ủy nhiệm của Liên Xô, Trung Quốc”, “nếu phía Việt Nam không hiếu chiến thì Pháp cũng sẽ rút khỏi Việt Nam một năm sau 1954”. Chúng còn cố tình xuyên tạc rằng: Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn đưa cách mạng Việt Nam vào cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn, đổ máu hy sinh vô ích” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mà “lẽ ra có thể tránh được cuộc chiến tranh này” và nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam trên chính trường thì dân tộc Việt Nam không phải tiến hành cuộc chiến tranh lâu dài và đau thương như thế. Triệt để lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng trong việc chỉ đạo tiến hành cải cách ruộng đất những năm 1953-1956 và cải tạo XHCN những năm 1975-1978, cho rằng đó “là cuộc thanh trừng, tắm máu”. Bóp méo sự thật, đòi xét lại một số vấn đề lịch sử, đòi “lật án” vụ Cải cách ruộng đất và Nhân văn giai phẩm.
Đặc biệt, trong quá trình Đảng lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, phủ nhận thành tựu mà công cuộc đổi mới đất nước, do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ 1986 đến nay; cho việc “lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là do ý muốn chủ quan của Đảng”7; rêu rao rằng “sau 35 năm đổi mới mà Việt Nam vẫn tụt hậu, nhân dân đói nghèo”; thổi phồng tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quy chụp “Đảng không có năng lực lãnh đạo cách mạng”; lợi dụng việc xử lý những vụ án tham nhũng để bịa đặt, xuyên tạc, cho rằng “Đây chẳng qua chỉ là đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực trong Đảng”. Gần đây nhất, lợi dụng những sai phạm của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo cấp cao trong một số vụ án lớn như: vụ đại án Việt Á; chuyến bay giải cứu,... để rêu rao rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã thật sự suy thoái, biến chất”. Đây là luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Trước những luận điệu sai trái, phản động, bằng những sự kiện lịch sử cụ thể, khoa học Lịch sử Đảng đã minh chứng: Thành quả của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ càng, từ việc xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng căn cứ địa; là thắng lợi của truyền thống yêu nước quật cường, bất khuất, kết quả của 80 năm đấu tranh gian khổ, hy sinh của dân tộc chống ách thống trị thực dân Pháp và 15 năm chuẩn bị lực lượng của Đảng và dân tộc thông qua các phong trào cách mạng, cùng với sự vận dụng chiến lược, sách lược, tạo và nắm bắt thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; khẳng định xu thế phát triển của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới; khẳng định giá trị và tầm vóc của Cách mạng Tháng Tám không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa đối với quốc tế, đó là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Đây là cơ sở khoa học và căn cứ lịch sử, góp phần phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Tiếp đó, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là khát vọng độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước, là cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, chứ không như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch tuyên truyền rằng là “cuộc nội chiến”.
Thực hiện đường lối đổi mới, “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”8, giữ vững lý tưởng cách mạng, kiên định lập trường, không để chệch hướng XHCN. Mặc dù “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí...”9, nhưng không thể vin vào những khuyết điểm để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”10. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đó là một sự thật mà không một ai, không một thế lực nào có thể phủ nhận được, một minh chứng đúng đắn của đường lối đổi mới do Đảng kiến lập, lãnh đạo và một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của nền tảng tư tưởng và con đường đi lên CNXH mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc Lịch sử Đảng không chỉ là bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ thành quả cách mạng, tổ chức và cán bộ, đảng viên của Đảng mà còn là bảo vệ uy tín của Đảng đối với nhân dân và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ. Nhận thức và thông tin chính xác, khoa học và biện chứng về lịch sử nói chung và Lịch sử Đảng nói riêng chính là cách hiệu quả nhất để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng đóng vai trò quan trọng khẳng định sự đúng đắn trong đường lối phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh mạnh mẽ với những luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Thông qua công tác nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền, khoa học Lịch sử Đảng đã có những đóng góp hữu hiệu trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN.
Để viết tiếp những trang vàng Lịch sử dân tộc Việt Nam và “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng, lưu truyền cho các thế hệ muôn đời sau, trong những chặng đường tiếp theo, ngành Lịch sử Đảng và công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng cần tiếp tục làm tốt những nhiệm vụ sau:
Nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng; coi đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trọng tâm, cấp bách và lâu dài, nhằm tạo sự chuyển biến rõ hơn về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng.
Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, nâng cao chất lượng và xuất bản các công trình Lịch sử Đảng; tổ chức thực hiện biên soạn, xuất bản các bộ văn kiện lịch sử đảng bộ địa phương, hoàn thành nghiên cứu lịch sử chung của Đảng và lịch sử các đảng bộ địa phương.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng; chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Ðảng với nhiều hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện chuyển đổi số trong tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, hình thành cơ sở dữ liệu mở để đáp ứng và phục vụ được người đọc bất kỳ ở đâu và trong hoàn cảnh nào, góp phần tích cực trong việc phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng.
Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Lịch sử Ðảng; nâng cao chất lượng giảng dạy Lịch sử Ðảng, lịch sử cách mạng, có sức lôi cuốn, thu hút người học, người đọc.
Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc Lịch sử Đảng một cách hiệu quả, làm cho những giá trị của Lịch sử Đảng trở thành hiện thực, có sức lan tỏa và sức sống mãnh liệt. Tăng cường sử dụng kết quả nghiên cứu Lịch sử Đảng để phát huy giá trị của “pho lịch sử bằng vàng” theo Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác Lịch sử Đảng và phục vụ nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để chủ động đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc Lịch sử Đảng, thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 12/2023
1. Trường Chinh: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Lịch sử Đảng, Nxb Hà Nội, 1978, tr. 5-6
2, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 13, 83
3. Dẫn theo:http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tin-tuc/item/3927-hoi-nghi-toan-quoc-so-ket-3-nam-cong-tac-nghien-cuu-bien-soan-lich-su-dang-theo-chi-thi-so-20-ct/tw-ngay-18-1-2018-cua-ban-bi-thu-trung-uong-dang.html, ngày 23-12 -2021
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 255
5. Xem: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-20-cttw-cua-ban-bi-thu-ve-tiep-tuc-tang-cuong-nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-bien-soan-tuyen-truyen-giao-duc-3977
6. Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2007, tr. 125
7. Hội đồng Lý luận Trung ương: Kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Nxb CTQG, H, 2013, tr. 179-180
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H 2011, tr. 64
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. I, tr. 25.