Ngày 19-5-1941, theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, Mặt trận đoàn kết dân tộc với tên gọi là Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) được thành lập. Từ đó, cái tên Việt Minh gắn liền với tất cả những thắng lợi, những chuyển đổi cách mạng của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng, phục hưng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Việt Minh với cống hiến của nó là biểu thị sinh động nhất sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc trong hơn nửa thế kỷ qua và tư tưởng của Người trở thành nền tảng tư tưởng cho đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết, Mặt trận Việt Minh
Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau 30 năm tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài. Ngày 10-5-1941, Người triệu tập và chủ trì HNTƯ 8 nhằm thay đổi chiến lược cách mạng nước ta. Ngay sau khi HNTƯ 8 kết thúc, theo sáng kiến của Người, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập thay thế cho các mặt trận được Đảng tuyên bố thành lập trước đó nhằm phát triển khối đại đoàn kết dân tộc để tiến hành cách mạng vĩ đại thay đổi số phận của cả dân tộc ta-Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trước khi đi tới thành lập Mặt trận Việt Minh, trong khoảng 10 năm, kể từ ngày thành lập Đảng (1930-1940), Đảng đã 5 lần chủ trương thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc với các tên gọi khác nhau. Đó là:
- Hội phản đế đồng minh (11-1930)
- Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (7-1936)
- Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (3-1938)
- Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (11-1939)
- Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp-Nhật (11-1940).
Sự ra đời với những tên gọi khác nhau của Mặt trận đoàn kết dân tộc trên đây nhằm thực hiện những nhiệm vụ cụ thể ở từng giai đoạn cách mạng. Các mặt trận này, đúng theo tên gọi của nó, đã có những đóng góp nhất định trong nhiệm vụ đoàn kết toàn dân để thực hiện các mục tiêu do Đảng đề ra, song về căn bản chưa hình thành được sâu rộng về tổ chức và cũng vì thế, nó chưa đủ sức thu hút tất cả các lực lượng yêu nước trong dân tộc để thực hiện nhiệm vụ tự giải phóng. Do nhiều lý do khác nhau, nhưng điều này thể hiện ở chỗ: khi mặt trận tập hợp được đông đảo công nông (1930-1931) lại thiếu vắng các lực lượng khác; khi đoàn kết được đông đảo các thành phần khác nhau ở thành thị lại thiếu vai trò nòng cốt của công nông (1936-1939). Sự thiếu hụt lực lượng đó phần nào lý giải trong 10 năm trước khi Mặt trận Việt Minh ra đời, Đảng chưa tập hợp được một lực lượng chính trị to lớn, cách mạng Việt Nam chưa thể xây dựng được căn cứ địa có giới hạn địa lý để phát triển lực lượng của mình.
Nhưng các nhược điểm trên được khắc phục nhanh chóng trong vòng 4 năm sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập. Và hơn thế nữa, lực lượng đoàn kết toàn dân lại phát triển mạnh mẽ với tốc độ nhanh, quy mô rộng lớn và thu hút mọi lực lượng yêu nước trong toàn quốc. Với lực lượng chính trị to lớn đó, Đảng có chỗ đứng vững vàng trong lòng dân tộc, Đảng hóa thân vào dân tộc. Trên cơ sở lực lượng chính trị rộng lớn, Đảng thành lập các căn cứ địa cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang của mình. Chính nhờ có lực lượng chính trị là Mặt trận Việt Minh mà Đảng đã tạo ra đầy đủ các điều kiện chủ quan để hành động cách mạng khi thời cơ tới. Chỉ với khoảng 5.000 đảng viên, thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng lãnh đạo nhân dân đồng loạt giành chính quyền trên cả nước trong vòng nửa tháng, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do.
Sự ủng hộ của toàn dân với Đảng qua Mặt trận Việt Minh càng rõ ràng hơn khi mỗi người dân Việt Nam được tự do sử dụng lá phiếu của mình thể hiện sự tín nhiệm tuyệt đối đối với Việt Minh trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Thắng lợi đó minh chứng cho khả năng đoàn kết và uy tín tuyệt đối của Mặt trận Việt Minh ngay cả trong những điều kiện khó khăn, phức tạp nhất của chế độ dân chủ cộng hòa. Khối đoàn kết dân tộc to lớn đó là cơ sở, thực lực để Hồ Chí Minh tiến hành thành công cuộc đấu tranh ngoại giao giữ vững thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Cũng do lực lượng đoàn kết toàn dân tập hợp trong Mặt trận Việt Minh mà toàn dân ta đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh ái quốc lần thứ nhất. Và sau này, khi Việt Minh phát triển thành Liên-Việt đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận đoàn kết toàn dân đã hòan thành nhiệm vụ thống nhất đất nước đi vào xây dựng xã hội mới-xã hội XHCN.
Vấn đề đặc biệt là, những thắng lợi của cách mạng nước ta trong những thời kỳ khó khăn nhất, lúc Đảng còn hoạt động bí mật hoặc khi phải sử dụng sách lược tự tuyên bố giải tán, đa số người dân Việt Nam chỉ biết tới Việt Minh, đi theo Việt Minh, theo Hồ Chí Minh làm nên mọi chiến thắng. Kẻ thù cũng đồng nhất Việt Minh với những người cộng sản. Đảng đã ở trong lòng dân tộc và là hạt nhân đoàn kết toàn dân làm cách mạng tạo nên mọi thắng lợi.
Nhưng, tại sao Mặt trận Việt Minh lại có sức thu hút, và có uy tín tuyệt đối như vậy?
Trước hết, Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công mối quan hệ dân tộc-giai cấp ở một nước thuộc địa nửa phong kiến trong đường lối của mình. NQTƯ 8 (1941) là sự nhận thức mới về vấn đề dân tộc và giải quyết mối quan hệ trên khi Đảng khẳng định: “quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”1. Tinh thần đó được Hồ Chí Minh thể hiện rõ ràng trong “Kính cáo đồng bào”, ngày 6-6-1941, khi Người chỉ rõ: “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy” và kêu gọi đồng bào “đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”2.
Nội dung của NQTƯ 8 và tư tưởng của Hồ Chí Minh được chuyển vào Chương trình của Việt Minh công bố ngày 25-10-1941: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”3.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới áp lực của mưu toan “diệt cộng, cầm Hồ” của Quốc dân Đảng Trung Hoa và sự phá hoại của bọn tay sai, vì quyền lợi tối cao của dân tộc, Hồ Chí Minh quyết định Đảng phải rút vào hoạt động bí mật (sau khi sử dụng sách lược tự tuyên bố “tự giải tán”) cũng là một lần nữa đặt vấn đề “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”, trên quyền lợi của từng giai cấp.
Giương cao ngọn cờ dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc-giai cấp trong xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối là thành công to lớn của Hồ Chí Minh trong việc đoàn kết toàn dân để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của mình.
Hai là, từ sự nhận thức mới trong đường lối, Hồ Chí Minh đã thành công trong chỉ đạo thực tiễn để xây dựng mục tiêu và chính sách của Mặt trận thống nhất dân tộc. Điều này thể hiện ở chỗ, Hồ Chí Minh và Đảng đã xây dựng mục tiêu rõ ràng với thứ tự đầy ý nghĩa của Chương trình Việt Minh: 1- Làm cho nước Việt Nam hòan toàn độc lập. 2- Làm cho dân tộc Việt Nam được sung sướng tự do.
Đây là lần đầu tiên tinh thần độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân được trình bày cụ thể ngắn gọn làm ngọn cờ tập hợp nhân dân, đoàn kết mọi lực lượng trong dân tộc. Thứ tự trên đây thể hiện sự chỉ đạo thực tiễn của Hồ Chí Minh và của Đảng trong việc giải quyết vấn đề “trên-dưới” trong mối quan hệ giữa dân tộc-giai cấp: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết.
Nhưng, khi đặt vấn đề “độc lập cao hơn hết thảy” trong mục tiêu, Hồ Chí Minh và Đảng cũng xem xét rất cụ thể tới những chính sách có tác dụng thu hút và tập hợp tối đa các thành phần, các lực lượng yêu nước trong xã hội. Việt Minh đưa ra chính sách chỉ giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất công để tiến tới thực hiện người cày có ruộng đã thực sự đoàn kết những người quan tâm đến vấn đề ruộng đất. Và, chính sách tiến bộ về chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội nêu trong Chương trình của Việt Minh đáp ứng nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, không kể địa vị và xu hướng chính trị, mong muốn Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Rõ ràng là, mục tiêu của Mặt trận và những chính sách cụ thể đó, như Hồ Chí Minh tổng kết, là “gồm những điểm chung cho toàn thể dân tộc và những điểm đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân và cho mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế mà Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh”4.
Ba là, cùng với đường lối, mục tiêu và các chính sách kinh tế-xã hội đáp ứng nguyện vọng của toàn dân, Hồ Chí Minh và Đảng đưa ra mô hình tổ chức mặt trận thích hợp. Đặt vấn đề này, trước hết, Hồ Chí Minh và Đảng sử dụng “phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (hơn hết là dân tộc Việt Nam)”5, do đó mặt trận đoàn kết dân tộc “phải đổi ra cái tên khác có tính dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại”6.
Bởi vậy, Mặt trận đoàn kết dân tộc từ chỗ có phạm vi Đông Dương như 5 mặt trận trước năm 1941, Mặt trận mới đã được lấy tên là “Việt Nam độc lập Đồng minh”. Đi đôi với tổ chức ở Trung ương, các hình thức tổ chức rộng rãi như phụ lão cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nhi đồng cứu quốc, công nhân cứu quốc, nông dân cứu quốc, binh lính cứu quốc... có ý nghĩa rất quan trọng và phù hợp để tập hợp các giới đồng bào trong Mặt trận Việt Minh.
Đánh giá về vai trò của Mặt trận đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong cách mạng dân tộc dân chủ cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”7.
Ngày nay, trên cơ sở của kinh nghiệm lịch sử và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, Đảng tiếp tục “thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc ở tầm cao và chiều sâu mới”. Từ những “điểm chung” cho toàn dân tộc là độc lập, tự do mà trước đây Hồ Chí Minh đã chỉ ra, Đảng xác định “điểm tương đồng” của mọi người dân Việt Nam là mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh để đại đoàn kết dân tộc. Đi đôi với điểm tương đồng này là các chính sách cụ thể đối với các giai cấp, các tầng lớp, tạo ra động lực mới thúc đẩy phong trào cách mạng của nhân dân, phát huy mọi năng lực của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mặt khác, Đảng cũng chỉ rõ những biện pháp nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nêu cao vai trò của mọi đảng viên trong công tác dân vận. Đó là sự kế thừa và phát triển những di sản tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử hiện nay. Chúng ta luôn nhớ đến và quyết tâm thực hiện di sản tư tưởng vĩ đại của Người: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”8.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 9/2016
1, 3, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 7, tr. 113, 461, 122, 122
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 230
4. Sđd, T. 7, tr. 24
7. Sđd, T. 13, tr. 453
8. Sđd, T. 15, tr. 628.