Tóm tắt: Giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhằm trang bị cho học viên là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận, giảng viên, học viên các hệ lớp những kiến thức nền tảng về quá trình Đảng ra đời, phát triển và lãnh đạo cách mạng Việt Nam; góp phần nâng cao năng lực vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của Đảng vào thực tiễn công tác; có vai trò quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Từ khóa: Giảng dạy Lịch sử Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

1. Nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Đây là chiến lược tiến công của chủ nghĩa đế quốc, nhằm xóa bỏ CNXH mà không cần chiến tranh vũ trang. Trọng tâm của chiến lược này là tấn công trên mặt trận tư tưởng - lý luận nhằm phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định con đường đi lên CNXH; bóp méo, xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phá vỡ niềm tin của Nhân dân đối với Đảng; xây dựng “ngọn cờ” cho các tổ chức chính trị đối lập, kích động bạo loạn lật đổ.

Những vấn đề các thế lực thù địch tập trung tấn công, bóp méo, xuyên tạc, là vai trò lãnh đạo, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, phủ định mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên CNXH. Các thế lực thù địch phủ nhận Cương lĩnh, đường lối cách mạng của Đảng, cho rằng, việc ban hành các Cương lĩnh, văn kiện là thể hiện sự “chuyên quyền”, “độc đoán”, “đảng trị”1, nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, chia rẽ Đảng với Nhà nước, đối lập Đảng và Nhà nước với nhân dân. Chúng cố tình xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, cho rằng: “Đảng có nhiều sai lầm trong quá khứ và dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước”2. Với danh nghĩa đứng về phía nhân dân, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đưa ra luận điệu cần phải đi theo mô hình “xã hội dân chủ”, thực hiện “chính trị đa nguyên”, “đa đảng đối lập” vì Đảng có “một bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do dân chủ”3. Các thế lực thù địch còn đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền lãnh đạo của Đảng.

Chúng cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin”, từ đó đi đến luận điệu xuyên tạc “chủ nghĩa Mác-Lênin là ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không còn phù hợp với Việt Nam”4

Đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng là một cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp. Đây là cuộc đấu tranh toàn diện trên các lĩnh vực, do đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng làm công tác tư tưởng, công tác nghiên cứu - giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đóng vai trò nòng cốt.

2. Các bài giảng lịch sử Đảng cho các hệ lớp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai trên các nội dung cơ bản: Sự ra đời của Đảng và quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng; những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn lãnh đạo và xây dựng Đảng.

Từ nội dung được thiết kế trong các hệ lớp, giảng viên thông qua nội dung các bài giảng, khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn của Đảng, đó là: “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”5. Qua đó trang bị, làm phong phú vốn tri thức lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là yêu cầu khách quan, đường lối của Đảng là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và quy luật; góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng.

Về tiến trình Đảng lãnh đạo cách mạng hơn 90 năm là một trong những vấn đề lịch sử mà các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, đó là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Họ cho rằng Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam thắng lợi là “sự ăn may” do Chiến tranh thế giới thứ II đưa lại (?), Việt Nam giành chính quyền trong “khoảng trống quyền lực” (?)6.

Liên quan đến nội dung này khi lên lớp, giảng viên cần khẳng định: Cách mạng Tháng Tám thắng lợi tuyệt nhiên không phải là “sự ăn may”, hay Việt Nam giành chính quyền trong “khoảng trống quyền lực”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Năng lực lãnh đạo của Đảng thể hiện rõ ở thời điểm quyết định thay đổi vận mệnh dân tộc từ nô lệ tiến tới độc lập, tự do. Ngay đêm Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Ban Thường vụ Trung ương họp Hội nghị mở rộng, xác định phát xít Nhật là kẻ thù chính, trước mắt của nhân dân Đông Dương, chỉ đạo “phải hành động ngay, hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo”7. Đây là định hướng vô cùng quan trọng cho các tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh phát động cao trào kháng Nhật. Với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”8, với khí thế của một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ, đã đồng loạt vùng dậy giành lại độc lập, tự do. Đội quân Thiên hoàng với gần 100 nghìn tướng lĩnh, quan chức, binh lính9 có mặt ở Đông Dương lúc đó là một quyền lực còn rất mạnh. Thời điểm đó, không chỉ có lực lượng của Việt Minh đấu tranh giành chính quyền mà còn có một số lực lượng khác cũng ra sức tranh thủ thời cơ giành chính quyền, trong đó có cả những lực lượng thân Nhật, như Phục Quốc, Đại Việt Quốc gia liên minh... Chính phủ Trần Trọng Kim do người Nhật dựng lên, nhằm phục vụ mục tiêu chiếm đóng và tác chiến của quân đội Nhật, đã thất bại trong việc thực thi một loạt các chính sách, đặc biệt đã bất lực trong việc giải quyết nạn đói ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Nội các này đã dần mất uy tín chính trị trong nhân dân. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, trong quá trình tiến hành Tổng khởi nghĩa đã thực hiện thành công việc trung lập hóa quân Nhật một cách sáng tạo, dũng cảm và khéo léo, đồng thời thực hiện thành công việc lật đổ chính quyền quân chủ chuyên chế do Bảo Đại và Trần Trọng Kim đứng đầu ở tất cả các cấp.

Về nội dung Đảng lãnh đạo 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm (1945-1975). Một trong những vấn đề các thế lực thù địch đặt trọng tâm xuyên tạc: Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cuộc chiến tranh vũ trang tốn xương máu, mất mát đau thương là không cần thiết (?), chiến tranh Việt Nam là cuộc nội chiến tương tàn giữa hai miền Nam - Bắc do sự khác biệt về lý tưởng cộng sản và không cộng sản...10.

Theo đó, giảng viên cần chứng minh làm rõ, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam thời kỳ 1954-1975 không phải là “nội chiến”, mà là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Nguồn gốc chiến tranh là chính sách và hành động xâm lược Việt Nam của chính giới Mỹ chứ không phải xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ dân tộc Việt Nam. Dùng biện pháp chiến tranh để thôn tính miền Nam Việt Nam, Mỹ không chỉ nhằm áp đặt ách thống trị chủ nghĩa thực dân mới, mà còn nhằm thực hiện chiến lược toàn cầu ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc. Ngoài ra, Mỹ còn tính toán tới lợi ích kinh tế mà các tập đoàn tư bản công nghiệp, tài chính của Mỹ; sự răn đe đối với Liên Xô, Trung Quốc và phong trào giải phóng dân tộc. Đế quốc Mỹ áp đặt phương thức thống trị thực dân kiểu mới, giấu mặt, trá hình. Trong bài Chiến tranh Việt Nam là gì đăng trên tờ The New York Times, một nhà nghiên cứu mới đây đã nhận xét: “Cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam không phải là một cuộc xung đột cục bộ, cô lập, không liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ, mà là một cuộc chiến không thể tách rời với ưu tiên cao nhất của quốc gia - cuộc chiến chống Cộng sản trên toàn cầu trong Chiến tranh Lạnh”11. Một thực tế rõ ràng là: tuy Mỹ coi lực lượng tay sai ở miền Nam Việt Nam là những người “quốc gia chủ nghĩa” nhưng chưa bao giờ thực sự coi trọng những lực lượng này. Mỹ chỉ xem họ như những quân cờ trên bàn cờ chiến lược của mình. Một khi quân cờ nào không còn hữu dụng nữa thì Mỹ sẵn sàng thay thế, vứt bỏ họ.

Nếu coi cuộc kháng chiến ở Việt Nam là “nội chiến” thì giải thích như thế nào về sự thú nhận thất bại của các ông chủ Nhà Trắng. R. Nich-xơn từng viết sách để giãi bày, thanh minh, đổ lỗi về thất bại và cả những điều xuyên tạc sự thật lịch sử, với tiêu đề Hòa bình thực sự. Không có những Việt Nam khác nữa12, dù được giải thích theo cách nào, rằng đó là Mỹ vẫn có thể can thiệp vũ trang vào những nơi Mỹ thấy cần thiết, nhưng không được thua như đã thua ở Việt Nam, thì vẫn không thể chối cãi là Mỹ đã thua trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nếu đây là “nội chiến”, tại sao Robert S.Mc.Namara, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, đã thừa nhận: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi đã mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”13, tại sao Mc.Namara tổng kết, “chỉ ra những thất bại”14 của Mỹ ở Việt Nam với “11 nguyên nhân gây ra thảm họa”15 Mỹ ở Việt Nam?

Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, thế giới chia làm hai phe, Đảng Lao động Việt Nam có đường lối chính trị độc lập, sáng suốt, trung thành với lợi ích tối cao của dân tộc; đồng thời không để Mỹ mở rộng chiến tranh đến toàn phe XHCN. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cuộc đấu tranh trên phạm vi toàn thế giới vì hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuộc kháng chiến sáng ngời chính nghĩa, hàm chứa những ý nghĩa cao cả nên được toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam khắp Bắc - Trung - Nam hăng hái tham gia, thực sự là “Toàn dân kháng chiến”, được cả loài người tiến bộ, kể cả nhân dân Mỹ ủng hộ.

Nội dung về CNXH và con đường đi lên CNXH, gắn với nội dung kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Về nội dung này có không ít quan điểm sai trái. Các thế lực thù địch cho rằng: Ở Việt Nam cần phải lựa chọn con đường khác chứ không phải là tiếp tục đi theo con đường CNXH, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH16. Họ cho rằng hầu hết các nước trước đây đã từng là chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu như Balan, Hunggari, Bungari,... đã từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đã bắt tay với Mỹ, gia nhập khối NATO, được các tập đoàn kinh tế, khoa học, công nghệ, tài chính lớn trợ giúp nên đã phát triển thần tốc, đất nước phồn vinh, người dân đã đổi đời; từ đó khẳng định “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử”, là “sự thật khách quan”. 

Suy xét kỹ lưỡng, nhìn nhận khách quan, toàn diện, thì những luận điệu trên hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu, con đường mà Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lịch sử thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp, CNTB phát triển đến tột cùng là CNĐQ, bộc lộ rõ tính chất phản động. Ở Việt Nam, chế độ thực dân, phong kiến là vật cản đường, trói buộc, ngăn trở sự phát triển đi lên của quốc gia dân tộc. Yêu cầu bức thiết của dân tộc Việt Nam là phải tìm ra con đường giải quyết một cách triệt để đồng thời hai mâu thuẫn: mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp, nhằm giải phóng dân tộc và đưa đất nước tiếp tục phát triển. Vào thời điểm lịch sử Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH, Nguyễn Ái Quốc, với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, kết hợp với tri thức lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”17. Con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH phản ánh sự lựa chọn khách quan của chính thực tiễn, mang đậm đặc thù Việt Nam, cho phép giải quyết một cách triệt để mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Lịch sử cách mạng Việt Nam là quá trình hiện thực hóa đường lối độc lập dân tộc gắn liền với CNXH vô cùng sinh động, sáng tạo và đường lối cách mạng không ngừng được hoàn thiện, góp phần bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Bằng sự thật đầy thuyết phục là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã củng cố niềm tin và sự kiên định của dân tộc ta vào con đường đi lên CNXH. Các thế lực thù địch không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, không thể bóp méo, bôi đen sự thật trước người dân.

Độc lập dân tộc và CNXH là một sự nghiệp khó khăn, phức tạp, tất yếu phải trải qua những chặng đường trong thời kỳ quá độ lâu dài, trong đó nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn rất cơ bản và trọng yếu được đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và giải quyết một cách thấu đáo, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (5-2021)18. Ai cố tình xuyên tạc bản chất của CNXH và con đường đi lên CNXH là vì họ đã rơi vào chủ nghĩa cá nhân, là làm trái với chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, là đi ngược lại lợi ích của người dân và dân tộc Việt Nam.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bên cạnh những thành công, Đảng cũng không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm do giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Đảng có thái độ khách quan, công tâm khi nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm, trong quá trình lãnh đạo đất nước và xây dựng Đảng, từ đó tích cực sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, đúc rút những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. V.I. Lênin từng chỉ rõ, trong quá trình lãnh đạo, Đảng khó tránh khỏi những khuyết điểm, song điều quan trọng là Đảng có thái độ đúng đắn với sai lầm của mình hay không.

Từ giữa những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX, tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp, một số nước XHCN có những bất đồng, đế quốc Mỹ tiến hành xâm lược miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Trong khi đó, Đảng chậm xác định con đường cách mạng miền Nam. Trong lãnh đạo xây dựng CNXH ở miền Bắc, Đảng mắc sai lầm trong thực hiện cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Trước tình hình đó, Đảng đã dũng cảm thừa nhận sai lầm, kiên quyết sửa sai trong cải cách ruộng đất. Trong giai đoạn 1975-1986, sự nghiệp xây dựng CNXH đạt được những thành tựu nhất định. Bên cạnh đó, những sai lầm trong chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện do chủ quan duy ý chí, nóng vội, thiếu kinh nghiệm, làm cho đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế-xã hội. Đại hội VI của Đảng (1986), với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”, đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo xây dựng CNXH.

Trong khi các Đảng Cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô lãnh đạo công cuộc cải cách, cải tổ không thành công, mất quyền lãnh đạo, thì Đảng Cộng sản Việt Nam, với bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nhìn thẳng vào sự thật, đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từng bước hình thành tư duy mới về CNXH, về thời kỳ quá độ lên CNXH. Đảng kiên định con đường cách mạng đã lựa chọn, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991). Đảng đúc kết: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt cách mạng nước ta” và khẳng định mạnh mẽ: “Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng”19.

Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng chưa có tiền lệ, nên ngoài những thành tựu to lớn đã giành được thì việc còn hạn chế, khuyết điểm là điều không thể tránh khỏi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không giấu giếm sai lầm, khuyết điểm của mình, vì thế Đảng được nhân dân tin tưởng. Điều này được khẳng định rõ trong Báo cáo tổng kết chặng đường 30 năm đổi mới của Đảng: “Những hạn chế, khuyết điểm đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu không ngừng để khắc phục, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa”20. Sự lãnh đạo của Đảng là hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp. Nhân dân Việt Nam đã tin tưởng lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức lãnh đạo duy nhất của sự nghiệp cách mạng. 

Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng là một cuộc đấu tranh phức tạp và lâu dài, do đó phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì, chủ động, kịp thời; đồng thời, phải xác định được những trọng tâm, trọng điểm về nội dung, thời điểm đấu tranh để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Đấu tranh phải có tính thuyết phục cao; thông tin, luận cứ đấu tranh phải trung thực, bảo đảm đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn; số liệu, sự kiện được dẫn chứng khách quan, chính xác. Cách thức lập luận đấu tranh không hô hào, áp đặt mà phải logic, chặt chẽ, sắc bén, dễ hiểu...; đồng thời, có sự nhất quán trong đấu tranh.

Thông qua bài giảng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam các hệ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, không chỉ khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng, thành tựu đạt được trong hơn 90 năm qua, mà qua đó còn góp phần củng cố nhân sinh quan cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, quản lý, giúp học viên có thái độ đấu tranh đúng đắn trước các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng. 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 7/2022

1, 4, 5. Dẫn theo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Nxb LLCT, 2022, tr.98, 96, 98

2, 3. Dẫn theo: Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2007. tr.53, 59

6. Trường-Chinh: “Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 2-1992, tr.5

7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.3, tr.596

8. Dẫn theo: GS, TS Phạm Hồng Tung: Xác lập chế độ Cộng hòa dân chủ Một thành tựu vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tạp chí Lịch sử Đảng 8-2016, tr.16. Có tài liệu viết “lực lượng quân đội Nhật ở Đông Dương lúc đó có 82.260 binh lính thiện chiến”, xem GS, TS Trịnh Nhu, PGS, TS Trần Trọng Thơ: Cách mạng Tháng Tám 1945 Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2020, tr.281

9. Xem Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2007. tr.62; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nxb LLCT, 2022, tr.98; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb LLCT, H, 2020, tr.250 

10. Christian G. Appy: What Was the Vietnam War About? The New York Times, March 26, 2018 https://www.nytimes.com/2018/03/26/opinion/what-was-the-vietnam-war-about.html

11. Richard Nixon (1990): Rreal Peace - No more Vietnams. Ed. Touchtone. New York, 4e l’de’tion

12, 13, 14. Robert S.Mc. Namara: Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.12, 136, 136

15. Xem Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Nxb LLCT, 2022, tr.88-89

16. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T. 12, tr.30

17. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H, 2022, tr. 17

18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb ST, H, 1991, tr.109

19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.68

20. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. I, tr. 109.