Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng qua từng giai đoạn. Những tư tưởng của Người về tôn giáo có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những giá trị đặc sắc về tôn giáo, trở thành nền tảng cho sự đổi mới nhận thức và thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước thời kỳ đổi mới.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; tôn giáo, tín ngưỡng, sự vận dụng của Đảng; thời kỳ đổi mới.
1. Giá trị đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
Sinh thời, C. Mác, Ph. Ăngghen, V. Lênin luận giải nhiều vấn đề về tôn giáo nhằm cung cấp các luận cứ khoa học để giải quyết vấn đề tôn giáo trong xây dựng CNXH. Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và lịch sử, các nhà kinh điển Mác - Lênin tiếp cận tôn giáo chủ yếu dưới khía cạnh hình thái ý thức - xã hội và khía cạnh chính trị. Theo đó, tôn giáo được xem là một bộ phận của hình thái ý thức xã hội do con người tạo ra, phản ánh một cách “hoang đường”, “hư ảo” hiện thực khách quan. Tôn giáo là phạm trù lịch sử, tồn tại và phát triển trong một giai đoạn nhất định, khi con người giải quyết một cách “hợp lý” mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, quan hệ giữa con người và con người thì tôn giáo sẽ “tiêu vong” một cách “tự nhiên”. Trong CNXH nhiệm vụ của những người cộng sản trong giải quyết vấn đề tôn giáo là xây dựng một “thiên đường” ngay trên hiện thực cuộc sống để từng bước giải phóng con người thoát khỏi “bóng ma” tôn giáo.
Một là, tiếp cận tôn giáo dưới khía cạnh văn hóa khi xem tôn giáo là bộ phận của văn hóa
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của các nhà kinh điển về tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo mà Người còn phát triển những tư tưởng đó phù hợp với sự vận động và phát triển của tôn giáo cũng như thực tiễn khách quan. Tư tưởng đặc sắc trong tiếp cận của Hồ Chí Minh về tôn giáo là Người không chỉ tiếp cận nó dưới khía cạnh là bộ phận của hình thái ý thức xã hội, dưới khía cạnh chính trị mà quan trọng và có ý nghĩa lớn nhất là tiếp cận tôn giáo dưới khía cạnh văn hóa khi xem tôn giáo là bộ phận của văn hóa. Hồ Chí Minh đã để lại một định nghĩa về văn hóa có giá trị thời đại: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”1.
Trong định nghĩa này, Hồ Chí Minh khẳng định: tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời với văn hóa bởi đó là sự sáng tạo của chính con người. Cách tiếp cận này có giá trị vượt xa thời đại, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa những người cộng sản với tôn giáo khá nặng nề liên quan đến sự khác biệt về thế giới quan. Cũng chính từ cách tiếp cận này cho phép Hồ Chí Minh có thái độ khách quan khi đánh giá về vai trò của tôn giáo, nhất là việc nhìn nhận giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đối với công cuộc xây dựng xã hội mới, Người viết: “Chúa Giêsu dạy: đạo đức là bác ái; Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi; Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa”2.
Thái độ khách quan của Hồ Chí Minh khi nhìn nhận về giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo xuất phát từ sự trân trọng đối với các đấng sáng lập ra các tôn giáo với mục đích giải phóng cho con người. Theo Người, các đấng sáng lập ra tôn giáo dù tư tưởng có khác nhau thì họ đều là những người muốn mưu cầu hạnh phúc cho con người, cho xã hội. Trong bức thư gửi Hội Phật tử Việt Nam, Hồ Chí Minh viết: “Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma”3. Từ thái độ trân trọng, Hồ Chí Minh luôn dành cho các bậc sáng lập tôn giáo một sự tin tưởng, kính trọng: “Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Gia tô tin ở đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng”4.
Cách tiếp cận tôn giáo dưới khía cạnh văn hóa thể hiện nét độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh lịch sử xã hội lúc bấy giờ. Cách tiếp cận này giúp Người nhận ra được cái chung trong tính nhân bản, đạo đức vốn có của các loại hình tôn giáo. Đặc biệt, chính tầm cao văn hóa, cách tiếp cận tôn giáo dưới khía cạnh văn hóa góp phần hình thành những tư tưởng có giá trị của Hồ Chí Minh trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo một cách tự nhiên và nhân văn. Tư tưởng đó bắt đầu từ thái độ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của tất cả mọi người từ lời nói đến hành động, từ lý luận đến thực tiễn trở thành một phong cách ứng xử “rất Hồ Chí Minh”. Điều này được minh chứng bằng việc sau khi đất nước giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ra tuyên bố TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”5. Tư tưởng này được cụ thể hóa trong bản Hiến pháp 1946 ngay sau đó chưa đầy một năm thể hiện sự nhất quán trong chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ cách tiếp cận về tôn giáo, trong giải quyết vấn đề tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn thể hiện một tấm lòng bao dung, độ lượng. Trong bối cảnh một bộ phận chức sắc, tín đồ bị lợi dụng, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, Người luôn thể hiện một tình cảm vị tha của vị lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân: “…tôi cam đoan rằng Tổ quốc, đồng bào và Chính phủ bao giờ cũng khoan hồng. Một khi các người đã trở về với Tổ quốc thì các người sẽ được hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về”6. Tấm lòng khoan dung của Người đã cảm hóa một cách rất tự nhiên không chỉ đối với tín đồ mà cả các chức sắc tôn giáo nguyện đứng về phía cách mạng ủng hộ Chính phủ để cùng thực hiện nhiệm vụ giành và giữ nền độc lập, xây dựng nước nhà giàu mạnh như các vị Giám mục Lê Hữu Từ, Linh mục Phạm Bá Trực (Công giáo), Cao Triều Phát (Cao Đài), Huỳnh Phú Sổ (Phật giáo Hòa Hảo),…
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo và chính sách tôn giáo của Chính phủ góp phần quan trọng vào việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện mục tiêu chung của cách mạng: độc lập dân tộc và CNXH. Trong cuốn sách Đối diện với Hồ Chí Minh (Face à Ho Chi Minh), J. Sainteny – một quan chức cao cấp của Chính phủ Pháp buộc phải thú nhận: “Về phần tôi, phải nói rằng, chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi các chương trình của Cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu với bất kỳ một tôn giáo nào”7.
Cách tiếp cận của Hồ Chí Minh xem tôn giáo là khía cạnh của văn hóa là sự nhìn nhận khách quan vai trò, chức năng của tôn giáo, nhất là trong xây dựng xã hội mới. Cách tiếp cận này là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng góp phần hoàn thiện quan điểm, chủ trương của Đảng trong nhận thức và ứng xử với tôn giáo nhằm phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nguồn lực tôn giáo cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Thứ hai, nhìn nhận sự khác biệt trong đời sống tinh thần của người Việt truyền thống với quan niệm tôn giáo của phương Tây
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đến nhiều quốc gia trên thế giới để tìm hiểu thực tiễn phát triển của các nước (nhất là những nước văn minh, hiện đại) với mục đích tìm ra con đường cứu nước. Sự trải nghiệm thực tiễn đó cho phép Nguyễn Ái Quốc hiểu được các nền văn hóa ở phương Tây nói chung và các tôn giáo nói riêng. Từ đó cho phép Nguyễn Ái Quốc khái quát nét đặc trưng và khác biệt trong đời sống tâm linh, tinh thần của người Việt truyền thống, Người viết: “Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo, theo cách nghĩ của châu Âu”8. Điều này cho thấy rằng Nguyễn Ái Quốc đã rút ra nhận xét chính xác về thực tiễn đời sống tinh thần của người Việt truyền thống. Ở đó, mặc dù có sự du nhập và ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo từ rất sớm nhưng không tạo ra sự xung đột với tín ngưỡng của người Việt, thậm chí có sự dung hòa và tiếp biến với các giá trị này tạo nên nét đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt truyền thống. Nhận xét của Hồ Chí Minh về đặc trưng tôn giáo của Người Việt truyền thống giúp cho việc giải đáp câu hỏi: Tại sao các tôn giáo ở Việt Nam có sự khác biệt về giáo lý nhưng trong quá trình phát triển không tồn tại những xung đột lớn? Về cơ bản các tôn giáo đoàn kết với nhau. Bởi, đa số người Việt đều có mẫu số chung, đó không chỉ xuất phát từ mục tiêu độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội mà người dân được tự do, hạnh phúc mà còn là mẫu số chung từ đời sống văn hóa, đời sống tinh thần. Hay nói cách khác, sự liên kết này xuất phát từ giá trị cội nguồn của văn hóa, tín ngưỡng truyền thống.
Sự khái quát của Hồ Chí Minh là chỉ dẫn quan trọng trong việc giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Theo đó, cùng với chính sách “tự do tín ngưỡng, tôn giáo” là quan điểm xuyên suốt và ngày càng hoàn thiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam thì chủ trương “đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo” là nguyên tắc quan trọng trong giải quyết vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Trong thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quán triệt chủ trương đấu tranh chống các hành vi lợi dụng tôn giáo và bài trừ mê tín dị đoan trong thực hành niềm tin nhằm góp phần lành mạnh hóa đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân vì sự phát triển chung của đất nước.
Thứ ba, khẳng định vị trí quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong đời sống tinh thần của người Việt Nam
Một trong những đặc trưng dễ nhận thấy trong đời sống tâm linh, tinh thần của người Việt truyền thống đó là tín ngưỡng đa thần. Trong đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là trục tâm linh xuyên suốt lịch sử Việt Nam qua các giai đoạn và trở thành giá trị văn hóa góp phần củng cố tinh thần dân tộc, khối đoàn kết dân tộc từ trong lịch sử đến ngày nay. Nhận xét về đặc trưng này, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Chúng tôi không có những người tư tế nào. Những người già trong gia đình hay các già làng là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm”9.
Nhận xét trên của Nguyễn Ái Quốc là sự khái quát từ thực tế đời sống tâm linh, tinh thần của người Việt truyền thống. Theo đó, thờ cúng tổ tiên của người Việt được nhìn nhận dưới khía cạnh vừa là một giá trị văn hóa, vừa là phép ứng xử của người sống đối với những người đã khuất. Lý giải về sự trường tồn của giá trị văn hóa thờ cúng tổ tiên thấy rằng, nó không chỉ là chất keo kết nối các mối quan hệ trong dòng tộc mà đó còn là yếu tố bảo đảm cho việc củng cố tinh thần đoàn kết của dân tộc. Trên thực tế, thờ cúng tổ tiên của người Việt không chỉ bó hẹp dưới cách hiểu là trong phạm vi gia đình, dòng họ mà đó còn là phạm vi làng xã (thờ thành hoàng làng) và quốc gia (thờ vua Hùng). Chính vì thế, dưới góc nhìn văn hóa, ở Việt Nam mối quan hệ nhà – làng – nước được thắt chặt bởi sợi dây liên kết là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nhận xét của Hồ Chí Minh sau này được khẳng định trong tác phẩm Văn hóa và đổi mới của Phạm Văn Đồng: “Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam ta không có tôn giáo theo nghĩa thông thường của nhiều nước khác. Còn nói tôn giáo là thờ cúng, thì mỗi người đều thờ cúng ông bà, mỗi họ đều thờ cúng tổ tiên, làng thì thờ thành hoàng và các bậc anh hùng cứu nước, các tổ phụ ngành nghề, các danh nhân văn hóa. Từ góc độ văn hóa, tôi thấy đây là một đặc trưng đáng trọng của con người Việt Nam”10.
Tư tưởng này được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng để giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo qua các giai đoạn lịch sử của các mạng Việt Nam. Đặc biệt, quan điểm này được khẳng định và nhấn mạnh trong những năm đổi mới với mục tiêu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc làm nền tảng cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
2. Sự vận dụng hiện nay
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt là những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về tôn giáo, bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều đột phá trong nhận thức và ứng xử với tôn giáo trên cơ sở khắc phục những hạn chế thời kỳ trước đổi mới. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị khóa VI “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” được xem là khởi đầu cho sự thay đổi đó với 3 nhận thức mang tính đột phá: 1/ Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; 2/ Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; 3/ Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Từ nhận thức đó, trong giải quyết vấn đề tôn giáo cần phải đặc biệt tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đồng thời phát huy vai trò, giá trị của tôn giáo trong quá trình xây dựng đất nước. Quan điểm này được quán triệt và bổ sung qua các kỳ đại hội Đảng. Tại HNTƯ 7 khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “về công tác tôn giáo”, trong đó khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”11. Đồng thời, để không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đoàn kết tôn giáo, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”12.
Sau Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, nhất là việc ban hành Pháp lệnh “Về tín ngưỡng, tôn giáo” (2004) và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016), vai trò của tôn giáo ngày càng được khẳng định trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực tế đó đòi hỏi phải có những nhận thức mới nhằm phát huy vai trò của tôn giáo phù hợp với yêu cầu khách quan. Vấn đề phát huy nguồn lực tôn giáo được Đảng xác định rõ tại Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10-1-2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Chỉ thị yêu cầu: “Các cơ quan đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội quán triệt và tập trung nghiên cứu lý luận về tôn giáo, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”13.
Văn kiện Đại hội XIII (2021) của Đảng, trong phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, nêu rõ: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng”14. Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác tôn giáo, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”15.
Ngày 24-11-2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW (Nghị quyết HNTƯ 8, khóa XIII) “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” Nghị quyết tiếp tục khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước... Tôn trọng, khuyến khích phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”16.
Mặc dù vậy, xét về mặt thể chế và chính sách, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có cơ chế và chính sách cụ thể, đầy đủ, thống nhất để hiện thực hóa quan điểm của Đảng liên quan đến phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nguồn lực tôn giáo cho sự phát triển. Vì thế, các giá trị, nguồn lực của tôn giáo chưa được phát huy một cách đầy đủ, tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của chính bản thân các tôn giáo. Ở một khía cạnh khác, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của chức sắc, tín đồ, người dân đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm như: tình trạng lợi dụng quyền tự do tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước của các cá nhân trong và ngoài nước còn diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp; tình trạng thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hay tuyên truyền mê tín dị đoan còn thường xuyên ở một số loại hình tôn giáo, tín ngưỡng; sinh hoạt của một số loại hình tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn nhiều hạn chế, thiếu lành mạnh, gây ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự ở nhiều lễ hội tín ngưỡng…
Xuất phát từ thực trạng đó, việc tiếp tục vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo cần phải được cụ thể hóa hơn nữa. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, cần xây dựng hệ thống thể chế, chính sách cụ thể, đồng bộ nhằm tạo ra cơ sở, hành lang pháp lý để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, xây dựng môi trường, không gian sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh trên tinh thần phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực tôn giáo, tín ngưỡng đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Như vậy, trên cơ sở chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về tôn giáo Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã vận dụng vào việc giải quyết vấn đề tôn giáo ở những mức độ nhất định qua các giai đoạn cách mạng; đồng thời, không ngừng hoàn thiện chính sách tôn giáo, nhất là trong thời kỳ hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước.
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 458
2. Sđd, T. 7, tr. 95
3, 6. Sđd, T. 5, tr. 228, 249
4, 5. Sđd, T. 4, tr. 169, 8
7. J. Sainteny: Face à Ho Chi Minh, Nxb Serghers, Paris, 1970, tr. 162
8, 9. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.1, tr. 463, 463
10. Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb CTQG, H, 1994, tr.75
11, 12. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “Về công tác tôn giáo”