Tóm tắt: Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - với tiêu chí “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”. Hướng theo tiêu chí này, dân tộc Việt Nam đã quyết tâm tranh đấu để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong thế kỷ XX và ngày nay, toàn Đảng, toàn dân ta vẫn đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để ngày một hoàn thiện hơn chuỗi giá trị đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với những giá trị cốt lõi được biểu thị trong tiêu chí vĩnh hằng “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi.
Từ khóa: Hồ Chí Minh; Độc lập-Tự do-Hạnh phúc; giá trị cốt lõi
1. Tinh thần độc lập, tự do của dân tộc ta đã được tích hợp và nuôi dưỡng hàng ngàn năm trong tiến trình xây dựng quốc gia độc lập trước công nguyên và mười thế kỷ sau đó lại kiên trì tranh đấu để hồi sinh nền độc lập ấy với sự ra đời của Nhà nước độc lập Đại Cồ Việt. Tinh thần quật khởi đó lại được hấp thụ thêm nhiều năng lượng mới rất mạnh mẽ khi dân tộc ta đi dọc theo thiên niên kỷ thứ hai để quyết bảo vệ không gian sinh tồn của mình - từ nước Đại Việt tới nước Việt Nam - với sự khẳng định qua Tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà” trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống đến “Bình Ngô đại cáo” được công bố sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống lại sự thống trị của nhà Minh...
Toàn bộ năng lượng mạnh mẽ đó của dân tộc đã hun đúc thành ý chí quyết tâm đi cứu nước, cứu dân của Hồ Chí Minh để bắt đầu cuộc hành trình cứu nước, cứu dân, khởi đầu từ ngày 5-6-1911 và được Người thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Khi hoạt động ở Pháp, trước sự đe dọa của thế lực đã áp đặt chế độ thực dân lên Tổ quốc của mình, Hồ Chí Minh đã không ngần ngại nói: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”1. Cách mạng Tháng Tám thành công, trên vị trí là người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”2.
Hai câu nói này ở hai địa điểm, thời điểm cách xa nhau và trên hai vị trí khác biệt nhưng đều biểu cảm một tinh thần Việt không thay đổi của Hồ Chí Minh về mục tiêu giành quyền tự nhiên cho dân tộc và con người Việt Nam. Đó cũng là động lực tạo ra sức mạnh bền bỉ để Người có thể trải qua cuộc hành trình 30 năm, kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở về Tổ quốc (1911-1941), hết sức cam go trên một thế giới toàn trị của chủ nghĩa đế quốc ở nửa đầu thế kỷ XX cũng như vượt qua mọi khó khăn, phức tạp của phong trào cách mạng thế giới trong thời gian đó để tìm con đường và chuẩn bị đầy đủ những điều kiện - những điều kiện mà không có một lãnh tụ cách mạng nào trên thế giới có thể thực hiện được tất cả trong một đời người-để thực hiện cái “cần nhất trên đời” nhưng cũng là “ham muốn tột bậc” của Người và của nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình đó, năng lượng tinh thần Việt tích lũy trong hàng ngàn năm lịch sử lại được Hồ Chí Minh tích hợp lại khi Người xác định “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”3 và được Đảng thể hiện qua khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”. Với tinh thần ấy, không phân biệt giai tầng, tín ngưỡng, dân tộc.., nhân dân ta, cho dù nghèo đói và gần như tay không, triệu người như một, đã đoàn kết xung quanh Hồ Chí Minh và Đảng trong Mặt trận Việt Minh, đã vùng lên với sức mạnh vô song, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làm thay đổi số phận của cả dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám thành công, với triết lý “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”4, Hồ Chí Minh đã lập tức lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ làm cho nhân dân ta hạnh phúc xứng đáng với công dân tự do của một nước độc lập. Người nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”5 và chỉ thị:
“Chúng ta phải thực hiện ngay:
1. Làm cho dân có ăn.
2. Làm cho dân có mặc.
3. Làm cho dân có chỗ ở.
4. Làm cho dân có học hành.
Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”6.
Đó là những căn nguyên mà khi bắt tay xây dựng nhà nước dân chủ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hồ Chí Minh đã xác định tiêu chí của Nhà nước ta với chuỗi giá trị về quyền dân tộc và quyền con người Việt Nam là “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”.
Có thể nói, tiêu chí “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” không chỉ biểu thị đặc trưng nhất tinh thần Việt, mà còn thể hiện văn minh chính trị đặc sắc của dân tộc Việt Nam trước nhân loại khi nó là kết quả trực tiếp của cuộc cách mạng với ba nội dung to lớn là xóa bỏ chủ nghĩa thực dân suy đồi, chống chủ nghĩa phát xít tàn bạo, lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời và trở thành tiêu chí của nhà nước dân chủ mới ở nước ta phù hợp với sự tiến hóa của dân tộc và nhân loại.
Hồ Chí Minh đã luận giải: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”7. Theo Người: “Ra sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”8. Do đó, phục vụ cho sự nghiệp vì ợi ích của dân tộc là Độc lập, vì lợi ích của nhân dân là Tự do, Hạnh phúc là phục tùng chân lý, là thực hiện chân lý.
Bởi vậy, “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” không chỉ là tiêu chí hội tụ của tinh thần Việt, của văn minh Việt, mà còn biểu đạt rõ ràng chân lý Việt về quyền dân tộc và con người được kết tinh ở tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” thể hiện tinh thần, văn minh, chân lý Việt Nam đã sáng tỏ trí tuệ Hồ Chí Minh nhưng đồng thời tiêu chí ấy cũng biểu đạt ngắn gọn nhất tư tưởng của Người trên những vấn đề căn bản sau đây:
“Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” chỉ ra rất rõ ràng và cụ thể mục tiêu và con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc phải gắn liền với xây dựng một xã hội mới thủ tiêu mọi áp bức, bất công và trong không gian sinh tồn Độc lập của dân tộc phải xây dựng xã hội mới để xác lập và không ngừng hoàn thiện các giá trị về Tự do và Hạnh phúc cho con người Việt Nam.
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc chính là mục tiêu phấn đấu cơ bản của Nhà nước ta - như Hồ Chí Minh nói đó là “Cái mục đích chúng ta đi đến”. Mục tiêu đó khẳng định nhà nước mới ở Việt Nam phải không ngừng phấn đấu để bảo đảm quyền dân tộc Độc lập và quyền được Tự do và Hạnh phúc của con người Việt Nam - những giá trị mà loài người đã, đang và sẽ tiếp tục tranh đấu để đạt tới và hoàn thiện nó. Với ý nghĩa là nền tảng tinh thần và là lý do tồn tại của Nhà nước ta, tiêu chí này là cơ sở quyền lực của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” là mục tiêu bất biến của nhà nước dân chủ ở nước ta.
Trên các ý nghĩa đó, có thể nói, “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” không chỉ là mục tiêu mà chính là yêu cầu, là tiêu chuẩn mà Hồ Chí Minh chỉ ra cho việc thiết kế và tổ chức xây dựng xã hội mới ở nước ta. Xã hội mới đó phải được thiết kế theo hình thức, nội dung và được tổ chức xây dựng như thế nào để tạo ra các điều kiện giữ vững Độc lập cho dân tộc và trong xã hội đó quyền Tự do, Hạnh phúc của con người được đảm bảo và không ngừng hoàn thiện.
“Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” chính là tiêu chí chuẩn mực để theo đó xây dựng lực lượng cách mạng ở nước ta mà trước hết là xây dựng tổ chức tiên phong của giai cấp và dân tộc - Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, Đảng chỉ có một lợi ích là “phụng sự Tổ quốc, nhân dân”, đảng viên của đảng phải là những người “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực”9 thực hiện một nhiệm vụ đó, thì Độc lập-Tự do-Hạnh phúc chính là mục tiêu phấn đấu cụ thể để Đảng phụng sự và đảng viên của Đảng nguyện thề trung thành và thực hiện. Tiêu chí đó cũng đồng thời là yêu cầu và nội dung phải hướng tới trong xây dựng con người mới Việt Nam mà theo đó để hình thành chuẩn mực đạo đức hàng đầu của người Việt Nam phải là “Trung với nước, hiếu với dân”. Người “Trung với nước” thì phải ra sức bảo vệ và sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, “Hiếu với dân” là phải tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, góp phần đem lại Tự do và Hạnh phúc cho toàn thể đồng bào.
“Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” biểu thị lợi ích chung và lâu dài của các dân tộc sinh sống trên đất nước ta, của mọi giai tầng, của toàn thể con dân đất Việt. Trên ý nghĩa ấy, tiêu chí của nhà nước ta chính là mẫu số chung để đoàn kết toàn dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, giai tầng, tín ngưỡng... trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” chính là cơ sở cho sự thống nhất tư tưởng, xây dựng niềm tin, đồng thời tạo ra hiệu ứng tích cực, phát huy lòng tự tôn dân tộc trong toàn thể đồng bào, làm gia tăng tối đa sức mạnh nội tại của dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và phục hưng dân tộc.
Điều đó cho thấy tiêu chí của Nhà nước mới do Hồ Chí Minh sáng lập là tiêu chí để đoàn kết, phát huy tất cả sức mạnh vật chất, tinh thần của dân tộc, khơi dậy mọi tiềm năng và làm nảy nở những cái mới, cái đẹp của cả dân tộc và trong mỗi con người vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước vì những mục tiêu cao cả đó. Trên ý nghĩa ấy, tiêu chí “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Việt Nam và nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - luôn là động lực to lớn tạo nên sức mạnh vĩ đại để dân tộc và mỗi người Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Dân tộc nào cũng muốn độc lập, không con người nào lại không hướng tới Tự do-Hạnh phúc, nên tiêu chí của nhà nước ta cũng chính là mẫu số chung để đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc ta với sức mạnh của nhân loại tiến bộ, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại. Trên ý nghĩa đối ngoại, tiêu chí đó cũng chính là tuyên ngôn nguyên tắc của Việt Nam để là bạn và làm bạn với tất cả các nước. Hòa bình, hữu nghị, bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc và quyền con người là “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”.
“Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” chỉ rõ sự gắn bó biện chứng giữa vấn đề dân tộc với giai cấp, giữa độc lập dân tộc với phát triển xã hội, giữa phục hưng dân tộc gắn với sự phát triển của Tự do và Hạnh phúc cho con người Việt Nam. Trong mối kết đó, Độc lập dân tộc là trước hết, trên hết, là tiền đề, là cơ sở cho Tự do-Hạnh phúc của con người Việt Nam. Không có Độc lập dân tộc không thể nói Tự do-Hạnh phúc thực sự cho con người Việt Nam. Nhưng đồng thời, Tự do-Hạnh phúc cho con người Việt Nam là nội lực, là sức mạnh, là sự đảm bảo duy nhất cho Độc lập dân tộc với tư cách là lực lượng, là chủ thể của đất nước. Có thể nói, Tự do-Hạnh phúc của con người Việt Nam chính là nội dung của Độc lập dân tộc, làm hoàn chỉnh ý nghĩa của Độc lập dân tộc và Độc lập dân tộc là điều kiện đảm bảo để ngày càng hoàn thiện các giá trị Tự do và Hạnh phúc cho con người Việt Nam, như Hồ Chí Minh đã nói. Trên những ý nghĩa đó, “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” biểu thị quan điểm và phương pháp Hồ Chí Minh trong việc giải quyết mối quan hệ dân tộc với giai cấp, quyền dân tộc với quyền con người.
Từ những nhận thức trên, nhìn vào tiêu chí “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” thấy rõ hệ thống quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh trên những vấn đề căn bản nhất của cách mạng Việt Nam: về mục tiêu, đường lối cách mạng; về xây dựng các lực lượng cách mạng; về thiết kế và tổ chức xây dựng xã hội mới; về xây dựng con người mới và biểu đạt quan điểm và phương pháp Hồ Chí Minh trong giải quyết mối quan hệ quyền dân tộc - con người ở Việt Nam và các vấn đề quốc tế. Bởi vậy, “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” là kết tinh, biểu thị những nội dung căn bản nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh.
3. Độc lập-Tự do-Hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của Nhà nước ta, là mục đích đi đến, nhưng ở những thời đoạn với những hoàn cảnh lịch sử nhất định, Hồ Chí Minh và Đảng đã biểu thị mục tiêu cơ bản đó thành các mục tiêu chiến lược cụ thể sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở từng giai đoạn lịch sử nhất định của cách mạng nước ta.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược lần hai và bắt đầu với mưu toan chia cắt Nam Bộ. Hòa bình, thống nhất của đất nước, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc bị đe dọa. Trước tình hình đó, trên cơ sở mục tiêu cơ bản là Độc lập-Tự do-Hạnh phúc, Hồ Chí Minh và Đảng đã nêu lên mục tiêu chính trị có ý nghĩa chiến lược cho cách mạng nước ta là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, phú cường. Nội dung hòa bình, thống nhất đất nước với độc lập dân tộc trở thành nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng Việt Nam vào lúc này. Cuộc tranh đấu của nhân dân ta để bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của thực dân Pháp từ đó cũng đồng thời với việc bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ngoại giao vô cùng cam go trong những tháng năm đầu của Nhà nước ta nhằm giữ vững hòa bình, loại trừ sự chia cắt đất nước của quân Đồng minh và mưu toan của thực dân Pháp định tách Nam kỳ khỏi nước ta. Cuộc kháng chiến bắt buộc của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ, khi độc lập, thống nhất của Tổ quốc không được tôn trọng.
Mục tiêu đó đáp ứng nguyện vọng của toàn dân ta và tạo ra tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đồng thời là chất liệu đoàn kết dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh. Trên tinh thần và sức mạnh đoàn kết đó, nhân dân ta đã vượt qua mọi cam go và đã tạo nên kỳ tích Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơnevơ đã công nhận và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước.
Là một thành viên tham dự Hội nghị Giơnevơ nhưng đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ và tiến hành dùng mọi thủ đoạn thay thế thực dân Pháp để tiến hành chiến tranh xâm lược ở miền Nam. Lật đổ Bảo Đại và xây dựng chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm mưu toan chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại sự thống nhất đất nước mà Hiệp định Giơnevơ thừa nhận. Một lần nữa, hòa bình, thống nhất, độc lập của dân tộc lại bị xâm phạm. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh và Đảng đã nêu lên nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh để đoàn kết toàn dân trong cuộc tranh đấu bảo vệ hòa bình, hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước để thống nhất Tổ quốc. Từ mục tiêu cơ bản Độc lập-Tự do-Hạnh phúc đến khẩu hiệu chiến lược đó, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Hồ Chí Minh và Đảng đã đoàn kết toàn dân, đoàn kết các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ, tạo ra sức mạnh vô địch đưa tới thắng lợi giải phóng miền Nam năm 1975 và tiến tới hòa bình thống nhất của Tổ quốc năm 1976. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Hồ Chí Minh đã nêu lên được tạc vào thế kỷ XX như một chân lý vĩ đại chính là biểu đạt tiêu chí của Nhà nước ta.
Giá trị định hướng của tiêu chí mà Hồ Chí Minh nêu lên còn thể hiện trong định hướng của xây dựng xã hội mới. Từ tiêu chí Độc lập-Tự do-Hạnh phúc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “chúng ta tiến lên xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa tức là một nước có một cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do và độc lập, tức là nước Việt nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”10. Nội dung đó lại được khẳng định rất rõ trong Di chúc của Người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”11.
Năm 1976, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giữ nguyên tiêu chí “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” đã khẳng định tính bất biến và giá trị định hướng của nó.
Tất cả những vấn đề trên cho thấy, tiêu chí “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” chính là mục tiêu cơ bản, chiến lược và là định hướng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích lâu dài của dân tộc và con người ở nước ta phù hợp với sự phát triển và sự vận động của các điều kiện lịch sử của trong nước và quốc tế. Các mục tiêu chiến lược hình thành trên cơ sở mục tiêu cơ bản được Hồ Chí Minh và Đảng xác định chính xác ở từng hoàn cảnh lịch sử đã phát huy tác dụng to lớn trong thống nhất tư tưởng, đoàn kết và phát huy tối đa tinh thần dân tộc, phát huy mọi năng lực tiềm ẩn của con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để đưa tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chính đáng là quyền tự nhiên của dân tộc và con người ở nước ta.
Từ thành công của Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; từ thành công của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; từ thành công của công cuộc bảo vệ Tổ quốc đến thắng lợi trong đổi mới trong xây dựng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định ý nghĩa to lớn với giá trị chân lý, bất biến và tính định hướng của tiêu chí “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” trong công cuộc bảo vệ nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Điều đó nói rõ giá trị vĩnh hằng của tư tưởng Hồ Chí Minh qua tiêu chí của Nhà nước ta.
Tiêu chí “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc đã dẫn dắt dân tộc ta đã đưa tới thắng lợi giành lại độc lập với sự thống nhất của Tổ quốc. Ngày nay, tiêu chí đó vẫn tiếp tục thể hiện khát vọng của dân tộc ta với những mục tiêu cơ bản là giải phóng dân tộc gắn với giải phóng con người. Kiên trì với mục tiêu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc đó cũng chính là kiên trì con đường của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc phải gắn liền với xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa - để đem lại Tự do-Hạnh phúc thật sự cho con người Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Kiên trì tiêu chí Độc lập-Tự do-Hạnh phúc để tạo ra nội và ngoại lực với sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã mang đến cho dân tộc Việt Nam nền độc lập, người dân được tự do, xây dựng các tiêu chí để đạt hạnh phúc. Tiêu chí “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” thể hiện giá trị và nội dung cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiêu chí đó không chỉ đã dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, mà còn tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta đến thành công trong sự nghiệp đổi mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN - để hoàn thiện giá trị của Tự do-Hạnh phúc cho toàn thể nhân dân Việt Nam.
Giương cao tiêu chí “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” là nêu cao giá trị tinh thần, văn minh, chân lý Việt, là thực hiện những giá trị nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh, là xác định hướng đi đúng đắn theo chỉ dẫn của Người trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội của Tổ quốc trong hiện tại và tương lai. Nhìn vào tiêu chí đó để thấy nhiệm vụ phải thực hiện hàng ngày và đó chính là sự phục tùng và thực hành chân lý của mỗi người Việt Nam.
Vì Hạnh phúc phải đấu tranh cho Tự do. Để có Tự do phải chiến đấu giành lấy Độc lập và xây dựng xã hội mới ngày càng đảm bảo cho sự hoàn thiện của Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. Lịch sử của các dân tộc, của nhân loại chính là hành trình tranh đấu cho chuỗi giá trị đó. Ngày nay, tuy thế giới đã có những biến đổi to lớn trên tất cả các phương diện nhưng tiêu chí đó vẫn là mục tiêu mà nhân loại hướng đến. Trên ý nghĩa đó, “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” là tầm nhìn thời đại, biểu thị những giá trị và kết tinh những nội dung cơ bản nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in), số 9/2020
1. T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb ST, H, 1976, tr. 15
2, 4, 5, 6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 187, 64, 175, 175
3. Sđd, T. 3, tr. 230
7, 8. Sđd, T. 10, tr. 378, 378
9. Sđd, T. 7, tr. 50
10. Sđd, T. 12, tr. 251
11. Sđd, T. 15, tr. 614.