Tóm tắt: Trong lịch sử, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã 3 lần sang thăm Việt Nam, đó là vào những năm 1973, 1995, 2003. Trong chuyến thăm chính thức của Fidel Castro từ ngày 12 đến ngày 17-9-1973 diễn ra nhiều hoạt động tại Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt là ông tới thăm vùng giải phóng Quảng Trị (15-9-1973) đã khắc ghi tình cảm nồng ấm của lãnh tụ Cuba dành cho nhân dân Việt Nam, biểu thị tình đoàn kết đặc biệt sâu đậm trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba, Cuba - Việt Nam.
Từ khoá: Fidel Castro; Hà Nội; Quảng Bình; Quảng Trị
Thủ tướng Fidel Castro gặp gỡ các chiến sĩ trong đoàn Khe Sanh Quân giải phóng Trị Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN)
1. Hoạt động của đoàn tại Hà Nội
Nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ ngày 12 đến ngày 17-9-19731, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, do đồng chí Fidel Alejandro Castro Ruz (thường gọi tắt là Fidel Castro), Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Cuba làm Trưởng đoàn2. Tham gia Đoàn gồm các đồng chí Carlos Rafael Rodighez, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phó Thủ tướng Chính phủ Cuba, phụ trách đối ngoại, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia hợp tác Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật Cuba; Oxmanisien Fueghoz, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba; Menba Hecnande, Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam, Lào và Campuchia; Raul Vandes Vivo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sáng ngày 12-9-1973, sau khi dự lễ đón tiếp chính thức tại sân bay Gia Lâm, Fidel Castro đứng trên xe mui trần cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng vẫy chào hàng chục vạn nhân dân Hà Nội đứng dọc đường từ sân bay Gia Lâm về đến trung tâm thành phố, náo nức chào đón đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba. Cảm động trước sự đón tiếp nồng hậu đó, trong bài phát biểu ngắn gọn tại Nhà khách Chính phủ trưa ngày 12-9-1973, Fidel Castro phát biểu: “Chúng tôi chưa từng đến nơi nào với tình cảm to lớn hơn với lòng yêu mến không bờ bến hơn như đối với đất nước này”3.
Chiều ngày 12-9-1973, đồng chí Fidel Castro cùng Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Cuba đến viếng và đặt vòng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội. Dự lễ viếng và đặt vòng hoa cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba có các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Thiếu tướng Trần Sâm, Hoàng Văn Lợi, Trần Vỹ.
Tại buổi chiêu đãi trọng thể Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba, Fidel Castro phát biểu: Cu-ba và Việt Nam ở cách xa nhau, trong lúc ở Cu-ba là ban ngày thì ở Việt Nam là ban đêm, nhưng trên lĩnh vực tư tưởng cách mạng thì chỉ có ban ngày, vì rằng mặt trời luôn luôn chiếu sáng sự nghiệp cách mạng ở hai nước chúng ta; Việt Nam là một tên gọi vô cùng thân thiết, vô cùng gần gũi đối với người dân Cuba. Cuộc kháng chiến oanh liệt của nhân dân Việt Nam là tấm gương, nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân Cuba. Chưa có một phong trào giải phóng dân tộc nào trên thế giới phải tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập và thống nhất như dân tộc Việt Nam4.
Ngày 13-9-1973, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba. Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí thân mật thắm tình đoàn kết chiến đấu và hữu nghị anh em.
Tối ngày 13-9-1973, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba thăm Viện Bảo tàng Quân đội. Thượng tá Nguyễn Văn Từ, Giám đốc Bảo tàng, hướng dẫn đoàn đại biểu Cuba xem sa bàn và nghe báo cáo về diễn biến của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đánh bại thực dân Pháp xâm lược năm 1954. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao tặng Fidel Castro và các đồng chí trong Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ.
Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba đã đến thăm nơi ở và làm việc, vườn cây, ao cá của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Fidel Castro và các đồng chí trong đoàn xúc động dừng lại rất lâu trước những hiện vật thể hiện đời sống giản dị, liêm khiết của Người.
2. Thăm vùng giải phóng Quảng Trị, nơi đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Ngày 15-9-1973, Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Ông là nhà lãnh Đảng, Chính phủ đầu tiên trên thế giới thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đón tiếp đoàn đại biểu Cuba. Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chân thành cảm ơn đồng chí Fidel Castro, Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba anh em đã hết lòng ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Ông Trần Nam Trung bày tỏ sự vui mừng của nhân dân miền Nam Việt Nam được đón tiếp Đoàn đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Ông nêu rõ: trước đây, Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, là nước đầu tiên cử Đại sứ ở vùng giải phóng miền Nam. Bây giờ, Cuba cũng là nước đầu tiên cử Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đoàn đại biểu Cuba đã đến thăm thị xã Đông Hà, nơi diễn ra những chiến công oanh liệt của nhân dân và các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam trong năm 1972.
Trong cuộc mít tinh tại Quảng Trị, Fidel Castro nói: Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, đã chiến đấu lâu dài, gian khổ vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trước đế quốc Mỹ cho thấy dân tộc Việt Nam là dân tộc không thể đánh bại được. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã trở thành tấm gương cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ latinh5.
Tại vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, Fidel Castro giương cao lá cờ truyền thống lấp lánh huân chương của Đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong diễn văn của mình, Fidel Castro khẳng định: ông đã chứng kiến tinh thần cách mạng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, của nhân dân yêu nước miền Nam Việt Nam đã và đang giành những thắng lợi to lớn trước đế quốc Mỹ và tay sai. Ông tin tưởng rằng sự nghiệp cách mạng của nhân dân miền Nam Việt Nam nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung vì sự nghiệp thống nhất đất nước đang gần đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Đáp lời Thủ tướng Fidel Castro, ông Trần Nam Trung phát biểu: Nhân dân miền Nam Việt Nam đánh giá rất cao ý nghĩa cuộc đi thăm lịch sử vùng giải phóng miền Nam của Fidel Castro và các vị khách quý Cuba. Nhân dân miền Nam Việt Nam sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động tội ác của Mỹ - Thiệu, kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Mỹ latinh. “Nhân dân miền Nam Việt Nam đời đời nhớ ơn sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ chí tình với tinh thần quốc tế trong sáng của Thủ tướng Fidel Castro kính mến và nhân dân Cuba đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Điều đó được thể hiện trong câu nói nổi tiếng của Thiếu tá Fidel “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả dòng máu của mình”6.
Trong chuyến đi thăm vùng giải phóng Quảng Trị, đoàn đại biểu Cuba đã đi thăm những công sự kiên cố của căn cứ Dốc Miếu, đoàn đã đi theo Đường số 9, lúc này đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời, đoàn đã đến thăm tập đoàn cứ điểm mạnh ở phía Tây Đông Hà và điểm cao nổi tiếng 241 (Căn cứ Tân Lâm). Trên ngọn đồi 241, Đoàn đã tham dự một cuộc mít tinh của quần chúng cùng với đại diện các lực lượng vũ trang giải phóng và nhân dân; thăm căn cứ Dốc Miếu, gặp gỡ những đơn vị vũ trang địa phương, những người đã vô hiệu hóa “Phòng tuyến điện tử Mc Namara”.
Fidel Castro rất quan tâm đến những chiến thắng của quân và dân miền Nam. Trên đường đi, ông rẽ vào bãi để những chiếc xe tăng cỡ lớn của Mỹ mà quân giải phóng đã thu được. Fidel Castro đã trèo lên đứng trên một chiếc xe tăng Mỹ. Bức hình Fidel Castro đứng hiên ngang trên xác xe tăng Mỹ được công bố trên nhiều tờ báo lớn trên thế giới.
Đoàn Khe Sanh tặng Fidel Castro tập ảnh, trong đó mỗi bức ảnh ghi lại một bước trưởng thành của đơn vị. Lực lượng vũ trang địa phương Quảng Trị tặng đoàn những khẩu súng chiến lợi phẩm như khẩu M79 do Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương thu được của địch ở Dốc Miếu; khẩu súng AR15 - tiểu liên cực nhanh của Mỹ do quân và dân Quảng Trị thu được trong trận tiêu diệt Lữ đoàn đặc nhiệm 147 quân đội Sài Gòn lấn chiếm Cửa Việt. Tặng Đoàn Cuba khẩu súng cũ của du kích xã Hải Thượng, đơn vị anh hùng, đã lập công lớn trong trận tiêu diệt lực lượng kỵ binh bay của Mỹ. Tiểu đoàn 8, đơn vị Anh hùng, tặng Fidel Castro lá cờ truyền thống của đơn vị từng kinh qua nhiều trận đánh ác liệt. Tại căn cứ Tân Lâm, Fidel Castro đã gặp gỡ các anh hùng quân giải phóng miền Nam Việt Nam như Tạ Thị Kiều, Phan Hành Sơn, Hồ Dục, Hồ Soi...
3. Thăm Khu Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Bình
Sau khi thăm vùng giải phóng Quảng Trị, ngày 16-9-1973, Fidel Castro cùng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ Cuba đến thăm khu Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Bình. Cùng đi với đoàn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thiếu tướng Trần Sâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Quế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Văn Lợi.
Đến Vĩnh Linh, Đoàn được các đồng chí Trần Đồng, Bí thư Đảng ủy; Dương Tốn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh đón tiếp rất nồng nhiệt. Trong cuộc gặp gỡ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân khu vực Vĩnh Linh, Đoàn đại biểu Cuba đã gặp mặt những người anh hùng của đất thép Vĩnh Linh như các anh hùng Lê Văn Ban, Trường Văn Độ, được nghe về câu chuyện tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ anh hùng trong cuộc chiến đấu ác liệt với không quân và hải quân Mỹ. Anh hùng Đinh Như Gia kể lại chuyện xã viên Hợp tác xã Hồ Xá đã kiên trì bám đồng ruộng sản xuất dưới mưa bom bão đạn của địch, giương cao ngọn cờ đạt 5 tấn thóc một héc ta trong sản xuất nông nghiệp.
Fidel Castro ca ngợi cuộc sống chiến đấu của nhân dân Vĩnh Linh anh hùng, từ người dân cho đến các chiến sĩ bộ đội đã không chịu khuất phục trước sức mạnh của bom đạn Mỹ. Fidel Castro cho rằng hiệp định hòa bình đã được ký, hòa bình đã trở lại nhưng trên mảnh đất Vĩnh Linh vẫn còn nhiều tàn dư bom đạn của chiến tranh, vẫn đang từng ngày, từng giờ đe dọa tính mạng, cản trở người dân trở lại với cuộc sống lao động bình thường. Ông đã tận mắt chứng kiến 4 xã viên của Hợp tác xã Hiền Lương là các anh Lê Tình, Lê Đoài, các chị Hoàng Thị Nguyên, Nguyễn Thị Hương, trong lúc lao động sản xuất, đã vướng phải bom bi của quân đội Mỹ còn sót lại, đã làm cả bốn xã viên bị thương. Do đó, ông cho rằng việc khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ còn kéo dài.
Đảng bộ và chính quyền, quân dân Vĩnh Linh đã tặng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba bức ảnh cỡ lớn đảo Cồn Cỏ anh hùng, những chiến lợi phẩm và vật phẩm mang nhiều ý nghĩa của quân và dân Vĩnh Linh như chiếc vỏ đạn của một trận bắn cháy tàu chiến New Gerdy, vỏ đạn DKZ của dân quân xã Vĩnh Giang bắn cháy tàu chiến Mỹ, một khẩu súng trường cũ mà anh dân quân Hồ Đức, người dân tộc Vân Kiều, đã bắn rơi tại chỗ một máy bay lên thẳng của địch, chỉ bằng hai viên đạn, ngày 10-11-1967.
Fidel Castro đến thăm xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, gặp gỡ trung đội nữ dân quân nổi tiếng, từng nhiều lần bắn cháy tàu chiến địch. Chính trị viên Ngô Thị Thới báo cáo với Đoàn lịch sử thành lập và thành tích chiến đấu của đơn vị. Ngay trong trận chiến đấu đầu tiên ngày 7-2-1968, đơn vị đã bắn trúng tàu chiến Mỹ mang số hiệu 013. Trong những ngày sau đó, tàu chiến mang số hiệu 417 và 419 của hải quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tiếp tục bị trung đội bắn trúng, buộc chúng phải rút khỏi khu vực bờ biển Quảng Bình. Với những thành tích xuất sắc đó, đơn vị nữ dân quân Ngư Thủy đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau khi nghe báo cáo lịch sử hình thành và thành tích chiến đấu của đơn vị, Fidel Castro cùng đoàn đại biểu Cuba cũng đã chứng kiến khẩu đội pháo thao tác dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Trần Thị Hoanh, khi đó mới 18 tuổi.
Tại Quảng Bình đã diễn ra cuộc mít tinh của hơn 3.000 đại biểu các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chào mừng Đoàn. Chuyến thăm của Fidel Castro đến tỉnh Quảng Bình là một vinh dự to lớn đối với đồng bào và chiến sĩ nơi đây. Tỉnh Quảng Bình tặng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba một bức trướng mang dòng chữ: “Nhân dân Quảng Bình mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Cuba”7; tặng đoàn một nắm đất Quảng Bình nóng bỏng lửa đạn của giặc Mỹ, thấm máu và mồ hôi của nhiều anh hùng chiến sĩ và nhân dân.
Sáng ngày 17-9-1973, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba rời Hà Nội, kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Sau chuyến thăm của đồng chí Fidel Castro, Việt Nam và Cuba ra tuyên bố chung. Tuyên bố nêu rõ sự ủng hộ lẫn nhau giữa Việt Nam và Cuba trên trường quốc tế, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và CNXH, chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế.
Chuyến thăm của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba năm 1973 do đồng chí Fidel Castro dẫn đầu đã thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc, chung một chiến hào chống lại chủ nghĩa thực dân mới của Hoa Kỳ; thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa hai dân tộc. Cuba tiếp tục tái khẳng định là người bạn chiến đấu của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam, mà người đại diện chân chính là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau chuyến thăm, Cuba đã tăng cường giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một số công trình kết cấu hạ tầng và cơ sở kinh tế - xã hội lớn với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội); Bệnh viện Việt Nam - Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình); đường Xuân Mai; Trại bò giống Ba Vì; Xí nghiệp gà Lương Mỹ. Đó là những món quà hết sức to lớn trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Ngày nhận bài 2/8/2023; ngày thẩm định 13/9/2023; ngày duyệt đăng 18/9/2023
1. Chuyến thăm của Fidel Castro diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực Mỹ latinh phức tạp. Ngày 11-9-1973, tại Cộng hòa Chile, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Cộng hòa Chile, tướng Augusto Pinochet, tiến hành đảo chính, lật đổ chế độ dân cử của Tổng thống Salavador Allende. Cuộc đảo chính bị cả thế giới lên án, đã làm bất ổn tình hình trong khu vực Mỹ latinh. Trước tình hình đó, chuyến thăm Việt Nam của Fidel Castro dự kiến từ ngày 12-9 đến ngày 19-9-1973, nhưng phải rút ngắn 2 ngày.
2. Lúc này, chức danh của Fidel Castro là Thủ tướng Chính phủ cách mạng Cuba. Đến năm 1976, ông mới trở thành Chủ tịch Nhà nước Cuba. Danh xưng Chủ tịch Fidel Castro chỉ xuất hiện từ năm 1976 trở đi. Nhiều sách, báo sử dụng danh xưng Chủ tịch Fidel Castro từ năm 1973 là không chính xác
3. Báo Nhân Dân, ngày 13-9-1973
4, 7. Báo Nhân Dân, ngày 14-9-1973
5. Xem: Báo Nhân Dân, ngày 18-9-1973
6. Câu nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả dòng máu của mình” được Fidel Castro, khi đó là Thiếu tá Quân đội cách mạng Cuba, nói ngày 2-1-1966, tại Quảng trường cách mạng Jose Marti ở La Habana, trong cuộc mít tinh nhân dịp 7 năm thắng lợi của Cách mạng Cuba. Xem Báo Nhân Dân, ngày 18-9-1973. Nhiều người thường nhầm câu nói đó được Thủ tướng Fidel Castro nói trong chuyến thăm Việt Nam.