Tóm tắt: Bùi Bằng Đoàn (1889- 1955) là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực và yêu thương nhân dân trong Chính phủ Nam triều. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời Bùi Bằng Đoàn ra giúp chính quyền cách mạng, giữ chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ. Tổng tuyển cử 6-1-1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội. Ngày 2-3-1946, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội, Bùi Bằng Đoàn được cử làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội; ngày 8-11-1946, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, ông được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Ông mất năm 1955, sau nhiều năm mắc bệnh hiểm nghèo. Trong suốt cuộc đời, Bùi Bằng Đoàn luôn tận tụy, nghiêm túc trong công việc, tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bùi Bằng Đoàn

Danh sĩ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19-9-1889, tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Thành phố Hà Nội) trong một gia đình truyền thống Nho học. Khoa thi năm Bính Ngọ- 1906, cả ba anh em họ Bùi đều đỗ Tú tài, Cử nhân nên được mệnh danh là “Hà Đông tam bằng”.

Bùi Bằng Đoàn thông thạo cả hai ngoại ngữ là tiếng Pháp và tiếng Hán nên con đường quan lộ khá hanh thông. Năm 1911, ông được bổ làm Tri huyện, sau đó làm Tri phủ Xuân Trường (tỉnh Nam Định); Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Khi làm quan, ông nổi tiếng là vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, chăm dân. Trên công đường ở những nơi ông làm quan đều có treo một bảng thông báo “không nhận quà biếu”. Ông nghiêm khắc cấm người nhà nhận quà, nếu lỡ nhận rồi thì phải mang đi trả lại. Lúc làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), ông đã cho đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, tạo lập được một vùng lúa, dâu rộng lớn. Năm 1925, khi đang làm Tri phủ Nghĩa Hưng (Nam Định), ông được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, Bùi Bằng Đoàn đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu để rồi sau đó tòa án đã không khép được cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống hình thức “an trí ở Huế”.

Năm 1928, Chính phủ Nam triều đã cử Án sát Bùi Bằng Đoàn vào Nam Bộ thanh tra các đồn điền cao su của Pháp. Ông đã tiến hành thanh tra thấu đáo, viết một bản báo cáo dày 100 trang bằng tiếng Pháp, nêu lên những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền và được nhà đương cục chấp nhận, giảm bớt những quy chế hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su. Đầu năm 1933, Bùi Bằng Đoàn được bổ làm Tuần phủ tỉnh Ninh Bình, rồi làm Thượng thư Bộ Hình, hàm Thái tử Thiếu bảo. Trong 12 năm ở Kinh đô Huế, ông trông nom việc xử kiện của tất cả các tỉnh Trung Kỳ, chỉ đạo việc soạn thảo các luật cho Trung Kỳ bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và dịch ra chữ Hán.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Bùi Bằng Đoàn cáo quan về quê, nhưng được Chính phủ Nam triều giao giữ chức Chánh Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Ở thời điểm chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám, tổ chức Việt Minh đã tiếp xúc và mời ông làm Hội trưởng Hội bảo vệ tù chính trị.

Ngày 26-8-1945, tại phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng tại 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quyết sách: thành lập ngay một Chính phủ lâm thời gồm những bậc danh tiếng tiêu biểu đủ các giới đồng bào trong toàn quốc. Ngày 27-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban dân tộc Giải phóng Việt Nam do Quốc dân Đại hội (Tân Trào) bầu ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời, nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 14-11-1945, trong cuộc họp của Hội đồng Chính phủ (HĐCP), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cử một Ban cố vấn 10 vị giúp Chủ tịch nước, 6 vị đầu tiên gồm: Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Luyện, Lê Hữu Từ, Ngô Tử Hạ, Bùi Kỷ, Lê Tại và còn 4 vị nữa sẽ cử sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần viết thư mời Bùi Bằng Đoàn tham gia chính quyền cách mạng. Ngày 17-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư mời ông tham gia Ban cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước. Người viết: “Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư. Hồ Chí Minh”1. Nhận lá thư này, Bùi Bằng Đoàn viện lý do bản thân vốn là quan lại cấp cao của Nam triều quá lâu, không hiểu gì về thời thế mới, sợ không đóng góp được gì cho cách mạng nên không dám nhận lời, xin được miễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết tiếp lá thư thứ hai gửi Bùi Bằng Đoàn, lần này trong thư Người đã dẫn một câu thơ cổ có 7 chữ: “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh”. Khi Bùi Bằng Đoàn nhận phong thư mở ra xem, ông trầm ngâm, nở nụ cười rồi nói nhấn từng chữ với người thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngài về thưa lại với Hồ Chủ tịch, tôi xin ứng mệnh ngay lời tâm tri của Người: Thính vũ thanh cảm ứng nghinh thu”2. Bùi Bằng Đoàn đã hiểu và nhận lời vì ra gánh vác việc chung không phải để làm quan, mà để giúp thêm ý kiến cho Chính phủ trong sự nghiệp hưng lợi, trừ hại cho nước nhà.

Ngày 22-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Vũ Đình Huỳnh về Hà Đông đưa Bùi Bằng Đoàn đến gặp Người ở nhà số 8 phố Vua Lê (nay là phố Lê Thái Tổ). Người đã đợi sẵn ở cửa phòng khách để đưa vị cựu đại thần đi dạo dưới hàng cây trong vườn, trò chuyện tâm đắc như đôi bạn cố tri lâu ngày tái ngộ.  Rất nhiều nhân sĩ, trí thức lúc đó say sưa luận giải về ý nghĩa, tuy đã tạm đoán được ý, chứ chưa hẳn đã hiểu hết nghĩa, của câu thơ cổ 7 chữ: “Thu thuỷ tàn hà thính vũ thanh” (ý là: dòng nước thu, bông sen tàn, nghe tiếng mưa rơi). Cuối cùng, qua các buổi đàm luận về văn học nghệ thuật, các nhà bình luận văn chương tạm dịch nôm na ý của câu thơ là: Sóng nước mùa thu (cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công); Nghe tiếng mưa (đón cuộc cách mạng nổ ra); Bông sen tàn nhờ mưa thu lại nở. Tất cả đều là hình ảnh tượng trưng, nhưng ý nghĩa sâu xa và chân tình của vị Chủ tịch nước gửi vào đó đã làm vị cựu Thượng thư Nam triều vui vẻ đứng ra cùng góp sức phục vụ cách mạng.

Ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 80/SL cử các ông Bùi Bằng Đoàn và Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt. Bùi Bằng Đoàn được giao giữ chức Trưởng ban với quyền hạn và nhiệm vụ rất lớn là giám sát công việc và nhân viên của các UBND và các cơ quan Chính phủ (như chức Tổng thanh tra Chính phủ hiện nay).

Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, Bùi Bằng Đoàn được bầu làm đại biểu Quốc hội, ngày 2-3-1946, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội diễn ra chỉ 4 giờ, Bùi Bằng Đoàn được cử làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhằm mục đích đoàn kết tất cả các lực lượng và đồng bào yêu nước Việt Nam không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, dân tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường, một Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam - gọi tắt là Hội Liên Việt - tổ chức liên hiệp các tổ chức chính trị và xã hội với mục đích đoàn kết tất cả các lực lượng và đồng bào yêu nước Việt Nam không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, dân tộc gồm 27 người, trong đó có đại biểu của Việt Minh như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Cù Huy Cận,...; đại biểu các giới như: chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, nhà tư sản theo đạo Thiên chúa Ngô Tử Hạ, các học giả Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Luyện, Phan Anh, cựu Thượng thư Bùi Bằng Đoàn,... Ngày 29-5-1946, Hội Liên Việt chính thức tuyên bố thành lập tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Hội trưởng danh dự, Huỳnh Thúc Kháng là Hội trưởng và Tôn Đức Thắng là Phó Hội trưởng. Ngày 8-11-1946, tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay Nguyễn Văn Tố.

Tháng 12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội di chuyển lên chiến khu (ATK) Việt Bắc. Ngày 31-12-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 5/SL thành lập Ủy ban Tản cư và di cư Trung ương, ủy ban tản cư của các tỉnh, phủ, huyện. Ngày 22-1-1947, Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh số 8/SL cử các thành viên Ủy ban Tản cư và di cư, gồm 11 thành viên, Bùi Bằng Đoàn được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban này.

Trong tình hình thời chiến, các cuộc họp HĐCP vẫn diễn ra  thường xuyên, lưu động và bí mật, nhưng mỗi lần họp đều là những dịp để các thành viên HĐCP gặp gỡ, sinh hoạt văn hoá rất vui vẻ, lạc quan. Ngày 2-2-1947, sau khi kết thúc buổi họp HĐCP đầu năm, vì đang còn hơi hướng Tết nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mọi người ai có câu đối thì đọc, lấy ý từ hai câu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Bùi Bằng Đoàn đứng lên giới thiệu Bộ trưởng Phan Anh đọc hai vế đối. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh bèn ứng khẩu, lẩy một câu Kiều: “Rằng hay quả thật là hay; Khẩn trương kháng chiến, hẹn ngày bình sau”. Tôn Đức Thắng ghé tai nói nhỏ với Bùi Bằng Đoàn: “Ông Cụ thánh thật. Cụ sống xa đất nước những 30 năm mà hầu như Cụ không phai nhạt một thứ gì là của của Việt Nam”. Bùi Bằng Đoàn cười mãn ý với Tôn Đức Thắng: “Cụ Hồ thuộc về thiên nhân, tuệ giác”3.

Mấy tuần đầu kháng chiến, cơ quan của Ban Thường trực Quốc hội, Ủy ban Mặt trận cùng ở một địa điểm còn Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Sài Sơn. Khi chiến sự lan rộng và ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh di chuyển đến làng Xảo, châu Tự Do, còn Ban Thường trực Quốc hội, Bùi Bằng Đoàn và các vị Phó ban ở làng Thanh La. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất lo lắng cho các bậc cao tuổi lại vào chốn rừng sâu kháng chiến gian khổ nên yêu cầu Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, báo cáo cụ thể nơi ăn, ở của các vị, bố trí cho ở cùng nhà dân cho ấm cúng. Ngày 19-4-1947, HĐCP họp ở Mỏ Giác, châu Tự Do. Chủ tịch Hồ Chí Minh thoáng thấy Bùi Bằng Đoàn vẻ mệt mỏi chống tay lên gối, Người hỏi thăm ngay: “Thưa Cụ, Cụ có làm sao không?”. “Xin Chủ tịch bình tâm. Cái đau này đã thành đau kinh niên, do một lần tôi bị ngã”4. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gọi bác sĩ tới khám bệnh, sau đó Người vẫn không yên tâm nên thường xuyên cử bác sĩ tới thăm bệnh cho Bùi Bằng Đoàn.

Đầu năm 1948, nhân góp ý cho tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hành chính, với tên gọi là sách Hành chính Chỉ Nam, ngày 13-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Bùi Bằng Đoàn:

“Thưa cụ,

Về việc thảo quyển Hành chính Chỉ Nam chắc cụ đã lãnh đạo anh em viết được khá nhiều. Ngoài những ý kiến chúng ta đã định nghĩa là đầy đủ, thiết thực, giản đơn, dễ hiểu, tôi lại có thêm một ý kiến nữa đề nghị với cụ.

Mỗi khi thảo xong một đoạn, thí dụ: Hành chính xã thì ta mời vài ba người Chủ tịch xã đến một nơi nào đó cho họ xem kỹ bản đó. Ta hỏi họ có câu nào chữ nào họ không hiểu hoặc hiểu không rõ thì ta sửa những chữ ấy câu ấy lại cho dễ hiểu hơn.

Đồng thời ta sẽ hỏi họ: Nếu hành chính trong xã có những việc gì mà trong Chỉ Nam còn thiếu, sơ sót thì ta sẽ viết thêm vào.

Với hành chính huyện và tỉnh ta cũng làm như thế. Tôi thiết tưởng như vậy thì quyển Chỉ Nam sẽ rất đầy đủ và phổ thông.

Tin tức kháng chiến có lẽ Bộ Quốc phòng thường gửi trình cụ.

Các ông Huyên, Di, Tùng có thơ về đều mạnh khoẻ và rất vui vẻ.

... Kính chúc cụ mạnh khoẻ và xin cụ chuyển lời hỏi thăm cụ F., cụ V. và các anh em!

Chào thân ái và quyết thắng”5.

(Các vị được nhắc trong thư là Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Hồ Đắc Di - Bộ trưởng Bộ Y tế; Tôn Thất Tùng - Thứ trưởng Bộ Y tế; các ông Phan Kế Toại (F.) và Vi Văn Định (V.)).

Cũng trong không khí đầu Xuân nhận nhiều tin chiến thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Bùi Bằng Đoàn một bài thơ:

Khán thư sơn điểu thê song hãn,

Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì.

Tiệp báo tần lai lao dịch mã,

Tư công tức cảnh tặng tân thi”.

Dịch là:

“Xem sách, chim rừng vào cửa đậu,

Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi.

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,

Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài”6.

Tuy đang mệt, nhưng nhận được bài thơ này, Bùi Bằng Đoàn cầm bút, sáng tác ngay một bài thơ họa. Vào dịp Tết chiến khu năm 1948, HĐCP họp và liên hoan lửa trại, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích các thành viên trình bày tiết mục tự biên, tự diễn. Bùi Bằng Đoàn liền phát biểu: “Nhân tôi vừa họa bài thơ Hồ Chủ tịch gửi tặng, xin ngâm hầu các vị được không ạ?”. Mọi người vỗ tay thúc giục, Bùi Bằng Đoàn ngâm thơ sang sảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch lại ý bài thơ cho mọi người cùng thưởng thức: “Sắt đá một lòng vì chủng tộc; Non sông muôn dặm giữ cơ đồ; Biết Người việc nước không hề rảnh; Múa bút thành thơ đuổi giặc thù”. Nghe xong, mọi người cùng trầm trồ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại nói: “Tôi chưa kịp có bài họa. Chỉ xin phép cụ Chủ tịch đọc bài xướng của Cụ mà Cụ Bùi cho xem hôm nọ”. Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Trả lời phỏng vấn báo Độc Lập, Bùi Bằng Đoàn đã khẳng định: “Đứng vào địa vị trong Ban Thường trực Quốc hội, tôi xin nói rằng quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11-1946”7. Đồng thời, ông cũng dứt khoát tỏ rõ thái độ, lập trường chính trị của mình, luôn đứng về dân, vì quyền lợi của dân mà hành động và khẳng định bất kỳ một nhóm người nào lập ra một chính đảng hay một mặt trận “Liên hiệp quốc gia” nào, dù có hành động gì cũng hoàn toàn thất bại, bởi chính quyền đó chỉ đại diện cho một nhóm lợi ích hoặc giai cấp tham danh lợi, mưu đồ độc lập giả dối, không đại diện cho quyền lợi chính đáng của đa số quần chúng lao động. Ngày 28-3-1947, khi trả lời câu hỏi về việc nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đang cố lập Chính phủ thân Pháp và có ý mời ông tham chính, Bùi Bằng Đoàn đã đã dứt khoát khẳng định: Ngài cố vấn Vĩnh Thụy được đại diện Pháp vận động đứng ra lập Chính phủ, nhưng với tôi “chỉ khi nào cụ Hồ Chí Minh yêu cầu tôi về cầm chính quyền thì tôi mới về, vì chỉ có cụ Hồ Chí Minh là tiêu biểu lòng dân Việt Nam mà thôi”.

Trong Chiến dịch Việt Bắc, cuối năm 1947, Nguyễn Văn Tố, nguyên Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong Chính phủ cách mạng lâm thời và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Quốc vụ khanh trong Chính phủ liên hiệp lâm thời bị địch bắt và đã anh dũng hy sinh, nhưng do tình hình chiến sự nên đến tháng 5-1948, HĐCP mới tổ chức được lễ truy điệu trọng thể. Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết xong một bài văn tế nhưng Người gửi Bùi Bằng Đoàn nhờ góp ý kèm theo bức thư:

“Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Tự viết lấy thì viết không được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế.

Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem. Nếu có thể sửa được thì xin cụ sửa giùm. Nếu không thể sửa, thì ta làm văn xuôi vậy.

Khi tôi thảo xong, đọc lại, nghe khá chướng tai. Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt, cho nên cứ gửi để cụ xem.

Mong kỳ hội đồng sau sẽ được gặp cụ. Kính chúc cụ mạnh khoẻ và xin cụ chuyển lời tôi hỏi thăm cụ Phan và cụ Vi.

Chào thân ái và quyết thắng”8.

Bài văn tế có đoạn mở đầu:

“Than ôi!

Sương bay nghi ngút, sao Đẩu ám mờ

Mây phủ mê man. Thái Sơn ngừng biếc.

Nhớ cụ xưa,

Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu

Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết...”9.

Đọc xong bài văn tế, Bùi Bằng Đoàn liền mời các ông Phan Kế Toại, Vi Văn Định đến để cùng hội kiến. Cuối cùng Bùi Bằng Đoàn nói: “Hồ Chủ tịch vừa khiêm nhường, vừa tôn trọng tôi mà giao cho tôi xem, sửa giùm lời điếu Cụ Tố. Bài văn chỉ tấc gang mà ý tưởng dài muôn dặm - đích thị Hồ Chí Minh. Lớp chúng tôi được Hồ Chủ tịch tín trọng coi là bậc học vấn cao siêu, chúng tôi nhận mà ngợp với Người. Về bài điếu Cụ Tố, tôi trình với Hồ Chủ tịch chỉ một chữ siêu thay bằng chữ sâu: Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu”10.

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bùi Bằng Đoàn thật chân thành, trọng nghĩa, trọng tình. Có lần Người được biếu một cây batoong làm bằng xương rắn. Khớp xương rắn tự nhiên xếp thành hình nhiều chữ Nhân chắp lại. Trong một phiên họp HĐCP,  Người đem tặng cây batoong cho Bùi Bằng Đoàn với câu nói vừa giản dị vừa ý nghĩa: Khi đỡ tay với cây gậy này, Cụ Bùi sẽ luôn luôn nghĩ đến nhân dân.

Buổi sáng ngày 16-6-1948, tại ATK, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ cuộc họp Hội đồng liên Bộ bên cạnh một con suối lớn, vấn đề được bàn nhiều nhất là biện pháp đối phó với chính quyền bù nhìn Nguyễn Văn Xuân và Bảo Đại. Khi Người đưa vấn đề lên án cựu hoàng ra hỏi ý kiến Hội đồng gồm cả đại diện của Ban Thường trực Quốc hội, tất cả đều giơ tay biểu quyết nhất trí lên án, trừ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Thấy lạ, Người liền khẽ hỏi lý do, Bùi Bằng Đoàn bèn ngập ngừng giải thích: “Cụ Chủ tịch nhắc nhở thì tôi xin phép thành thực bộc lộ: kể về pháp lý thì hoàn toàn đúng, ông Vĩnh Thuỵ có tội với Tổ quốc, với đồng bào. Chỉ nguyên việc đào nhiệm trong tình hình đất nước bị giặc ngoại xâm cũng đủ... nhưng quả là... xin cụ Chủ tịch và các vị Bộ trưởng thứ lỗi... quả là tôi không nỡ... giơ tay”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay cụ nguyên Thượng thư Bộ Hình Nam triều, thân mật: “Tôi hiểu cụ... Và tôn trọng ý kiến riêng của cụ!”11.

Tháng 8-1948, vừa đi dự Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 5 về, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được tin Bùi Bằng Đoàn bị tai biến mạch máu não, bán thân bất toại. Người cử ngay Chánh văn phòng Chủ tịch phủ và bác sĩ riêng đến xem trực tiếp bệnh tình của ông. Xét thấy tình hình ở ATK không có đủ thuốc men, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chuyển Bùi Bằng Đoàn về gần Hà Nội, nơi địch chưa chiếm đóng để tiện điều trị. Khi về gần đến nhà thì gặp lính Pháp đang càn quét ở Vân Đình, Bùi Bằng Đoàn phải lánh đi nơi khác. Lúc đó, một mình bà Trần Thị Đức vợ ông ở nhà, đang cất giấu tài liệu cơ quan thì giặc Pháp ập vào. Một tên Việt gian chìa tấm hình Bùi Bằng Đoàn ra hỏi, bà trả lời dõng dạc là ông đang làm việc với Cụ Hồ trên rừng. Lúc bà quay đi, một tên Pháp đã bắn vào lưng bà. Khi làng xóm kéo đến, bà còn dặn lại câu cuối cùng là đừng cho Bùi Bằng Đoàn biết tin để ông lo việc nước với Cụ Hồ. Vì vậy, Bùi Bằng Đoàn không được biết tin bà đã mất.

Đầu năm 1949, Bùi Bằng Đoàn được chuyển vào vùng tự do Thanh Hoá để chuyên tâm chữa bệnh. Trong thời gian điều trị, ông vẫn theo dõi tin tức và đóng góp ý kiến cho Chính phủ. Khi đặc phái viên Chính phủ Trần Đăng Ninh vào Thanh Hóa công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho ông đến thăm sức khoẻ và chuyển quà cho Bùi Bằng Đoàn là một bộ quần áo lụa Hà Đông nhân sinh nhật lần thứ 60 và cũng giúp ông khuây khoả nỗi nhớ nhà, Người dặn: “Chú thay tôi vào xứ Thanh mừng thọ Cụ Bùi. Bộ quần áo này để Cụ mặc mát đượm hương quê lụa Hà Đông”12.

Sau ngày Hà Nội được giải phóng, Bùi Bằng Đoàn được đón về ở tại số 10 phố Trần Hưng Đạo (gần Bệnh viện quân đội 108 ngày nay) để tiện chữa bệnh. Tuần nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đến thăm ông, có hôm hai vị đàm đạo tới khuya. Tiết Thanh Minh năm 1955, Bùi Bằng Đoàn về thăm làng Liên Bạt thì biết tin vợ ông đã hy sinh, nỗi đau này đã làm sức khỏe ông suy sụp, không thể gắng gượng được lâu…

Ngày 13-4-1955, lúc 8 giờ 30 phút sáng, tại Viện quân y 108, Chủ tịch Hồ Chí Minh đau buồn cúi đầu mặc niệm trước linh cữu vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 14-4-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 224/SL, truy tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Bùi Bằng Đoàn, nguyên Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I.

Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương tiêu biểu của một chí sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Hiện nay, tại nhiều thành phố, tên của ông được đặt cho tên đường, tên phố như ở Hà Đông, Hà Nội, Nam Định và Thành phố Hồ Chí Minh



Ngày gửi: 24-5-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 18-6-2024; ngày duyệt đăng: 28-6-2024
1. Theo: Tạp chí Hà Nội ngàn năm, số tháng 8-2005

2, 3, 4, 10, 12. Bác Hồ cầu hiền tài, Nxb Thông tấn, H, 2006, tr. 14, 24, 26, 33, 34

5, 6, 8, 9. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 452-453, 663, 543, 544

7. Theo: PGS, TS Nguyễn Xuân Trung: “Bùi Bằng Đoàn - Tấm gương tiêu biểu của một chí sĩ yêu nước chân chính”, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nhan-vat-su-kien/item/3050-bui-bang-doan-tam-guong-tieu-bieu-cua-mot-chi-si-yeu-nuoc-chan-chinh.html, ngày đăng: 27-2-2020

11. Chủ tịch Hồ Chí Minh hành trình kháng chiến, Nxb CAND, 2007, tr. 65.