Tóm tắt: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có mạng lưới báo chí, truyền thông hùng hậu, gồm các cơ quan tạp chí, xuất bản, cổng thông tin điện tử; trang tin điện tử, với nhiều loại hình, cả những loại hình truyền thông truyền thống và các loại hình hiện đại, đa phương tiện, đóng góp tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Học viện. Bài viết tập trung là rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và các tạp chí của Học viện triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Từ khóa: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; tạp chí; Nghị quyết số 35-NQ/TW; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

1. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Chỉ đạo 35 Học viện về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch việc triển khai thực hiện kịp thời, sâu sắc của các tạp chí thuộc Học viện

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay có 15 cơ quan tạp chí, trong đómột số tạp chí có hơn một ấn phẩm xuất bản định kỳ, thực hiện cả loại hình in, điện tử, có bản tiếng Việt và tiếng Anh; một số tạp chí bên cạnh số chính, có chuyên đề, phụ trương. Với vị trí, vai trò là quan báo chí, truyền thông trực thuộc Học viện và thuộc các đơn vị trực thuộc Học viện, các tạp chí luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai kịp thời, nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Đảng ủy, Ban Giám đốc, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện.

Phải khẳng định rằng, chức năng, nhiệm vụ của các tạp chí của Học viện trước hết là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đó là thuộc tính và là bản sắc các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; là cơ sở chính trị quy định tôn chỉ, mục đích, định hướng sự phát triển các tạp chí.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong quá trình xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, định hướng của Hội Nhà báo Việt Nam, các tạp chí của Học viện đã không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, trong đó đặc biệt chú trọng năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Đảng ủy, Ban Giám đốc đã có các văn bản quán triệt, triển khai và thành lập Ban Chỉ đạo 35 Học viện để chỉ đạo thường xuyên.

Ngày 28-2-2020, Đảng ủy Học viện ban hành Nghị quyết số 35-NQ/ĐU, về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết đã nêu rõ: “Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phát huy tốt vai trò của các tạp chí, bản tin, cổng thông tin điện tử, nhà xuất bản của hệ thống Học viện”1.

Ngày 25-3-2021, Giám đốc Học viện đã ban hành Quyết định số 1182- QĐ/HVCTQG, Quyết định số 1183 - QĐ/HVCTQG về kiện toàn Ban Chỉ đạo 35 Học viện, Quyết định số 3361 - QĐ/HVCTQG ngày 31-5-2021 về việc phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo 35 Học viện, thành viên chính thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị trong đó, nhiều đồng chí lãnh đạo cơ quan tạp chí chủ lực của Học viện được phân công tham gia là thành viên chính thực hiện. 

Thực hiện Nghị quyết 35-NQ/ĐU của Đảng ủy, các Thông báo kết luận của Giám đốc Học viện về thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, các tạp chí đều đưa nội dung tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào phương hướng nhiệm vụ chuyên môn với những nội dung rất cụ thể, phù hợp với khoa học lý luận chính trị và chuyên ngành khoa học của tạp chí.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, các tạp chí của Học viện đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đến nay, đã có 8/15 tạp chí mở chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Với việc mở các chuyên mục riêng, số lượng bài viết về chủ đề này không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi tạp chí, mỗi kỳ 2-3 bài trong chuyên mục hoặc ở các chuyên mục khác. Mỗi năm, các tạp chí của Học viện đăng tải đăng tải hàng trăm bài viết về chủ đề này.

Việc chú trọng đặt bài, trao đổi thảo luận và đăng tải số lượng lớn các bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các tạp chí của Học viện đã tăng cường tính đảng của các tạp chí, trực tiếp đóng góp vào thực hiện hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bằng việc triển khai hàng loạt các biện pháp phù hợp, hiệu quả, từ khi thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, đội ngũ cộng tác viên viết bài ngày càng mở rộng. Cùng với đội ngũ cộng tác viên chủ lực là cán bộ, giảng viên, nghiên cứu trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có ngày càng đông các tác giả từ các ban tham mưu, các học viện, nhà trường trong và ngoài lực lượng vũ trang, các cụ viện; các trường chính trị tỉnh, thành phố, trường cán bộ các bộ, ngành, đoàn thể. Bên cạnh những nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ có tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các tạp chí tích cực tham gia các cuộc thi, các giải thưởng báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đã có nhiều bài bài viết trên các tạp chí của Học viện đạt giải cao trong các cuộc thi, giải thưởng.

Các tạp chí của Học viện đã trở thành một lực lượng xung kích, tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần cung cấp luận cứ khoa học, chất liệu quan trọng cho việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đội ngũ báo cáo viên, giảng viên, học viên, sinh viên.

2. Các tạp chí của Học viện đóng góp vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái là một nhiệm vụ quan trọng, tôn chỉ, mục đích của các tạp chí. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nhiệm vụ này càng được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ, thể hiện vai trò khơi nguồn nghiên cứu, tuyên truyền về chủ đề này.

Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, các tạp chí chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, chú trọng lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; phân công cán bộ biên tập phụ trách chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đặc biêt, các tạp chí tích cực tham gia tập huấn kỹ năng viết bài chính luận, thực hiện các nhiệm vụ khoa học, qua đó nâng cao tiềm lực và khơi nguồn bài viết có chất lượng về chủ đề này. Một số tạp chí đã triển khai thực hiện các đề tài khoa học về chủ đề này. Trong đó, năm 2019-2020, đội ngũ cán bộ Tạp chí Lịch sử Đảng đã tham gia thực hiện đề tài khoa học cấp bộ trọng điểm: “Đấu tranh chống xuyên tạc Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”; năm 2020-2021, cán bộ Tạp chí Lịch sử Đảng làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ: “Đảng lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng thời kỳ 1986-1996: Thành tựu và bài học kinh nghiệm. Trong năm 2020, Tạp chí Lịch sử Đảng tổ chức thực hiện đề tài: “Tạp chí Lịch sử Đảng với việc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa  Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng trong tình hình mới (2011- 2019)”; Tạp chí Thông tin khoa học Lý luận chính trị thực hiện đề tài: “Đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin - Cấu phần quan trong trong nền tảng tư tưởng của Đảng trên các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”; năm 2021, Tạp chí Thông tin khoa học Lý luận chính trị thực hiện đề tài: “Các tạp chí Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin; Tạp chí Khoa học chính trị thực hiện đề tài: “Phát triển Tạp chí Khoa học chính trị phiên bản điện tử, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị”; Tạp chí Sinh hoạt lý luận thực hiện đề tài: “Tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí Sinh hoạt lý luận”; Năm 2022, Tạp chí Lý luận chính trị thực hiện đề tài: “Các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch”; Tạp chí Lịch sử Đảng thực hiện đề tài: “Tạp chí Lịch Đảng với công tác nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh (1986-2022) - Thực trạng và kinh nghiệm,

Cùng với đó, cán bộ và biên tập viên các tạp chí tích cực tham gia viết bài về chủ đề này đăng trên các tạp chí và tham gia các tọa đàm, hội thảo khoa học.

Các tạp chí chú trọng củng cố đội ngũ cộng tác viên, tăng cường các nguồn lực, xây dựng hệ thống chủ đề, nhất là về nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; mời các nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm viết bài.

Nhiều bài viết trên các tạp chí của Học đã theo sát tình hình chính trị, thời sự trong nước và quốc tế, giúp độc giả nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch, do đó, góp phần định hướng dư luận xã hội. Bằng việc xem xét dưới góc độ lý luận và thực tiễn, lịch sử và hiện tại, nhiều bài viết đã đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu qua các sự kiện, các chặng đường cách mạng và đề xuất những biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó nhiều bài có đông bạn đọc theo dõi như bài: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của GS, TS Nguyễn Xuân Thắng trên Tạp chí Lịch sử Đảng điện tử (ngày 19-6-2023); bài “Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá cương lĩnh, đường lối của Đảng” trên Tạp chí Lịch sử Đảng điện tử (ngày 11-10-2023) của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc; bài “Khoa học Lịch sử Đảng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” trên Tạp chí Lịch sử Đảng điện tử (ngày 25-11-2023) của PGS, TS Trần Trọng Thơ, TS Nguyễn Danh Lợi; bài “Xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” trên Tạp chí Lịch sử Đảng điện tử (ngày 17-1-2024) của GS, TS Trần Văn Phòng; bài “Phản bác các luận điểm sai trái về quyền con người trong bản Phúc trình toàn cầu 2023 của Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế” đăng trên Tạp chí điện tử Lý luận chính trị (ngày 2-5-2024) của TS Chu Thị Thúy Hằng;...

Các tạp chí của Học viện đã đăng tải nhiều bài có tính chất đấu tranh trực diện các tổ chức, cá nhân có quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều bài viết vạch trần những thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên sử dụng, đó là lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”,… vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việc trực diện đấu tranh, phê phán, nêu đích danh tên bài, tổ chức, cá nhân để phản bác, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện rõ vấn đề mà không bị nhầm lẫn hoặc bị lợi dụng.

Với sự đổi mới về nội dung, hình thức, đa dạng loại hình, các tạp chí của Học viện ngày càng thu hút sự quan tâm, chú ý của bạn đọc trên cả nước và độc giả nước ngoài, góp phần tuyên truyền, khẳng định giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu của cách mạng Việt Nam; góp phần vào việc hình thành hệ thống lý luận, luận cứ, luận điểm đấu tranh tư tưởng, lý luận khoa học; củng cố nền tảng tư tưởng, nâng cao nhận thức và niềm tin, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Đồng thời, từ phát huy tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, học viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần tạo nên dấu ấn đậm nét của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh kết quả đạt được, các tạp chí của Học viện cũng còn những hạn chế nhất định trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch: Một số tạp chí chưa có chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Số lượng bài viết đấu tranh, nhất là đấu tranh trực diện chưa nhiều; chất lượng của nhiều bài viết còn chưa cao. Nhiều bài viết chưa có lập luận sắc bén, còn trùng lặp ý tưởng, luận cứ để đấu tranh, phản bác còn chung chung, thiếu tính thuyết phục, tính chiến đấu chưa cáo. Mức độ lan tỏa xã hội của một số ấn phẩm chưa rộng rãi, mức độ ảnh hưởng xã hội còn hạn chế. Hiệu quả tuyên truyền, đấu tranh chưa tương xứng với tiềm năng khoa học, vị thế chính trị các tạp chí của Học viện. Một số tạp chí của Học viện chưa có trang thông tin điện tử hoặc tạp chí điện tử, chỉ thực hiện một loại hình in ngôn ngữ tiếng Việt, nên hạn chế về số trang, số lượng phát hành và đối tượng bạn đọc. Một số tạp chí có trang thông tin điện tử, đăng lại các tin, bài trên tạp chí in; dung lượng các bài viết dài, chưa thực sự phù hợp với loại hình tạp chí điện tử. Mức độ cập nhật thông tin trên các trang thông tin điện tử, tạp chí điện tử nhìn chung chưa kịp thời; chưa có các bài viết chắt lọc, những tin tức bám sát các sự kiện chính trị - xã hội nổi bật nên việc tuyên truyền, lan tỏa trên không gian mạng còn hạn chế, chưa trở thành một kênh truyền thông điện tử có độ tương tác lớn, tương xứng với vị thế của các tạp chí của Học viện. Đội ngũ cộng tác viên, lực lượng chuyên gia viết bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn mỏng. Bên cạnh đó, các tạp chí chưachế độ bài đặt chuyên gia để thu hút các nhà nghiên cứu uy tín, có trình độ lý luận, chuyên môn cao viết bài thường xuyên. Vì thiếu đội ngũ công tác viên nòng cốt, lực lượng chuyên gia viết bài nên một số tạp chí chưa chủ động tổ chức bài, chưa có nhiều bài chiến đấu sắc bén, kịp thời và có giá trị định hướng. Thiếu cơ chế liên kết, phối hợp, cộng hưởng, lan tỏa thông tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng sự phối hợp giữa các tạp chí của Học viện, giữa các tạp chí với các cơ quan liên quan vẫn còn hạn chế, thiếu sự phối hợp, phân công chủ đề đối với từng tạp chí để tạo sắc thái riêng phù hợp với tôn chỉ, mục đích mỗi tạp chí. Do đó, các bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các tạp chí vẫn rời rạc, thậm chí trùng lặp.

Những hạn chế, bất cập trên đòi hỏi có những giải pháp thiết thực, đồng bộ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các tạp chí của Học viện trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch giai đoạn mới, góp phần thống nhất tư tưởng và hành động, đồng thuận xã hội, tạo động lực đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường.

3. Giải pháp phát huy vai trò các tạp chí của Học viện nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn mới

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và xuất phát từ thực tiễn hoạt động các tp chí của Học viện, để phát huy hơn nữa trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

  Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể, tăng cường sự chỉ đạo tập trung, thống nhất hệ thống tạp chí của Học viện. Thống nhất nhận thức các đơn vị tạp chí của Học viện là tạp chí khoa học luận chính trị, có tôn chỉ, mục đích tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cấp ủy cần làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, yêu nghề, gắn bó với công việc; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác tạp chí, nhất là trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường sự chỉ đạo tập trung, thống nhất: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện quản lý thống nhất công tác báo chí về nguyên tắc, cơ chế vận hành và mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí; trong đó có công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ hai, xác định nội dung trọng tâm của chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở mỗi tạp chí, nhằm thể hiện rõ bản sắc diễn đàn chuyên ngành, từ đó định hình sắc thái của mỗi tạp chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp về nội dung, hình thức. Trên cơ sở đó, phân công, phối hợp và điều tiết chủ đề, nội dung tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ ba, thực hiện tốt sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện về tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các đơn vị có liên quan. Nghị quyết số 35-NQ/ĐU của Đảng ủy Học viện nêu rõ: “Nhà xuất bản chính trị, các tạp chí, bản tin, cổng thông tin điện tử tích cực phối hợp với Vụ Quản lý khoa học, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 của Học viện công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu, bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời tăng cường chia sẻ các thông tin chính thống, tích cực thông qua việc đăng tải thông tin trên các sách, báo, tạp chí, bản tin, cổng thông tin điện tử, qua các kênh mạng xã hội của Học viện và các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương”2. Theo đó, các tạp chí cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để nâng cao chất lượng, lan tỏa sản phẩm tạp chí trong cán bộ, học viên, sinh viên toàn hệ thống Học viện, độc giả Việt Nam và quốc tế.

Thứ tư, đổi mới nội dung, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan tạp chí của Học viện nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức, cách thức hoạt động, kết hợp giữa loại hình báo chí truyền thống và các loại hình mới, đa phương tiện; đẩy mạnh số hóa các sản phẩm tạp chí để tăng tính lan tỏa.

Thứ năm, có cơ chế, chính sách phù hợp động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ làm công tác tạp chí trong Học viện, cơ chế đặt bài nhằm tạo động lực thu hút các nhà khoa học, giảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý trên cả nước tham gia viết bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đăng trên các tạp chí của Học viện. Tiếp tục biểu dương, khen thưởng các tác giả có nhiều công trình có chất lượng, tạo dấu ấn đậm nét và độ lan tỏa rộng rãi về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời có các hình thức động viên kịp thời và lâu dài nhằm phát triển đội ngũ cộng tác viên, thu hút các nhà khoa học có trình độ lý luận cao, nhiều kinh nghiệm viết bài.

Thứ sáu, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác tạp chí của Học viện. Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề báo của đội ngũ cán bộ tạp chí. Phát huy vai trò của Hội đồng biên tập các tạp chí trong việc định hướng chủ đề, phản biện bài viết.

Thứ bảy, không ngừng hoàn thiện quy trình xuất bản, hoàn thiện quy trình biên tập, thẩm định, phản biện nội dung và thực hiện chặt chẽ các khâu, các bước của quy trình xuất bản. Thu hút sự tham gia của các chuyên gia trên các lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng,... trong khâu phản biện, góp ý nâng cao chất lượng bài viết để nâng cao chất lượng, hiệu quả các bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ tám, phát huy vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Học viện trong việc phối hợp hoạt động trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua các hoạt động nghiệp vụ, như hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, tập huấn để gắn kết các hội viên nhằm tăng cường tính thống nhất trong hệ thống tạp chí của Học viện. Liên Chi hội tăng cường kết, tổng kết công tác để đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, từ đó có giải pháp và định hướng hoạt động phù hợp.

Ngày gửi: 2-10-2024; ngày thẩm định: 6-10-2024; ngày duyệt đăng: 7-10-2024

1, 2. Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Nghị quyết số 35-NQ/ĐU ngày 28-2-2020 “về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tr. 4, 6-7; lưu tại Văn phòng Đảng ủy Học viện.