Tóm tắt: Huyện đảo Trường Sa bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa, là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, huyện đảo Trường Sa giữ vai trò đặc biệt và ý nghĩa lớn trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước trên khu vực Biển Đông. Bởi vậy, phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng ở huyện Trường Sa là yêu cầu cần thiết, thường xuyên của tỉnh Khánh Hòa và cả nước. Bài viết khái quát tổ chức, hoạt động bộ máy chính quyền huyện và các xã, thị trấn huyện đảo Trường Sa, bước đầu đưa ra một số giải pháp góp phần xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội huyện Trường Sa, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân Trường Sa trong tình hình hiện nay.
Tháng 4-1975, Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng các đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang tại quần đảo Trường Sa từ tay quân đội Sài Gòn. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa và tuyên bố giành quyền bảo vệ chủ quyền đó.
Ngày 2-7-1976, Quốc hội Khóa VI quyết nghị lấy tên nước là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Từ đó, với tư cách thừa kế quyền sở hữu các đảo từ các chính quyền trước đó, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để khẳng định quần đảo Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Xuất phát từ nhu cầu quản lý tại quần đảo Trường Sa, ngày 9-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành Nghị định số 193-HĐBT tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Tiếp đó, ngày 28-12-1982, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VII ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh. Ngày 30-6-1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII ra quyết định tách tỉnh Phú Khánh thành tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, theo đó, huyện đảo Trường Sa trực thuộc địa giới hành chính tỉnh Khánh Hòa. Ngày 11-4-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2007/NĐ-CP thành lập các đơn vị hành chính thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa gồm: thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn. Hiện nay, huyện đảo Trường Sa là một trong 9 đơn vị hành chính thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, huyện đảo Trường Sa qua các thời kỳ phát triển luôn giữ vai trò đặc biệt và ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước trên khu vực Biển Đông. Bởi lẽ đó, phát triển huyện đảo Trường Sa là yêu cầu cấp thiết, thường xuyên của tỉnh Khánh Hòa và cả nước, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề xác lập chủ quyền của các quốc gia trong khu vực Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp. Hoàn thành nhiệm vụ nặng nề này gắn với vai trò trực tiếp và trước hết của chính quyền huyện đảo Trường Sa.
1. Xây dựng tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp từ khi có Nghị định số 65/2007/NĐ-CP về thành lập thị trấn Trường Sa
Về tổ chức bộ máy chính quyền
Ngày 11-4-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2007/NĐ-CP, trong đó nêu rõ: Thành lập thị trấn Trường Sa thuộc huyện Trường Sa trên cơ sở đảo Trường Sa Lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận. Thành lập xã Song Tử Tây thuộc huyện Trường Sa trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, đá, bãi phụ cận. Thành lập xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, đá, bãi phụ cận. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện đảo Trường Sa (gồm 3 đơn vị hành chính trực thuộc là hai xã: Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa) là một trong chín đơn vị hành chính của tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 18-12-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2312/QĐ-TTg công nhận thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn, xã Song Tử Tây thuộc huyện Trường Sa là xã đảo.
Để củng cố tổ chức chính quyền, cùng với cử tri cả nước, cử tri huyện Trường Sa đã tham gia đầy đủ các đợt bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa và bầu cử đại biểu HĐND các cấp qua các nhiệm kỳ nhằm kiện toàn các chức lãnh đạo của HĐND và UBND cấp huyện. Cụ thể, ngày 13-4-2007, toàn thể cử tri huyện Trường Sa đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII sớm trước 7 ngày so với cả nước; cử tri các xã, thị trấn đã bầu bổ sung HĐND xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa. HĐND 2 xã và thị trấn Trường Sa đã bầu bổ sung ủy viên UBND huyện.
Tháng 4-2008, cử tri các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa bầu bổ sung các chức danh HĐND và UBND các xã, thị trấn. Cử tri mỗi xã, thị trấn đã bầu đủ số lượng 15 đại biểu HĐND cấp xã theo quy định của pháp luật; trong đó cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và nữ thuộc dân sự có tỷ lệ tín nhiệm cao (70%) trở lên. Năm 2011 và năm 2016, các xã, thị trấn huyện Trường Sa đã bầu cử HĐND và các chức danh HĐND và UBND thị trấn Trường Sa và 2 xã Song Tử Tây và Sinh Tồn.
Qua bầu cử, HĐND cấp huyện ở huyện đảo Trường Sa nhiệm kỳ 2010-2015 gồm 30 đại biểu UBND gồm 10 ủy viên. Các cơ quan chuyên môn thuộc HĐND và UBND huyện được tổ chức theo mô hình tinh gọn, đa chức năng.
Bộ máy tổ chức của hệ thống chính quyền huyện đảo Trường Sa từng bước được bổ sung, gắn với đặc thù của huyện đảo. Trước năm 2008, bộ máy chính quyền của huyện đảo Trường Sa mới chỉ có HĐND và UBND, chưa có các cơ quan chuyên môn. Cùng với quá trình thực hiện dân sự hóa Trường Sa, năm 2009, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định thành lập 2 cơ quan chuyên môn là: Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Tài chính. Ngoài ra còn có các cán bộ chuyên trách, thực hiện chức năng của phòng chuyên môn, gồm 3 cán bộ chuyên trách về y tế, giáo dục và phụ nữ1.
Theo biên chế hiện tại, các chức danh cán bộ chủ chốt chính quyền huyện đảo Trường Sa và các xã, thị trấn đều do cán bộ quân sự kiêm nhiệm. Theo đó, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch huyện, đảo trưởng các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn kiêm nhiệm chức danh chủ tịch xã, thị trấn.
Hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp
Sau các cuộc bầu cử, bộ máy chính quyền huyện, các xã, thị trấn được kiện toàn các chức danh lãnh đạo của HĐND và UBND cấp xã các nhiệm kỳ theo quy định. Thường trực HĐND huyện phê chuẩn các chức danh các xã, thị trấn, bao gồm: Chủ tịch HĐND do Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy đảo đảm nhiệm; phê chuẩn 3 công chức, viên chức giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND. Chủ tịch UBND huyện phê chuẩn chức danh Chủ tịch UBND các xã, thị trấn do Chỉ huy trưởng đảo đảm nhiệm; phê chuẩn 3 công chức giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND. Tiểu đội dân quân thường trực do Phó Chủ tịch UBND xã đảm nhiệm. Đội ngũ CBCCVC được đào tạo cơ bản, có năng lực, kinh nghiệm công tác, gắn bó với nhân dân; HĐND và UBND các xã, thị trấn từng bước củng cố và đổi mới phương thức hoạt động đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước đối với cấp xã.
Trụ sở làm việc của UBND các xã, thị trấn được xây dựng phù hợp với tính chất đặc thù và nhiệm vụ của bộ máy chính quyền cấp xã, các trang thiết bị văn phòng, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc được trang bị đầy đủ, tạo điều kiện cho CBCCVC giải quyết tốt công việc được giao.
Năm 2013, các Sở Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp cùng với các sở, ban ngành, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Vùng IV Hải quân và UBND huyện đảo Trường Sa tổ chức xét tuyển và điều động 12 công chức cấp xã và 7 viên chức gồm 6 giáo viên và 1 y sĩ từ đất liền ra công tác tại các xã, thị trấn thuộc huyện đảo Trường Sa; đồng thời ban hành các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm và xếp lương 19 CBCCVC theo quy định. Để tạo điều kiện cho CBCCVC tiếp cận nhanh với công việc, Sở Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức bồi dưỡng cho CBCCVC mới tuyển về những kiến thức cơ bản về bộ máy nhà nước; yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; chế độ, chính sách; tình hình an ninh chính trị tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa,...
Đội ngũ CBCCVC khi ra công tác được UBND huyện đảo Trường Sa bố trí, sắp xếp theo đúng trình độ chuyên môn; một số CBCCVC do có kinh nghiệm làm việc nên tiếp cận công việc nhanh, xác định rõ chức trách nhiệm vụ được giao, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hằng năm, qua đánh giá của chỉ huy các đảo, các CBCCVC đều có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công việc, có lối sống giản dị và hòa đồng, không có dấu hiệu vi phạm; luôn phát huy dân chủ cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chế độ chính sách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chất lượng đại biểu HĐND huyện ngày càng được nâng cao2.
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng cao. Vai trò và chất lượng hoạt động của HĐND được khẳng định. Các nghị quyết, chính sách được ban hành kịp thời, có hiệu quả, giúp phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Công tác giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp được tiến hành nghiêm túc, khắc phục được tính hình thức. Công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được quan tâm giải quyết kịp thời.
Hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội
Các tổ chức chính trị-xã hội ở huyện đảo Trường Sa hiện nay được tổ chức theo mô hình kết hợp giữa cơ chế quản lý quân sự và dân sự. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đảo Trường Sa được thành lập gồm 5 ủy viên, cấp xã, thị trấn không thành lập Ủy ban Mặt trận mà chỉ do 1 đại biểu đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, thị trấn.
Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của huyện đảo, được tổ chức theo mô hình đặc biệt. Cấp huyện được tổ chức thành Huyện đoàn, có con dấu riêng; ở các xã, thị trấn tổ chức thành các chi đoàn thanh niên. Huyện đoàn đã phê chuẩn 3 công chức, viên chức giữ chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tại 3 xã, thị trấn.
Năm 2009, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phê chuẩn quyết định thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đảo Trường Sa. Các tổ phụ nữ tại các xã, thị trấn được thành lập. Ngày 28-9-2011, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 102/QĐ-BTV về việc chuẩn y Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đảo Trường Sa nhiệm kỳ 2011-2016. Hội Phụ nữ huyện Trường Sa, do số lượng hội viên dân sự ít nên các hội viên hoạt động ghép trong các tổ chức quần chúng của các đơn vị Lữ đoàn 146 Hải quân, cấp huyện có 1 cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu cho UBND huyện về công tác phụ nữ3. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, Hội Phụ nữ huyện đảo Trường Sa còn tham gia phục vụ nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Phong trào phụ nữ ngày càng hoạt động có chiều sâu và hiệu quả với nhiều phong trào tiêu biểu như: “Phụ nữ tích học học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ tiếp tục học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh”, “Phong trào nuôi con khỏe, dạy con ngoan”…
Ngày 11-7-2014, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định thành lập Công đoàn cơ sở huyện đảo Trường Sa; ngày 15-7-2014, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 103/QĐ-LĐ về việc thành lập Liên đoàn Lao động huyện đảo Trường Sa, nhiệm kỳ 2014-2018. Trong nhiệm kỳ 2014-2018, Công đoàn huyện đảo Trường Sa thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống đoàn viên, tham gia Chương trình “Xuân nơi đảo xa”, tặng nhà tình nghĩa, tặng quà và trao học bổng cho các cháu, tổ chức các hoạt động vui chơi nhân các dịp lễ cho các cháu thiếu nhi; Công đoàn huyện quan tâm điều kiện làm việc, chế độ thai sản cho lao động nữ sau khi sinh, tổ chức khám sức khỏe định kỳ... Nghị quyết của Ban Chấp hành Công đoàn huyện nhiệm kỳ 2018-2023 nêu rõ: Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục tác phong làm việc khoa học; vận động cán bộ, đoàn viên tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ; giới thiệu ít nhất 5 đoàn viên ưu tú vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhìn chung, mặc dù mới thành lập và hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cán bộ, cơ sở vật chất, lại không thường xuyên được tiếp nhận sự chỉ đạo trực tiếp của tổ chức cấp trên nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị, xã hội ở huyện đảo Trường Sa không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trọng tâm hoạt động luôn hướng về cơ sở, khu dân cư và lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm gắn với quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; giúp đỡ nhiều hộ gia đình; thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển đoàn viên, hội viên.
Thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các xã, thị trấn
Để tạo điều kiện thuận lợi cho CBCCVC tiếp cận nhanh với công việc, Sở Nội vụ Khánh Hòa phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức bồi dưỡng cho CBCCVC mới tuyển những kiến thức cơ bản về bộ máy nhà nước; chuyên môn nghiệp vụ; chế độ, chính sách; tình hình an ninh chính trị tại huyện đảo Trường Sa,...
Chế độ, chính sách đối với CBCCVC tại huyện đảo được thực hiện dựa trên Quyết định số 70/2008/QĐ-TTg, ngày 29-5-2008, của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân làm việc, sinh sống tại các xã đảo thuộc huyện Trường Sa tỉnh Khánh Hòa; Thông tư liên tịch số 120/2008/TTLT-BTC-BQP của liên bộ: Tài chính, Quốc phòng và Quyết định số 03/2009/QĐ-UBND, ngày 8-1-2009, của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quy định về chế độ làm việc của UBND xã, thị trấn và công tác quản lý CBCCVC công tác ở các xã, thị trấn thuộc huyện Trường Sa. Chế độ lương của CBCCVC được điểu chỉnh theo chức vụ và hưởng các khoản phụ cấp chức vụ theo quy định. Hằng năm, việc giải quyết các chế độ đi phép của CBCCVC và hộ dân được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện vẫn cố gắng mua sắm đồ dùng sinh hoạt cá nhân và trang thiết bị làm việc tại trụ sở. Đội ngũ CBCCVC đều được đảm bảo quyền lợi nâng lương trước thời hạn và nâng lương thường xuyên; việc giải quyết chế độ chính sách về tiền lương và các khoản phụ cấp, hỗ trợ gửi về địa phương theo yêu cầu của các hộ gia đình được thực hiện hàng tháng, không để xảy ra tình trạng chậm hoặc nợ lương.
__________________
* Bài viết là sản phẩm của đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu biên soạn lịch sử huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà” (mã số: ĐTĐL.XH.01/16) do Học viện Chính trị Khu vực I (thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) là cơ quan chủ trì.
1. Phạm Hồng Binh: Xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay, LATS Triết học, Hà Nội, 2014, tr.78
2. Trong nhiệm kỳ HĐND khóa 13 (2010-2015):
- Số đại biểu HĐND của huyện Trường Sa gồm 30 người, trong đó độ tuổi 31-45: 24 người, 46- 60: 6 người; có 2 đại biểu trình độ dưới đại học, 22 đại biểu trình độ đại học, 6 đại biểu trình độ trên đại học
- Số đại biểu HĐND thị trấn Trường Sa gồm 15 người, trong đó độ tuổi 31-45 có 11 người, 46-60 có 4 người; có 1 đại biểu trình độ dưới đại học, 12 đại biểu trình độ đại học, 2 đại biểu trình độ trên đại học
- Số đại biểu HĐND xã Sinh Tồn gồm 15 người, trong đó độ tuổi 31-45 có 12 người, 46-60 có 3 người; có 2 đại biểu trình độ dưới đại học, 11 đại biểu trình độ đại học, 2 đại biểu trình độ trên đại học
- Số đại biểu HĐND xã Song Tử Tây gồm 15 người, trong đó độ tuổi 31-45 có 13 người, 46-60 có 2 người; có 1 đại biểu trình độ dưới đại học, 12 đại biểu trình độ đại học, 2 đại biểu trình độ trên đại học (Phục lục 3: Thống kê chất lượng đại biểu HĐND huyện Trường Sa khóa 13 (nhiệm kỳ 2010-2015), Nguồn: Văn phòng HĐND và UBND huyện Trường Sa))
3. Phạm Hồng Binh: Xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay, LATS Triết học, Hà Nội, 2014, tr.51
4. Huyện đảo Trường Sa quản lý một vùng lãnh thổ rộng lớn với nguồn tài nguyên kinh tế dồi dào nhưng ở cấp huyện lại chưa thành lập Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Phòng Tài nguyên và Môi trường. Trong khi đó, mặc dù dân số ở Trường Sa còn rất ít thì số lượng đại biểu HĐND và UBND huyện cũng như các xã, thị trấn lại được bầu đủ số lượng theo quy định chung là không cần thiết, chưa phản ánh đúng tính đặc thù của huyện đảo. (Phạm Hồng Binh: Xây dựng hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa hiện nay, LATS Triết học, Hà Nội, 2014, tr. 85).
TS NGÔ THỊ KHÁNH
Học viện Chính trị Công an nhân dân
ThS NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄN
Học viện Chính trị khu vực I