Tóm tắt: Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có trọng trách “tổ chức hoạt động điều tra tội phạm tham nhũng”; tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng; chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành trong trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên; thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng… Thực hiện nhiệm vụ này, lực lượng Công an nhân dân có nhiều đóng góp tích cực, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực.
Từ khoá: Công an nhân dân; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tham nhũng, tiêu cực là một hiện tượng xã hội, mà bất cứ thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, tuy mức độ, tính chất có thể khác nhau. Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) “là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó mà vụ lợi”. So với “tham nhũng”, thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn, do đó, phải xác định phạm vi của tiêu cực cần tập trung phòng, chống là những hành vi có liên quan đến tham nhũng; đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống1. Tham nhũng, tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Vấn nạn này hiện là một trong những nguy cơ, thách thức gắn với sự tồn vong của chế độ. Với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về cả nhận thức và hành động, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”2 được Nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

1. Một số kết quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của lực lượng Công an nhân dân
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Lực lượng Công an nhân dân phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng; chú trọng công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng và bước đầu đạt những kết quả tích cực, được thể hiện trên những nội dung sau:
Thứ nhất là, tập trung đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo theo hướng tập trung, sâu sát, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, nói đi đôi với làm; phát huy vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; bảo vệ tốt chính trị nội bộ; kiên quyết từ chủ trương đến việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động tự phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đơn vị thuộc quyền quản lý; lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy, thủ trưởng Công an các cấp. Nghiêm túc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị trong Công an nhân dân khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Đã tập trung xây dựng, ban hành, triển khai một số văn bản thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đồng thời tăng cường các biện pháp về giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, cán bộ, chiến sĩ gắn với thực hiện phương châm hành động của lực lượng Công an nhân dân.
Thứ hai là, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, triển khai thực hiện một cách quyết liệt, đi vào chiều sâu và có nhiều đổi mới. Các cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, giới thiệu chuyên đề liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng... Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên. Việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; chủ động cung cấp thông tin việc xử lý đối với những vấn đề nhạy cảm đã góp phần định hướng tốt dư luận xã hội và thể hiện sự công khai, minh bạch trong xử lý tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình trong Công an nhân dân đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản ánh, tố giác, tố cáo những hành vi, biểu hiện tham nhũng, lãng phí; đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; biểu dương kịp thời các gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… 
Thứ ba là, công tác xây dựng văn bản triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng, tróng đó có những văn bản nhằm để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Trong năm 2022, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Bộ Công an và Công an các cấp đã xây dựng và ban hành hơn 840 văn bản, sửa đổi, bổ sung gần 40 văn bản, bãi bỏ 6 văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trong đó đã triển khai nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo thực hiện trong toàn lực lượng Công an nhân dân liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; về kiểm soát tài sản, thu thập của người có chức vụ quyền hạn trong Công an nhân dân; về phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; về bảo vệ người phát hiện tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong Công an nhân dân…
Thứ tư là, công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh, đột phá theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, “chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng”. Trong năm 2022, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 759 vụ, 1.597 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 451 vụ, 973 bị can (tăng 147 vụ, 304 bị can so với cùng kỳ năm 2021); tổng thiệt hại do các bị can gây ra là trên 2.882 tỷ đồng, 221.566m2 đất; thu hồi trên 2.666 tỷ đồng, 217.698m2 đất; kết luận điều tra đề nghị truy tố 358 vụ, 861 bị can3. Đặc biệt, trong đó đã phát hiện nhiều vụ án lớn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, điển hình là các vụ án tại FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát; phát hiện xử lý các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, làm minh bạch hoạt động đăng kiểm. Chất lượng công tác điều tra án tham nhũng ngày càng tốt hơn, ngoài việc chứng minh làm rõ bản chất các vụ án, lần đầu tiên đã kết luận điều tra đề nghị truy tố, xét xử khi các bị can đầu vụ đã bỏ trốn (vụ Công ty AIC) được dư luận đánh giá cao.Tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “nói đi đôi với làm”, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”, đây là “kim chỉ nam” cho hoạt động điều tra và là một trong những yếu tố góp phần điều tra, xử lý triệt để các vụ án tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước; các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, không bỏ lọt tội phạm, đã tạo hiệu ứng rất tốt trong xã hội, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với các ngành, các địa phương.
Thứ năm là, Công tác cán bộ bảo đảm tính công khai, minh bạch; xác định rõ trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Công an các đơn vị, địa phương và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cũng đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và đạt kết quả tốt. Tổ chức bộ máy Công an đơn vị, địa phương tiếp tục được kiện toàn tinh, gọn, mạnh, gắn với điều chỉnh phân công, phân cấp nghiệp vụ, cơ cấu cán bộ theo tiêu chuẩn, tiêu chí bốn cấp Công an và quyết liệt thực hiện giải pháp trọng tâm, đột phá xây dựng Công an cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, chủ động, kịp thời giải quyết hiệu quả tình hình an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, nâng cao vai trò cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu đơn vị. Thực hiện Thông tư số 55/2014/TT-BCA ngày 12-11-2014 của Bộ Công an quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong Công an nhân dân, năm 2022, Công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 5.285 lượt cán bộ, chiến sĩ ở 797 đơn vị.
Tập trung thanh tra, kiểm tra vào một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nhằm chủ động phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra; một số vụ, việc tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ được xử lý nghiêm, có tác dụng tích cực trong phòng ngừa, giáo dục, răn đe. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Bộ và Công an các địa phương hoạt động có hiệu quả hơn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh. Trong năm 2022, toàn lực lượng Công an nhân dân đã tiến hành hơn 400 cuộc thanh tra và trên 100 cuộc kiểm tra đột xuất, thanh tra đặc biệt đối với 361 đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông4.
Thứ sáu là, Công tác cải cách hành chính đạt được những kết quả hết sức tích cực. Bộ Công an là một trong những Bộ đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử; quyết liệt tham mưu triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyến đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhất là đã đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của lực lượng Công an nhân dân; tạo nền tảng để tiến tới xã hội số, thành phố thông minh, công dân số, tiến đến một xã hội văn minh; tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm; tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; các thủ tục hành chính cơ bản đã được thực hiện trên môi trường mạng, người dân và doanh nghiệp hết sức phấn khởi và đồng tình ủng hộ, qua đó đã góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, “tham nhũng vặt” và các hành vi nhũng nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của lực lượng Công an nhân dân thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số Công an đơn vị, địa phương chuyển biến chưa rõ nét. Ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng chưa được đề cao. Công tác phối hợp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhất là trong phát hiện, đấu tranh xử lý hành vi tham nhũng còn hạn chế, có vụ án để kéo dài. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Công tác phối hợp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhất là trong phát hiện, đấu tranh xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế, có vụ án để kéo dài. Việc tự kiểm tra, giám sát phát hiện tham nhũng, giải quyết tố cáo trong nội bộ chưa được quan tâm đúng mức, còn biểu hiện né tránh, ngại va chạm. Mặc dù lực lượng Công an nhân dân đã có nhiều cố gắng, song công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình diễn biến tội phạm về tham nhũng, kinh tế tại một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, phức tạp, nhạy cảm còn chưa sâu, có lúc chưa kịp thời; tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng, đặc biệt là những vụ án lớn, phức tạp còn chậm so với mục tiêu, kế hoạch đề ra, chất lượng điều tra còn hạn chế, số lượng án tồn đọng vẫn tồn tại. Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả thấp, nhất là việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó, việc huy động lực lượng đông đảo của nhân dân cũng như sự tham gia của lực lượng báo chí vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực chưa được quan tâm kịp thời…

2. Giải pháp phát huy vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Hiện nay, vấn đề tham nhũng, tiêu cực vẫn tồn tại và ngày càng tinh vi, phức tạp, đúng như nhận định: “… Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”5. Với quyết tâm trở thành lực lượng tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng Công an nhân dân cần tập trung thực hiện có hiệu quả những giải pháp trọng tâm sau:
Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp ủy đảng, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương”6. Quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, các cấp ủy Đảng, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng Công an nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết từ chủ trương đến việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này. Tăng cường nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động nắm tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và dư luận xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ và trên lĩnh vực, địa bàn theo dõi, phụ trách; thực hiện tốt 05 chủ động trong công tác tư tưởng (nắm, quản lý, dự báo, định hướng, giải quyết) để có biện pháp phòng ngừa “từ sớm, từ xa, từ gốc” tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các đơn vị, địa phương. Đồng thời, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị thuộc quyền quản lý; lấy kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Nghiêm túc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Đơn vị nào để tình hình tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, có đơn thư tố cáo nhưng không chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và Nhân dân
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua nhiều hình thức, nội dung khác nhau, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành Công an về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; tình hình, kết quả và các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của lực lượng Công an nhân dân... Chủ động, kịp thời thông tin, định hướng dư luận, phát huy vai trò của báo chí Công an nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Công an nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng các tin, bài, phóng sự đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và của lực lượng Công an nhân dân với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực”, xứng đáng là “bộ lọc” tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.Phát động sâu rộng các phong trào thi đua, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu và gương điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để nhân rộng trong toàn xã hội.
Ba là, tiếp tục tham mưu xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tập trung tham mưu xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Đây là giải pháp rất căn cơ nhằm hình thành những cơ chế, thể chế để cán bộ không thể tham nhũng, như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng””; “một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”. Thông qua công tác nắm tình hình thực tiễn cũng như từ kết quả của những vụ án tham nhũng đã được phát hiện, điều tra, xét xử thời gian qua, chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội, những lỗ hổng trong các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu, hoàn thiện, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, chú trọng chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các luật, thông tư, nghị định… đã ban hành. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết, khắc phục. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đạo đức công vụ; xây dựng hướng dẫn khung các Bộ quy tắc ứng xử phòng, chống tham nhũng; xây dựng các biện pháp bảo đảm thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ... để hình thành ngày càng rõ nét văn hóa liêm chính, giải pháp căn cơ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tiêu cực theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”
Tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng, đảm bảo 100% các tin tố giác, đơn tố cáo về các hành vi tham nhũng, tiêu cực đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý, tổ chức xác minh, theo dõi, điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, nhất là công tác nghiệp vụ cơ bản. Chủ động nhận diện đầy đủ, sâu sắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm với nguyên tắc: “Tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó” và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai” thông qua việc sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng phải xem xét, đánh giá khách quan, biện chứng, thận trọng, làm rõ động cơ, mục đích sai phạm để phân biệt hành vi của những người dám nghĩ, dám làm, có động cơ trong sáng vì sự nghiệp đổi mới đất nước với hành vi của những người có động cơ tư lợi cá nhân để xử lý phù hợp, động viên, khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung của đất nước. Từ đó phải phân hóa, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong từng trường hợp cụ thể để quyết định các biện pháp xử lý hành chính, hình sự hoặc xử lý khác cho phù hợp, bảo đảm “thấu tình, đạt lý”, “tâm phục, khẩu phục”, “rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn”, nhằm “giáo dục cảnh tỉnh”, “răn đe, phòng ngừa sai phạm”...Tập trung tham mưu, đề xuất đưa các vụ án, vụ việc tham những, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về việc phối hợp với Ủy ban kiểm tra để kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc với quan điểm “kỷ luật Đảng đi trước tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật”. Qua công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần phòng ngừa tội phạm.
Năm là, thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch theo đúng quy trình, chống chạy chức, chạy quyền
Chủ động rà soát và thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác theo Thông tư số 55/2014/TT-BCA ngày 12-11-2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong Công an nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tăng cường các biện pháp xác minh việc kê khai tài sản; xử lý nghiêm việc không kê khai trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm, không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, thể chế, bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình, Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 115-KH/ĐUCA ngày 24-10-2019 của Đảng ủy Công an Trung ương triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị “tha hoá”, lạm dụng.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-BCA ngày 28-9-2011 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nơi có nhiều dư luận phản ánh, đơn thư tố cáo, có trọng tâm, trọng điểm. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng và các hành vi khác có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ, dù bất kể người đó ở cương vị nào; thông báo công khai trong toàn đơn vị các vụ việc tham nhũng và danh tính những cán bộ, chiến sĩ sai phạm để giáo dục, phòng ngừa, răn đe. Kịp thời điều chuyển, thay thế đối với những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, uy tín giảm sút. Phối với với các đơn vị chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực có điều kiện dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra đột xuất khi phát hiện tại đơn vị và cá nhân cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu vi phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xác minh, kết luận, giải quyết, xử lý tố cáo tham nhũng, lãng phí đảm bảo đúng quy định của pháp luật; theo dõi, xử lý, giải quyết kịp thời tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ đăng tải trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, ứng dụng có hiệu quả khoa học, công nghệ quản lý gắn với yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc khai thác, ứng dụng khoa học công nghệ, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu quốc gia về tài nguyên đất đai, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm… vào thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong Công an nhân dân; áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Chỉ đạo quyết liệt, tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án số 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần triển khai dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tình trạng “tham nhũng vặt” trong lực lượng Công an nhân dân.
Bảy là, phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thực hiện cơ chế giám sát của quần chúng Nhân dân và dư luận xã hội đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian tới, cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp cần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng Công an với Nhân dân trên cơ sở hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước, nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân, nâng cao đời sống Nhân dân. Tập trung nghiên cứu để có những hình thức phù hợp mở rộng phạm vi tham gia, tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với việc thực thi quyền lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chủ động, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong Nhân dân trên cơ sở tôn trọng những quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; khắc phục tình trạng mệnh lệnh hóa, hành chính hóa, quan liêu, xa rời quần chúng Nhân dân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính quyết liệt hơn, chú trọng rà soát, đơn giản hóa, công khai thủ tục hành chính, mở rộng các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến; công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và giám sát việc thực thi công vụ của lực lượng Công an nhân dân.
Tám là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Công an nhân dân từ Trung ương đến địa phương. 
Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Công an nhân dân. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén, là những cán bộ “rường cột” của Đảng và Nhà nước, những “Bao Công” của thời đại ngày nay. Cán bộ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời thay thế, đưa ra khỏi cơ quan phòng, chống tham nhũng những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, năng lực yếu kém, uy tín giảm sút, vi phạm kỷ luật, quy trình công tác... Đồng thời, việc kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính, trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Phải chống tham nhũng trước hết trong cơ quan chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.



Ngày nhận bài 5/7/2023; ngày thẩm định 8/7/2023; ngày duyệt đăng 13/7/2023
1. Xem Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. CTQG ST, H, 2023,  tr.16
2. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 30-06-2022 tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022
3, 4, 5. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Bộ Công an: Thông báo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của lực lượng Công an nhân dân năm 2022, H, 2022.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. 1, tr.194-195