Tóm tắt: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó, vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được Đảng quan tâm và chỉ đạo sát sao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trước bối cảnh tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 10-7-2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW “Về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”, cho thấy Đảng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới. Bài viết tập trung làm rõ chủ trương của Đảng từ năm 1986 đến năm 2024 về công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, những kết quả đạt được và đúc rút một số kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo của Đảng.

Từ khóa: Đào tạo nghề; lao động nông thôn; kết quả; kinh nghiệm; 1986-2024

1. Chủ trương của Đảng

Tại Đại hội VI (1986), Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó chú trọng thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, đặc biệt nhấn mạnh vai trò to lớn của nông nghiệp trong việc đáp ứng những yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội VI, ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Nghị quyết xác định “phát triển hệ thống truyền thông đại chúng và hệ thống giáo dục phổ thông, hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên nông thôn, chấm dứt tình trạng mù chữ và tái mù chữ, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động”1

Đại hội VII (1991) của Đảng chỉ rõ: “phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội”2. Có thể thấy, vai trò, vị trí của nông nghiệp và kinh tế nông thôn được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội VII nhằm từng bước nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Tại Đại hội VIII (1996), Đảng tiếp tục phát triển nội dung CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống nông dân. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá VIII “Về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn” (10-11-1998) đã đề ra bốn quan điểm, trong đó khẳng định cần phải “gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; gắn công nghiệp hoá với thực hiện dân chủ hoá và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực ở nông thôn; tạo ra sự phân công lao động mới, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, xoá đói, giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, thực hiện có kết quả mục tiêu phát triển dân số”3

Trên cơ sở các kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, vấn đề CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn được Đại hội IX (2001) tiếp tục bổ sung, phát triển những quan điểm mới. Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội IX, HNTƯ 5 khoá IX, đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 18-3-2002 “Về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010”. Nghị quyết xác định: Dành vốn ngân sách đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề của Nhà nước, đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, bảo đảm hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động, đưa tỷ lệ được đào tạo nghề lên khoảng 30% vào năm 2010. Có chính sách thu hút những người được đào tạo về làm việc ở nông thôn, nhất là miền núi và vùng sâu, vùng xa”4.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được Đại hội X (2006) của Đảng khẳng định là sự lựa chọn bước đi đúng đắn trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Đây cũng là lần đầu tiên trong Nghị quyết Đại hội Đảng ghi rõ chủ trương cần phải “Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân và cho lao động nông thôn”5.

Triển khai Nghị quyết Đại hội X, ngày 5-8-2008, HNTƯ 7, khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Nghị quyết xác định: “Giải quyết việc làm cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong mọi chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm hài hòa giữa các vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị. Có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề và chính sách đảm bảo việc làm cho nông dân, nhất là ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động từ nông thôn”6. Hình thành Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm hằng năm đào tạo khoảng một triệu lao động nông thôn; phấn đấu đến năm 2020 “Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%”7.

Đại hội XI (2011) của Đảng tiếp tục chủ trương: “Triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm”8, “Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hoá”9. Nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, ngày 5-11-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”. Trong đó, Ban Bí thư chủ trương: “Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm. Chiến lược, kế hoạch, quy hoạch dạy nghề lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu của người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội; phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tiếp tục đổi mới hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng hệ thống trường dạy nghề theo hướng hiện đại, chuẩn hóa”10.

Trong bối cảnh tác động bởi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để thúc đẩy nông nghiệp, nông dân và nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, Đại hội XII (2016) và XIII (2021) của Đảng chủ trương gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công xây dựng nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII (2012) của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết xác định cần phải “Tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường”11.

Ngày 10-7-2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW “Về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”. Chỉ thị nhấn mạnh: “Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhật nghề, chuẩn hoá nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo”12.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, việc tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Đảng chỉ đạo, đề cập nhiều lần. Cùng với quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia, công tác đào tạo nghề được nhấn mạnh cần gắn với việc nâng cao kỹ năng số cho người dân, đồng thời coi trọng thực hành, thực tiễn, xây dựng, phát triển nông thôn mới theo hướng bền vững.

2. Những kết quả chủ yếu

Trong thời kỳ đổi mới, các chủ trương của Đảng về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân ngày càng quan tâm hơn; các cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng triển khai, thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Do đó, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác đào tạo nghề ngày càng gắn liền hơn với các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với thế mạnh và nhu cầu của các địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động; giải quyết nhiều việc làm cho lao động ở nông thôn; các trung tâm hướng nghiệp, đào tạo, dạy nghề luôn có sự đổi mới trong xây dựng nội dung, chương trình đào tạo… Qua đó đã cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, mặc dù Đảng đã có các chủ trương dạy nghề cho lao động nông thôn để phục vụ quá trình xây dựng nông thôn mới và CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, song hoạt động đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn vẫn chưa thực sự được quan tâm và gặp nhiều khó khăn. Trong 10 năm (1989-1999), số lao động ở nông thôn được đào tạo nghề chỉ tăng 239.374 người, chủ yếu là đào tạo cho những người dân được hưởng chính sách ưu đãi có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật13… Từ năm 2012, sau Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường, số lượng người được học nghề tăng nhanh. Trong 10 năm (2012-2022), có gần 10 triệu lao động ở nông thôn được học nghề, trong đó, gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề. Công tác đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách được quan tâm với 2,1 triệu người được hỗ trợ học nghề”14.

Giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn chưa có sự gắn kết chặt chẽ với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chưa thực sự gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Đào tạo nghề chủ yếu tập trung vào đào tạo kỹ thuật sản xuất theo các nghề cũ, các nghề mới chưa được chú trọng. Chương trình đào tạo nghề mới chỉ dừng lại ở phổ biến kiến thức, quy trình và các biện pháp kỹ thuật cho cây trồng vật nuôi. Việc giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đi sâu về bảo quản, chế biến nông sản còn rất hạn chế. Nội dung đào tạo còn thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu đào tạo của các vùng miền, chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường và đầu ra của đối tượng được đào tạo. Chính vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chưa góp phần đáng kể vào chuyển dịch được cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp15.

Từ năm 2012 đến năm 2022, “Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được kiện toàn, một số cơ sở được đầu tư theo hướng hiện đại, chuẩn hoá. Nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản được duy trì qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác đào tạo nghề cơ bản phù hợp với nhu cầu người học, gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới. Sau học nghề, số lao động có việc làm, năng suất lao động, thu nhập của người dân tăng lên. Kết quả đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; bảo đảm an ninh lương thực; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”16.

Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bên cạnh những kết quả, thành công đạt được thì cũng còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, còn tồn tại những hạn chế, yếu kém. “Một số chỉ tiêu đề ra chưa đạt; lao động nông thôn chủ yếu được học nghề ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, chất lượng đào tạo còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề còn nhiều bất cập. Hoạt động hỗ trợ người dân sau khi học nghề chưa được triển khai hiệu quả”17. Nguyên nhân chính của những hạn chế, bất cập nêu trên là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đầy đủ; việc triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng còn chậm; một số địa phương còn lúng túng trong công tác quy hoạch sản xuất; bên cạnh đó các ngành, địa phương còn chưa có sự đồng bộ và hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp.

Vì vậy, Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10-7-2024 của Ban Bí thư đã chỉ rõ, cần phải “Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn. Hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng vùng, từng địa phương; xây dựng chính sách tạo đột phá trong phát triển nhân lực, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn”18.

3. Một số kinh nghiệm

Một là, luôn xác định đúng đắn vị trí, vai trò và phương hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đề cao vai trò, vị trí công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đây là yếu tố tiên quyết, là nền tảng phục vụ cho quá trình CNH, HĐH khu vực nông thôn nói riêng và cả nước nói chung.

Hai là, phát huy đúng mức vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các ngành, địa phương luôn cần có sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp thống nhất. Làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề, việc làm đối với người lao động, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về dạy nghề nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng. Trong đó, chú trọng hoạt động tuyên truyền các chủ trương của Đảng về đào tạo nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng, nghiêm túc triển khai, thực hiện các nghị quyết của Đảng.

Ba là, về hoạt động chuyên môn, chú trọng điều tra khảo sát thông tin thị trường lao động, dự báo nhu cầu và thí điểm các mô hình dạy nghề cho người lao động; phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, đổi mới nội dung chương trình, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong đào tạo nghề; giúp người học được lựa chọn các nghề phù hợp với điều kiện cụ thể của mình; gắn việc đào tạo nghề với nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Khai thác nội lực, huy động ngoại lực và phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương, đặc biệt tiềm năng tài nguyên và con người trong bối cảnh thay đổi kinh tế và hội nhập quốc tế là một trong những điều kiện quan trọng cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân bền vững.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan chức năng, các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ cho người lao động và kết quả sử dụng kinh phí do ngân sách cấp.

Năm là, đề xuất các giải pháp sáng tạo, khả thi trong đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nêu bật được bối cảnh mới về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, về nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói riêng. Đặc biệt, chú trọng phát triển năng lực số và khả năng thích ứng của người lao động trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, nông dân nước ta có nhiều thời cơ để phát triển nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, thích ứng với yêu cầu của thị trường, xây dựng nông thôn mới, nông dân hiện đại, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc luôn là vấn đề được Đảng quan tâm. Để thực hiện mục tiêu đó, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trở thành một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thường xuyên nhắc đến trong các nghị quyết của Đảng. Hiện nay, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nước ta cần phải tiếp tục được tăng cường và có cách tiếp cận mới, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, bám sát, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

 

Ngày nhận: 30-7-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 18-8-2024; ngày duyệt đăng: 31-8-2024

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, T. 49, tr. 130

2. Sđd, 2007, T. 51, tr. 91-92

3. Sđd, 2015, T. 57, tr. 535

4. Sđd, 2016, T. 61, tr. 289-290

5. Sđd, 2018, T. 65, tr. 272

6, 7. Sđd, 2018, T. 67, tr. 836, 829

8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 123, 125

10. Ban Bí thư Trung ương Đảng: Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5-11-2012 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Chi-thi-19-CT-TW-nam-2012-su-lanh-dao-cua-Dang-cong-tac-day-nghe-183281.aspx, truy cập ngày 28-8-2024

11. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-19-nqtw-ngay-1662022-hoi-nghi-lan-thu-nam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-nong-nghiep-nong-dan-nong-8629, truy cập ngày 28-8-2024

12, 14, 16, 17, 18. Ban Bí thư Trung ương Đảng: Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10-7-2024  “Về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-37-cttw-ngay-1072024-cua-ban-bi-thu-ve-doi-moi-cong-tac-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-dap-ung-10549, truy cập ngày 28-8-2024

13. Xem: Trần Thị Minh Ngọc: “Sử dụng nguồn nhân lực nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Viện Kinh tế học, H, 2001, tr. 66

15. Xem: Trần Thanh Bình: “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, H, 2003.