Tóm tắt: Yêu sách của nhân dân An Nam còn gọi là Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam của Hội những người An Nam yêu nước, gồm tám điểm viết bằng tiếng Pháp, được ký tên “Nguyễn Ái Quốc”, gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles, ngày 18-6-1919. Bản Yêu sách ra đời cách đây tròn 100 năm, thời điểm lịch sử đó đã gây tiếng vang lớn, không chỉ trong dư luận xã hội nước Pháp, mà còn dội mạnh về trong nước, thức tỉnh dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam về quyền dân tộc tự quyết. Những giá trị khai mở của bản Yêu sách đến nay vẫn còn những âm hưởng hào hùng.

1. “Pháo hiệu” thức tỉnh các dân tộc thuộc địa
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã chứng kiến các phong trào yêu nước do Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Hoàng Hoa Thám khởi xướng, với những hạn chế rất cơ bản không thể vượt qua được để chiến thắng kẻ thù. Anh Nguyễn rất khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, nhưng không tán thành con đường cứu nước của các cụ, vì Người đã nhận thấy ở đó những nhược điểm lớn, như Trần Dân Tiên đã viết trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch: “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì Cụ còn nặng cốt cách phong kiến”1. Vì vậy, Nguyễn Tất Thành không sang Nhật theo lời khuyên của Phan Bội Châu, mà muốn sang Pháp để xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” và sẽ đi tới các nước giàu mạnh khác để xem họ làm ăn như thế nào, rồi sẽ về giúp đồng bào mình.
Trước khi khởi hành trên con đường tìm kiếm chân lý, học thuyết và phương pháp đấu tranh chiến thắng kẻ thù xâm lược, Nguyễn Tất Thành đã tích lũy được một vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Đông, nhất là vốn Hán học và một số kiến thức về văn hóa Pháp rất cần thiết, để đi vào một thế giới mới mà Người đang cần khám phá do sự thôi thúc cấp bách của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào.
Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lập và phương pháp quan sát, phân tích thực tế xã hội để tìm ra những vấn đề bản chất của các học thuyết chính trị và các cuộc cách mạng, Nguyễn Tất Thành đã mở đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, từ ngày 5-6-1911, lúc vừa tròn 21 tuổi. Với tên gọi Văn Ba, Người đã lên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville của Pháp sang Pháp và sang các nước khác để thực hiện khát vọng.
Vừa phải tự kiếm sống bằng lao động cực nhọc, vừa học tập văn hóa và quan sát thực tế xã hội, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã đi tới hai khu vực, hai cực đối lập của chủ nghĩa đế quốc, đó là các nước thuộc địa châu Á, châu Phi và dừng lại một thời gian dài tại Mỹ (từ cuối năm 1912 đến cuối năm 1913), Anh (từ năm 1914 đến năm 1917), Pháp (từ năm 1917 đến năm 1923).
Ra đi tìm đường cứu nước, từ năm 1911, bôn ba ở nước ngoài hơn 30 năm (ngày 28-1-1941, Người mới trở về Tổ quốc), Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã thấu hiểu những hạn chế, sự xấu xa của chế độ tư bản, thực dân, nhưng đồng thời hiểu được rất rõ các giá trị của nền văn minh phương Tây, của chế độ tự do, dân chủ phương Tây. Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc cũng đã chứng kiến cảnh sống cơ cực của nhân dân các nước thuộc địa và người lao động ở các nước tư bản cũng không khác gì nhân dân Việt Nam. Trong những năm tháng ấy, Người đã tự “vô sản hóa”, phải “làm bất cứ nghề gì để sống và để đi” như phụ bếp trên tàu, bồi bàn, cào tuyết, rửa ảnh…; đã đi hầu khắp các châu lục, đặt chân lên gần 30 nước; tận mắt chứng kiến cảnh những người lao động (nhất là người da đen) bị áp bức bóc lột thậm tệ; học ngoại ngữ trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn để trau dồi vốn hiểu biết, thâu thái tinh hoa văn hóa của nhân loại; ngót trăm lần thay đổi họ tên để đánh lạc hướng sự truy đuổi của kẻ thù. Những năm tháng đó đã làm nảy sinh lòng hữu ái của Người đối với nhân dân lao động thế giới. Điều đặc biệt quan trọng là Người đã sớm phát hiện những mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp tư bản thống trị và quần chúng lao động bị bóc lột ở các nước đế quốc Pháp, Mỹ, Anh, nơi đã từng diễn ra cách mạng tư sản và nêu cao khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái. Cách nhìn sắc sảo hiện thực khách quan thế giới đó giúp Người tránh xa chủ nghĩa cơ hội đang tác động tới phong trào công nhân ở nhiều nước Tây Âu, trước khi Người tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin; khẳng định con đường cách mạng tư sản không thể đưa lại tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân lao động, cũng không thể là con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào Việt Nam.
Những năm Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc ở Pháp cũng là lúc tình hình đời sống chính trị thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Quốc tế Cộng sản (thành lập năm 1919). Trong không khí chính trị đó, năm 1919, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp, vì theo cách nhìn nhận của Người: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại Cách mạng Pháp: “Tự do, bình đẳng, bác ái”2. Sự kiện này đánh dấu Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên tham gia chính đảng Pháp.
Từ những thực tiễn, trải nghiệm đó đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc tìm tòi, trăn trở hướng đi cho dân tộc Việt Nam; tìm kiếm những cơ hội để thực hiện mục tiêu, bắt đầu từ những yêu sách ôn hòa, giành quyền tự quyết cho dân tộc, đến quyền độc lập cho dân tộc, khi có cơ hội. Và một trong những dấu mốc đó là Hội nghị Versailles.
Hội nghị Versailles được tổ chức ngày 28-6-1919, sau khi Chiến tranh thế giới I kết thúc, các nước thắng trận và bại trận đã họp để ký kết các hòa ước chính thức, cũng như phân chia các quyền lợi cho các nước thắng trận. Các nước thắng trận bao gồm Anh, Pháp, Nga, Italia và Mỹ. Các nước bại trận bao gồm Đức, Áo-Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Hội nghị Versailles, các đoàn đại biểu thay mặt cho các dân tộc bị áp bức đến dự vì nghe có chương trình 14 điểm của Tổng thống Mỹ Wilson, trong đó có đặt vấn đề quan tâm tới quyền lợi của các dân tộc thuộc địa.
Khi đó người thanh niên yêu nước Nguyễn  Tất Thành đang ở Pháp, đã tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pari và tại các tỉnh ở Pháp. Nguyễn  Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã đến Hội nghị Versailles với danh nghĩa đại diện cho tổ chức này. Về sự kiện viết bản Yêu sách, có tài liệu cho rằng: Nghe tin có Hội nghị Versailles, Nguyễn Tất Thành bàn với nhà yêu nước Phan Châu Trinh và luật sư, tiến sĩ Phan Văn Trường về viết bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versailles và do thời gian gấp nên nhờ luật sư Phan Văn Trường viết ngay bằng tiếng Pháp thì mới kịp. Khi Bản Yêu sách của nhân dân An Nam đã thảo xong bằng tiếng Pháp, Nguyễn Tất Thành nêu ý kiến để luật sư Phan Văn Trường đứng tên. Luật sư Phan Văn Trường nêu rõ: Yêu sách này tuy do ông  viết bằng tiếng Pháp nhưng nội dung và sáng kiến lớn lao này là của Nguyễn Tất Thành; hầu hết ý kiến nêu ra trong bản Yêu sách cũng là của Nguyễn Tất Thành; là cái tâm, cái chí là của anh Nguyễn Tất Thành... Luật sư Phan Văn Trường nêu rõ: Người trí thức không được phép lấy công người khác làm công của mình, “Cái gì của Xêda thì phải trả lại cho Xêda”3. Cuối cùng, với sự thuyết phục của Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành đã quyết định đứng mũi chịu sào, với cái tên chung cho tấm lòng của mọi người. Nguyễn Tất Thành ký vào cuối bản Yêu sách: Thay mặt cho một nhóm người An Nam yêu nước: Nguyễn Ái Quốc (ký tên)
Tại Hội nghị Versailles, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến tận tay các đại biểu dự Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Sự kiện này có tài liệu cho biết: Các đoàn đại biểu tham gia Hội nghị và nhiều nghị sĩ Pháp cũng nhận được bản yêu sách. Kèm theo bản yêu sách có bức thư ngắn: “Thưa ngài! Nhân dịp chiến thắng của Đồng minh, chúng tôi xin mạn phép gửi để Ngài kèm theo đây bản ghi những yêu sách của nhân dân An Nam. Tin tưởng ở sự độ lượng cao cả của Ngài, chúng tôi mong Ngài ủng hộ bản yêu sách này trước những người có thẩm quyền.
Thay mặt nhóm những người An Nam yêu nước: Nguyễn Ái Quốc”4.
Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm rất ôn hòa, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Bản Yêu sách gồm nội dung chính: “Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông-Pháp, xin trình bày với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây:
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người  Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và tự do hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”5.
Và đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện trên diễn đàn chính trị thế giới cụm danh từ “Nguyễn Ái Quốc”.
 
2. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam-âm hưởng hào hùng, những giá trị khai mở
Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versailles, tại thời điểm đó đã có nhiều giá trị khai mở. Lần đầu tiên có một người Việt Nam yêu nước dám đứng lên đưa yêu sách của nhân dân An Nam-một thuộc địa của Pháp đến hội nghị của các cường quốc đế quốc thắng trận, đòi quyền lợi cho dân tộc mình. Chính điều này đã đánh thức tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong nước vốn một thời gian dài bị lắng xuống, khi các phong trào yêu nước lần lượt bị dập tắt và bế tắc về mặt đường lối, phương pháp đấu tranh. Sự kiện ghi dấu mốc vào lịch sử dân tộc là ngày 18-6-1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Cùng ngày, bản Yêu sách được đăng báo Nhân Đạo của Trung ương Đảng Xã hội Pháp dưới nhan đề “Quyền của các dân tộc”. Bản Yêu sách sau đó được Nguyễn Ái Quốc dịch ra chữ Hán và chuyển thành một bài diễn ca chữ Quốc ngữ, và  Nguyễn Ái Quốc còn bỏ tiền túi ra in 6.000 bản như những truyền đơn, gửi tới các tòa báo, phân phát trong các cuộc mít tinh, hội họp ở nhiều tỉnh nước Pháp và bí mật gửi về Việt Nam.
Những yêu sách ôn hòa đó của nhóm người Việt Nam yêu nước của Nguyễn Ái Quốc đều không được Chính phủ Pháp, cũng như các nước trong Hội nghị Versailles quan tâm, để ý. Điều đó, đã bóc trần trò bịp bợm của Chương trình 14 điểm của Tổng thống Mỹ Wilson, trong đó có điểm 5 hứa hẹn “giải quyết rộng rãi tự do và hết sức vô tư các yêu sách về (vấn đề) thuộc địa” và nguyên lý “quyền tự quyết của các dân tộc”. Giọng điệu xảo trá ấy cũng được Tổng thống Pháp Raymông Poăngcarê (Raymond Poincaré) phụ họa trong diễn văn khai mạc Hội nghị Versailles: “Cái mà công lý gạt ra ngoài, ấy là cái mộng xâm lược và mộng đế quốc, ấy là cái thói quen khinh thường các dân tộc, ấy là cái thói quen của các nước lớn mạnh đổi chác nhau các tỉnh, các vùng làm như tuồng các dân tộc là vật vô tri giống như bàn ghế trong nhà riêng, là con cờ “trên bàn cờ”6. Qua đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến một kết luận quan trọng: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới”7.
Bản Yêu sách đã nêu ra các quyền cơ bản của con người mà xứ An Nam phải được hưởng, đây là các quyền phổ quát trong đó có các quyền như: tự do ngôn luận, tự do đi lại, quyền bình đẳng đã được Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1789 ghi nhận. Ngoài ra còn có các đòi hỏi chính đáng khác như: quyền tự do giáo dục và sáng tạo bằng cách cho phép mở các trường học ở khắp các tỉnh nhằm nâng cao dân trí và đào tạo ra những người có chuyên môn để phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở An Nam...
Bản Yêu sách cũng không đặt vấn đề đòi độc lập, tự chủ, tự quyết, giải phóng, vì những người thảo ra biết trước rằng điều cơ bản ấy không thể giải quyết được ở bàn Hội nghị của các nước thắng trận; cho nên mở đầu bản Yêu sách của người Việt Nam đã nói rõ là trong khi quyền tự quyết của các dân tộc chưa được thực hiện thì các nước thắng trận phải thực hiện những cải cách mà họ đã từng hứa hẹn trong lúc còn chiến tranh, những cải cách mà các dân tộc thuộc địa cần có và có quyền đòi hỏi ở nhà cầm quyền.
Tầm quan trọng lịch sử của bản Yêu sách là đã thức tỉnh nhiều người, và cung cấp cho giới thượng lưu tiến bộ một chương trình hành động; mở đầu cho cuộc đấu tranh lâu dài đòi hỏi cải cách dân chủ, thức tỉnh, tập hợp nhân dân, điều mà trước đó chưa ai làm, cũng chưa có đoàn thể, tổ chức nào nghĩ tới: Đòi cải cách mà không bị rơi vào chủ nghĩa cải lương, khẩu hiệu đòi lợi ích từng phần mở đường cho việc đưa ra những khẩu hiệu cơ bản. Bản Yêu sách đã tác động lớn đến tinh thần yêu nước, niềm tin đấu tranh của nhân dân trong nước đang sống trong giai đoạn đen tối nhất dưới chế độ thực dân Pháp cai trị kể từ sau thất bại của các phong trào yêu nước diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930.
Bản Yêu sách đã có ảnh hưởng khá sâu rộng trong các giới ở Pháp. Dư luận Pháp hết sức chú ý đến bản Yêu sách, đã gây tiếng vang, ảnh hưởng lớn tới các nước thuộc địa của Pháp.
Ngày 2-8-1919, trên báo Nhân Đạo của Đảng Xã hội Pháp xuất hiện bài báo của Nguyễn Ái Quốc nhan đề “Vấn đề dân bản xứ”. Nguyễn Ái Quốc nói rõ rằng những nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là những vấn đề sơ đẳng nhất về quyền tự do dân chủ và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Rằng bản Yêu sách đó “lại có thể gây chấn động giới thực dân... Rất ôn hoà cả về nội dung lẫn về hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi, và nhằm vào những quyền tự do mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn. Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền tự do ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả”8.
Lần đầu tiên ở Pháp và ở Việt Nam đã biết đến cái tên gọi rất ấn tượng-Nguyễn Ái Quốc. Đặc biệt, từ bản Yêu sách cho thấy một điều quan trọng và ý nghĩa hơn-một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực ngay giữa vòng vây của kẻ thù. Đây là người mà mật thám Pháp Paul Arnoux (Pôn Ácnu) chuyên theo dõi người Việt Nam ở Pháp; tận mắt chứng kiến Nguyễn Ái Quốc phân phát truyền đơn in bản Yêu sách, đã từng thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”9. Và đúng như dự cảm của Paul Arnoux, bắt đầu từ đây Nguyễn Ái Quốc bằng trí tuệ sắc sảo và bản lĩnh kiên cường sẽ có những hành động “sáng suốt đến lạ thường” dẫn dắt dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đi tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Với bản Yêu sách của nhân dân An Nam, nếu người Pháp coi là “quả bom đặt giữa những người Pháp ở Đông Dương” thì người Việt Nam yêu nước coi bản Yêu sách là “tiếng sấm của mùa Xuân”. Tiếng sấm ấy báo hiệu xứ Đông Dương thuộc Pháp có một dân tộc Việt Nam bị áp bức đang khát khao vùng lên giải phóng, giành độc lập cho dân tộc mình. Bản Yêu sách đã khẳng định với thế giới, một dân tộc Việt Nam đang sống trong cảnh bị đô hộ và chịu nhiều áp bức, bóc lột luôn giữ vững ý chí đấu tranh vì quyền lợi, tự do của dân tộc mình. Sự kiện này cũng là tiếng pháo báo hiệu cho cả thế giới biết rằng một dân tộc nhỏ bé đang vươn mình trở dậy và hoàn toàn có thể làm nên điều kỳ diệu trong cuộc chiến với đế quốc thực dân mạnh hơn gấp nhiều lần. Bản Yêu sách cũng là tiếng pháo hiệu kích thích phong trào đấu tranh trong nước; nêu cao chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam trước những nước lớn trên thế giới ở thời điểm lúc bấy giờ.
Bản Yêu sách của nhân dân An Nam ra đời cách đây tròn 100 năm, đã gây tiếng vang lớn không những trong dư luận xã hội nước Pháp, mà còn dội mạnh về trong nước, tạo nên một bước chuyển mới trong phong trào giải phóng dân tộc, thức tỉnh dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam về quyền dân tộc tự quyết, tiến tới giành quyền độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, và cũng từ đây tên tuổi Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã gắn chặt với phong trào giải phóng dân tộc-một trào lưu cách mạng tiến bộ làm thay đổi thế giới trong thế kỷ XX. 100 năm, âm hưởng của bản Yêu sách của nhân dân An Nam vẫn còn những giá trị bền vững và lan tỏa.
__________________
1, 2. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb CTQG, H, 2015, tr. 14-15, 61
3, 4. Xem “Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây”, http://baotanghochiminh.vn/ban-yeu-sach-cua-nhan-dan-an-nam-gui-hoi-nghi-vecxay.htm, ngày 1-4-2018 (Dẫn theo sách 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H, 2007)
5, 7, 8. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 1, tr. 440-441, 441, 15
6. Dẫn theo GS Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám-Thành công của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 1993, T. 3, tr. 32
9. Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb Thanh niên, H, 1999, tr. 80.

TS ĐẶNG KIM OANH
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS VŨ THỊ NGỌC LIÊN
Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai